Tăng khả năng kiểm soát hoạt động xây dựng pháp luật
Thống nhất với quan điểm đề cao việc thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (Luật 2015) sẽ là cơ sở để hoàn thành có chất lượng các dự án luật, pháp lệnh, qua đó bảo đảm triển khai hiệu quả Chương trình xây dựng luật pháp lệnh các tháng cuối năm 2016 và năm 2017, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội, đã đề xuất thêm những cơ chế cụ thể để nâng cao chất lượng lập pháp của Quốc hội.
* Đẩy mạnh công tác tập hợp hóa, pháp điển hóa
Đặt câu hỏi hầu hết các dự thảo luật, pháp lệnh đều thực hiện theo quy trình xây dựng pháp luật nhưng tại sao vẫn xảy ra tình trạng còn những đạo luật chất lượng không được bảo đảm, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đại biểu Quốc hội Đỗ Ngọc Thịnh cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này là do các cơ quan có trách nhiệm, thẩm quyền trong xây dựng pháp luật, ban soạn thảo, thẩm tra vẫn chưa làm hết trách nhiệm của mình hoặc chưa tiếp thu hết các ý kiến của cơ quan, ban, ngành đóng góp vào dự thảo luật đó.
Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh đánh giá nội dung yếu nhất hiện nay trong chu trình xây dựng pháp luật là khả năng kiểm soát hoạt động xây dựng pháp luật ngay từ cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra. Luật sư nhìn nhận Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và Bộ Tư pháp phải “gác cổng” cho Quốc hội và Chính phủ trong việc kiểm tra, giám sát chất lượng các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết của các cơ quan xây dựng pháp luật. Khi phát hiện những điều vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau hoặc chất lượng không bảo đảm, phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để khắc phục ngay tồn tại. “Theo tôi Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên thành lập một tổ công tác như Chính phủ hiện nay để kiểm tra song hành giám sát cùng Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và Bộ Tư pháp để có biện pháp khắc phục ngay chứ không thể đưa ra Quốc hội thảo luận những dự thảo mà chất lượng không được bảo đảm hoặc vẫn còn có ý kiến khác nhau vẫn chưa xử lý được”. Luật sư nêu Ủy ban Pháp luật và Bộ Tư pháp cần nâng cao hơn nữa khả năng kiểm soát và trách nhiệm trong việc giúp cho Quốc hội để nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật. Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Mai Bộ (Ủy ban Quốc phòng, An ninh) ngay sau khi dự thảo luật được Quốc hội cho ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên tổ chức một kỳ họp của đại biểu Quốc hội chuyên trách để chỉ tập trung thảo luận về những vấn đề có ý kiến khác nhau, mang tính chất phản biện thì mới khắc phục được vấn đề thảo luận một chiều. Làm như thế mới huy động được các đại biểu Quốc hội chuyên trách không thuộc các Ủy ban của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc là thành phần tham gia thẩm tra dự thảo luật, đồng thời có sự phản biện lẫn nhau khắc phục việc phát biểu một chiều.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Ủy ban Tài chính, Ngân sách) cho rằng, cần đẩy mạnh công tác tập hợp hóa, pháp điển hóa. Việc này phải làm thường xuyên, mỗi một đạo luật chuẩn bị ban hành hay sửa đổi phải có ngay kết quả pháp điển hóa để từ đó loại bỏ ngay trong quá trình này những quy định không còn giá trị, quy định trùng lắp, quy định không còn phù hợp, qua đó hỗ trợ tích cực trong quá trình lập pháp.
* Kiên quyết khắc phục tình trạng cơ quan trình dự án luật “nhường trách nhiệm”
Một vấn đề đáng lưu ý, cần được rút kinh nghiệm được nhiều đại biểu Quốc hội nhắc tới đó là theo quy định của Luật, cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm trong suốt quá trình xây dựng văn bản, từ khâu soạn thảo, thẩm định đến khi thông qua. Cơ quan soạn thảo phải chịu trách nhiệm cả trong việc chỉnh lý, hoàn thiện các quy định, chính sách do mình đề xuất cho đến khi văn bản được thông qua và triển khai thực hiện. Tuy nhiên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu thực tế, sau khi văn bản được trình sang Quốc hội, vẫn còn tình trạng cơ quan trình “nhường trách nhiệm” cho các cơ quan của Quốc hội. Nhiều trường hợp các cơ quan soạn thảo cử người không đủ thẩm quyền hoặc tham dự không đầy đủ các buổi họp chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật. Cùng nhận xét này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương nêu có một số dự án luật trình ra Quốc hội chất lượng “rất yếu”, khi thẩm tra chỉnh sửa mất rất nhiều công sức, nhưng khi trình ra Quốc hội thì cơ quan soạn thảo gần như phó mặc trách nhiệm, “đổ trách nhiệm” cho Quốc hội - đại biểu bức xúc nói.
Khắc phục điểm yếu này, Luật 2015 đã quy định cụ thể trách nhiệm của Ban soạn thảo. Thành viên Ban soạn thảo có nhiệm vụ tham dự đầy đủ các cuộc họp của Ban soạn thảo và chịu trách nhiệm về chất lượng, tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi đối với các nội dung được phân công trong dự thảo văn bản và tiến độ xây dựng dự thảo văn bản. Trong trường hợp vì lý do khách quan mà không tham dự được thì phải có ý kiến đóng góp bằng văn bản. Đối với dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết không do Chính phủ trình thì trước khi trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật phải gửi dự án để Chính phủ cho ý kiến.
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, các cơ quan chủ trì soạn thảo cần chủ động và phối hợp có trách nhiệm hơn với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban có liên quan của Quốc hội trong quá trình soạn thảo, đặc biệt là việc nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo sau khi đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến; kiên quyết khắc phục tình trạng sau khi trình dự thảo luật rồi thì coi như việc của cơ quan soạn thảo là xong, “phó mặc” việc phối hợp chỉnh lý cho cơ quan thẩm tra
* Đề cao trách nhiệm đại biểu Quốc hội
Một điểm đáng lưu ý trong Luật 2015 đã có những quy định cụ thể khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của đại biểu Quốc hội trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội và hoạt động xây dựng pháp luật nói riêng. Theo Luật 2015 và các văn bản quy phạm pháp luật, cá nhân đại biểu Quốc hội có quyền sáng kiến pháp luật, quyền giám sát việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và có thể tham gia ý kiến trong các công đoạn của quá trình xây dựng, ban hành luật, pháp lệnh. Đại biểu Quốc hội có thể tham gia ý kiến về dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết rất sớm, từ khi lập Chương trình, soạn thảo dự án đến thẩm tra, xem xét, thông qua. Đại biểu Quốc hội có thể tham gia thảo luận tại các cuộc họp, hội thảo, hội nghị của các cơ quan soạn thảo, cơ quan của Quốc hội về dự án luật, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội, Tổ đại biểu Quốc hội, tham gia thảo luận tại Hội trường trong các kỳ họp Quốc hội. Đại biểu có thể gửi ý kiến đóng góp bằng văn bản, tham gia góp ý với cơ quan soạn thảo từ khi dự thảo được các cơ quan này công bố để lấy ý kiến; tham gia ý kiến trong các cuộc lấy ý kiến nhân dân về các dự án luật lớn hoặc góp ý kiến qua các phương tiện khác như nêu ý kiến trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc qua trang web Duthaoonline do Văn phòng Quốc hội phụ trách.
Nhiều ý kiến đề cao vai trò của đại biểu Quốc hội, đặc biệt là đại biểu Quốc hội chuyên trách trong quá trình xây dựng pháp luật. Với vai trò của mình, các đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyên trách cần tích cực, chủ động hơn nữa, dành thời gian nghiên cứu, tìm hiểu nội dung các dự án thuộc chương trình ngay từ sớm để có những đóng góp tích cực hơn nữa trong quá trình xây dựng pháp luật./.
Biểu diễn 3 chương trình nghệ thuật chào mừng 71 năm Quốc khánh  (22/08/2016)
Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất ở các tỉnh vùng núi phía Bắc  (22/08/2016)
Hoạt động đối ngoại cần phải là một phương thuốc hòa bình hữu hiệu  (22/08/2016)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 15 đến ngày 21-8-2016  (22/08/2016)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 15 đến ngày 21-8-2016  (22/08/2016)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên