TCCSĐT - Giám đốc tổ chức nâng cao nhận thức Onemyr (Malaysia) cho rằng game tương tác Pokemon Go hiện đang được chia sẻ rầm rộ trên các trang mạng có thể “đe dọa an ninh quốc gia”.

Pokemon Go có thể giúp các khu vực bị thiên tai tàn phá hút khách

 

Các nhân vật trong Pokemon có xuất xứ từ Nhật Bản. Ảnh: AFP

Ngay sau khi ra mắt tại thị trường Úc và một số nước khác, game tương tác Pokemon Go của Tập đoàn Niantic (Mỹ) đã được cộng đồng mạng chia sẻ với tốc độ rất lớn. Bốn tỉnh tại khu vực Đông Bắc và Tây Bắc Nhật Bản là Iwate, Miyagi và Fukushima và Kumamoto từng bị tàn phá trong thảm họa động đất và sóng thần năm 2011, cũng như bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi trận động đất lớn vào tháng 4 vừa qua, đang muốn dựa vào cơn sốt trò chơi Pokemon Go để hút khách du lịch. Bốn tỉnh trên đang lên kế hoạch hợp tác với đơn vị phụ trách ở Nhật Bản của Tập đoàn Niantic, công ty phát triển Pokemon Go, với hy vọng sẽ có thêm thắng cảnh trong khu vực thành các điểm dừng chân để người chơi thu thập các món đồ hoặc có thể huấn luyện thú ảo (Pokemon).

Trong khi đó, chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) đã yêu cầu tập đoàn Niantic đưa các khu vực đường cao tốc ra khỏi Pokemon Go sau khi nhiều người bị phát hiện chơi trò này khi đang lái xe, dẫn đến nhiều vụ tai nạn không đáng có. Tại Campuchia, các nạn nhân sống sót qua chế độ diệt chủng Khmer Đỏ đã bức xúc trước việc những người chơi Pokemon Go đổ về nhà tù Tuol Sleng khét tiếng của chế độ, nay là bảo tàng về tội ác diệt chủng, để bắt thú ảo vì coi đây là hành động xúc phạm vong hồn các nạn nhân. Nghiêm trọng hơn, Giám đốc tổ chức nâng cao nhận thức Onemyr (Malaysia) đồng thời là nhà tư vấn công nghệ thông tin, ông Mohd Ridzman cho rằng Pokemon Go có thể “đe dọa an ninh quốc gia” nếu người chơi sử dụng wifi được cung cấp cho các cơ quan chính phủ. Theo ông M. Ridzman, nếu các game thủ sử dụng wifi công cộng tại các cơ quan của chính phủ, các hacker sẽ tiếp cận các địa chỉ IP và có thể đánh cắp các thông tin quan trọng. Cùng quan điểm trên, người phát ngôn của CyberSecurity Malaysia cũng khuyên người dùng tự trang bị cho mình kiến thức và kỹ năng trong sử dụng Internet và các ứng dụng di động một cách tích cực.

Các hội nghị quốc tế chống khủng bố ở Indonesia

 

Hội nghị quốc tế về chống khủng bố khai mạc tại đảo Bali, Indonesia. Ảnh: Jakarta Post

Ngày 10-8-2016, hai hội nghị quốc tế chống khủng bố đã chính thức khai mạc tại đảo Bali của Indonesia, với sự tham dự của các đại diện đến từ 20 quốc gia và 3 tổ chức quốc tế. Các hội nghị trên được tổ chức trong bối cảnh nhà chức trách Indonesia ngày 05-8 vừa qua bắt giữ 6 đối tượng âm mưu tấn công Vịnh Marina của Singapore bằng rocket từ đảo Batam của Indonesia. Nhóm này được cho là có liên hệ với Bahrun Naim, phần tử người Indonesia đang tham chiến cùng IS ở Syria và là kẻ chủ mưu loạt vụ tấn công ở Jakarta hồi đầu năm 2016.

Phát biểu khai mạc hai hội nghị diễn ra song song, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề Chính trị, Pháp lý và An ninh Indonesia Wiranto nhấn mạnh trong bối cảnh các mối đe dọa tấn công khủng bố gia tăng với sự xuất hiện của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), cần triển khai tất cả các biện pháp cần thiết để ngăn chặn và chống chủ nghĩa khủng bố. Ông Wiranto nêu rõ tình trạng bất ổn chính trị, ý thức hệ cực đoan hiện nay, hoạt động sử dụng mạng xã hội và sự gia tăng các nguồn tài chính phi pháp là những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ gia tăng các vụ tấn công khủng bố trên toàn cầu. Bên cạnh đó, việc các tay súng IS trở về quê hương là một yếu tố góp phần dẫn tới hiện tượng “sói đơn độc”, một thách thức mới cần phải lường trước trong cuộc chiến chống khủng bố. Trong thông điệp của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Chống khủng bố của Liên hợp quốc Trần Vĩ Hùng đọc tại Hội nghị, Tổng Thư ký Ban Ki-moon nhấn mạnh rằng mọi nỗ lực chống khủng bố phải tuân thủ đầy đủ pháp luật quốc tế về nhân quyền.

IFRC: Các nước châu Á cần tăng cường đầu tư vào giảm bớt rủi ro thiên tai

 

Các nước châu Á - Thái Bình Dương cần phải tăng cường đầu tư vào giảm bớt rủi ro thiên tai. Ảnh: VGP

Theo Hiệp hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc tế (IFRC), các nước châu Á - Thái Bình Dương đã đạt tiến bộ trong khắc phục thiên tai song vẫn cần phải tăng cường đầu tư vào giảm bớt rủi ro thiên tai trước khi sự việc trở nên “quá muộn đối với quá nhiều người” ở một khu vực thường xuyên hứng chịu thiên tai từ mưa bão, động đất tới lũ lụt,... Tổng Thư ký IFRC, Elhadj As Sy cho biết, so với 5 - 10 năm trước đây, các nước trong khu vực hiện được trang bị và có sự chuẩn bị tốt hơn nhưng có thể vẫn là chưa đủ. Ngoài ra, Tổng Thư ký IFRC cho rằng khi thảm họa tới, việc ứng phó là chưa đủ mà điều quan trọng nhất là cách mà các nước có thể hợp tác với nhau trong nỗ lực giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Theo Liên hợp quốc, châu Á - Thái Bình Dương là khu vực dễ xảy ra thiên tai nhất trên thế giới, chiếm hơn một nửa trong số 344 vụ thiên tai trên thế giới trong năm 2015, với hơn 16.000 người bị thiệt mạng và 59 triệu người bị ảnh hưởng chỉ riêng tại khu vực này. Báo cáo về thiên tai khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên hợp quốc năm 2015 cho biết viện trợ quốc tế về khắc phục thiên tai từ năm 2004 đến 2013 là 28 tỷ USD, nhưng phần lớn trong số này là dành cho hoạt động đối phó khẩn cấp và tái khôi phục, ít dành cho phòng ngừa thiên tai. Trong khi đó, châu Á - Thái Bình Dương là khu vực đặc biệt tổn thương bởi thiên tai, một phần do dân số khu vực tăng nhanh và một số lượng lớn người nghèo ở đô thị sinh sống ở những khu vực nguy hiểm như nhà ổ chuột và khu vực bờ sông. Theo số liệu mới nhất của Liên hợp quốc được công bố hồi tháng 3-2016, hơn 700 triệu người trong khu vực hiện đang sinh sống ở những vùng có nguy cơ thảm họa “cao và rất cao” và con số này có thể lên tới 1 tỷ người vào năm 2030.

Nga và Ukraine tiếp tục căng thẳng

 

Tổng thống Vladimir Putin sẽ đưa ra quyết định cuối cùng sau khi phân tích đầy đủ các thông tin đã thu thập được. Ảnh: TTXVN

Ngày 12-8-2016, báo “Izvestia” (Tin tức) dẫn nguồn tin ngoại giao Nga cho biết, nước này đang xem xét phương án đáp trả âm mưu khủng bố tại Crimea mà phía Moskva cho rằng có sự liên quan của tình báo quân đội Ukraine, trong đó thảo luận khả năng cắt đứt quan hệ ngoại giao với Kiev. Tuy nhiên Tổng thống Vladimir Putin sẽ đưa ra quyết định cuối cùng sau khi phân tích đầy đủ các thông tin đã thu thập được. Cũng theo nguồn tin trên, Moskva đang xem xét khả năng đóng cửa Đại sứ quán của Nga tại Kiev và triệu hồi tất cả các nhân viên ngoại giao về nước. Trước đó, ngày 11-8-2016, theo yêu cầu của Phái đoàn Thường trực Ukraine tại Liên hợp quốc, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông báo sẽ tiến hành thảo luận về tình trạng leo thang căng thẳng tại Crimea. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cũng đã chỉ thị Bộ Ngoại giao nước này tổ chức các cuộc điện đàm song phương với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande liên quan tới tình hình tại bán đảo Crimea. Tuyên bố trên trang web của Văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết ông P. Poroshenko còn chỉ thị cho Bộ Ngoại giao mời Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk tham gia cuộc điện đàm.

Mối quan hệ ngoại giao giữa Nga và Ukraine trở nên căng thẳng kể từ năm 2014 khi bán đảo Crimea sáp nhập trở lại LB Nga và Kiev cáo buộc Moskva liên quan tới cuộc xung đột ở miền Đông quốc gia láng giềng này. Gần đầy nhất, FSB thông báo đã bắt giữ một nhóm biệt kích tại Crimea, cũng như ngăn chặn thành công âm mưu tấn công khủng bố có sự “giật dây” của Tổng cục Tình báo thuộc Bộ Quốc phòng Ukraine nhằm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng trên bán đảo này. Tuy nhiên, phía Ukraine đã bác bỏ cáo buộc của FSB, đồng thời tuyên bố Nga đang tăng cường quân, cùng nhiều vũ khí và trang thiết bị quân sự gần Crimea.

Nghị viện Mercosur nỗ lực giải quyết khủng hoảng liên quan tới Venezuela

 

Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) đang rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng. Ảnh: TTXVN

Nghị viện Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Parlasur) đã lập nhóm quan chức cấp cao nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hiện nay tại Mercosur liên quan tới những bất đồng về việc Venezuela giữ chức chủ tịch luân phiên. Nghị sĩ Parlasur Jorge Taiana thừa nhận Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) đang rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng, do đó nhóm quan chức cấp cao Parlasur sẽ cố gắng tìm giải pháp khắc phục. Nhóm này gồm 5 nghị sĩ Parlasur đến từ Brazil, Paraguay, Uruguay và Venezuela.

Khủng hoảng trong Mercosur xảy ra khi Uruguay kết thúc nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên ngày 29-7 vừa qua và theo thứ tự Venezuela sẽ tiếp quản. Tuy nhiên, Paraguay, Brazil và Argentina đã phản đối và tẩy chay việc Caracas giữ chức chủ tịch bởi cho rằng Chính phủ Venezuela vi phạm nhân quyền. Brazil đã đưa ra đề xuất thành lập một “hội đồng không chính thức” để điều hành hoạt động của khối này cho đến tháng 01-2017, thời điểm Argentina đảm nhận chức chủ tịch luân phiên. Bất chấp sự phản đối của 3 nước thành viên Mercosur, Venezuela vẫn tiến hành lễ thượng cờ và tuyên bố đảm nhiệm chức chủ tịch. Uruguay là quốc gia thành viên duy nhất ủng hộ việc chuyển giao chức chủ tịch luân phiên cho Venezuela. Chính phủ Venezuela cho rằng quy định về việc chuyển giao chức chủ tịch luân phiên là rất rõ ràng và cương vị này thuộc về Caracas theo đúng nguyên tắc. Mercosur gồm 5 thành viên, bao gồm Brazil, Argentina, Paraguay, Uruguay và Venezuela. Hiện Venezuela và Brazil đều đang phải đương đầu với các cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế trầm trọng./.