Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 18-7 đến ngày 24-7-2016)
Công bố loại vaccine phòng, chống HIV mới
Ảnh minh họa. Ảnh: beingalivela.org
Ngày 19-7-2016, tại Hội nghị quốc tế về phòng, chống AIDS lần thứ 21 (AIDS 2016) diễn ra ở thành phố Durban của Nam Phi, các nhà khoa học y khoa Mỹ và Nam Phi đã công bố một loại vaccine phòng ngừa lây nhiễm HIV mới, mang tên HVTN 100. Sau 7 năm nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, hiện vaccine HVTN 100 đang được thử nghiệm trên một số nhóm người tình nguyện tại Nam Phi, để xác định về mức độ phản ứng miễn dịch. Theo nhóm chuyên gia trên, đây là một phiên bản sửa đổi của loại vaccine HIV đầu tiên mang tên RV144 được công bố và thử nghiệm trong nhóm người tình nguyện tại Thái Lan trước đây. Kết quả thí nghiệm vừa được công bố cho thấy một trong những ưu điểm của vaccine mới là tìm ra những kháng thể trung gian, giúp nâng khả năng kháng virus HIV và miễn dịch cao nhất cho đến thời điểm này. Đây là bước đột phá, mở đường cho việc nghiên cứu loại vaccine phòng, chống HIV mới ngày càng hiệu quả hơn.
Trong báo cáo liên quan công bố ngày 18-7, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết, AIDS vẫn là nguyên nhân gây tử vong lớn thứ hai đối với trẻ em và thanh thiếu niên trong độ tuổi 10 - 19 tuổi trên toàn cầu và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở châu Phi. Tỷ lệ tử vong liên quan đến HIV/AIDS ở thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 15 đến 19 đã tăng gấp đôi kể từ năm 2000. Chỉ tính riêng trong năm 2015, trong bình cứ mỗi giờ trên thế giới lại có 29 trường hợp mới bị nhiễm HIV/AIDS ở lứa tuổi trên. UNICEF khuyến cáo các nước trên thế giới cần phải nỗ lực hơn nữa để ngăn chặn tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Malaysia hợp tác với điều tra nước ngoài liên quan đến quỹ đầu tư 1MDB
Ảnh minh họa. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 21-7-2016, Chính phủ Malaysia cho biết sẽ hợp tác đầy đủ với bất kỳ cuộc điều tra pháp lý nào sau khi các công tố viên Mỹ bắt đầu thủ tục phong tỏa hơn một tỷ USD tài sản liên quan đến quỹ đầu tư thuộc sở hữu nhà nước Malaysia mang tên “Quỹ 1MDB”. Người phát ngôn của Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho biết, Malaysia “ghi nhận vụ kiện dân sự của Bộ Tư pháp Mỹ nhằm vào nhiều tài sản khác nhau. Chính phủ Malaysia sẽ hợp tác đầy đủ với mọi cuộc điều tra pháp lý đối với các công ty của Malaysia hoặc công dân nước này theo các nghị định thư quốc tế”. Người phát ngôn này cũng nhấn mạnh rằng chính quyền Malaysia đã tiến hành nhiều cuộc điều tra khác nhau và không phát hiện bất cứ vi phạm nào. Trưởng Công tố Malaysia, Mohamed Apandi Ali vẫn khẳng định không có bằng chứng trong bất kỳ cuộc điều tra nào do các cơ quan thực thi pháp luật thuộc các cấp tòa án chứng tỏ rằng tiền từ quỹ 1MDB đã bị sử dụng không phù hợp. Văn phòng Trưởng Công tố Malaysia cũng tuyên bố không có cáo buộc hình sự nào chống lại bất kỳ cá nhân nào về vi phạm sử dụng sai quỹ 1MDB. Trong khi đó, Thủ tướng N. Razak kêu gọi người dân không vội vàng kết luận trước khi tiến trình điều tra hoàn tất và khẳng định chính phủ luôn cố gắng quản lý tốt.
Quỹ 1MDB được Chính phủ Malaysia thành lập để thúc đẩy phát triển kinh tế tại Malaysia thông qua quan hệ đối tác toàn cầu và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tuy nhiên, năm 2015, có thông tin rằng quỹ này đã thất thoát một khoản lớn trong các giao dịch trong vài năm. Ngày 20-7, Mỹ thông báo lập hồ sơ một vụ kiện dân sự nhằm đòi bồi thường và lấy lại hơn 1 tỷ USD tài sản đã mua bằng tiền đánh cắp từ 1MDB. Trưởng Công tố của Mỹ Loretta Lynch cho biết các tài sản này có liên quan đến “âm mưu quốc tế rửa tiền từ quỹ của Malaysia”. Về phần mình, 1MDB cho biết quỹ này không phải là một bên trong vụ kiện dân sự trên, “không có bất kỳ tài sản nào ở Mỹ cũng không hưởng lợi từ các giao dịch khác nhau được nêu trong đơn kiện”.
Hội nghị “1+6” giữa Trung Quốc và các tổ chức kinh tế toàn cầu tìm cách thúc đẩy tăng trưởng
Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde tại Hội nghị “1+6”. Ảnh: AP/TTXVN
Ngày 22-7-2016, Hội nghị bàn tròn “1+6” lần đầu tiên diễn ra tại Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, với chủ đề “thúc đẩy kinh tế Trung Quốc và kinh tế thế giới tăng trưởng đồng đều, mạnh mẽ và bền vững”. Tham dự hội nghị trên có Thủ tướng nước chủ nhà Lý Khắc Cường và 6 người đứng đầu các tổ chức kinh tế toàn cầu gồm Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Roberto Azevedo, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Guy Ryder, Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) Angel Gurria và Chủ tịch Ủy ban ổn định tài chính Mark Carney .
Phát biểu tại cuộc họp báo chung, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường kêu gọi thế giới tăng cường phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô. Thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định những yếu tố cơ bản của nền kinh tế Trung Quốc vẫn không thay đổi dù phải đối mặt với sức ép suy giảm mạnh. Ông cũng nhận định tỷ lệ nợ công của Trung Quốc không cao, nhưng Chính phủ Trung Quốc sẽ tăng cường quản lý lĩnh vực ngân hàng “ngầm” và giám sát hoạt động tài chính của các chính quyền địa phương. Ngoài ra, ông cho biết do những biến động tài chính bắt nguồn từ “Brexit’ (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu), Trung Quốc sẽ thúc đẩy cải cách tỷ giá hối đoái dựa trên thị trường, đồng thời nhấn mạnh Trung Quốc sẽ duy trì tỷ giá hối đoái về cơ bản ổn định ở mức cân bằng và sẽ không gây ra cuộc chiến thương mại hay tiền tệ. Cập nhật các con số dự báo được đưa ra hồi tháng 4 vừa qua, Tổng giám đốc IMF C. Lagarde dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,1% trong năm 2016 và 3,4% trong năm 2017, điều chỉnh giảm 0,1% đối với cả hai năm này, do bất ổn xung quanh vấn đề Brexit. Tuy nhiên, đại diện IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc thêm 0,1% lên 6,6% trong năm nay, nhờ những cải cách “triệt để và dứt khoát” cũng như sự hỗ trợ tích cực nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế của nước này.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN: Tiếp tục bày tỏ quan ngại về tình hình phức tạp gần đây trên Biển Đông
Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Hội nghị. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 24-7-2016, tại Thủ đô Viêng Chăn của Lào đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 49 (AMM 49). Với chủ đề “Đưa Tầm nhìn thành hiện thực vì một Cộng đồng ASEAN năng động”, các bộ trưởng đã tập trung thảo luận 5 nội dung chính gồm: các biện pháp củng cố đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN; triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025; nâng cao hiệu quả bộ máy tổ chức; hợp tác giữa ASEAN với các đối tác và trao đổi về tình hình khu vực và quốc tế. Các bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh ASEAN cần ưu tiên hàng đầu việc củng cố, tăng cường đoàn kết, thống nhất bởi đây là một trong những điều kiện tiên quyết cho thành công của tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, là nền tảng để ASEAN khẳng định và phát huy vai trò, trách nhiệm và tiếng nói trong việc xử lý các vấn đề chiến lược liên quan đến hòa bình, an ninh và ổn định khu vực, nâng cao hình ảnh và uy tín của Cộng đồng ASEAN.
Nội dung tuyên bố chung của Hội nghị (Tuyên bố AMM 49) có một phần riêng về Biển Đông, trong đó bày tỏ hết sức quan ngại về những diễn tiến gần đây cũng như hiện nay tại Biển Đông và ghi nhận những quan ngại của một số bộ trưởng về các hành động cải tạo và leo thang các hoạt động tại khu vực, điều đang gây xói mòn lòng tin, làm gia tăng căng thẳng và có thể hủy hoại hòa bình, an ninh và ổn định tại khu vực. Tuyên bố khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không qua khu vực bên trên Biển Đông,…
G20 cảnh báo khủng bố và Brexit tạo ra nguy cơ đối với tăng trưởng
Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lâu
Kế Vĩ phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng
Trung ương G20 ngày 23-7. Ảnh: EPA/TTXVN
Sau hai ngày làm việc, chiều 24-7-2016, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã bế mạc tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Tây Nam Trung Quốc.
Trong tuyên bố chung, các nước thành viên G20 thừa nhận tiến trình phục hồi của nền kinh tế toàn cầu vẫn tiếp diễn, song yếu hơn kỳ vọng. G20 cam kết sẽ sử dụng “tất cả các công cụ chính sách”, trong đó có các biện pháp tiền tệ, tài chính và cơ cấu, nhằm tăng cường lòng tin và thúc đẩy tăng trưởng, qua đó hướng đến việc đạt được “các mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và toàn diện”. Đại diện các nước cũng phản đối mọi hình thức bảo hộ thương mại, đồng thời cam kết không phá giá tiền tệ để thúc đẩy xuất khẩu. Ngoài ra, tuyên bố cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm thiểu dư thừa năng lực sản xuất công nghiệp trong ngành thép và các ngành công nghiệp khác, vốn dẫn đến tình trạng thừa cung và giá cả hàng hóa sụt giảm. Tuyên bố cũng nhận định việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, đặt ra nhiều nguy cơ đối với kinh tế thế giới, trước hết là tạo thêm bất ổn cho nền kinh tế, song các nước thành viên G20 đã sẵn sàng chủ động ứng phó với những tác động tài chính và kinh tế tiềm tàng do “cú sốc” này mang lại. Các bộ trưởng cũng bày tỏ hy vọng trong tương lai, nước Anh sẽ là “một đối tác thân cận” của EU. Liên quan đến vấn đề khủng bố, tuyên bố cảnh báo các cuộc tấn công khủng bố thường xuyên diễn ra với mức độ ngày càng tăng đang trở thành một mối đe dọa đối với nền kinh tế toàn cầu. G20 cam kết sẽ ngăn chặn mọi hình thức tài trợ cho khủng bố./.
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 18-7 đến ngày 24-7-2016)  (25/07/2016)
Binh chủng Tăng thiết giáp: Hội thi “Nhà ăn, nhà bếp chính quy, an toàn, chất lượng và tăng gia sản xuất chế biến” năm 2016  (25/07/2016)
Đồng chí Trần Đại Quang trúng cử chức vụ Chủ tịch nước  (25/07/2016)
Trình Quốc hội khóa XIV nhân sự bầu chức danh Chủ tịch nước  (25/07/2016)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 18 đến ngày 24-7-2016  (25/07/2016)
Dâng hương tưởng niệm các liệt sỹ tại Nghĩa trang Quốc gia Vị Xuyên  (24/07/2016)
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên