Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên khai mạc Hội nghị thường niên ADB lần thứ 44 với chủ đề “Tương lai châu Á: Thách thức khu vực, trách nhiệm toàn cầu”.

TCCSĐT - Sáng 5-5, với chủ đề “Tương lai Châu Á: Thách thức khu vực, trách nhiệm toàn cầu”, Hội nghị thường niên lần thứ 44 của Hội đồng Thống đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, với sự tham dự của đông đảo của các Thống đốc Ngân hàng Trung ương, Bộ trưởng Tài chính, các nhà doanh nghiệp, các diễn giả uy tín đến từ 67 nước thành viên ADB và nhiều tổ chức tài chính quốc tế.

Tới dự và phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhiệt liệt chào mừng các vị khách quý đến tham dự Hội nghị thường niên ADB lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Việt Nam đang tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế... thông qua việc thực hiện Chiến lược Phát triển Kinh tế xã hội giai đoạn 2011 - 2020. Riêng 5 năm tới sẽ là giai đoạn kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi, với mục tiêu tăng trưởng bình quân 7% một năm và tỷ lệ hộ nghèo giảm 2% qua các năm. Việt Nam cũng đặt mục tiêu thu nhập khu vực nông thôn 5 năm tới sẽ tăng gấp đôi 2010. 10 năm qua, kinh tế Việt Nam tăng trưởng bình quân 7,26% mỗi năm, tỷ lệ đói nghèo giảm từ 58% năm 1993 xuống dưới 10% năm 2010.

"Tuy đạt được nhiều thành tựu, Việt Nam vẫn là một nước nghèo, chặng đường phát triển phía trước còn rất nhiều khó khăn. Việt Nam sẽ huy động và sử dụng tốt nhất nội lực của mình, đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ có hiệu quả hơn nữa của cộng đồng quốc tế, của các nhà tài trợ, trong đó có ADB và các nước thành viên", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói. Tính đến tháng 3 năm nay, ADB đã cam kết cung cấp cho Việt Nam gần 10 tỉ USD cho Việt Nam, với hơn 100 chương trình và dự án, tập trung vào các lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, nông thôn, năng lượng và giáo dục.

Phát biểu tại phiên khai mạc, đồng chí Nguyễn Văn Giàu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tọa Hội đồng Thống đốc nêu rõ: sự phát triển của kinh tế châu Á, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gần đây ngày càng khẳng định tính năng động và vai trò “động lực tăng trưởng” của khu vực này trong quá trình khôi phục kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, các quốc gia trong khu vực đang phải đối mặt với nguy cơ lạm phát cao và dòng vốn nước ngoài gia tăng vào khu vực; cần cân nhắc thận trọng thời điểm và cách thức thoái lui các chương trình kích cầu, đồng thời xây dựng khuôn khổ kinh tế đặc biệt để đảm bảo dòng vốn được quản lý phù hợp, ổn định tài chính từ đó tái cân bằng nền kinh tế và bảo đảm tăng trưởng bền vững.

Theo Chủ tịch ADB Ku-rô-đa, châu Á có thể dẫn đầu và phát triển năng động, bền vững hơn nếu như dám đương đầu với các thách thức trung và dài hạn với một mục tiêu và quyết tâm mạnh mẽ. Sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, Khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang nổi lên nhanh chóng nhưng phải đối mặt với các thách thức lớn về đói nghèo, bất bình đẳng, quá trình đô thị hóa nhanh, biến đổi của môi trường và khí hậu.

Chủ tịch ADB đã nhấn mạnh 5 yếu tố quan trọng sẽ khai mở tiềm năng của khu vực. Phải có những nhà lãnh đạo kiệt xuất với khả năng điều hành quản trị đất nước; tăng thêm quyền cho người nghèo và có các thể chế đảm bảo sự bình đẳng và quyền công dân. Yếu tố quan trọng thứ hai là cần có một hệ thống tài chính vững mạnh bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng (ước tính 750 tỉ USD/năm) và gần gũi hơn với người nghèo nhằm giúp họ có được cơ hội phát triển kinh tế, đối phó với các cú sốc về tài chính và có thể tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục. Chủ tịch ADB cũng cho rằng châu Á cần học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm với các khu vực đang phát triển khác như Châu Mỹ La-tinh, tăng cường “hợp tác Nam - Nam” để thúc đẩy tăng trưởng khu vực châu Á, góp phần ổn định kinh tế toàn cầu. Hợp tác và hội nhập kinh tế sâu rộng hơn sẽ giúp châu Á nâng cao khả năng ứng phó với các thách thức toàn cầu như giá cả hàng hóa tăng cao, thiếu hụt lương thực, nước sạch, năng lượng. Cuối cùng, châu Á cần thể hiện vai trò đầu tàu trong giải quyết những vấn đề nóng bỏng toàn cầu và cung cấp hàng hóa.

* Sáng 5-5, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp ông Ha-ru-hi-kô Ku-rô-đa, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đang tham dự Hội nghị thường niên ADB lần thứ 44. Ông Ha-ru-hi-kô Ku-rô-đa đánh giá cao sự hỗ trợ của Việt Nam trong việc ADB tổ chức Hội nghị thường niên lần thứ 44; khẳng định, ADB tiếp tục tăng các khoản vay ưu đãi cho Việt Nam, nhất là các dự án về môi trường, hạ tầng giao thông, xóa đói giảm nghèo... Ông tin tưởng với các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội sẽ phát huy hiệu quả, tiếp tục đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.

Ngay sau buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo các bộ, ngành đã chứng kiến Lễ ký giữa Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu và Chủ tịch ADB Ha-ru-hi-kô Ku-rô-đa khoản vay trị giá 1,38 tỉ USD về đầu tư giao thông, môi trường và nguồn nước. Theo đó, ADB sẽ hỗ trợ về tài chính 1 tỉ USD cho dự án cải thiện nguồn nước sạch tại các thành phố của Việt Nam, 350 triệu USD cho dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành và 30 triệu USD bảo vệ rừng tại các tỉnh miền Trung./.