Đảng và Nhà nước Việt Nam coi an toàn - vệ sinh lao động (AT - VSLĐ) là một chính sách kinh tế - xã hội quan trọng để hạn chế và ngăn ngừa nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhằm bảo vệ tính mạng, sức khoẻ người lao động, bảo vệ tài sản nhà nước và tài sản công dân, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo số liệu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), mỗi ngày trên thế giới có khoảng 5000 người chết vì tai nạn lao động hoặc tai nạn liên quan đến nghề nghiệp, tức vào khoảng từ 2 đến 2,3 triệu người chết hằng năm; trong số này, có khoảng 350.000 ca tai nạn lao động chết người và khoảng từ 1,7 đến 2 triệu người chết vì bệnh nghề nghiệp.

Mỗi năm, có khoảng 270 triệu người bị tai nạn lao động phải nghỉ việc ít nhất là 3 ngày và khoảng 160 triệu người mắc bệnh nghề nghiệp. Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp làm thiệt hại khoảng 4% GDP của toàn thế giới.
 
Ở Việt Nam, theo báo cáo của các cơ quan chức năng, năm 2008, cả nước xảy ra 5.836 vụ tai nạn lao động, làm chết 573 người, bị thương 6.047 người. Tai nạn lao động chủ yếu xảy ra do điện giật, ngã từ trên cao xuống....Tai nạn lao động xảy ra nhiều trong các ngành xây dựng, công nghiệp, giao thông, khai thác khoáng sản, cơ khí...

Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, bên cạnh thời cơ, thuận lợi, Việt Nam cũng gặp không ít những nguy cơ, thách thức đối với một nước đang phát triển, trong đó có vấn đề môi trường, đảm bảo an toàn - vệ sinh lao động như: có thể trở thành bãi thải của các nước xuất khẩu công nghệ do nhập khẩu hàng công nghệ lạc hậu, máy móc, thiết bị đã hết khấu hao nếu không có những giải pháp kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu thiết bị; điều kiện lao động xuất hiện nhiều yếu tố, nguy cơ về an toàn và sức khỏe do sử dụng các công nghệ không bảo đảm... Trong khi đó, năng lực quản lý nhà nước về AT - VSLĐ chưa đáp ứng kịp thời tốc độ phát triển kinh tế, xã hội. Còn nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn về lĩnh vực này chưa kịp đổi mới. Công tác huấn luyện về AT - VSLĐ chưa bắt kịp yêu cầu của thực tiễn. Việc truyền tải các kiến thức AT - VSLĐ trong hệ thống giáo dục chưa được nhiều…

Đảm bảo an toàn - vệ sinh lao động là một chính sách kinh tế - xã hội quan trọng

Để hạn chế và ngăn ngừa nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhằm bảo vệ tính mạng, sức khoẻ người lao động, bảo vệ tài sản nhà nước và tài sản công dân, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Đảng và Nhà nước Việt Nam coi đảm bảo an toàn - vệ sinh lao động (AT - VSLĐ) là một chính sách kinh tế - xã hội quan trọng. Theo đó, quan tâm chăm lo cải thiện điều kiện làm việc, bảo đảm AT - VSLĐ, phòng chống tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, bảo vệ tính mạng và sức khoẻ cho người lao động là trách nhiệm của Chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động.
 
Ngày 18-10-2006, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 233/2006/QĐ - TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động đến năm 2010. Trong đó, có 7 lĩnh vực hoạt động ưu tiên là: 1- xây dựng năng lực quản lý nhà nước về bảo hộ lao động; 2- khai khoáng, xây dựng và sử dụng điện an toàn; 3- nông nghiệp và lao động nông thôn; 4- các doanh nghiệp vừa và nhỏ; 5- phòng, chống bệnh nghề nghiệp; 6 thông tin, đào tạo và nâng cao nhận thức cộng đồng; 7- Ứng dụng khoa học, công nghệ.

Năm 2005, Hồ sơ quốc gia về AT -VSLĐ đầu tiên ở Việt Nam được xây dựng, nhằm hệ thống lại những thành tựu đã làm được và nêu lên những việc cần làm trong tương lai. Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cũng đã được hình thành trong Quỹ bảo hiểm xã hội theo Luật Bảo hiểm xã hội mới, có hiệu lực từ 2007.

Mục đích của việc tổ chức Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ-PCCN: nhằm phát động sâu rộng phong trào quần chúng lao động ở các ngành, địa phương, các doanh nghiệp, đơn vị chấp hành đúng quy định pháp luật về Bảo hộ lao động; hạn chế và ngăn ngừa nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhằm bảo vệ tính mạng, sức khoẻ người lao động, bảo vệ tài sản nhà nước và tài sản công dân, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; Nêu cao ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động đối với công tác an toàn vệ sinh lao động; Đề ra chương trình hành động để thực hiện tốt công tác ATVSLĐ-PCCN.

- Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ-PCCN

- Lần thứ nhất được tổ chức năm 1999 tại Hà Nội;

- Lần thứ 2: năm 2000 tại Thành phố Hồ Chí Minh;

- Lần thứ 3: năm 2001, tại thành phố Đà Nẵng;

- Lần thứ 4: năm 2002 tại thành phố Hải Phòng.

- Lần thứ 5: năm 2003, tại thành phố Vinh, Nghệ An

- Lần thứ 6: năm 2004, tại thành phố Cần Thơ, tỉnh Cần Thơ

- Lần thứ 7: năm 2005, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh

- Lần thứ 8: năm 2006, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

- Lần thứ 9: năm 2007, tại tỉnh Bình Dương.

- Lần thứ 10: năm 2008, tại Phú Thọ
 
- Tuần lễ Quốc gia An toàn Vệ sinh Lao động lần thứ 11 sẽ diễn ra từ 15 đến 21- 3-2009 tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.  

Hằng năm, Tuần lễ quốc gia về an toàn - vệ sinh lao động và phòng, chống cháy nổ được tổ chức để cảnh tỉnh và nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, người sử dụng lao động, người lao động tuân thủ các nguyên tắc, quy trình, quy phạm kỹ thuật, hướng đến một môi trường lao động được cải thiện và an toàn.

Tăng cường hợp tác quốc tế về an toàn - vệ sinh lao động

Trong những năm vừa qua, các hoạt động hợp tác quốc tế về AT - VSLĐ do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cơ quan liên quan thực hiện đã góp phần tích cực trong việc tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác AT - VSLĐ.

Các tổ chức quốc tế như ILO, WHO, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Đức... đã hç trî nhiều chương trình, dự án về AT - VSLĐ, trong đó có các dự án: “An toàn - vệ sinh lao động và Thanh tra lao động hợp nhất; “Nâng cao năng lực về an toàn - vệ sinh lao động trong nông nghiệp ở Việt Nam; “Hỗ trợ và cải thiện điều kiện làm việc trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ”. Thông qua đó, việc giới thiệu các phương pháp quản lý AT - VSLĐ, cải thiện điều kiện làm việc (WIND, WISE, OSH-MS...) cho doanh nghiệp và nông dân đã giúp người sử dụng lao động và người lao động có ý thức và hành động cụ thể trong thực hiện AT - VSLĐ.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã tham gia tích cực trong lĩnh vực AT - VSLĐ, được Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và các quốc gia thành viên ASEAN đánh giá là đã có những hoạt động thiết thực, theo hướng tuân thủ luật pháp quốc tế để tiến tới xây dựng môi trường lao động an toàn, vệ sinh.

Công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế về công tác AT - VSLĐ ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Các chương trình, dự án hợp tác với các tổ chức quốc tế đều bảo đảm nguyên tắc tôn trọng tính làm chủ của Việt Nam. Đặc biệt, năm 2007, Việt Nam được các quốc gia thành viên ASEAN-OSHNET lựa chọn là quốc gia điều phối ASEAN-OSHNET về Hồ sơ quốc gia và Chương trình quốc gia về bảo hộ lao động, an toàn lao động và vệ sinh lao động. Đây là sự ghi nhận của các quốc gia thành viên ASEAN-OSHNET và ILO về sự nỗ lực trong công tác AT - VSLĐ của Việt Nam.

Các chương trình, dự án AT - VSLĐ do các tổ chức quốc tế tài trợ đã góp phần đáng kể vào công tác AT - VSLĐ và Chương trình quốc gia về bảo hộ lao động, an toàn lao động và vệ sinh lao động ở Việt Nam trong thời gian qua, nhất là tại các địa phương thuộc địa bàn của chương trình, dự án.

Hoạt động hợp tác quốc tế đã góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác AT - VSLĐ có khả năng và sáng tạo, nhất là đối với các hoạt động nghiên cứu, xây dựng văn bản, tập huấn, đào tạo...

Một số giải pháp nhằm đẩy mạnh hợp tác quốc tế về AT - VSLĐ

Thứ nhất, tăng cường hợp tác về AT - VSLĐ trong mạng lưới ASEAN - OSHNET; tích cực phối hợp với ILO để thực hiện vai trò của một quốc gia điều phối về Hồ sơ quốc gia và Chương trình quốc gia về bảo hộ lao động, an toàn lao động và vệ sinh lao động.

Thứ hai, trong xây dựng các chính sách, chế độ và tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động của chương trình, dự án về AT - VSLĐ, cần có sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, sự phối hợp hoạt động chặt chẽ của các bộ, ngành thông qua cơ chế phối hợp 3 bên (đại diện nhà nước, người sử dụng lao động và người lao động).

Thứ ba, công tác AT - VSLĐ là sự nghiệp của toàn xã hội. Các cơ sở, doanh nghiệp cần cố gắng tự đầu tư cho công tác AT - VSLĐ. Đồng thời, Nhà nước cần đầu tư thoả đáng cho công tác AT - VSLĐ thông qua chương trình, dự án.

Thứ tư, tăng cường quản lý nhà nước về AT - VSLĐ trong các hoạt động của chương trình, dự án và các hoạt động đối ngoại. Nâng cao năng lực cán bộ AT - VSLĐ về chuyên môn cũng như ngoại ngữ để có kiến thức thực hiện tốt các chương trình, dự án.

Thứ năm, các cấp, các ngành và các cơ quan chức năng cần tổ chức tốt các lớp huấn luyện AT - VSLĐ cho người lao động và người sử dụng lao động để có thể tự bảo vệ chính mình và người xung quanh trong quá trình sản xuất. Đồng thời, có sự phối hợp chặt chẽ trong việc tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người sử dụng lao động và người lao động thực hiện nghiêm túc pháp luật lao động, trong đó chú trọng đặc biệt tới công tác AT - VSLĐ.

Thứ sáu, tăng cường trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin, nghiên cứu, học tập các mô hình điểm về AT - VSLĐ của quốc tế và khu vực để phục vụ tốt công tác này cũng như khẳng định vi trí, uy tín của Việt nam trong quá trình hợp tác và thực hiện các hoạt động hợp tác.

Thứ bảy, mở rộng phạm vi và đối tượng quản lý về AT - VSLĐ trong các thành phần kinh tế, lĩnh vực kinh tế, nhất là đối với lĩnh vực khai thác khoáng sản, trong đó chú trọng bảo đảm AT - VSLĐ cho người lao động và môi trường xung quanh.

Thứ tám, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ AT - VSLĐ về lập kế hoạch, quản lý chương trình, dự án, cũng như kỹ năng làm việc với đối tác./.