Trong hai ngày 4- 5 tháng 3 năm 2009, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế (Hà Nội) đã diễn ra Hội nghị "Tổng kết công tác phòng, chống AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm năm 2008". Đến dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh, các đồng chí lãnh đạo của Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đại diện của Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam và đại diện lãnh đạo của nhiều bộ, ban, ngành khác.

Hội nghị đánh giá, công tác tác phòng, chống AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm đã có nhiều chuyển biến tích cực trong năm 2008 vừa qua là nhờ có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, ngày càng tích cực và chủ động triển khai các hoạt động của nhiều bộ, ban, ngành trên toàn quốc, đặc biệt là sự phối hợp giữa Bộ Công An, Bộ Y tế và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Các văn bản quy phạm pháp luật, các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật được xây dựng và kịp thời hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện, đáp ứng được tính cấp thiết về nhu cầu thực tiễn trong hoạt động.

Hệ thống phòng chống nhiễm HIV-AIDS từ Trung ương đến địa phương đã được kiện toàn. Cho đến nay, đã có 61/63 tỉnh, thành phố thành lập Trung tâm phòng, chống HIV- AIDS, trong đó có 56 trung tâm phòng chống riêng biệt. Tại tuyến quận, huyện có Kho kiểm soát dịch bệnh và HIV-AIDS tại Trung tâm Y tế huyện. Tuyến xã, phường có cán bộ kiêm nhiệm và cộng tác viên phòng chống HIV-AIDS. Tuy nhiên, là một hệ thống mới thành lập nên còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn về nhân lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị.

Năm 2008 cũng là năm có nhiều hoạt động thông tin, truyền thông sôi nổi về cuộc chiến chống đại dịch HIV-AIDS. Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV-AIDS (từ ngày 10-11-2008 đến 10-12-2008), tại Trung ương có 18 sự kiện được tổ chức, trong đó phải kể đến Lễ phát động Tháng hành động quốc gia và phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV-AIDS tại cộng đồng dân cư”; mít tinh diễu hành nhân ngày Thế giới phòng, chống AIDS (ngày 1-12 hàng năm); đêm giao lưu Những trái tim đồng cảm nhằm kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ Quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV- AIDS.

Tại 63/63 tỉnh, thành phố đồng loạt trong cùng một thời điểm tổ chức mít tinh và diễu hành với 6.250 xã, phường và trên 2,4 triệu người tham gia. Các tỉnh, thành đã phân phát hơn 7 triệu tờ rơi và tiến hành truyền thông trực tiếp cho trên 4 triệu lượt người thuộc nhóm có hành vi nguy cơ cao.

Công tác dự phòng lây truyền HIV/AIDS từ mẹ sang con đã tư vấn trước sinh cho 351.625 người, trong đó xét nghiệm cho 193.835 người. Số phụ nữ mang thai nhiễm HIV đã sinh con được điều trị dự phòng là 5.982 người. Số trẻ em sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được chăm sóc, quản lý là 848 trẻ, số trẻ dưới 6 tháng tuổi được cung cấp đủ sữa thay thế sữa mẹ là 555 trẻ. Trong năm 2008, Bộ Y tế đã tiến hành phát thẻ bảo hiểm y tế cho 1.107 trẻ em bị nhiễm HIV và đang quyết tâm phấn đấu chăm sóc, hỗ trợ cho 100% các cháu được sinh ra từ bà mẹ bị nhiễm HIV.

Đặc biệt, năm 2008 là năm đầu tiên triển khai Đề án Methadol. Đây là phương pháp điều trị thay thế cai nghiện bằng thuốc Methadol. Tính đến 31-12-2008, tổng số bệnh nhân tham gia điều trị tại 6 cơ sở điều trị Methadol của Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Minh là 825 bệnh nhân. Chương trình điều trị thí điểm thuốc thay thế Methadol đã được sự ủng hộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cộng đồng dân cư tại 6 quận, huyện của các thành phố này. Chương trình cũng đáp ứng được nguyện vọng của người nghiện chích ma túy, gia đình có người sử dụng ma túy, góp phần làm giảm đáng kể nhu cầu sử dụng ma túy.

So sánh với năm 2007 cho thấy, số trường hợp nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS và tử vong do AIDS đều giảm. Cụ thể, số trường hợp nhiễm HIV phát hiện giảm 26,6% (giảm 7368 trường hợp), số bệnh nhân AIDS phát hiện được giảm 14,35% (giảm 1.249 trường hợp) và số trường hợp tử vong do AIDS giảm 18,75% trường hợp (giảm 804 trường hợp).

Tính đến 31-12-2008, đã phát hiện người nhiễm HIV tại 70,51% xã, phường; 97,53% quận, huyện và 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Thống kê cho thấy, tỷ lệ nam giới nhiễm HIV cao gấp 4 lần nữ giới: nam giới chiếm 82,04% và nữ giới chiếm 17,96%, tỷ lệ này ít biến động kể từ năm 1993 trở lại đây. Đa phần người nhiễm HIV/AIDS ở lứa tuổi trẻ, trong đó số nhiễm HIV/AIDS trong nhóm tuổi từ 20-39 chiếm tới 83% trên tổng số người nhiễm HIV/AIDS được báo cáo.

Tuy đã đạt được nhiều thành tích đáng kể trong công tác phòng chống mại dâm, song kết quả chưa bền vững, tệ nạn mại dâm mới giảm ở bề nổi.

Công tác tuyên truyền phòng, chống AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm trong năm 2008 tuy đã có nhiều nỗ lực song vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc, như: hình thức, nội dung tuyên truyền, giáo dục nhiều khi chưa phù hợp với đặc điểm riêng của từng đối tượng theo lứa tuổi và ngành nghề khác nhau, nên sự tác động đến nhận thức của các đối tượng khác nhau trong xã hội còn nhiều bất cập. Kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động còn hạn chế; một số văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này còn nhiều vướng mắc, khó thực hiện như một số quy định về xử phạt hành chính, mức xử lý vi phạm chưa thống nhất, phân tán trong nhiều văn bản thuộc các lĩnh vực văn hóa, lao động, thương mại, du lịch, an ninh trật tự... dẫn đến hiện tượng chồng chéo, khó thực hiện.../.