Bầu cử Mỹ 2016: Các ứng cử viên “về đích” dần lộ diện
TCCSĐT - Dư luận nước Mỹ dường như sôi động hơn khi ngày 03-5-2016, tỷ phú Donald Trump - nhân tố được đánh giá là “bất ngờ” - đã giành chiến thắng quan trọng trong cuộc bầu cử sơ bộ tại tiểu bang Indiana, qua đó gần như chắc chắn sẽ trở thành ứng cử viên đại diện của Đảng Cộng hòa tham gia cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào đầu tháng 11 tới. Trong khi đó, cuộc đua bên phía Đảng Dân chủ tiếp tục thế bám đuổi sau khi Thượng nghị sĩ Bernie Sanders vượt qua cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton tại bang miền Bắc này.
Tỷ phú Donald Trump và cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong cuộc đua song mã. Ảnh: vov.vn
Cơ hội giành “tấm vé cuối cùng”
Trong chặng đường đua giành tấm vé đại diện cho đảng của mình để bước vào cuộc tổng tuyển cử trở thành chủ nhân Nhà Trắng, ngày 03-5, tỷ phú D. Trump của Đảng Cộng hòa đã giành chiến thắng ngoạn mục tại tiểu bang Indiana. Các phương tiện truyền thông Mỹ cho hay, ứng cử viên D. Trump đã giành được 54,1% số phiếu ủng hộ, dễ dàng vượt qua đối thủ bám sát nhất là Thượng nghị sĩ bang Texas Ted Cruz với 33,8% số phiếu bầu. Đảng Cộng hòa áp dụng quy tắc kiểm phiếu “thắng giành đa số phiếu đại biểu” (winner-takes-most) tại bang Indiana, do vậy, chiến thắng này đã mang lại cho tỷ phú D. Trump thêm 51 phiếu đại biểu, nâng tổng số phiếu đại biểu ông giành được tới thời điểm này lên 1.047 phiếu đại biểu và tiến gần hơn tới mục tiêu giành tối thiểu 1.237 phiếu đại biểu để trở thành ứng cử viên của Đảng Cộng hòa. Đây là chiến thắng thứ 7 liên tiếp của ứng cử viên D. Trump trong các cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng hòa, rút ngắn quãng đường trở thành ứng cử viên duy nhất đại diện Đảng Cộng hòa ra tranh cử chiếc ghế tổng thống Mỹ vào ngày 08-11 tới.
Trước thắng lợi vang dội thuộc về ông D. Trump, Thượng nghị sĩ bang Texas Ted Cruz ngay sau đó đã tuyên bố rời khỏi cuộc đua. Phát biểu trước những cử tri ủng hộ, ứng cử viên Ted Cruz cho biết, ông “tôn trọng lựa chọn của cử tri và đã quyết định chọn một hướng đi khác”. Tiếp theo Thượng nghị sĩ bang Texas Ted Cruz, ứng cử viên đảng Cộng hòa Thống đốc bang Ohio John Kasich cũng tuyên bố chấm dứt nỗ lực tranh cử Tổng thống Mỹ, mở đường cho tỷ phú D. Trump giành tấm vé duy nhất của Đảng Cộng hòa. Phát biểu cảm ơn cử tri ủng hộ tại bang Ohio, Thống đốc J. Kasich kêu gọi người dân Mỹ giúp đỡ những người xung quanh nhiều hơn. Như vậy, hiện cuộc đua của “Những chú voi” (biệt danh của Đảng Cộng hòa), không còn những đối thủ bám sát nút với ứng cử viên D. Trump.
Ở bên kia “chiến tuyến”, Đảng Dân chủ tiếp tục thế bám đuổi. Trong cùng ngày 03-5, tại cuộc đua của “Những chú lừa” (biệt danh của Đảng Dân chủ), Thượng nghị sĩ Bernie Sanders cũng đã giành chiến thắng quan trọng trong cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Dân chủ tại tiểu bang Indiana, qua đó tiếp tục thu hẹp khoảng cách với cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton để trở thành ứng cử viên đại diện cho đảng này tham gia cuộc bầu cử tổng thống năm nay. Theo kết quả kiểm phiếu của Ủy ban Bầu cử của Đảng Dân chủ tại bang Indiana, ứng cử viên B. Sanders đã giành được 52% số phiếu bầu, vượt qua đối thủ Hillary Clinton với 48% số phiếu ủng hộ. Tuy nhiên, do số phiếu bầu khá sít sao, chiến thắng của ông B. Sanders không ảnh hưởng nhiều tới vị thế ứng cử viên hàng đầu của bà Hillary Clinton. Bởi theo tỷ lệ, chiến thắng tại bang Indiana giúp ông B. Sanders có thêm ít nhất 43 phiếu đại biểu và nâng tổng số phiếu đại biểu có được tới thời điểm này lên 1.410 phiếu đại biểu và 39 phiếu siêu đại biểu. Trong khi đó, kết quả bầu cử sơ bộ tại bang này giúp bà Hillary Clinton có thêm ít nhất 37 phiếu đại biểu, nâng tổng số phiếu lên 1.700 phiếu đại biểu và 520 phiếu siêu đại biểu. Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đang có trong tay tổng cộng 2.223 phiếu. Trong khi Thượng nghị sĩ B. Sanders hiện có tổng cộng 1.450 phiếu. Với lợi thế đang dẫn trước, bà Hillary Clinton cũng gần như chắc chắn sẽ giành được tấm vé duy nhất của Đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay khi theo quy định, để được bầu làm gương mặt đại diện cho Đảng Dân chủ, một ứng cử viên phải giành được ít nhất 2.383 phiếu đại biểu.
Còn nhiều thách thức
Ngay sau chiến thắng áp đảo tại bang Indiana và gần như nắm chắc chiếc vé đại diện cho Đảng Cộng hòa tham gia cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, ứng cử viên Cộng hòa D. Trump bắt đầu tìm kiếm “bạn đồng hành” cho cương vị Phó Tổng thống. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình ABC ngày 04-5, tỷ phú D. Trump cho hay, hình mẫu ứng cử viên cho chức vụ Phó Tổng thống mà ông đang tìm kiếm phải là người thành thạo trên chính trường Mỹ. Bên cạnh đó, người này phải biết làm việc và đối thoại với Thượng viện, Quốc hội để các dự luật dễ dàng được thông qua.
Còn ngày 06-5, ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ, Thượng nghị sĩ B. Sanders tuyên bố ông để ngỏ khả năng liên danh tranh cử với cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton nếu được bà đề nghị vị trí tranh cử Phó Tổng thống sau Đại hội đảng toàn quốc của đảng này. Trong trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình CNN cùng ngày, ông B. Sanders cho hay : “Vào thời điểm này, chúng tôi sẽ tập trung vào 5 tuần tranh cử sắp tới để trở thành ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ. Sau đại hội đảng, tất nhiên tôi và bà Clinton có thể ngồi lại và thảo luận về chặng đường tiếp theo”.
Tuy nhiên, chặng đường trước mắt từ đại hội đảng đến khi chính thức có mặt tại chặng “chung kết” vào chiếc ghế tổng thống Mỹ, các ứng cử viên sáng giá của cả hai Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa còn có nhiều thách thức.
Mặc dù với chiến thắng gần như khẳng định vị trí đại diện cho Đảng Cộng hòa, song tỷ phú D. Trump vẫn chưa có được sự ủng hộ cao từ nội bộ trong đảng. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan, một nhân vật có tiếng nói của đảng và là người sẽ đồng chủ trì Đại hội đại biểu Đảng Cộng hòa vào tháng 7 tới, có thể ảnh hưởng tới lá phiếu của hàng triệu cử tri, vẫn tỏ ra “chưa sẵn sàng” ủng hộ ông D. Trump. Bởi theo ông P. Ryan, điều quan trọng vào thời điểm hiện tại là thống nhất nội bộ đảng. Do vậy, trách nhiệm của ông D. Trump lúc này là hàn gắn những rạn nứt sau một chiến dịch tranh cử khốc liệt cũng như khắc phục hậu quả từ những phát ngôn và đề xuất gây tranh cãi, từ việc cấm người Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ đến việc xây dựng một bức tường dọc biên giới với Mexico để ngăn dòng người di cư trái phép và quan điểm về các vấn đề của nữ giới.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ không phải thành viên Cộng hòa duy nhất không vừa lòng với lựa chọn cho vị trí ứng cử viên của ông D. Trump đại diện cho Đảng Cộng hòa. Trước đó, cha con cựu Tổng thống George Bush cũng lên tiếng không ủng hộ ông D. Trump, trong khi ứng cử viên Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2012 Mitt Romney từ chối tham gia Đại hội đại biểu Đảng Cộng hòa sắp tới. Ông P. Ryan cũng đã kêu gọi các thành viên Cộng hòa không nên vì sự bất mãn của mình mà chọn đứng về phía phe Dân chủ. Điều quan trọng lúc này là đoàn kết trong nội bộ và xây dựng một cương lĩnh tranh cử thuyết phục cho cuộc đấu sắp tới. Đáp lại những ý kiến phản đối, ông trùm bất động sản Mỹ D. Trump đã ra tuyên bố cho biết, ông chưa sẵn sàng để ủng hộ chương trình nghị sự của ông P. Ryan, nhưng bày tỏ hy vọng hai bên có thể đạt được đồng thuận và hợp tác cùng nhau trong tương lai.
Tổng thống đương nhiệm Barack Obama, ngày 06-5 đã kêu gọi ứng cử viên của Đảng Cộng hòa D. Trump nghiên cứu kỹ lưỡng ý định chạy đua vào Nhà Trắng, đồng thời cảnh báo việc tranh cử Tổng thống Mỹ không phải là một “chương trình truyền hình thực tế”. Trả lời câu hỏi của phóng viên về tỷ phú D. Trump, người từng là ngôi sao của chương trình truyền hình “The Apprentice” (Người học việc) trong một thời gian dài, Tổng thống B. Obama nhấn mạnh: “Chúng ta đang ở trong thời đại nghiêm túc và đây là một công việc thực sự nghiêm túc. Đó không phải là một chương trình truyền hình thực tế mà là cuộc cạnh tranh vào vị trí Tổng thống của nước Mỹ. Điều đó có nghĩa là mọi ứng cử viên, mọi nhân vật được đề cử đòi hỏi phải đáp ứng các tiêu chuẩn và được xem xét kỹ lưỡng”. Theo người đứng đầu Nhà Trắng, cần xem xét tiếng tăm và nghiên cứu kỹ những phát biểu trước đây của tỷ phủ bất động sản này. Ứng cử viên của đảng Cộng hòa này từng đề nghị cắt giảm đóng góp của Mỹ cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để các đồng minh phải gánh vác trách nhiệm nhiều hơn. Tỷ phú D. Trump tuyên bố, nếu trở thành tổng thống, ông sẽ khiến các đồng minh của Mỹ phải gánh vác trách nhiệm tài chính lớn hơn đối với việc bảo đảm an ninh của họ do các đồng minh của Mỹ đã được hưởng lợi từ “chiếc ô an ninh” của Washington nhưng lại chưa chia sẻ trách nhiệm tài chính một cách tương xứng.
Nắm trong tay 2.223 phiếu trong tổng số ít nhất cần 2.383 phiếu đại biểu cho chiến thắng đại diện Đảng Dân chủ, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton vẫn cần vượt qua đối thủ bám sát nút là Thượng nghị sĩ Bernie Sanders với sự thuyết phục từ cử tri đảng này. Khi được hỏi liệu ông có chấm dứt chiến dịch tranh cử nếu ngay thời điểm này được đề nghị liên danh tranh cử với vị trí Phó Tổng thống, Thượng nghị sĩ B. Sanders nhấn mạnh “đó là một giả thuyết sẽ không xảy ra”. Tới thời điểm này, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đang chiếm ưu thế để trở thành gương mặt đại diện cho đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới, song nữ chính khách này chưa bao giờ trực tiếp kêu gọi đối thủ từ bỏ cuộc đua.
Cần thêm nỗ lực cần thiết
Nếu như mùa hè năm ngoái, không ít chuyên gia nhận định, tỷ phú D. Trump không phải là một ứng cử viên thực sự, cơ hội của ông đại diện cho Đảng Cộng Hòa tranh cử Tổng thống gần như bằng không thì đến lúc này có vẻ như các chuyên gia cũng như các đối thủ “dè chừng” hơn trước ứng cử viên này.
Sau cuộc bầu cử sơ bộ tại bang Indiana, ứng cử viên của Đảng Cộng hòa - tỷ phú D. Trump đã không còn đối thủ trong đảng khi 2 ứng cử viên tiềm năng nhất đang bám đuổi ông tự động ngừng tranh cử. Như vậy, ông D. Trump gần như chắc chắn sẽ đại diện cho Đảng Cộng hòa trong cuộc đua vào Nhà trắng sẽ diễn ra vào tháng 11 tới. Lý giải về hiện tượng D. Trump, một số chuyên gia nhận định, đây là một ứng cử viên “độc đáo và có thể tạo nên lịch sử”, trong khi nhiều người cho rằng, doanh nhân tỷ phú này hoàn toàn là người ngoài cuộc đối với đấu trường chính trị. Tuy nhiên, nước Mỹ từng chứng kiến nhiều ứng cử viên từng được đánh giá là “người ngoài cuộc” như ông Barack Obama, ông Jimmy Carter. Họ sử dụng cách tiếp cận là người ngoài cuộc để tạo nên sự thay đổi.
Ứng cử viên D. Trump còn độc đáo ở chỗ, ông dường như không sử dụng chiến thuật tranh cử tiêu chuẩn, ông ấy không thể bị kiểm soát. Ứng cử viên D. Trump đã nói nhiều điều đúng với thực trạng của nước Mỹ - một điều mới mẻ trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ. Chính sách vận động mang đầy màu sắc dân túy của D. Trump đã nhận được sự ủng hộ của một bộ phận cử tri Đảng Cộng hòa, khiến họ dễ dàng bỏ qua cho những phát ngôn gây tranh cãi của ông. Chưa kể, những yếu tố “bất ngờ” từng xảy ra tại các cuộc bầu cử tổng thống năm 1948 với ứng cử viên Harry S. Truman. Và trường hợp của Tổng thống Bill Clinton năm 1992 khi ở giai đoạn tranh cử đầu tiên cho đến cuối năm 1991, ứng viên tiềm năng của Đảng Dân chủ không phải là ông Bill Clinton. Trong giai đoạn Chiến tranh Vùng Vịnh, Tổng thống George H.W. Bush duy trì tỷ lệ ủng hộ cao đến gần 90%. Và sự “hồi sinh” của ông Bill Clinton đã khiến dư luận kinh ngạc khi càn quét chiến thắng ở các bang sau đó. Loạt chiến thắng này đã giúp ông trở thành ứng viên chính thức của Đảng Dân chủ, và tự tin thách thức Tổng thống Bush cha.
Còn hơn một tháng nữa mới tới thời điểm hai Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa tiến hành đại hội để cử ra ứng cử viên chính thức của mình ra tranh cử chức Tổng thống Mỹ. Song đến nay, ai cầm chiếc vé đại diện cho đảng của mình chạy đua vào Nhà Trắng đã lộ diện. Bên phía Đảng Cộng hòa, tỷ phú D. Trump băng băng tiến về đích; trong khi đó, phía Đảng Dân chủ, mặc dù chưa ngã ngũ, nhưng nhiều khả năng cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng sẽ dành chiến thắng chung cuộc nhờ sự ủng hộ của cử tri da màu và cử tri nữ. Một khả năng cao là cuộc bầu cử chung kết vào tháng 11 tới sẽ là cuộc đối đầu giữa bà Hillary Clinton và ông D. Trump và các cuộc khẩu chiến đang ngày càng trực diện. Ông D. Trump nói, cái duy nhất là bà Hillary Clinton có được là quân bài phụ nữ. Nếu Hillary Clinton làm một người đàn ông, tôi không nghĩ bà ấy dành được 5% số phiếu. Còn bà Hillary Clinton cho rằng, ông D. Trump là quả pháo xịt và quả pháo xịt thì sẽ không nổ.
Trong bối cảnh tiến trình bầu cử sơ bộ của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã đi được 2/3 chặng đường, kết quả nhiều cuộc thăm dò công bố ngày 06-5 cho thấy cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đang chiếm ưu thế trước tỷ phú D. Trump. Kết quả thăm dò dư luận công bố của trang mạng dự đoán chính trị uy tín “PredictIt” cho thấy, ứng cử viên hàng đầu của Đảng Dân chủ Hillary Clinton có nhiều cơ hội hơn để đánh bại đối thủ Cộng hòa D. Trump và trở thành tổng thống thứ 45 của Mỹ vào đầu năm 2017. Cụ thể, có tới 61% số người được hỏi nói rằng, họ ủng hộ bà Hillary Clinton, trong khi chỉ có 40% số người được hỏi tin tưởng tỷ phú D. Trump sẽ trở thành chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng. Tuy nhiên, “PredictIt” cũng cho biết ông D. Trump đang ngày càng thu hẹp khoảng cách với bà Hillary Clinton sau khi giành chiến thắng tại tiểu bang Indiana.
Vào giai đoạn bầu cử chính này, các ứng cử viên sẽ phải giành giật từng lá phiếu của cử tri toàn quốc. Các chính sách thu hút cử tri ủng hộ cho mình cũng phải sâu sắc và đa diện hơn. Nhiều ý kiến cho rằng, ông D. Trump sẽ phải thay đổi chiến thuật dùng từ ngữ, cử chỉ sao cho phù hợp với phong thái của một vị tổng thống tương lai cũng như lấy lòng các cử tri da màu vốn không mấy thiện cảm về những phát ngôn gây sốc của ông về họ. Còn về phía bà Hillary Clinton, bà có thể tận dụng sự chia rẽ trong Đảng Cộng hòa để lôi kéo cử tri trung lập và một số cử tri Cộng hòa về phía mình cũng như tận dụng kinh nghiệm sẵn có để lấy lòng cử tri. Như vậy, cuộc đua cần tiếp tục có những nỗ lực cần thiết để mỗi ứng cử viên của hai đảng giành được chiến thắng trong chặng đường chung kết./.
Tổng tuyển cử ngày 09-5 ở Philippines: Sự lựa chọn khó khăn  (08/05/2016)
Xây dựng Quốc hội ngày càng đổi mới, gần dân, minh bạch hơn  (07/05/2016)
Trao tiền của Chính phủ và nhân dân Lào hỗ trợ khắc phục hạn hán và xâm nhập mặn tại các tỉnh miền Nam Việt Nam  (07/05/2016)
Điện mừng Đại hội lần thứ 49 Đảng Xã hội chủ nghĩa Bun-ga-ri  (07/05/2016)
Bộ Công Thương họp báo thường kỳ tháng 4-2016  (07/05/2016)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên