Tương lai khó đoán định cho hòa bình ở Syria
TCCSĐT - Cuộc khủng hoảng Syria đã bước sang năm thứ sáu, trở thành điểm nóng lâu dài và nặng nề nhất trong thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI. Trong suốt 5 năm qua, đất nước Syria đã hứng chịu thiệt hại thảm khốc về kinh tế, đồng thời cũng kéo theo những hệ lụy tiêu cực: Sự ra đời và hoành hành của tổ chức khủng bố IS, cuộc khủng hoảng người di cư tại châu Âu.
Những ngày cuối tháng 3 vừa qua, Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria, ông Staffan de Mistura cho biết, sau gần 7 ngày đàm phán, trong khi phái đoàn chính phủ Syria tập trung vào những nguyên tắc, còn phe đối lập lại đưa ra những ý tưởng cho quá trình chuyển tiếp. Hiện hai bên vẫn còn quá nhiều bất đồng xung quanh vai trò của Tổng thống Assad, vấn đề người Kurd, Liên bang hóa… Tuy nhiên, Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria cũng cho rằng quá trình chuyển đổi chính trị của Syria, là “chìa khóa” để giải quyết mọi vấn đề lại chưa được tập trung bàn thảo. Vì thế, ông hối thúc các bên liên quan đặc biệt là Mỹ và Nga phát huy hơn nữa vai trò trung gian và hậu thuẫn cho tiến trình hòa đàm này bằng cách khuyến khích các bên xung đột Syria ngồi vào bàn đàm phán trực tiếp.
Nga rút quân tạo luồng gió mới
Ngày 14-3-2016, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bất ngờ ra lệnh rút phần lớn lực lượng quân sự khỏi Syria với lý do các mục tiêu đặt ra “nhìn chung đã hoàn thành”. Ông V.Putin bày tỏ hy vọng động thái này sẽ khuyến khích tất cả các bên liên quan trong cuộc xung đột Syria theo đuổi một giải pháp hòa bình. Giới quan sát nhận định, với sự can thiệp của quân đội Nga, các lực lượng vũ trang Syria đã đạt được sự chuyển biến lớn trong cuộc chiến chống khủng bố và giành được thế chủ động trong hầu hết các vị trí quan trọng. Hơn 5 tháng tiến hành Chiến dịch quân sự chống IS đã đạt được thành quả rõ ràng. Với sự hỗ trợ của không quân Nga, các lực lượng Syria đã giải phóng được 400 khu vực dân cư đông, và hơn 10.000km2 lãnh thổ. Những phần tử khủng bố bị đẩy lùi khỏi Latakia, Aleppo, và thành cổ Palmyra đã được giải phóng.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Sergei Shoigu cho biết, Không quân Nga đã tiến hành hơn 9.000 cuộc xuất kích ở Syria kể từ tháng 9 năm ngoái. Đây cũng là lần đầu tiên các cuộc không kích quy mô lớn tầm xa trên 1.500km với các tên lửa phóng từ tàu chiến và trên không được tiến hành.
Quyết định rút quân của Nga đưa ra trong bối cảnh cuộc đàm phán hòa bình do Liên hợp quốc bảo trợ có sự tham gia của các bên tham chiến ở Syria đã nối lại ở Geneva. Nhờ vào chiến dịch không kích này mà mọi “nguồn tài nguyên” của IS hầu hết đã bị cắt đứt. Theo các chuyên gia, khi Moscow đã đạt được những mục tiêu chính trị quan trọng thì việc rút quân cũng là hoàn toàn hợp lý. Chiến dịch can thiệp quân sự không chỉ Nga gửi “tín hiệu” tới Tổng thống Bashar al- Assad rằng, sự trợ giúp của lực lượng quân sự Nga không phải là vô hạn, chính quyền Syria cần phải tìm được tiếng nói chung với phe đối lập hoặc sẽ phải độc lập tác chiến mà còn gửi tới Mỹ, phương Tây, các nước Trung Đông thông điệp rằng, Nga không có ý định biến Syria thành “cái cớ” cho việc khôi phục ảnh hưởng của Nga tại đây như thời Liên Xô cũ.
Điều này phần nào làm giảm bớt sự nghi ngại của Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia vùng Vịnh, khi thấy Nga can thiệp quân sự vào khu vực. Tuy nhiên, Tổng thống Vladimir Putin cũng khẳng định quân đội Nga sẽ trở lại Syria một cách nhanh chóng nếu tình hình trở nên cấp thiết và đòi hỏi sự có mặt của quân đội nước này.
Những rào cản cần phải vượt qua
Từ vai trò của Tổng thống Bashar al-Assad: Trong quá trình đàm phán, phe đối lập Syria (HNC) vẫn khăng khăng yêu cầu Tổng thống Bashar al-Assad phải rời khỏi quyền lực và không có vị trí trong tiến trình chuyển giao dân chủ. Tuy nhiên, chính phủ Syria, Nga, Iran lại cho rằng không có điều khoản nào như vậy trong các điều ước quốc tế của tiến trình hòa bình, cả Liên hợp quốc và Mỹ cũng không còn đòi hỏi ông B.Assad phải rời bỏ quyền lực như là điều kiện tiên quyết cho cuộc hòa đàm.
Theo giới phân tích, kể cả sau khi Nga bất ngờ tuyên bố rút quân và chấm dứt chiến dịch không kích ở Syria thì Tổng thống Bashar al-Assad vẫn đang ở thế có lợi và an toàn hơn bao giờ hết trong các cuộc đàm phán hiện nay, vì quân đội nước này đang làm chủ chiến trường, buộc IS phải lẩn trốn.
Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria, ông Staffan de Mistura cũng cho biết, vẫn có những sự khác biệt rất lớn giữa quan điểm của phái đoàn chính phủ Syria với HNC, nhất là vai trò của Tổng thống B.Assad. Và nếu không giải quyết được sự khác biệt này, việc đạt được một thỏa thuận chung giữa các bên là việc làm vô cùng khó khăn.
Đến vấn đề người Kurd: Theo giới quan sát, người Kurd ở cả 3 quốc gia Syria, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ đã có tư tưởng ly khai từ cách đây vài thập kỷ và giờ đây đang được dịp trỗi dậy. Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ coi người Kurd là thủ phạm gây ra các vụ đánh bom khủng bố đẫm máu ở Ankara trong thời gian qua thì việc Nga rút quân khỏi Syria là cơ hội để Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành các chiến dịch quân sự nhằm vào người Kurd ở biên giới Syria.
Ankara chủ trương chống lực lượng ly khai người Kurd thành lập khu tự trị tại Syria, chứ không nhằm lật đổ chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad. Bản thân ông B.Assad cũng không muốn người Kurd ở nước này thành lập khu tự trị, vì thế quân đội Syria cũng không can thiệp quá nhiều vào các hành động của Thổ Nhĩ Kỳ đối với người Kurd của họ ở vùng biên giới hai nước. Trong khi cả Iran và Saudi Arabia cũng không muốn người Kurd thành lập quốc gia riêng để trở thành đồng minh của Israel chống lại họ.
Giới phân tích cho rằng, khi Tổng thống Bashar al-Assad còn nắm quyền, thì việc người Kurd ở Syria đòi thành lập khu tự trị là rất khó được chấp nhận. Trong khi Mỹ và phương Tây coi người Kurd ở Syria là thành phần quan trọng trong phe đối lập, thậm chí còn là lực lượng chủ chốt trong cuộc chiến chống IS, và nhận được sự hỗ trợ của cả Mỹ và Nga trong các chiến dịch quân sự. Tuy nhiên họ lại không có tên trong thành phần phái đoàn đàm phán với chính phủ Syria tại Geneva.
Thể chế Liên bang hóa: Trước thềm cuộc đàm phán để tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Syria, ngày 17-3 lực lượng người Kurd ở cả 3 khu vực chủ yếu đã họp ở thị trấn Rmeilan (Syria) và tuyên bố thành lập một hệ thống Liên bang ở phía Bắc nước này. Theo giới chuyên gia, sự rắc rối ở chỗ các bên tham gia đàm phán không muốn nghe ý kiến của lực lượng người Kurd. Trong khi chính quyền Damascus coi quyết định của người Kurd là bất hợp pháp, thì đại diện ngoại giao Nga lại cho rằng: “Chỉ có sự tham gia bình đẳng của người Kurd cùng với những bên khác trong các cuộc đàm phán tại Geneva mới trợ giúp cho tiến trình hòa bình ở Syria đạt kết quả”.
Đại diện thường trực Syria tại Liên hợp quốc, đồng thời là trưởng đoàn đàm phán hòa bình của Chính phủ Syria B. al Jaafari ngay lập tức tuyên bố loại trừ khả năng bàn về ý tưởng Liên bang hóa Syria, đồng thời bác bỏ việc thương thảo trực tiếp với phe đối lập chính về vấn đề này. Trong khi Mỹ cũng cho biết, không chấp nhận để người Kurd thành lập khu vực tự trị nếu chính phủ Syria không đồng ý. Vì thế, các bên đàm phán còn phải đối mặt với vấn đề người Kurd hiện kiểm soát hơn 10% lãnh thổ Syria và 3/4 biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ. Đây thực sự là một thách thức mới khiến hy vọng xây dựng một chính phủ thống nhất và tìm kiếm giải pháp hòa bình tại Syria trở nên khó khăn hơn.
Và sự cản trở của Thổ Nhĩ Kỳ: Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hiện đã xâm nhập bất hợp pháp vào lãnh thổ Syria và tấn công các căn cứ của người Kurd tại đây. Ankara cho rằng hầu hết người Kurd (Syria) đều thuộc Đảng Công nhân người Kurd mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là tổ chức khủng bố. Do các hành vi tấn công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ mà phe đối lập Syria đang bị phân tâm trong cuộc chiến chống IS đang hoành hành tại quốc gia này. Trong cuộc họp báo tại Moscow ngày 17-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhận định, những hành động của Thổ Nhĩ Kỳ có thể dẫn tới gia tăng căng thẳng ở khu vực biên giới với Syria.
Đại diện ngoại giao Nga nhấn mạnh, các quốc gia trên thế giới hiện tại cần chú trọng tới việc giải quyết khủng hoảng tại Syria chứ không phải là làm tình hình phức tạp thêm. “Tình trạng bạo lực tại khu vực biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ không hề thuyên giảm, đây là kết quả các hành động từ phía Ankara”. Ngoài ra, còn phải kể đến sự xuất hiện của phái đoàn thứ 3 - phe đối lập ôn hòa được Nga ủng hộ và chính quyền Assad chấp nhận, do cựu phó thủ tướng của Syria cầm đầu. Ngày 18-3, phái đoàn này đã được ông Mistura, nhà trung gian hòa giải Liên hợp quốc tiếp đón và họ đã tổ chức họp báo ở Geneva, cũng sẽ gây tranh cãi và ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán hòa bình cho Syria. Vòng hòa đàm diễn ra tại Geneva từ ngày 14 đến 24-3, sẽ được nối lại tiếp vào đầu tháng 4. Tuy nhiên, một quan chức của phái đoàn Syria cho rằng, họ không nhìn thấy bất kì sự tiến triển trong các ngày qua.
Cuộc nội chiến Syria kéo dài hơn 5 năm qua khiến 80% cơ sở hạ tầng của đất nước này bị phá hủy, 250.000 người thiệt mạng và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa vẫn chưa có hồi kết. Các cuộc hòa đàm về tương lai Syria từng được tổ chức cách đây hai năm, nhưng không đi đến đâu. Phe Chính phủ muốn tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố, còn phe đối lập lại muốn thảo luận về một Chính phủ chuyển giao trước. Vì thế, sau 5 năm nội chiến, với sự nỗ lực của Liên hợp quốc, Mỹ, phương Tây và đặc biệt là hiệu quả không kích IS của Nga đã đưa các bên tham chiến ngồi lại đàm phán ở Geneva, khiến cánh cửa hòa bình ở Syria đang hé mở. Tuy nhiên, theo giới phân tích vẫn còn quá nhiều khó khăn đang đòi hỏi tất cả các bên cần phải nỗ lực để vượt qua. Vì thế, tương lai hòa bình cho nhân dân Syria vẫn còn đang rất khó đoán định./.
Báo cáo phát triển con người khu vực châu Á - Thái Bình Dương  (28/04/2016)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quý Châu  (27/04/2016)
Thủ tướng tiếp Chủ tịch Châu Á - Thái Bình Dương Ngân hàng SMBC  (27/04/2016)
Tăng cường hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và tỉnh Quảng Tây  (27/04/2016)
Thủ tướng Chính phủ kêu gọi "Cuộc cách mạng" vệ sinh an toàn thực phẩm  (27/04/2016)
Bộ Giao thông vận tải quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng  (27/04/2016)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên