TCCSĐT - Ngày 02-4-2016, các nhà lãnh đạo thế giới tham dự Hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân lần thứ tư đã tái khẳng định cam kết ngăn chặn việc để các loại vũ khí hạt nhân rơi vào tay những phần tử cực đoan, đồng thời nhấn mạnh đây vẫn là một nguy cơ “gia tăng thường trực”.

Báo động tốc độ già hóa dân số thế giới

 

Dân số toàn cầu đang già đi với một tốc độ chưa từng có. Ảnh: laprogressive.com

Ngày 28-3-2016, theo báo cáo có tựa đề “Một Thế giới già hóa: 2015” của Cục Điều tra dân số Mỹ, dân số toàn cầu đang già đi với một tốc độ chưa từng có. Tới 8,5% người dân trên toàn thế giới, tương đương 600 triệu người, thuộc vào nhóm tuổi 65 hoặc trên 65. Nếu xu thế này tiếp tục, vào năm 2050, nhóm này sẽ chiếm tới 17% dân số toàn cầu, tương đương 1,6 tỷ người. Báo cáo dự đoán vào năm 2050, tuổi thọ trung bình toàn cầu sẽ tăng thêm 8 năm, lên 76,2 năm so với mốc 68,6 năm của năm 2015. Nhóm dân cư cao tuổi nhất của dân số thế giới, bao gồm những người 80 tuổi và trên 80 tuổi, được dự đoán sẽ tăng hơn gấp 3, từ 126,5 triệu người trong năm 2015 lên 446,6 triệu người vào năm 2050.

Ông Richard Hodes, Giám đốc Viện Già hóa quốc gia (NIA) - cơ quan công bố báo cáo trên, nhận định con người đang sống lâu hơn, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc chúng ta đang sống khỏe mạnh hơn. Bộ phận dân cư người cao tuổi gia tăng mang lại nhiều cơ hội cũng như nhiều thách thức về y tế cộng đồng cho các chính phủ. Báo cáo mới nhất này cung cấp một bộ dữ liệu đầy đủ để thế giới nhận thức về một nền dân số già hóa cũng như những tác động của nó.

Vụ sập cầu ở Ấn Độ: Tiếp tục điều tra các quan chức và nhân viên công ty IVRCL

 

 Hiện trường vụ sập cầu. Ảnh: AFP/VOV

Cảnh sát Ấn Độ đang tiến hành điều tra khả năng truy tố tội giết người đối với 10 nhân viên công ty xây dựng IVRCL Infrastructure Co., nhà thầu công trình xây cầu vượt bị sập ở khu vực công viên Girish, phía Bắc thành phố Kolkata, bang Tây Bengal, miền Đông Ấn Độ ngày 31-3-2016. Văn phòng của công ty IVRCL ở Kolkata đã bị niêm phong. Trong khi đó, hai kỹ sư ở bang Tây Bengal giám sát công trình xây cầu vượt này đã bị đình chỉ công tác để phục vụ việc điều tra. Trước đó, cảnh sát cũng đã bắt giữ 5 quan chức của công ty xây dựng IVRCL Infrastructure Co., nhà thầu công trình để thẩm vấn. Những người này có khả năng bị truy tố các tội danh giết người và ngộ sát, tội danh hình sự gây mất uy tín, có thể dẫn tới án 7 năm tù giam hoặc tù chung thân.

Năm 2007, công ty IVRCL đã ký hợp đồng xây dựng cầu vượt dài 2,4km, với kỳ vọng sẽ giúp giảm tình trạng ùn tắc giao thông ở khu vực Burrabazar - nơi có một trong những khu chợ bán sỉ lớn nhất châu Á. Công trình này được khởi công vào ngày 24-02-2009 và lẽ ra phải hoàn thành năm 2012, song do vấp phải vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng nên tiến độ xây dựng phải lùi lại, đến nay mới được hoàn thành được 70%. Theo các nhân viên cứu hộ, nhiều năm chậm trễ trong thi công cầu vượt trên đã dẫn tới tình trạng một số vật liệu kim loại bị ăn mòn. Người dân địa phương cho biết bê tông đã rơi xuống phố trước khi cầu sập. Trong khi đó, giới chuyên gia xây dựng cho rằng nguyên nhân gây sập đoạn cầu dài 100mt nói trên có thể là do sai sót trong quy hoạch xây dựng, nhiều lần hoãn tiến độ hoặc năng lực nhà thầu kém.

Lương thực phung phí tại Mỹ Latinh đủ cứu đói 300 triệu người

 

Hơn 300 nghìn tấn lương thực bị bỏ phí mỗi ngày tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe. Ảnh minh họa: climatecentral.org/TTXVN

Ngày 31-3-2016, Văn phòng Mỹ Latinh và Caribe của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho biết, 348.000 tấn là lượng lương thực, thực phẩm bị bỏ phí mỗi ngày tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe. Số lương thực này đủ để nuôi sống 300 triệu người, tương đương với 37% lượng người đang chịu đói trên toàn thế giới. Con số trên tương đương với mức lãng phí 127 triệu tấn lương thực mỗi năm hay 223kg/người/năm. FAO cảnh báo nếu không cải thiện tình trạng này, Mỹ Latinh khó có thể hoàn thành Mục tiêu phát triển bền vững số 12 của Liên hợp quốc, trong đó đề ra việc cắt giảm một nửa lượng thực phẩm bị lãng phí so với mức năm 2015.

Với sự trợ giúp của FAO, các nước trong khu vực đã lập ra Mạng lưới chuyên gia, Chiến lược khu vực và Liên minh khu vực phòng tránh thất thoát và lãng phí lương thực vào năm 2015. Cho tới nay, Costa Rica và Cộng hòa Dominicana đã thành lập Ủy ban quốc gia cho nhiệm vụ này, trong khi Argentina, Brazil, Chile, Colombia, Mexico, Peru, Uruguay, và Saint Vincent và Grenadines đang thảo luận đề xuất tương tự. Những số liệu thống kê cho thấy Mỹ Latinh vẫn còn 180 triệu người nghèo mặc dù khu vực này đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo trong hơn một thập kỷ qua. Khoảng 20% dân số khu vực sống trong tình trạng nghèo đói suốt đời.

Đối phó khủng bố hạt nhân và tăng cường an ninh hạt nhân

 

Các nhà lãnh đạo thế giới cam kết thúc đẩy môi trường quốc tế ổn định bằng cách giảm nguy cơ của chủ nghĩa khủng bố hạt nhân và tăng cường an ninh hạt nhân. Ảnh: THX

Ngày 02-4-2016, phát biểu tại cuộc họp báo sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân lần thứ tư tại Thủ đô Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama nêu rõ một trong những thách thức mà thế giới đang đối mặt là khó chứng kiến việc các nước cắt giảm mạnh kho vũ khí hạt nhân trừ phi Mỹ và Nga, hai nước sở hữu vũ khí hạt nhân lớn nhất, sẵn sàng đi đầu trong lĩnh vực này. Ông nhấn mạnh Ấn Độ và Pakistan cần phải đạt được tiến bộ trong giảm trừ kho vũ khí hạt nhân của mình và bảo đảm rằng họ không “liên tục đi sai hướng” trong khi phát triển các học thuyết quốc phòng. Tổng thống B. Obama cũng cho rằng Triều Tiên hiện là mối quan ngại đối với các nước và rằng cần có sự hợp tác quốc tế trong vấn đề này.

Trước đó, các nhà lãnh đạo thế giới tham dự Hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân lần thứ tư đã ra tuyên bố chung, trong đó tái khẳng định cam kết ngăn chặn việc để các loại vũ khí hạt nhân rơi vào tay những phần tử cực đoan, đồng thời nhấn mạnh đây vẫn là một nguy cơ “gia tăng thường trực”. Trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo thế giới cũng cam kết thúc đẩy môi trường quốc tế ổn định bằng cách giảm nguy cơ của chủ nghĩa khủng bố hạt nhân và tăng cường an ninh hạt nhân. Kèm theo bản tuyên bố chung này là một phụ lục gồm 5 kế hoạch hành động nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia tham dự Hội nghị và các cơ quan quốc tế, như Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và Cảnh sát quốc tế (Interpol).

Liên tiếp các thủ lĩnh và chuyên gia của IS bị tiêu diệt

 

Thành phố cổ Palmyra. Ảnh: Reuters

Ngày 03-4-2016, giới chức quân sự Mỹ xác nhận chuyên gia vũ khí của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) Jasim Khadijah đã bị tiêu diệt trong một vụ không kích bằng máy bay không người lái tại tỉnh Mosul, miền Bắc Iraq. Phát biểu với báo giới, người phát ngôn của liên quân chống IS - Đại tá Lục quân Mỹ Steve Warren, cho biết J. Khadijah là một chuyên gia chế tạo tên lửa, được cho là liên quan trực tiếp trong vụ tấn công đẫm máu nhằm vào binh lính Mỹ ở miền Bắc Iraq vào tháng 02. Trước đó, ngày 25-3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cũng xác nhận chỉ huy số 2 của IS Abd ar-Rahman Mustafa al-Qaduli đã bị tiêu diệt trong một vụ không kích do Mỹ thực hiện tại Syria. Mustafa al-Qaduli là một trong những tướng lĩnh hàng đầu của IS, phụ trách các vấn đề tài chính của tổ chức này và là một trong những đối tượng bị Mỹ truy lùng gắt gao nhất. Việc tiêu diệt đối tượng này được cho là sẽ cản trở năng lực hoạt động của IS bên trong cũng như ngoài lãnh thổ Iraq và Syria. Hồi đầu tháng 3, Lầu Năm Góc xác nhận thủ lĩnh IS Omar al-Shishani đã bị tiêu diệt trong vụ không kích ở Syria.

Ngày 27-3, theo AP, quân chính phủ Syria, được máy bay Nga hỗ trợ không kích, đã tấn công tái chiếm thành phố Palmyra từ tay IS trong gần 3 tuần. Theo hãng tin Nga TASS, nhóm chuyên gia Nga thứ hai của Trung tâm phòng, chống bom mìn quốc tế của quân đội Nga đã được cử tới căn cứ không quân Hmeymim tại Syria để tham gia quá trình rà phá bom mìn nhân đạo ở các kết cấu hạ tầng và di tích lịch sử của thành phố cổ Palmyra. Nga cũng sẽ hỗ trợ Syria khôi phục các công trình di sản ở thành phố này./.