Sáng 29-3, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia về thanh niên phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức đối thoại thanh niên ''Công dân tuổi 18 với bầu cử Quốc hội'' nhân kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26-3-1931 - 26-3-2016), chào mừng bầu cử Quốc hội khóa XIV và Hội đồng Nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021.


Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia; phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam, Ủy viên Hội đồng bầu cử Quốc gia; tiến sỹ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; tiến sỹ Đoàn Hương đã đến giao lưu cùng hơn 400 cử tri trẻ 18 tuổi đang học tập, sinh sống trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Với các nội dung chính: Bạn và tôi cùng tìm hiểu về bầu cử Quốc hội khóa XIV; Bạn và tôi có thể làm gì cho Quốc hội; Bạn và tôi gửi ý kiến, nguyện vọng đến Quốc hội như thế nào; Bạn và tôi mong muốn điều gì đối với Quốc hội và đại biểu Quốc hội khóa XIV; Nếu là đại biểu Quốc hội, bạn và tôi sẽ quan tâm đến những vấn đề gì để chăm lo, phát triển thanh niên Việt Nam..., chương trình đối thoại được thực hiện với tinh thần dân chủ, trung thực, cởi mở, thân thiện thông qua ý kiến, góc nhìn, suy nghĩ và cảm nhận của công dân trẻ - cử tri 18 tuổi.

Đi bầu cử là hành động thể hiện trách nhiệm với nước, với dân

Trả lời câu hỏi về vai trò của thanh niên đối với hoạt động bầu cử Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định thanh niên góp phần rất quan trọng vào việc bầu cử đại biểu Quốc hội bởi lá phiếu của một cá nhân sẽ góp phần quyết định lựa chọn người xứng đánh là đại biểu Quốc hội.

Theo giáo sư Nguyễn Thiện Nhân, lòng yêu nước của thanh niên cần thể hiện trong việc chọn lựa được người có tài, có đức, có tầm lãnh đạo đất nước, làm cho đất nước ngày càng giàu mạnh.

Đối với câu hỏi một người có thể đại diện cho gia đình mình đi bỏ phiếu, tiến sỹ Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng mỗi công dân cần trực tiếp đi bỏ phiếu bầu cử. Điều này đã được quy định rất rõ trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Bên cạnh đó, còn có ý nghĩa sâu xa đó là cử tri bầu ra đại biểu Quốc hội nào, đại biểu đó phải có trách nhiệm trước cử tri, lắng nghe và bảo vệ quyền lợi cho cử tri.

"Đừng từ bỏ cơ hội làm chủ nhân quyền lực chính trị của mình. Cử tri là người nắm trong tay quyền lực chính trị của đất nước. Hãy trực tiếp cầm phiếu đi bầu", tiến sỹ Nguyễn Sĩ Dũng nói.

Trước thực trạng hiện nay nhiều bạn trẻ ở lứa tuổi 18 ít quan tâm đến các vấn đề chính trị-xã hội của đất nước, tiến sỹ Đoàn Hương nhấn mạnh chính trị, xã hội là mái nhà của đất nước. Nền kinh tế chính trị ổn định là sự vĩ đại của một quốc gia, vì vậy, con người, nhất là thế hệ trẻ không thể thờ ơ với chính trị. Mỗi thanh niên đều có trách nhiệm và nghĩa vụ đối với Tổ quốc.

Tiến sỹ Đoàn Hương mong Trung ương Đoàn sẽ tiếp tục phát triển các hình thức tuyên truyền sinh động, tận dụng công nghệ hiện đại để hướng thế hệ trẻ vào việc thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ đối với đất nước.

Mỗi người cần nhận lấy trách nhiệm của mình trước quốc gia, dân tộc. Tiến sỹ cho rằng cầm lá phiếu là vinh dự và đồng thời cũng là trách nhiệm của mỗi người, tự mỗi người hãy “đóng dấu” trưởng thành cho mình bằng những việc làm “đã lớn” để cống hiến và đóng góp cho xã hội, tiến sỹ Đoàn Hương nhắn nhủ.

Bảo đảm công bằng, minh bạch trong vận động bầu cử

Giải đáp về việc vận động bầu cử, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ cần đảm bảo sự công bằng, minh bạch để lựa chọn được những đại biểu ưu tú nhất. Người ứng cử chỉ được làm một số việc mà luật pháp quy định và không được làm một số việc luật pháp không cho phép. Người ứng cử trong quá trình vận động bầu cử không được phép tặng quà, tặng tiền và hứa hẹn để lấy phiếu cử tri. Điều này đã được quy định rất rõ trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân cho biết việc vận động bầu cử là rất quan trọng. Tất cả những người trong danh sách đều có quyền như nhau cùng gặp cử tri một lúc. Việc tuyên truyền qua báo chí địa phương nơi ứng cử của các người ứng cử là như nhau; còn ở cấp quốc gia là trang thông tin về bầu cử Quốc hội của Hội đồng bầu cử quốc gia.

Thông tin về những hoạt động của Trung ương Đoàn dành cho thanh niên đối với bầu cử Quốc hội, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Đắc Vinh cho biết cách đây 5 năm,Trung ương Đoàn đã khởi động chương trình "Khi tôi 18" hướng tới cung cấp cho học sinh khi bước vào tuổi công dân các kiến thức cần thiết về pháp luật, kỹ năng hướng nghiệp. Phần quan trọng nhất bước vào tuổi công dân là được cầm trên tay lá phiếu được bầu cử.

Bí thư Đoàn Nguyễn Đắc Vinh mong muốn 400 bạn trẻ có mặt tại tọa đàm sẽ mang những kiến thức hiểu biết của mình tuyên truyền về ý nghĩa bầu cử đại biểu Quốc hội và về trách nhiệm công dân. Quan trọng nhất là cử tri trẻ nhận thức như thế nào về người đại diện cho mình, lựa chọn trong những người trẻ những người ưu tú nhất để đại diện cho mình, thay mặt mình lãnh đạo đất nước.

Qua gần 4 giờ trao đổi, đối thoại thanh niên ''Công dân tuổi 18 với bầu cử Quốc hội'' đã giúp các bạn trẻ hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử; ủng hộ nhiệt tình, tích cực tham gia cuộc bầu cử, để ngày bầu cử trở thành ngày hội của toàn dân.

Chương trình giúp các cử tri lần đầu tham gia cuộc bầu cử nắm vững và thực hiện đúng những nội dung chủ yếu của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, nhất là các quy định về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, lựa chọn và bầu được những người có đủ tiêu chuẩn tham gia vào Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021./.