TCCSĐT - Là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, năm 2015 tỉnh Đồng Nai đã đạt nhiều thành tựu, góp phần thực hiện thành công kế hoạch 5 năm giai đoạn 2011 - 2015. Bước sang năm 2016, được xác định là năm bản lề thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn 2016 - 2020, Đảng bộ và chính quyền Đồng Nai quyết tâm triển khai đồng bộ các giải pháp mang tính đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đề ra.

Thành tựu đáng tự hào trong năm 2015

Quán triệt Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 29-01-2015 của Tỉnh ủy, Nghị quyết số 139/2014/NQ-HĐND ngày 11-12-2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh về mục tiêu, giải pháp thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội Đồng Nai năm 2015, cả hệ thống chính trị của tỉnh nhanh chóng triển khai vào cuộc với nhiệt huyết cao, lập thành tích thiết thực chào mừng kỷ niệm những ngày lễ lớn, cùng với Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X và Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XII. Năm 2015, dù còn nhiều khó khăn, song với sự tập trung chỉ đạo điều hành của lãnh đạo tỉnh cùng sự nỗ lực của các cơ quan, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn đã phát triển ổn định, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX.

Về kinh tế, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2015 (tính theo giá so sánh năm 1994) đã đạt được 63.803,6 tỷ đồng, tăng 11,75% so với cùng kỳ, đạt mục tiêu Nghị quyết, GRDP tính theo phương pháp mới đạt 149.985,5 tỷ đồng, tăng 8,51%; GRDP bình quân đầu người đạt 66,7 triệu đồng/người, tương đương với 3.089 USD, vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, phù hợp mục tiêu Nghị quyết: công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ lệ 56,7%; dịch vụ đạt 37,7% và nông - lâm - thủy sản là 5,6%. Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn đạt 14.419 triệu USD, tăng 10% so cùng kỳ. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội lên đến 76.579 tỷ đồng, cũng vượt mục tiêu Nghị quyết. Trong đó, thu hút đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký cấp mới cùng với dự án tăng vốn đạt 2.500 triệu USD, vượt 115% so kế hoạch năm, tăng 33,7% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư trong nước đạt trên 10.130 tỷ đồng. Tổng vốn đăng ký kinh doanh đạt trên 18.777 tỷ đồng, cũng vượt mục tiêu Nghị quyết, tăng 52% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2015 là 39.875,3 tỷ đồng, đạt 101% dự toán, tăng 12% so cùng kỳ.

Về xã hội, hầu hết các chỉ tiêu về phát triển xã hội đều đạt hoặc vượt chỉ tiêu Nghị quyết tỉnh đề ra. Cụ thể: Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên ở mức dưới 1,1% quy mô dân số trung bình; Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị chỉ còn dưới 2,5%, tạo được việc làm mới cho trên 92.000 lao động; Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1%; Tỷ lệ sinh viên đại học, cao đẳng/vạn dân là 300 sinh viên; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 65%, trong đó đào tạo nghề 50%, lao động đào tạo từ trung cấp nghề trở lên chiếm tỷ lệ 13,6% trên tổng số lao động được đào tạo nghề; Trẻ em suy dinh dưỡng cân nặng theo độ tuổi giảm còn 9,3%, chiều cao theo độ tuổi còn 24,8%; Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia đạt trên 99,6%; Dân cư thành thị sử dụng nước sạch đạt 99% và nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%; Hoàn thành và đưa vào sử dụng 726 căn nhà ở xã hội, vượt 16,2% mục tiêu Nghị quyết.

Toàn tỉnh có 90% ấp, khu phố văn hóa; 98% hộ gia đình văn hóa; 100% cơ quan đạt chuẩn văn hóa, trong đó có đến 70% doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Đến cuối năm 2015, Đồng Nai có 88/133 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 3 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là huyện Xuân Lộc, Long Khánh và Thống Nhất.

Thực hiện tốt thu gom và xử lý chất thải nguy hại, chất thải y tế 100%; thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp không nguy hại đạt 97%. Các khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tất cả đều có trạm xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn môi trường, trong đó 87,5% khu công nghiệp có nước thải ổn định được lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động. Tỷ lệ che phủ cây xanh đạt 56%, trong đó giữ tỷ lệ che phủ của rừng đạt 29,76%.

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai năm 2015 phát triển ổn định, giá trị sản xuất các ngành đều tăng. Đạt được thành tựu trên do lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, huyện đã đánh giá đúng thực trạng của địa phương mình, sát sao với cơ sở, trong tập trung phát triển kinh tế, quan tâm tổ chức nhiều buổi gặp gỡ các tổ chức, doanh nghiệp để nghe phản ánh những khó khăn, vướng mắc của các tổ chức khi tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng cũng như hỗ trợ thị trường, đồng thời trao đổi thông tin và triển khai Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp 2014; trao đổi việc chuẩn bị các điều kiện gia nhập TPP, tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Công tác an sinh xã hội chú trọng vào các lĩnh vực đào tạo nghề, giải quyết việc làm, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh… Thực hiện tốt công tác quốc phòng an ninh, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường tiếp tục được đẩy mạnh với sự tham gia hưởng ứng mạnh mẽ của cộng đồng; hoạt động thẩm định, giám sát, kiểm soát môi trường được tập trung thực hiện đạt hiệu quả cao.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị phát triển kinh tế - xã hội ở Đồng Nai trong năm 2015 dù đạt được khá nhiều thành tựu, cũng tồn tại những hạn chế nhất định. Đó là:

Thứ nhất, sản xuất nông nghiệp còn nhiều khó khăn. Bên cạnh nguyên nhân khách quan do thời tiết nắng nóng kéo dài ở một số nơi trên địa bàn tỉnh đã ảnh hưởng đến sản xuất ngành nông nghiệp, cũng phải thừa nhận rằng phát triển nông nghiệp của tỉnh chưa thật sự bền vững do liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp trong sản xuất và chế biến, tiêu thụ nông sản còn lỏng lẻo, cùng với việc xây dựng và phát triển thương hiệu, giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa có thế mạnh của tỉnh còn hạn chế.

Thứ hai, năng lực cạnh tranh quốc gia của tỉnh vài năm gần đây được đánh giá không còn đứng ở vị trí hàng đầu của cả nước, trong khi xu thế hội nhập kinh tế quốc tế nước ta ngày càng sâu rộng. Cuối năm 2015, cộng đồng ASEAN chính thức hình thành, nước ta ký kết và triển khai nhiều hiệp định thương mại tự do FTAs, Hiệp định TPP trong tương lai gần sẽ có hiệu lực. Đó là thách thức lớn đối với phát triển kinh tế, môi trường cạnh tranh của tỉnh.

Thứ ba, quá trình triển khai thực hiện Luật Đầu tư còn hạn chế. Luật Đầu tư năm 2014 đã có hiệu lực thi hành, song tỉnh triển khai chưa sâu rộng vào thực tiễn, phần nào đã làm ảnh hưởng đến mức tăng trưởng kinh tế của toàn tỉnh. Trong đó có phần nguyên nhân khách quan bởi Nghị định, Thông tư hướng dẫn của các bộ, ban, ngành chậm ban hành, dẫn đến nhiều địa phương, trong đó có Đồng Nai vướng mắc trong quá trình triển khai.

Thứ tư, tình hình vi phạm trong lĩnh vực môi trường, tài nguyên vẫn còn diễn biến phức tạp. Tiến độ đầu tư xây dựng các khu xử lý rác thải còn chậm. Còn một số khu công nghiệp chưa được lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, đó là các khu công nghiệp Định Quán, Dầu Giây, Tân Phú.

Triển vọng kinh tế - xã hội năm 2016

Năm 2016 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ X. Kế thừa, phát huy những thành quả đạt được trong những năm qua, tiếp tục phát huy lợi thế so sánh nội lực sẵn có, kết hợp huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển kinh tế có nhịp độ nhanh, bền vững, Đảng bộ, chính quyền Đồng Nai đã đề ra mục tiêu tổng quát phát triển cho nhiệm kỳ 2016 - 2020 là: Tăng cường xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân; phát triển kinh tế nhanh, bền vững; xây dựng và phát triển con người toàn diện; nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh; xây dựng Đồng Nai giàu mạnh, văn minh. Với kỳ vọng, giai đoạn 2016 - 2020 tổng sản phẩm trên địa bàn tăng bình quân 8-9%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt từ 5.300 - 5.800 USD; toàn tỉnh có 80% xã đạt chuẩn nông thôn mới... Đồng thời, tỉnh xác định 4 lĩnh vực đột phá chiến lược để thực hiện: Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư hiệu quả các công trình hạ tầng xã hội và dịch vụ nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào các ngành nghề mũi nhọn của tỉnh; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng xây dựng nền hành chính hiện đại; Nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, người đứng đầu. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu trên, ngay trong năm 2016, Đồng Nai cần thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Một là, bước đầu triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ đột phá theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12-3-2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 - 2016.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Tăng cường công tác hỗ trợ doanh nghiệp. Chú trọng thực hiện tái cơ cấu kinh tế; trong đó tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các trọng tâm tái cơ cấu đầu tư công, tổ chức tín dụng, doanh nghiệp nhà nước và cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ba là, thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cao bảo đảm về số lượng và chất lượng, cơ cấu ngành nghề đáp ứng nhu cầu thực tế về nguồn nhân lực của thị trường lao động phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, gắn với công tác dự báo nhu cầu thị trường lao động để tập trung đào tạo theo yêu cầu. Chú trọng đầu tư phát triển các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề chất lượng cao, ưu tiên đầu tư một số nghề trọng điểm đạt chuẩn quốc gia, khu vực và quốc tế...

Bốn là, triển khai thực hiện các giải pháp phát triển văn hóa - xã hội, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người có công, người nghèo theo chuẩn nghèo mới. Bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân. Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới giáo dục và đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm.

Năm là, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, từng bước xây dựng chính quyền điện tử. Đẩy mạnh công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường phòng chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu.

Sáu là, tăng cường giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm các loại tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ; kiên quyết đẩy lùi tai nạn giao thông đến mức thấp nhất trên cả ba mặt (số vụ, số người bị thương, số người chết). Tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia Phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ và cứu nạn./.