TCCSĐT- Ngày 11-03-2016, tại thành phố Cần Thơ, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ tổ chức Hội nghị toàn quốc Văn phòng điều phối nông thôn mới cấp tỉnh năm 2016.
Dự hội nghị có hơn 250 đại biểu đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các bộ, ngành có liên quan, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, Tổng hội Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, Văn phòng Điều phối nông thôn mới 63 tỉnh, thành trong nước.

Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, đến nay các tỉnh, thành trong nước đều đã thành lập và đưa Văn phòng Điều phối nông thôn mới vào hoạt động với 340 cán bộ chuyên trách, 697 cán bộ kiêm nhiệm; có 470/630 đơn vị cấp huyện (chiếm 74,60%) thành lập Văn phòng Nông thôn mới với 997 cán bộ chuyên trách; có 2.740/8.920 xã (chiếm 30,71%) đã bố trí cán bộ chuyên trách nông thôn mới.

Nhìn chung, Văn phòng Điều phối nông thôn mới và lực lượng cán bộ đảm nhiệm công tác xây dựng nông thôn mới các cấp đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, góp phần quan trọng cùng với hệ thống chính trị và nhân dân các địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong 5 năm qua. Tính đến hết tháng 02-2016, cả nước có 1.761 xã đạt chuẩn nông nông mới (đạt 19,7% số xã trong cả nước); bình quân mỗi xã đạt 12,9 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (tăng 8,2 tiêu chí so với năm 2010 và 2,9 tiêu chí so với đầu năm 2015); có 17 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Tuy nhiên, hoạt động của Văn phòng Điều phối nông thôn mới các cấp và quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong 5 năm qua vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Cụ thể là:

- Đến nay, nhiều tỉnh, thành phố vẫn coi chương trình xây dựng nông thôn mới là của ngành nông nghiệp nên bố trí đến 90% cán bộ của ngành nông nghiệp chuyên trách Văn phòng Điều phối nông thôn mới, gây khó khăn cho công tác tham mưu xây dựng nông thôn mới liên quan đến các lĩnh vực phi nông nghiệp.

- Ở nhiều xã nông thôn, sản xuất có phát triển nhưng vẫn còn manh mún, khó áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào quá trình canh tác và xây dựng cánh đồng lớn; thiếu các mô hình liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

- Vẫn còn tình trạng chạy theo thành tích để sớm đạt chuẩn nông thôn mới; tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới tại nhiều địa phương vẫn chưa có giải pháp xử lý dứt điểm; thiếu cơ chế phân bổ, giám sát và theo dõi các nguồn vốn thực hiện Chương trình.

- Năng lực cán bộ một số Văn phòng Điều phối nông thôn mới, nhất là cán bộ xây dựng nông thôn mới ở cơ sở còn hạn chế, nhất là các kỹ năng trong thực hiện Chương trình.

- Môi trường ở nhiều vùng nông thôn ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng (nhất là vấn đề rác thải, nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, ô nhiễm ở các làng nghề,…) nhưng nhiều địa phương vẫn chưa tìm ra giải pháp xử lý hiệu quả.

Hội nghị xác định đến năm 2020 phấn đấu đạt mục tiêu thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên cả nước là: có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 01 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân cả nước đạt 15 tiêu chí nông thôn mới/xã, không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí; cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đới sống của cư dân nông thôn như: giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế xã; nâng cao chất lượng cuộc sống và tăng thu nhập của người dân nông thôn cao gấp 1,8 lần so với năm 2015.

Để đạt mục tiêu này, hội nghị thống nhất cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau để nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới:

Một là, tạo động lực cho các xã đặc biệt khó khăn vươn lên, trong đó chú trọng nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ cho các vùng khó khăn, nhất là miền núi phía Bắc, vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.

Hai là, tập trung phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới cấp xã, huyện theo hướng tăng cường tính liên kết, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa lớn. Có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để tăng giá trị và gắn với tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Ba là, có cơ chế quản lý tài chính và giám sát việc phân bổ, sử dụng các nguồn lực thực hiện Chương trình ở các cấp. Trong đó, chú trọng làm rõ trách nhiệm cụ thể của các cấp, các ngành trong chủ trì, phối hợp thực hiện.

Bốn là, tăng cường hoạt động phối hợp giữa các bộ, ngành Trung ương với chính quyền các cấp trong việc quản lý, điều hành thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; đặc biệt cần chú trọng lồng ghép các chương trình mục tiêu của từng bộ, ngành với Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Năm là, tăng cường đào tạo, tập huấn chuyên sâu cho cán bộ Văn phòng nông thôn mới các cấp, cán bộ xã, thôn, cán bộ hợp tác xã, cán bộ doanh nghiệp ở nông thôn, các chủ trang trại, nông dân tiêu biểu,… về năng lực phối hợp, tham gia thực hiện, giám sát quá trình xây dựng nông thôn mới.

Sáu là, chú trọng cải thiện môi trường nông thôn theo hướng phối hợp nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách, tạo điều kiện xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ để xử lý rác thải, nước thải trong sinh hoạt, chăn nuôi, ô nhiễm ở các làng nghề; phát động phong trào xây dựng các khu kiểu mẫu ở nông thôn với môi trường xanh - sạch - đẹp./.