Công tác tuyên truyền - nhân tố tạo dựng thành công trong xây dựng nông thôn mới ở Nam Định
TCCSĐT - Là tỉnh có nhiều thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, Nam Định xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đồng thời là khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, tỉnh đã huy động sức mạnh của toàn hệ thống chính trị với nhiều giải pháp đồng bộ trong xây dựng nông thôn mới, trong đó nhấn mạnh công tác tuyên truyền.
Nội dung tuyên truyền sâu rộng, phong phú…
Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, đang từng ngày làm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Chính vì vậy, ngay sau khi Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 800/QĐ-TTg ngày 04-6-2010 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, Nam Định đã vượt qua không ít khó khăn, thách thức để từng bước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Với quyết tâm chính trị cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai quyết liệt và đồng bộ. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành 9 nghị quyết chuyên đề liên quan đến các nhiệm vụ phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Các huyện, thành, đảng ủy trực thuộc tỉnh đều ban hành nghị quyết, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới phù hợp với điều kiện của mỗi địa phương. 10/10 huyện, thành phố phát động phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới. Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên được kiện toàn kịp thời chỉ đạo triển khai toàn diện các nhiệm vụ.
Công tác tuyên truyền đóng góp vai trò quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới. Nam Định đã xác định công tác tuyên truyền, vận động phải được đặt lên hàng đầu, phải đi trước một bước và phải được triển khai theo lộ trình, xác định từng nội dung, cách thức triển khai cụ thể trong từng thời điểm, giai đoạn cụ thể.
Ngay từ những ngày đầu thực hiện, Tỉnh đã chỉ đạo xây dựng đề cương, tài liệu tuyên truyền về công tác xây dựng nông thôn mới với những nội dung cụ thể, sát thực. Thời gian đầu, tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh về các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về xây dựng nông thôn mới. Các tiêu chí, đặc biệt là cách thức triển khai xây dựng nông thôn mới của tỉnh được coi là nội dung chính trong công tác tuyên truyền. Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Hội Nông dân... đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới trong sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, liên kết hợp tác trong sản xuất, giới thiệu sản phẩm và tiêu thụ nông sản. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phối hợp tuyên truyền, vận động nông dân tích cực thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, hiến đất, đóng góp kinh phí, ngày công làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng; chấp hành tốt các chủ trương về giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án. Những mô hình hiệu quả, kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo của các địa phương, đơn vị, đặc biệt là việc triển khai dồn điền đổi thửa, hiến đất làm thủy lợi nội đồng và giao thông nông thôn được chú trọng tuyên truyền. Các kết quả, bài học kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới, nhất là phương châm làm nông thôn mới của tỉnh: “nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”; “làm từ đồng ruộng về làng, làm từ hộ gia đình ra thôn, xóm, làm từ thôn xóm lên xã; Lấy thôn, xóm làm đơn vị cơ sở và hộ gia đình là hạt nhân để vận động xây dựng nông thôn mới” được tổ chức tuyên truyền sâu rộng.
Hình thức tuyên truyền đa dạng, hiệu quả
Các nội dung tuyên truyền trên được triển khai với nhiều hình thức phong phú, đa dạng và mang lại hiệu quả thiết thực. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã đưa nội dung tuyên truyền xây dựng nông thôn mới vào các hướng dẫn tuyên truyền theo quý, tổ chức các hội nghị báo cáo viên cấp tỉnh để cung cấp thông tin về các quan điểm chỉ đạo, kết quả triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Ban Tuyên giáo các huyện, thành, các đoàn thể chính trị - xã hội phối hợp với phòng nông nghiệp các huyện tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn tới tận cấp cơ sở để nâng cao nhận thức và kỹ năng tuyên truyền cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên. Đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được gần 20.000 hội nghị, hội thảo, 194 lớp tập huấn từ tỉnh đến thôn xóm để quán triệt, tuyên truyền, vận động triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới. Tỉnh tổ chức tổng kết mô hình xã điểm Hải Đường và sơ kết huyện điểm Hải Hậu, hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2015 và tổng kết công tác dồn điền đổi thửa ở tỉnh, chỉ đạo các huyện, thành phố sơ kết các mô hình thí điểm, đánh giá kịp thời và nhân rộng các điển hình, các kinh nghiệm hay và cách làm sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, Chương trình xây dựng nông thôn mới còn được tổ chức tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện truyền thông. Chuyên mục “Chung sức xây dựng nông thôn mới tỉnh Nam Định” của Báo Nam Định, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh được xây dựng và duy trì đều đặn. Công tác tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh cơ sở được triển khai hiệu quả. Tại hội nghị giao ban báo chí hằng tháng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nam Định phối hợp với Sở Thông tin - Truyền thông thường xuyên mời các ngành chức năng, các địa phương đến cung cấp thông tin về tình hình, kết quả xây dựng nông thôn mới ở địa phương, đơn vị; chỉ đạo, định hướng tuyên truyền trên các cơ quan báo chí, các phương tiện thông tin truyền thông của tỉnh. Chuyên mục “Xây dựng nông thôn mới” trên bản tin Thông báo nội bộ của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng được xây dựng và duy trì đều đặn, đăng tải kịp thời các quan điểm chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; các kết quả, mô hình sáng tạo, gương điển hình... trong xây dựng nông thôn mới tại các địa phương, đơn vị. Đến nay, các cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh đã đăng tải và phát sóng trên 10.000 tin, bài, phóng sự về xây dựng nông thôn mới.
Để những thông tin về xây dựng nông thôn mới của Nam Định không chỉ được tuyên truyền rộng rãi trên địa bàn tỉnh mà có thể đến được với bạn đọc trên cả nước, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phối hợp với các cơ quan báo chí trung ương đăng tải hàng trăm tin, bài tuyên truyền về chủ trương, cách thức triển khai, tình hình, kết quả của công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Công tác tuyên truyền cổ động trực quan về xây dựng nông thôn mới cũng được chú trọng, tạo không khí thi đua phấn khởi cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 130 cụm pa-nô; treo gần 2.000 băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới.
Ban Xây dựng Đảng, các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh đều có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đồng thời tăng cường phối hợp với các địa phương triển khai tích cực các nhiệm vụ tuyên truyền xây dựng nông thôn mới. Ban Dân vận Tỉnh ủy đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới”. Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi trên địa bàn tỉnh Nam Định... đều phát động các phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới, lựa chọn nội dung cụ thể về xây dựng nông thôn mới, ký kết giao ước với các huyện, thành phố để chỉ đạo và triển khai thực hiện đến cơ sở.
Kết quả, sau 5 năm triển khai, các địa phương ở Nam Định đã huy động gần 10 nghìn tỷ đồng, nhân dân góp 2.920 ha đất nông nghiệp và hiến gần 200 ha đất thổ cư để làm đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng. Đến hết năm 2015, Nam Định có 100 xã/ 209 xã (chiếm 47,8%) đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Bình quân toàn tỉnh đạt trên 18 tiêu chí/xã, tăng 12,1 tiêu chí/xã so với năm 2010. Huyện Hải Hậu đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2015. Tỉnh Nam Định được Trung ương đánh giá là một trong 5 địa phương dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới, được Thủ tướng Chính phủ tặng Huân chương Lao động hạng nhất trong phong trào “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”.
Có thể nói, trong 5 năm qua, nhờ tuyên truyền một cách thường xuyên với những cách làm sáng tạo, mới mẻ, chương trình xây dựng nông thôn mới ở Nam Định đã tạo được sự lan tỏa rộng rãi, huy động được sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận cao từ phía quần chúng nhân dân. Nông nghiệp, nông thôn Nam Định ngày càng khởi sắc, người nông dân có những đổi mới trong cách nghĩ, cách làm, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2010 - 2015, đưa Nam Định hướng tới mục tiêu trở thành “tỉnh nông thôn mới” vào năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra./.
Xuất khẩu gạo tăng gấp đôi và thủy sản lấy được đà tăng trưởng  (26/02/2016)
Bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế  (26/02/2016)
Guantanamo: Mỹ nỗ lực thực hiện cam kết  (26/02/2016)
Việt Nam và Thái Lan ký kết hợp tác tăng cường tư pháp  (25/02/2016)
Kỷ niệm 55 năm Ngày độc lập Nhà nước Kuwait tại Thành phố Hồ Chí Minh  (25/02/2016)
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên