Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Tổng thống Mỹ Obama và gặp gỡ lãnh đạo một số nước
TCCSĐT - Theo Đặc phái viên TTXVN, ngày 16-2, bên lề Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ tại Sunnylands, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc hội kiến Tổng thống Barack Obama để trao đổi về quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng gặp Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama |
Tại cuộc gặp, Tổng thống Obama thông báo sẽ thăm chính thức Việt Nam vào tháng 5-2016.
Tổng thống Hoa Kỳ cho biết sẽ thực hiện chuyến thăm với mong muốn tìm hiểu về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam, đồng thời trao đổi về những biện pháp hợp tác cụ thể nhằm duy trì đà tích cực của quan hệ đối tác hợp tác toàn diện Hoa Kỳ-Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định lãnh đạo và nhân dân Việt Nam chào đón Tổng thống Obama và sẽ giao cho Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với phía Hoa Kỳ chuẩn bị tốt nhất cho chuyến thăm.
Thủ tướng bày tỏ vui mừng chuyến thăm sẽ góp phần mở ra giai đoạn hợp tác mới vì hòa bình và phát triển trong quan hệ đối tác, hợp tác toàn diện giữa hai nước, đưa quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ lên tầm cao mới.
Tại cuộc hội kiến kéo dài gần 40 phút, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi về các lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa hai nước cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Việt Nam rất quan ngại trước tình hình Biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp, đe dọa thực sự hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không do những hành động đơn phương bồi đắp quy mô lớn các đảo chiếm đóng trái phép và xây dựng trên quy mô lớn các đảo nhân tạo từ những cấu trúc nửa nổi nửa chìm, làm thay đổi nguyên trạng, kể cả việc tăng cường quân sự hóa dưới các hình thức khác nhau.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Hoa Kỳ có tiếng nói mạnh mẽ và những hành động thiết thực hơn, hiệu quả hơn để yêu cầu chấm dứt mọi hoạt động làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông, đặc biệt là việc xây dựng các đảo nhân tạo với quy mô lớn, chấm dứt ngay việc quân sự hóa ở Biển Đông; tôn trọng và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm thỏa thuận thực chất Bộ Quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Tổng thống Obama khẳng định Hoa Kỳ lo ngại về tình hình Biển Đông và ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực ngoại giao và tiến trình pháp lý nhằm giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông trên cở sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 và DOC.
Về quan hệ song phương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được ký chính thức, do vậy các bên cần khẩn trương hoàn tất quá trình phê chuẩn Hiệp định theo quy định của từng nước.
Thủ tướng đề nghị Hoa Kỳ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường; đề nghị Hoa Kỳ kéo dài thời gian từ 18 tháng lên 3-4 năm để phía Việt Nam thực hiện việc chuyển đổi các biện pháp quản lý nhằm đáp ứng những quy định liên quan trong Luật Nông trại 2014 (Farm Bill 2014) của Hoa Kỳ, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cá tra, ba sa của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Thủ tướng cho biết mặt hàng cá tra, ba sa của Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ sẽ gặp khó khăn rất lớn nếu không có biện pháp xử lý phù hợp, kim ngạch xuất khẩu sẽ giảm mạnh và ảnh hưởng đến đời sống và việc làm của hàng chục triệu người lao động nghèo của Việt Nam.
Tại cuộc hội kiến, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị Tổng thống Obama tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ hơn, thiết thực hơn nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam, nhất là việc tẩy độc dioxin và rà phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh; đề nghị Hoa Kỳ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương, coi đây là biện pháp quan trọng để củng cố lòng tin chính trị giữa hai nước; đề nghị Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề tăng cường năng lực thực thi pháp luật trên biển, hỗ trợ kỹ thuật cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam.
Tổng thống Obama nhất trí với các đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và khẳng định sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan của Hoa Kỳ phối hợp với phía Việt Nam để đề xuất các giải pháp xử lý phù hợp cho từng vấn đề nhằm tăng cường lòng tin, hiểu biết lẫn nhau và làm sâu sắc, thực chất hơn quan hệ đối tác hợp tác toàn diện Hoa Kỳ-Việt Nam.
Tổng thống Obama bày tỏ hài lòng và cho rằng cuộc hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rất thành công.
* Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Thủ tướng Thái Lan Chan-ocha
Nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ tại California, Hoa Kỳ (15 đến 16-2), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc tiếp xúc song phương với Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha nhằm trao đổi những biện pháp thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến với Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha |
Hai Thủ tướng bày tỏ hài lòng về sự phát triển tốt đẹp của quan hệ hữu nghị láng giềng và Đối tác Chiến lược Việt Nam-Thái Lan; nhất trí phối hợp chỉ đạo thực hiện hiệu quả Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược giai đoạn 2014-2018 và các kết quả của kỳ họp Nội các chung lần thứ 3 (7-2015).
Tại cuộc gặp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Thái Lan trong việc thúc đẩy hợp tác lao động giữa hai nước cũng như việc Thái Lan đã chính thức triển khai đăng ký, cấp phép cho lao động Việt Nam tại Thái Lan từ ngày 1 đến 30-12-2015.
Đồng thời, Thủ tướng đề nghị hai bên cần phối hợp triển khai tốt Bản ghi nhớ về hợp tác lao động và Thỏa thuận tuyển dụng lao động vừa ký tháng 7-2015, có các cơ chế phụ trợ để thúc đẩy vấn đề này.
Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị Thái Lan phối hợp chặt chẽ với Việt Nam trong giải quyết vấn đề ngư dân, tàu thuyền theo tinh thần nhân đạo, tình cảm hữu nghị của nhân dân hai nước và quan hệ Đối tác chiến lược.
Hai Thủ tướng nhất trí giao cho Bộ trưởng Ngoại giao hai nước làm đầu mối thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác, sớm lập cơ chế đối thoại cấp thứ trưởng về an ninh - quốc phòng.
Thủ tướng Prayut Chan-ocha nhất trí đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và tập trung giải quyết các vấn đề quan trọng như hợp tác lao động, nghề cá, nông nghiệp.
Hai Thủ tướng cũng đã nhất trí về việc tăng cường đoàn kết, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong việc giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh và phát triển của khu vực.
* Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Tổng thống Cộng hòa Indonesia
Cũng nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ tại Sunnylands, bang California của Hoa Kỳ trong các ngày 15 đến 16-2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc tiếp xúc song phương với Tổng thống Cộng hòa Indonesia Joko Widodo.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
hội kiến Tổng thống Indonesia Joko Widodo
Tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo bày tỏ hài lòng với những hoạt động kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao diễn ra trong năm 2015, qua đó đã giúp tăng cường giao lưu và tình hữu nghị, đoàn kết giữa chính phủ và nhân dân hai nước.
Để làm sâu sắc hơn nữa Quan hệ Đối tác chiến lược trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Joko Widodo đã nhất trí tiếp tục duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao.
Tổng thống Joko Widodo thông báo kế hoạch sẽ đi thăm Việt Nam trong thời gian tới. Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí tăng cường hợp tác về kinh tế đầu tư, đa dạng hóa các sản phẩm trong trao đổi thương mại; phối hợp chặt chẽ trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến ngư dân và tàu cá Việt Nam.
Về hợp tác an ninh - quốc phòng, hai bên cũng đã nhất trí thúc đẩy sớm ký thỏa thuận tuần tra song phương, phối hợp chống khủng bố trong khu vực, lập đường dây nóng giữa hải quân hai nước và cơ chế đối thoại chính sách nhằm góp phần vào duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực.
Bên cạnh hợp tác song phương, hai nhà lãnh đạo cũng đã trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực hai bên cùng quan tâm.
Hai bên nhất trí thúc đẩy tăng cường đoàn kết và duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề lớn liên quan đến an ninh, lợi ích của mỗi nước và của khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Joko Widodo đồng thời tái khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm ký kết Bộ Quy tắc ứng xử (COC) cũng như giải quyết các tranh chấp trên biển dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982./.
Hiệp thương lần thứ nhất bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV  (17/02/2016)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm và làm việc tại Lạng Sơn  (17/02/2016)
Công bố thay đổi ủy viên Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước  (17/02/2016)
Việt Nam kêu gọi chấm dứt hành động làm phức tạp tình hình Biển Đông  (17/02/2016)
Hà Nội tập trung chín nhiệm vụ trọng tâm sau Tết Nguyên đán 2016  (17/02/2016)
Phó Thủ tướng: Cán bộ, thẩm phán cần nâng cao chuyên môn để hội nhập  (17/02/2016)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay