Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 25-01 đến ngày 31-01-2016)
Biến đổi khí hậu là nguy cơ tác động lớn nhất của toàn cầu trong năm 2016
Nguy cơ gây tác động lớn
nhất trong năm 2016 là thất bại trong việc giảm thiểu tác động và thích
ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: mrtomcowell.com/TTXVN
Báo cáo Nguy cơ Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm nay được hàng trăm chuyên gia đánh giá và phân tích sâu về 29 nguy cơ khác nhau đối với toàn cầu, dựa trên hai tiêu chí khả năng tác động và khả năng xảy ra. Theo đó, nguy cơ được đánh giá gây tác động lớn nhất trong năm 2016 là thất bại trong việc giảm thiểu tác động và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là lần đầu tiên nguy cơ về môi trường đứng đầu trong các nguy cơ toàn cầu kể từ khi báo cáo thường niên này được xuất bản, và trở thành mối đe dọa lớn nhất trong bức tranh nguy cơ toàn cầu năm 2016. Các nguy cơ tiếp theo tương ứng lần lượt là vũ khí hủy diệt hàng loạt, khủng hoảng nguồn nước, cuộc khủng hoảng di cư quy mô lớn và sự “lao dốc” của giá năng lượng, đặc biệt là dầu mỏ.
WEF cho biết trong suốt 11 năm lập báo cáo đánh giá về những nguy cơ toàn cầu, chưa bao giờ danh sách các nguy cơ trải rộng đến vậy. Lần đầu tiên có tới 4 trong tổng số 5 lĩnh vực, gồm: môi trường, địa chính trị, xã hội và kinh tế, được xếp trong danh sách 5 nguy cơ có ảnh hưởng lớn nhất. Lĩnh vực duy nhất còn lại không nằm trong danh sách này là công nghệ, với đại diện cao nhất là các cuộc tấn công mạng, cũng chỉ ở vị trí thứ 11 trên cả hai tiêu chí. Những nguy cơ địa chính trị, trong đó xung đột giữa các quốc gia có ảnh hưởng tới khu vực, được xếp vào nguy cơ hiện hữu nhất năm 2015, cũng đang ngày một rõ ràng. Trong khi đó, vũ khí hủy diệt hàng loạt được đưa lên vị trí thứ hai về tác động, cao hơn một bậc so với năm ngoái và là vị trí cao nhất trong báo cáo của WEF. Trong khi đó, xét về khả năng xảy ra, nguy cơ mang tính toàn cầu số 1 trong năm 2016 được đánh giá là nạn di cư bắt buộc, xếp trên cả vấn đề thời tiết cực đoan, thất bại trong việc giảm thiểu và thích ứng với sự biến đổi khí hậu, vấn đề xung đột xuyên quốc gia với tác động tầm khu vực và những thảm hoạ thiên tai lớn.
Diễn đàn Fullerton lần thứ tư: Chống khủng bố cần một chiến lược toàn diện ở khu vực và toàn cầu
Cảnh sát đặc nhiệm Indonesia được tăng cường bảo đảm an ninh tại sân bay Ngurah Rai ở Denpasar, đảo Bali. Ảnh: AFP/TTXVN
Diễn ra từ ngày 24-01 đến ngày 26-01-2016 tại Indonesia, Diễn đàn Fullerton, do Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS) tổ chức, là sự bổ sung và chuẩn bị cho Diễn đàn Đối thoại Shangri-La (SLD) thường niên, đã tập trung thảo luận về quá trình bình ổn quan hệ giữa các nước lớn ở châu Á - Thái Bình Dương, những mối đe dọa an ninh mới đang nổi lên như an ninh mạng và khủng bố, cũng như kiểm soát xung đột trong khu vực.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng điều phối các vấn đề chính trị, luật pháp và an ninh của Indonesia, Tướng Luhut Pandjaitan đã nêu bật sự cần thiết về một chiến lược toàn diện trong cuộc chiến chống khủng bố khu vực và toàn cầu. Bộ trưởng L. Pandjaitan đã đề cập những vụ tấn công khủng bố gần đây do tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) thực hiện, qua đó cho thấy sự cần thiết của một chiến lược toàn diện nhằm đối phó với IS. Theo ông L. Pandjaitan, việc chỉ sử dụng biện pháp cứng chống lại IS hầu như không hiệu quả mà cần tới sự kết hợp giữa cách tiếp cận cứng và mềm, cũng như hợp tác chia sẻ thông tin tình báo. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen và Bộ trưởng L. Pandjaitan cùng nhấn mạnh việc cắt đứt nguồn tài chính cho IS trong khu vực Đông Nam Á, như từ Australia, Sri Lanka mới được phát hiện gần đây thông qua chia sẻ thông tin tình báo.
Tổ chức Minh bạch Quốc tế: 2/3 số các quốc gia trên thế giới có mức điểm dưới 50
Báo cáo của Tổ chức Minh
bạch quốc tế được đưa ra trong bối cảnh các nền kinh tế trên thế giới
đang đấu tranh mạnh mẽ nhằm dẹp bỏ nạn tham nhũng. Ảnh: forbes.com
Ngày 27-01-2016, Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) công bố danh sách các quốc gia có chỉ số tham nhũng cao nhất và các quốc gia “trong sạch” nhất trên thế giới trong năm 2015. Báo cáo được đưa ra trong bối cảnh các nền kinh tế trên thế giới đang đấu tranh mạnh mẽ nhằm dẹp bỏ nạn tham nhũng. Nhìn chung, 2/3 số các quốc gia trên thế giới có mức điểm dưới 50. Dựa vào các số liệu từ các tổ chức, như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Phi và Viện Phát triển Quản lý quốc tế (IMD) của Thụy Sĩ về chỉ số tham nhũng trong khu vực công như chính phủ, hệ thống pháp luật, các đảng phái chính trị và hành chính công, danh sách của Tổ chức Minh bạch quốc tế được chia theo thang điểm từ 0 (mức độ tham nhũng cao) đến 100 (rất trong sạch).
Theo danh sách này, Đan Mạch là quốc gia đứng đầu thế giới về chỉ số trong sạch với 91 điểm, đứng thứ hai là Phần Lan với 90 điểm. Hầu hết các quốc gia trong top 10 quốc gia “trong sạch nhất” đều đến từ châu Âu, như Thụy Điển, Hà Lan, Na Uy, Thụy Sĩ, Đức, Luxembourg và Anh. Chỉ có hai quốc gia duy nhất thuộc nhóm này đến từ châu Á là Singapore với 85 điểm và New Zealand với 88 điểm. Canada là đại diện duy nhất của châu Mỹ góp mặt trong nhóm 10 quốc gia “trong sạch” với số điểm 83. Các cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ, Nga và Trung Quốc được xếp vào nhóm có chỉ số trung bình. Trong số các nước có được đánh giá có nhiều tham nhũng nhất có Somalia Angola, Nam Sudan, Sudan, Haiti và các quốc gia đang có chiến sự, như Afghanistan, Iraq,…
Virus Zika “hoành hành” tại các nước Mỹ Latinh và Caribe
Nhân viên Bộ Y tế đang phun
thuốc diệt muỗi để ngăn ngừa sự lây lan của virus Zika tại Thủ đô San
Salvador (El Salvador). Ảnh: nytimes.com
Virus Zika đang lây lan ngày càng nghiêm trọng tại các nước Mỹ Latinh và Caribe với 25 quốc gia và vùng lãnh thổ có bệnh nhân lây nhiễm. Được phát hiện đầu tiên ở loài khỉ Rhesus trong rừng Zika ở Uganda từ năm 1947, virus Zika lây nhiễm qua trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes. Triệu chứng phổ biến nhất khi nhiễm virus là sốt, viêm kết mạc, nhức đầu, đau cơ và khớp, phát ban. Bệnh sẽ kéo dài từ 4 - 7 ngày.
Ngày 29-01-2016, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff thừa nhận nước này đang thất bại trong cuộc chiến chống muỗi Aedes, tác nhân truyền virus Zika và bệnh sốt xuất huyết. Bà D. Rousseff khẳng định bất chấp khó khăn kinh tế Chính phủ sẽ ưu tiên và tập trung tối đa nguồn lực để đối phó với dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Trong khi đó, theo báo cáo mới nhất của Viện Y tế quốc gia Colombia, đã có 20.297 trường hợp nhiễm virus Zika tại khoảng 193 tỉnh thành, trong đó ca lây nhiễm ở phụ nữ mang thai là 2.116 người. Như vậy, sau Brazil với 1,5 triệu trường hợp lây nhiễm, Colombia là nước bị ảnh hưởng nặng nề thứ hai do virus Zika. Giới chức y tế Colombia cảnh báo nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, virus Zika có thể khiến gần 600.000 người tại nước này bị lây nhiễm trong năm nay, và gây ra chứng nhỏ đầu ở 500 thai nhi. Trước đó, ngày 27-01, các trường hợp bệnh nhân nhiễm virus Zika - đã được phát hiện tại nhiều quốc gia châu Âu, bao gồm Anh, Italy, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Đan Mạch và Thụy Sĩ. Tuy nhiên, hiện chưa có trường hợp lây nhiễm ở phụ nữ mang thai được ghi nhận tại 6 quốc gia trên.
Tình trạng bất ổn tại Burundi - tâm điểm nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh AU
Tổng Thư ký Ban Ki-moon phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 30-01-2016, tại Thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, các nhà lãnh đạo châu Phi đã bắt đầu cuộc họp thượng đỉnh kéo dài 2 ngày nhằm tìm cách chấm dứt các cuộc xung đột vũ trang trong khu vực, trong có tình trạng bất ổn tại Burundi.
Trước đó, Ủy viên Hội đồng An ninh và Hòa bình của AU Smail Chergui đã cảnh báo về những nguy cơ khi Burundi vẫn phản đối lực lượng gìn giữ hòa bình do AU đề xuất mà nước này gọi là “lực lượng xâm lược”. Về phần mình, Ngoại trưởng Burundi Alain Nyamitwe khẳng định đã nhận được sự hỗ trợ của các quốc gia khác và đây cũng là những nước phản đối đề xuất triển khai binh sĩ của AU. Ông nhấn mạnh đề xuất trên là không chính đáng và tình hình tại Burundi vẫn đang trong tầm kiểm soát. Trong khi đó, Tổng thống Gambia Yahya Jammeh tin rằng việc can thiệp quân sự tại một quốc gia là không được hoan nghênh và ông sẽ không ủng hộ việc triển khai binh lính của AU mà không có sự đồng ý của Burundi. Đề xuất triển khai lực lượng gìn giữ hoà bình của AU tại Burundi gồm 5.000 binh sĩ mang tên MAPROBU sẽ cần tới 2/3 số phiếu ủng hộ để được thông qua. Hiện vẫn chưa rõ quốc gia nào của châu Phi sẽ đóng góp binh sĩ vào lực lượng này. Đây là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo châu Phi nhóm họp kể từ sau hội nghị thượng đỉnh tại Johannesburg (Nam Phi) vào tháng 6-2015. Hội nghị lần này cũng tập trung giải quyết xung đột trên khắp khu vực, bao gồm chấm dứt nội chiến tại Nam Sudan, các cuộc nổi dậy của người Hồi giáo tại Mali, bạo lực tại Nigeria, bất ổn chính trị tại Libya và việc thành lập một chính phủ mới tại Cộng hòa Trung Phi./.
Lựa chọn những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho nhân dân  (02/02/2016)
Hội nghị triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV  (02/02/2016)
Tổng Bí thư thăm và chúc thọ nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười  (02/02/2016)
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tiếp tục bơm tiền vào thị trường  (02/02/2016)
Báo Đức ca ngợi vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam  (02/02/2016)
Những nhân tố tác động và ảnh hưởng đến quá trình dân chủ hóa ở nước ta  (02/02/2016)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển