Quản lý văn hóa xã hội cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Quảng Nam
TCCSĐT - Miền núi tỉnh Quảng Nam do đặc thù về điều kiện tự nhiên, nên từ rất sớm đã là nơi sinh tụ của rất đông đồng bào các dân tộc thiểu số, gồm nhiều các dân tộc: Catu, Giẻ Triêng, Cor, Xơđăng. Giống như nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số khác sinh sống trên lãnh thổ nước ta, đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Nam hiện nay vẫn duy trì ở những hình thức và mức độ khác nhau vị trí của già làng song hành với sự hiện diện chính thống của trưởng thôn/bản với việc sử dụng/vận dụng khá nhiều luật tục, phong tục truyền thống trong quá trình quản lý văn hóa và đời sống xã hội nói chung.
Các luật tục - phong tục của đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Nam là những quy ước mang tính thực hành xã hội, và được coi là hình thức phát triển tích cực trong quá trình thiết chế chung cho cộng đồng, bảo vệ cộng đồng trước mọi biến động của tự nhiên và xã hội. Với từng dân tộc, luật tục - phong tục dù được duy trì trong những hoàn cảnh xã hội và điều kiện tự nhiên khác nhau, nhưng luôn là yếu tố thiết cốt vô hình góp phần trọng yếu trong quá trình quản lý văn hóa xã hội của cộng đồng, đặc biệt là trong xã hội truyền thống.
Cho đến nay, hầu hết các nhà nghiên cứu đều đồng ý rằng làng (vel, plơi) là đơn vị xã hội cơ bản trong xã hội truyền thống của các tộc người Cor, Giẻ Triêng, Xêđăng và Catu. Khái niệm xã hội truyền thống ở đây đương nhiên cần được hiểu trong phạm vi tự quản của một cộng đồng người nhất định, mọi thiết chế đa phần đều do cộng đồng tạo ra, đáp ứng nhu cầu quy tụ, điều chỉnh và vận hành mọi ứng xử của từng thành viên thuộc những mối quan hệ khép kín, cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Và, để quản lý các đơn vị xã hội đó theo truyền thống tự cung tự cấp, khép kín của cộng đồng các tộc người, sự kết hợp giữa vai trò, vị thế của già làng với các hệ thống luật tục đã tạo ra/trở thành “thế lực” chủ đạo, có vai trò quyết định trong quá trình quản lý cộng đồng, cả về mặt đối nội lẫn đối ngoại. Từ sau năm 1975 trở đi, cùng với việc thống nhất đất nước về mặt lãnh thổ, chính trị, kinh tế và văn hóa, cộng đồng xã hội các tộc người ở Quảng Nam nói riêng, trên phạm vi các tỉnh miền Nam Việt Nam nói chung, các thiết chế và bộ máy quản lý xã hội cũng chuyển sang mô hình quản lý mới, theo mô hình quản lý được hoạch định bởi đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam thống nhất.
Với đặc điểm ấy, cùng với việc hình thành bộ máy quản lý chính quyền từ cấp tỉnh đến cấp thôn/bản, các chính sách phát triển về các mặt kinh tế, văn hóa xã hội gắn với cộng đồng các dân tộc thiểu số được ban hành từ các cấp, ban, ngành Trung ương và các tỉnh thuộc khu vực miền núi luôn giành một phần quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi, vừa góp phần định hướng, quy định về mặt pháp lý cho việc khai thác hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ lãnh thổ đồng thời cải thiện đời sống đồng bào các dân tộc.
Trong chính sách chung về phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, bên cạnh việc chú trọng phát triển kinh tế, các vấn đề văn hóa - xã hội, đặc biệt là tổ chức quản lý xã hội đã sớm được đặt ra và ngày càng được coi trọng. Bởi chúng không chỉ là những nhân tố góp phần thúc đẩy mà còn tiềm chứa không ít những yếu tố làm hạn chế hoặc ngáng trở sự phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, đối với tỉnh Quảng Nam nói riêng và các tỉnh miền núi ở Việt Nam nói chung, do những đặc thù về địa lý, về quá trình tộc người và lịch sử, văn hóa của từng địa phương, vấn đề tổ chức, quản lý xã hội ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi càng đặt ra bức thiết, nhất là trong giai đoạn phát triển với nhiều nhân tố tác động đa chiều, tích cực đan xen tiêu cực, từ bên trong lẫn bên ngoài như hiện nay.
Thấy được tầm quan trọng của vấn đề tổ chức quản lý văn hóa - xã hội và thực trạng của vấn đề chuyển đổi vai trò quản lý từ mô hình truyền thống sang mô hình hiện đại, hành chính hiện nay, mà thực chất là quá trình chuyển đổi vai trò, quyền lực giữa già làng và trưởng thôn, trưởng bản cần thực hiện một số giải pháp mang tính ứng dụng, nhằm kế thừa và phát huy vai trò tích cực của mô hình quản lý văn hóa - xã hội cổ truyền trong công việc xây dựng phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi tỉnh Quảng Nam hiện nay. Để xem xét vấn đề này, khái niệm mô hình quản lý văn hóa - xã hội truyền thống (của đồng bào các dân tộc thiểu số thuộc các tỉnh, thành cả nước nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng) bao gồm những thể chế, những thiết chế văn hóa - xã hội nhằm tổ chức và duy trì sự ổn định của cộng đồng dân cư (mà ở đây đơn vị cơ bản và quan trọng nhất là tổ chức làng/bản), trong đó vai trò của luật tục và vị trí của già làng có ý nghĩa then chốt, bên cạnh hội đồng già làng. Phương thức tổ chức quản lý này chủ yếu lấy biện pháp giáo dục, răn đe dựa vào luật tục là chính (mà tính chất thiêng của luật tục rất được coi trọng). Ngược lại, khái niệm tổ chức, quản lý xã hội hiện đại, hành chính bao gồm bộ máy hành chính các cấp, quản lý xã hội chủ yếu bằng hệ thống văn bản pháp luật, dưới luật và bộ máy thực thi pháp luật (công an, tòa án, viện kiểm soát…) trong đó vị trí của người trưởng thôn (chủ yếu do chính quyền đề cử hoặc dự kiến và định hướng cho dân bầu) đóng vai trò quan trọng (nhất là ở cấp cơ sở).
Hai mô hình quản lý ấy, tùy thuộc vào những điều kiện đặc thù và hoàn cảnh lịch sử mà có sự chuyển đổi và tồn tại song hành trong một thời gian khá dài. Kể từ khi mô hình quản lý xã hội theo cơ cấu tổ chức hành chính hiện đại được xác lập ở vùng đồng bào các dân tộc miền núi (từ sau năm 1954 ở miền Bắc và sau năm 1975 ở miền Nam) cho đến nay, thực tế cho thấy, mô hình quản lý cộng đồng theo ước chế của luật tục và sự điều hành của già làng càng ngày càng bị lép về, phai nhạt, nhường chỗ cho mô hình quản lý hành chính hiện đại, trong việc tổ chức quản lý và điều hành xã hội.
Sự chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình quản lý hiện đại (nhìn ở góc độ điều hành, tổ chức lực lượng sản xuất, theo dõi an ninh trật tự xã hội, thực hành sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng) về thực chất - nhìn theo phạm vi hẹp, là quá trình chuyển đổi vai trò “quyền lực” giữa già làng và trưởng thôn, trưởng bản. Vậy, tại sao lại có sự chuyển đổi đó? Sự chuyển đổi đó đem lại những tác động tích cực và tiêu cực gì? Làm thế nào để phát huy vai trò của những hạt nhân hợp lý trong mô hình quản lý truyền thống trong cơ chế quản lý hiện đại ngày nay nhằm phát triển kinh tế - xã hội một cách có hiệu quả nhất?
Trước hết, có thể khẳng định rằng, quá trình chuyển đổi vai trò giữa già làng và trưởng thôn, trưởng bản là một quá trình lâu dài (vai trò của già làng chưa thể bị mất đi khi những cơ sở tồn tại của nó - chẳng hạn người dân vẫn cần kinh nghiệm của già làng, cần một người “đỡ đầu” về tinh thần, về thực hành tín ngưỡng tâm linh… vẫn còn). Quá trình đó lại không hề giống nhau giữa các dân tộc khác nhau, mà thường phụ thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh đặc thù, phong tục tập quán của từng thôn/làng, từng dân tộc.
Như một hệ quả tất nhiên, khi những điều kiện bảo đảm cho sứ mệnh tồn tại của già làng biến đổi (do hoàn cảnh chiến tranh, do tác động của những cộng đồng người lớn hơn, có trình độ phát triển cao hơn, do thay đổi thể chế xã hội,…) thì hệ quả tất yếu là vai trò của già làng ngày càng giảm đi, thay vào đó là vai trò của người quản lý mới: trưởng thôn, trưởng bản và bộ máy quản lý hành chính kèm theo nó. Trưởng thôn xuất hiện và trong những thời điểm/hoàn cảnh nhất định, ở một số phương diện được coi là đối trọng với vai trò của già làng. Dĩ nhiên quá trình chuyển đổi ấy, về thực chất quyền lực, không hề đơn giản và nhanh chóng, mà đó thực sự là một quá trình chuyển đổi/thay thế lâu dài. Trong đó, sự xác lập vai trò của trưởng thôn (đại diện cho chính quyền, cho mô hình quản lý hiện đại) có những lợi thế nhất định (do hoàn cảnh khách quan thuận lợi…), quá trình tiếp nhận bộ máy quản lý mới cũng chịu sự chi phối của những điều kiện khách quan (do hoàn cảnh chiến tranh dẫn đến sự xích lại gần nhau giữa các cộng đồng người để chống kẻ thù chung, đòi hỏi nhu cầu đoàn kết,…). Có thể thấy, trong quá trình vận hành xã hội đó, chính sách của nhà nước (thể hiện qua các văn bản Hiến pháp, luật và văn bản dưới luật) đối với vùng đồng bào các dân tộc thiểu số đóng vai trò quan trọng và mang tính quyết định, bên cạnh sự tự nguyện/đồng thuận của đồng bào các dân tộc.
Một nguyên nhân khác dẫn đến sự chuyển đổi là sự phát triển mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội trong hoàn cảnh/điều kiện xã hội mới, đặt ra những vấn đề mà bản thân mô hình quản lý xã hội truyền thống - đứng đầu là già làng - không thể tự mình giải quyết được. Và như vậy, một khi xã hội phát triển đến một trình độ nhất định, do các nhu cầu và điều kiện xã hội khách quan, già làng không còn khả năng/trình độ phù hợp để giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra.
Xét cho cùng, sự chuyển đổi vai trò quản lý xã hội như vậy giữa già làng và trưởng thôn/bản cũng là một sự tất yếu. Vấn đề nằm ở chỗ, chúng liệu sẽ đem lại gì cho chính cuộc sống của đồng bào? Chính điều này sẽ quyết định vai trò thật sự được xác lập trong tương lai giữa già làng và trưởng thôn. Bên cạnh những tác động tích cực đối với cuộc sống của đồng bào, đem lại cho đồng bào những lợi ích và tiện nghi của cuộc sống hiện đại thì cũng chính quá trình chuyển đổi ấy đã và sẽ làm mất đi một số giá trị văn hóa truyền thống/tri thức bản địa được sáng tạo, chắt lọc, trao truyền lưu giữ từ bao đời. Già làng được coi là “tinh hoa”, là quyền lực đầy uy tín, đại diện cho cả cộng đồng xưa kia, sẽ chỉ còn đóng vai trò của một người cố vấn, một người quản lý lễ nghi, “bộ nhớ” cho quá trình thực hành những lớp lang lễ nghi, phong tục tập quán hoặc một phần tri thức bản địa - nguồn tri thức địa phương được ứng dụng khả thi cho thực tiễn canh tác hay ứng xử với môi trường sinh thái (bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ giống cây, muông thú) và môi trường nhân văn. Còn mọi công việc đều tập trung vào tay trưởng thôn, người trực tiếp thay mặt/cầu nối giữa bộ máy chính quyền với cộng đồng trong mọi quan hệ xã hội, chính trị, kinh tế và văn hóa.
Từ thực trạng trên của quá trình chuyển đổi vai trò quản lý văn hóa xã hội ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam, có thể đi đến xây dựng/xác lập một số giải pháp nhằm góp phần hoàn thiện hơn nữa các thiết chế quản lý xã hội hiện tại (mà hiện nay đã thực hiện tương đối tốt vai trò và chức năng của mình) sao cho chúng kế thừa được những hạt nhân hợp lý, tích cực của mô hình truyền thống, nhằm bảo đảm được công tác quản lý hành chính, quản lý xã hội, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi tỉnh Quảng Nam hiện nay.
Trước hết, vai trò và vị trí quan trọng của già làng do nhiều nhân tố khách quan lẫn chủ quan chi phối, vẫn phải được tiếp tục duy trì. Tiếp cận từ thói quen truyền thống, già làng gần như đồng nhất với biểu tượng cho tri thức bản địa/địa phương, khuôn mẫu cho mọi hành vi, đạo đức diễn ra trong cộng đồng, chủ thể có thế lực đủ sức cân bằng, xem xét hoặc phán quyết các mối quan hệ - cả về mặt vật chất lẫn tâm linh, từ phạm vi gia đình tới dòng họ và xã hội làng bản. Và do vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là cần có một cơ chế linh họat, mềm dẻo hơn nữa nhằm kết hợp kinh nghiệm, khả năng cố kết cộng đồng, duy trì truyền thống… của già làng với công tác quản lý của trưởng thôn. Có như vậy mới giải quyết tốt được mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, giữa bảo tồn và phát triển. Và quan trọng hơn là, già làng sẽ cùng với trưởng thôn và hội đồng già làng cùng đại diện của các hội đoàn (hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, hội người cao tuổi, hội đồng niên,…) trở thành một hội đồng chung thống nhất, có thể bổ sung nhiệm vụ và trách nhiệm cho nhau. Nhờ đó, vai trò vị trí của từng “bộ phận” sẽ được xác lập trong mối quan hệ biện chứng với những thành phần còn lại, nhằm giải quyết tốt công việc quản lý xã hội cùng những vấn đề phát sinh trong đời sống cộng đồng.
Ở một khía cạnh khác, xuất phát từ thực trạng xã hội và nhu cầu thực tiễn, chính quyền sở tại, bằng thiết chế chính thống, cần sớm công nhận vai trò của già làng. Lâu nay chúng ta vẫn coi trưởng thôn là người đại diện chính thức và duy nhất của chính quyền ở cấp cơ sở và chính điều này đã làm hạn chế vai trò to lớn của già làng trong việc quản lý xã hội ở cấp thôn/bản - đơn vị hành chính chủ yếu ở vùng đồng, bào các dân tộc thiểu số Quảng Nam. Nên chăng, xây dựng một thiết chế, trong đó quy định sự gắn kết trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn và lợi ích (phụ cấp, lương hoặc hình thức hỗ trợ vật chất tương xứng) linh hoạt giữa già làng với trưởng thôn, dưới sự định hướng, kiểm soát của chính quyền sở tại mỗi khi phải ứng trực, xử lý giải quyết các mâu thuẫn nảy sinh trong quá trình quản lý cộng đồng từng làng/bản.
Chính sách đối với vùng miền núi - nơi đồng bào các dân tộc thiểu số cư trú, làm ăn, gắn bó thường trực với vận mệnh lịch sử của cộng đồng dân tộc, nhất là vùng biên giới, từ lâu đã được cha ông ta chú trọng. Chính những bài học lịch sử đó đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ lãnh thổ, xây dựng và phát triển kinh tế xã hội. Bước vào giai đoạn phát triển xã hội công nghiệp, văn minh và hiện đại, việc giải quyết tốt mối quan hệ giữa già làng và trưởng bản, giữa truyền thống và hiện đại sẽ là động lực to lớn thúc đẩy hiệu quả quản lý cộng đồng xã hội trong phạm vi làng bản và sự phát triển mọi mặt ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số Quảng Nam hiện tại và mai sau./.
Đẩy mạnh hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước  (26/01/2016)
Thông cáo báo chí Chương trình “Mãi mãi niềm tin theo Đảng”  (26/01/2016)
Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng  (25/01/2016)
Việt Nam sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế chống bạo lực cực đoan  (25/01/2016)
Trao Kỷ niệm chương cho Đại sứ Indonesia tại Việt Nam  (25/01/2016)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay