Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 11 đến ngày 17-1-2016)

Nhân Hòa (tổng hợp theo TTXVN, TCCSĐT)
20:52, ngày 20-01-2016
Hơn 1.500 xã trên cả nước được công nhận chuẩn nông thôn mới; Triển lãm “Đảng Cộng sản Việt Nam và công cuộc đổi mới đất nước”; Ban Chấp hành Trung ương tán thành kết quả đàm phán Hiệp định TPP; Chung kết toàn quốc, tổng kết và trao giải Cuộc thi tìm hiểu văn hóa, lịch sử dân tộc “Tự hào Việt Nam”; Khai mạc phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII; Chính thức công bố ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV; Tưởng niệm liệt sỹ hy sinh ở Vùng thềm lục địa phía Nam Tổ quốc… là những sự kiện nổi bật tuần qua.


Khai mạc Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI 

Sáng 11-01-2016, Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị. Tại hội nghị lần này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ thảo luận và thông qua chủ trương ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); tiếp tục hoàn thiện công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII và chuẩn bị nhân sự lãnh đạo chủ chốt khóa XII, thông qua dự kiến danh sách Đoàn Chủ tịch, Đoàn thư ký, Ban Thẩm tra tư cách đại biểu của Đại hội XII.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh một số nội dung để Trung ương thảo luận. Tổng Bí thư đề nghị Trung ương nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến về kết quả đàm phán; phân tích, đánh giá tác động khi tham gia TPP; nêu rõ những tác động tổng thể cũng như cụ thể về chính trị và an ninh quốc gia, những thuận lợi và thời cơ, các khó khăn và thách thức; những vấn đề đặt ra liên quan đến điều chỉnh luật pháp, chính sách, biện pháp như nêu trong Báo cáo và Tờ trình của Bộ Chính trị; đồng thời cho chủ trương về việc chính thức ký kết Hiệp định; chuẩn bị trình Quốc hội phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật; xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch, Chương trình hành động thực thi Hiệp định, đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc.

Sau Hội nghị Trung ương 13, trên cơ sở kết quả giới thiệu của Ban Chấp hành Trung ương, ý kiến giới thiệu của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XI, Tiểu ban Nhân sự và Bộ Chính trị đã thảo luận, cân nhắc kỹ và thống nhất giới thiệu nhân sự lãnh đạo chủ chốt khóa XII bao gồm các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XI đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong độ tuổi và trường hợp “đặc biệt” tái cử khóa XII. Tổng Bí thư đề nghị Trung ương nghiên cứu Tờ trình của Bộ Chính trị một cách kỹ lưỡng, thảo luận, đóng góp ý kiến để hoàn chỉnh Báo cáo công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XI trình Đại hội XII; đồng thời xem xét, đề cử nhân sự 4 chức danh lãnh đạo chủ chốt khóa XII.

Tại Hội nghị lần này, căn cứ Điều lệ Đảng, Bộ Chính trị cũng sẽ trình Trung ương dự kiến danh sách Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký và Ban Thẩm tra tư cách đại biểu của Đại hội XII của Đảng, đề nghị Trung ương cho ý kiến, thông qua để trình Đại hội XII của Đảng xem xét, quyết định.

Hơn 1.500 xã trên cả nước được công nhận chuẩn nông thôn mới 

Ngày 12-01-2016 tại thành phố Hòa Bình, Ban Chỉ đạo dự án hỗ trợ chung của Liên hiệp quốc đối với xây dựng nông thôn mới” UNJP/VIE/051 đã tổ chức hội nghị thường niên đánh giá kết quả hoạt động của Dự án ở Việt Nam. Tham gia hội nghị có đại diện Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hiệp quốc tại Việt Nam; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Tại hội nghị, các chuyên gia đến từ các tổ chức của Liên hiệp quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ đạo Dự án Hỗ trợ chung của Liên hiệp quốc đối với xây dựng nông thôn mới” UNJP/VIE/051 cho rằng mặc dù vẫn còn có những khó khăn, thách thức nhưng Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 ở Việt Nam đã thành công. Trên 1.520 xã và 15 huyện của cả nước được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng 1,9 lần so với năm 2010 và tỷ lệ các xã hoàn thành các tiêu chí ngày càng tăng.

Dự án “Hỗ trợ chung của Liên hiệp quốc đối với xây dựng nông thôn mới” UNJP/VIE/051 là Dự án hỗ trợ kỹ thuật với sự tham gia của 5 tổ chức gồm FAO (Tổ chức nông - lương của Liên hiệp quốc), UNIDO (Tổ chức phát triển công nghiệp của Liên hiệp quốc), UNESCO (Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hiệp quốc), IOM (tổ chức di dân quốc tế) và UNV (Chương trình tình nguyện Liên hiệp quốc). Trong đó, FAO là cơ quan điều phối chung.

Dự án được thực hiện với mục tiêu cung cấp, hỗ trợ kỹ thuật, chất lượng cho Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới để phát triển tiềm năng khu vực nông thôn Việt Nam thông qua điều phối các trợ giúp kỹ thuật của hệ thống Liên hiệp quốc, nhằm tích hợp các lợi thế so sánh của từng cơ quan đối với Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; giúp cải thiện môi trường, chính sách, năng lực lập kế hoạch và triển khai Nghị quyết về nông nghiệp-nông dân-nông thôn ở Việt Nam.

Triển lãm “Đảng Cộng sản Việt Nam và công cuộc đổi mới đất nước” 

Nhân dịp kỷ niệm 86 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03-02-1930 - 03-02-2016), thiết thực chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, chiều 12-01-2016, Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp tổ chức triển lãm “Đảng Cộng sản Việt Nam và công cuộc đổi mới đất nước” (1986-2016).

Triển lãm gồm 3 phần, giới thiệu gần 200 ảnh, tài liệu, hiện vật khái quát về quá trình không ngừng tìm tòi, nghiên cứu để hình thành và phát triển đường lối đổi mới của Đảng trong 30 năm qua.

Phần I, triển lãm giới thiệu quá trình hình thành và phát triển quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam với các bức ảnh về các kỳ Đại hội Đảng, hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ, cũng như cuộc sống, sinh hoạt của người dân trong thời kỳ cách mạng.

Phần II, triển lãm giới thiệu những thành tựu đất nước 30 năm đổi mới. Đây là giai đoạn quan trọng trong lịch sử phát triển của nước ta, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Phần III, với chủ đề tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII Đảng Cộng sản Việt Nam, triển lãm giới thiệu đến người xem những hình ảnh về hoạt động Đại hội Đảng các cấp, các hội nghị lấy ý kiến vào dự thảo Văn kiện trình Đại hội. Triển lãm cho thấy, đến năm 2016, khi Đảng ta tiến hành Đại hội lần thứ XII, công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo vừa tròn 30 năm với 6 nhiệm kỳ đại hội.

Thành tựu và những bài học đúc kết từ 30 năm đổi mới, phát triển đất nước vừa là hành trang, vừa là nguồn lực quý báu động viên toàn Đảng, toàn dân ta tiến lên giành những thắng lợi mới, phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu cao cả: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Ban Chấp hành Trung ương tán thành kết quả đàm phán Hiệp định TPP

Chiều 13-01, Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã bế mạc, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra, sau 3 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, thật sự dân chủ và trách nhiệm cao.

Tại Hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận Báo cáo của Bộ Chính trị về kết quả đàm phán và xin chủ trương về ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ban Chấp hành Trung ương thống nhất nhận định: Hiệp định TPP là hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, có phạm vi điều chỉnh rộng hơn và mức độ cam kết sâu hơn Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia trước đây. Việc nước ta tham gia đàm phán TPP thể hiện sự chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, tham gia các thể chế kinh tế đa phương, góp phần xây dựng quan hệ kinh tế công bằng, đẩy mạnh hợp tác cùng có lợi; xuất phát từ nhu cầu phát triển nhanh, bền vững đất nước, triển khai thực hiện các đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế đất nước theo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.

Ban Chấp hành Trung ương đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan liên quan, trực tiếp là Đoàn đàm phán trong đàm phán, thương lượng để đi đến tuyên bố kết thúc đàm phán Hiệp định TPP. Quá trình và kết quả đàm phán Hiệp định TPP đạt được các mục tiêu, yêu cầu đề ra, tuân thủ đúng quan điểm, nghị quyết của Đảng. Bộ Chính trị đã chỉ đạo sát sao, đề ra các mục tiêu, nguyên tắc lớn để định hướng việc đàm phán ngay từ đầu, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh. Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận, tán thành kết quả đàm phán Hiệp định TPP.

Ban Chấp hành Trung ương khẳng định, tham gia Hiệp định TPP với tư cách là một trong những thành viên đầu tiên, khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam, tạo thêm cơ hội để đất nước ta phát triển nhanh và bền vững hơn. Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, phức tạp và khó lường, việc tham gia TPP tạo ra cơ hội để nước ta tranh thủ nguồn lực bên ngoài để phát triển nhanh và bền vững. Việc tham gia TPP cũng sẽ giúp GDP, xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam tăng đáng kể; tạo thêm cơ hội tham gia các chuỗi sản xuất, tiêu thụ quốc tế và khu vực; góp phần tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập và bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo.

Thảo luận kỹ về những khó khăn, thách thức khi tham gia Hiệp định TPP, Ban Chấp hành Trung ương nhận định: Các cam kết về mở cửa thị trường hàng hóa trong TPP tạo ra sức ép cạnh tranh lớn hơn, đặc biệt là với ngành nông nghiệp; một số doanh nghiệp, trước hết là các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất và kinh doanh lạc hậu có thể lâm vào tình trạng khó khăn. Tham gia Hiệp định, chúng ta sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi một số quy định pháp luật về thương mại, hải quan, đầu tư, đấu thầu, sở hữu trí tuệ, lao động... Việc thực hiện các quy định về lao động trong Hiệp định TPP cũng đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội đối với các hoạt động có liên quan đến quan hệ lao động, giữ vững ổn định chính trị - xã hội để phát triển đất nước.

Ban Chấp hành Trung ương nhận định, cơ hội mà Hiệp định TPP đem lại cho nước ta là rất lớn và cơ bản. Song thách thức không nhỏ. Tuy nhiên, các thách thức này đã được nhận diện và với kinh nghiệm của 30 năm đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế, với nỗ lực, sáng tạo và ý chí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta quyết tâm vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội do Hiệp định TPP mang lại để phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Ban Chấp hành Trung ương tán thành, đồng ý để Chính phủ cùng chính phủ các nước ký Hiệp định TPP vào đầu tháng 02-2016; giao Bộ Chính trị chỉ đạo công tác chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn Hiệp định theo đúng quy định của pháp luật; xây dựng đề án trình Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết về thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có Hiệp định TPP.

Chung kết toàn quốc, tổng kết và trao giải Cuộc thi tìm hiểu văn hóa, lịch sử dân tộc “Tự hào Việt Nam” 

Sáng 13-01-2016, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô, Hà Nội, diễn ra Chung kết toàn quốc, tổng kết và trao giải Cuộc thi tìm hiểu văn hóa, lịch sử dân tộc “Tự hào Việt Nam”, dành cho học sinh trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và nhà đồng hành Công ty cổ phần Trò chơi Giáo dục trực tuyến - EGAME tổ chức.

Báo cáo tổng kết Cuộc thi, đồng chí Lê Quốc Phong, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam, cho biết, tính đến ngày 28-12-2015, phần thi trực tuyến cá nhân (tại địa chỉ website: www.tuhaovietnam.com.vn) với nội dung phong phú, thiết kế các phần thi sinh động, hấp dẫn đã thu hút 310.850 thí sinh đến từ 2.621 trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên thuộc 63/63 tỉnh, thành phố tham gia dự thi vòng loại. Theo từng tuần thi, sự bám đuổi của các đơn vị trên bảng xếp hạng hết sức quyết liệt, tạo nên một sân chơi thú vị, hấp dẫn, thu hút đông đảo các bạn học sinh tranh tài. Vòng chung kết cấp tỉnh với sự tham gia của 4.272 thí sinh lựa chọn ra 82 thí sinh xuất sắc nhất tham dự Chung kết toàn quốc tại Thủ đô Hà Nội.

Thông qua Cuộc thi này, Ban Tổ chức mong muốn, 82 thí sinh dự thi sẽ trở thành những hạt nhân lan tỏa tình yêu lịch sử, văn hóa dân tộc tới nhiều bạn trẻ cùng với cách học sáng tạo, hiệu quả về lịch sử, văn hóa Việt Nam, thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Thêm nhiều bạn học sinh sẽ thay đổi cách nghĩ, cách tiếp cận, phương pháp học tập môn lịch sử, cũng như các môn học trang bị kiến thức về văn hóa dân tộc, để từ đó càng yêu mến và tự hào về Tổ quốc, về đất nước, con người Việt Nam.

Khai mạc phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII


Sáng 14-01, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 44 với nhiều nội dung quan trọng, trong đó có việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết về việc công bố ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021; cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Xem xét, thông qua Nghị quyết quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Theo chương trình, tại phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến 4 dự án Luật để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 11 và một số nội dung quan trọng khác.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phối hợp với Bộ Tư pháp rà soát lại các thông tin thiết yếu, tác động trực tiếp đến cuộc sống của người dân trong các văn bản dưới luật, đối với các quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm là phù hợp để đưa vào Luật nhằm bảo đảm công khai, minh bạch và tính khả thi.

Về chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin, một số ý kiến đề nghị cần nghiên cứu mở rộng chủ thể cung cấp thông tin không chỉ là cơ quan nhà nước mà còn bao gồm cả các tổ chức đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước. Vì có nhiều thông tin của tổ chức, đơn vị này liên quan trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Về trình tự, thủ tục, thời hạn cung cấp thông tin, các đại biểu đề nghị cần phải quy định theo hướng tạo thuận lợi hơn cho người dân, nhất là trong điều kiện gắn với cải cách thủ tục hành chính, không nên kéo dài thời hạn cung cấp thông tin.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu cơ quan soạn thảo quy định rõ những loại thông tin nào được tiếp cận, thông tin nào không tiếp cận trong dự thảo và hoàn tất công việc này trong thời gian từ nay đến tháng 3 để bảo đảm chuẩn bị tốt trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 11 tới.

Chính thức công bố ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV

Chiều 15-1, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã tổ chức Lễ công bố Nghị quyết số 1129/2016/UBTVQH13 về Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia và các Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia: Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới dự buổi lễ.

Quyết nghị nêu rõ: Chủ nhật, ngày 22-5-2016 là Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Hội đồng bầu cử quốc gia, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị, tổ chức hữu quan theo trách nhiệm tổ chức cuộc bầu cử, bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm, thực sự là ngày hội của toàn dân. Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày 14-1-2016.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh kể từ ngày Tổng tuyển cử đầu tiên 6-1-1946, đây là cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội lần thứ XIV. Ngày bầu cử 22-5 tới đây, chính là ngày cử tri, đồng bào cả nước sẽ thực hiện quyền dân chủ, quyết định lựa chọn ai là đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, chúng ta có nhiệm vụ thực hiện thật tốt cuộc bầu cử ngày 22-5-2016, để Ngày bầu cử thật sự trở thành sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. “Có kết quả bầu cử, mới bầu ra được bộ máy chính quyền các cấp, từ Trung ương đến cơ sở. Chính các đại biểu nhân dân là những người ưu tú trong nhân dân chúng ta sẽ được lựa chọn vào đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và quyết định bầu ra bộ máy chính quyền từ Trung ương tới cơ sở; cụ thể bầu ra từ Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, cho tới Chủ tịch xã, phường và Chủ tịch Hội đồng nhân dân các cấp. Đây là một khởi đầu để chúng ta xây dựng một nhà máy pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Việt Nam; là một bộ máy của dân, do dân, vì dân, theo đúng Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Tưởng niệm liệt sỹ hy sinh ở Vùng thềm lục địa phía Nam Tổ quốc

Chiều 17-01, Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh anh dũng tại Vùng thềm lục địa phía Nam Tổ quốc, diễn ra trọng thể trên tàu 624, tại vùng biển khu vực Bãi Tư Chính.

Nhiều năm qua, kể từ khi Cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ (DK1) được thành lập trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc, các thế hệ chiến sỹ Tiểu đoàn DK1 đã phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp của Quân đội anh hùng, nêu cao tinh thần vì Tổ quốc, vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo, đoàn kết, khắc phục khó khăn vượt qua mọi nguy hiểm, trụ vững nơi đầu sóng, ngọn gió hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Trưởng đoàn công tác số 2, Đại tá Lê Đức Việt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Bộ Tư lệnh vùng 2 Hải quân bùi ngùi: Chúng ta quên sao được những tấm gương liệt sỹ Nguyễn Hữu Quang, Thượng úy-Phó Chỉ huy trưởng Chính trị Nhà giàn DK1/3 Phúc Tần khi Nhà giàn bị đổ đã cùng anh em bơi nhiều ngày trên biển. Lúc sóng to, gió lớn, anh đã nhường chiếc phao cứu sinh cá nhân và miếng lương khô cuối cùng cho người chiến sỹ yếu nhất, còn mình mãi mãi ra đi vào ngày 05-12-1990.

Càng không quên hành động cao đẹp của anh hùng liệt sỹ Đại úy Vũ Quang Chương-Chỉ huy trưởng Nhà giàn 2A DK1/6 Phúc Nguyên trước sự hung dữ và tàn khốc của cơn bão số 8 năm 1998, vẫn bình tĩnh chỉ huy bộ đội rời Nhà giàn, xuống tàu về đất liền an toàn. Đảng viên Nguyễn Văn An đã ở lại thu tài liệu, cuốn lá cờ Tổ quốc vào lòng và rời Nhà giàn cuối cùng nhưng không may anh đã ra đi, để lại người vợ hiền và cậu con trai mới chào đời.

Sự anh dũng, hy sinh của các anh đã trở thành biểu tượng cao đẹp, làm sáng ngời phẩm chất anh hùng của người chiến sỹ Hải quân; tạo thành những giá trị vô giá để động viên các thế hệ hôm nay tiếp tục giữ vững, phát huy thế mạnh của Nhà giàn trong điều kiện mới.

Với lòng thương kính vô hạn, Đoàn công tác số 2 đã thắp nén nhang, thả vòng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, mong các anh tiếp tục phù hộ cho lớp lớp chiến sỹ Tiểu đoàn DK1 tiếp tục giữ vững tay súng, bảo vệ chủ quyền, biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc./.