“Sức dẻo dai, ứng biến linh hoạt của doanh nhân Việt Nam trong “cơn bão” khủng hoảng kinh tế”
TCCS - Với vị thế ngày càng được khẳng định, đội ngũ doanh nhân Việt Nam là một trong những lực lượng xung kích chèo lái con thuyền kinh tế của đất nước. Nhân kỷ niệm 5 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10-2004 - 13-10-2009), phóng viên (PV) Tạp chí Cộng sản có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về phát triển đội ngũ doanh nhân trong điều kiện mới.
PV: Ông đánh giá thế nào về đội ngũ doanh nhân Việt Nam hiện nay?
Ông Vũ Tiến Lộc: Trước hết, doanh nhân Việt Nam đã trở thành một tầng lớp xã hội, có những đặc trưng riêng trong cơ cấu giai tầng xã hội, đứng trong hàng ngũ khối đại đoàn kết dân tộc.
Với một đội ngũ hùng hậu, trên 4 triệu người, cùng khát vọng kinh doanh, ý chí làm giàu, ý thức tự tôn dân tộc, doanh nhân Việt Nam trở thành bộ phận tiên phong giải phóng lực lượng sản xuất, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tạo ra của cải cho xã hội. Sự phát triển của đất nước phụ thuộc nhiều vào khát vọng kinh doanh, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám mạo hiểm, dấn thân của đội ngũ doanh nhân.
Trong thời đại hiện nay, vị thế của một quốc gia, dân tộc trước hết phụ thuộc vào vị thế kinh tế. Doanh nhân tạo nên những sản phẩm, thương hiệu, cung cách, văn hóa kinh doanh uy tín, đó cũng là con đường góp phần nâng vị thế, khẳng định vị trí của Việt Nam trên bản đồ địa - kinh tế thế giới. Có thể nói, vai trò, đóng góp của doanh nhân đã được xã hội ghi nhận và khẳng định sống động trong thực tiễn.
Tuy nhiên, tầng lớp doanh nhân của chúng ta hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế. Số doanh nghiệp ít (trung bình 350 người dân mới có 1 doanh nghiệp), phần lớn quy mô nhỏ, thậm chí siêu nhỏ so với các quốc gia phát triển khác. Doanh nhân Việt Nam chưa được đào tạo bài bản, kiến thức quản trị, hiểu biết môi trường kinh doanh, luật pháp quốc tế hạn chế; chưa xây dựng được văn hóa doanh nhân mang bản sắc dân tộc. Một bộ phận còn nặng tâm lý sản xuất nhỏ, chưa chú trọng chữ “tín” cũng như tuân thủ pháp luật, thiếu liên kết chặt chẽ trong sản xuất quy mô lớn, hưởng thụ thành quả sớm, có hành vi làm phương hại tới lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp, xã hội.
Vị thế ngày càng được khẳng định, cũng có nghĩa trọng trách đối với đất nước, xã hội ngày càng lớn, muốn “chắc” tay góp phần chèo chống con thuyền kinh tế đất nước trong điều kiện mới, vận hội và thách thức đan xen, đòi hỏi tầng lớp doanh nhân Việt Nam phải đáp ứng được những yêu cầu mới và cao hơn.
PV: Giai đoạn khủng hoảng kinh tế thời gian qua được cho là “lửa thử vàng” đối với doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam, ông nghĩ sao về điều này?
Ông Vũ Tiến Lộc: Các doanh nghiệp Việt Nam thời gian vừa qua dồn dập phải hứng chịu hai “cơn bão” nối tiếp đổ xuống, lạm phát rồi suy giảm kinh tế. Trong bộn bề khó khăn, nhất là có những thời điểm, chính sách vĩ mô thay đổi đột ngột, tức thì, từ “nóng” sang “lạnh” để hợp với hoàn cảnh, các doanh nghiệp vẫn có sức chịu đựng dẻo dai, thích ứng linh hoạt, gồng mình lên để ứng phó thành công và trụ vững trước cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới.
Số doanh nghiệp phá sản hoặc thu hẹp quy mô sản xuất không nhiều như dự báo, đã không xảy ra một thảm họa đổ vỡ doanh nghiệp như nhiều người lo ngại. Ngay trong điều kiện khó khăn, năm 2009 vẫn có 76 nghìn doanh nghiệp mới ra đời. Điều này thể hiện sức sống của nền kinh tế nước ta, đặc biệt là thành phần kinh tế tư nhân.
Các doanh nghiệp Việt Nam trụ vững được trước tác động của những khó khăn thời điểm vừa qua có nhiều nguyên nhân, trước hết là những quyết sách kịp thời, hỗ trợ hiệu quả từ phía Nhà nước và nỗ lực bản thân từng doanh nghiệp. Mặt khác, nguyên nhân khách quan là do trong cơ cấu sản xuất của nền kinh tế nước ta, sản phẩm có hàm lượng chế biến, giá trị gia tăng còn thấp, sản phẩm cơ bản phục vụ trực tiếp đời sống của con người vẫn chiếm đa số. Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, nhu cầu hàng hóa nhu yếu phẩm này giảm không nhiều nên chúng ta vẫn duy trì được sản xuất, xuất khẩu. Hệ thống tài chính, ngân hàng đã hội nhập với thế giới nhưng chưa sâu, nên khủng hoảng tài chính tác động không lớn. Những nguyên nhân này về lâu dài là hạn chế của chúng ta, nhưng trước mắt, lại hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo khảo sát của VCCI, ứng phó của các doanh nghiệp giai đoạn vừa qua chủ yếu là ứng phó bề nổi, cố gắng gồng sức lên chịu đựng trong cơ cấu cũ doanh nghiệp sẵn có, thông qua việc cắt giảm chi phí và củng cố quan hệ khách hàng. Trong khi những biện pháp có tính chiến lược lâu dài, thay đổi về chất, như: đổi mới thiết bị, công nghệ, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tái cấu trúc doanh nghiệp phần lớn chưa thực hiện được.
Như vậy thì “lửa” đã qua nhưng chưa rèn nên được “vàng”. Điều này càng thấy rõ khi số lượng doanh nghiệp phá sản không nhiều cho thấy tính 2 mặt của nó, một mặt, góp phần duy trì việc làm, bảo đảm ổn định xã hội, nhưng mặt khác, hỗ trợ có tính chất cào bằng của chúng ta không giúp sàng lọc được doanh nghiệp, một bộ phận doanh nghiệp hoạt động thiếu hiệu quả vẫn tồn tại. Những điểm yếu cơ bản mang tính cơ cấu của doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa có thay đổi nhiều. Tất nhiên cũng có những doanh nghiệp tiên phong, hàng đầu, coi khó khăn là cơ hội tái cấu trúc, đổi mới công nghệ, cơ cấu sản phẩm, không co cụm lại mà tích cực vươn ra nước ngoài chiếm lĩnh thị trường... Tiếc là chúng ta chưa có thật nhiều những nhân tố như vậy.
Đằng sau thành công của doanh nghiệp bao giờ cũng là hình ảnh của các doanh nhân, với sức dẻo dai, khả năng ứng biến cao. Tuy nhiên, qua giai đoạn khó khăn vừa qua, đội ngũ doanh nhân cũng bộc lộ những điểm yếu của mình, nhất là hạn chế về trình độ quản trị, tính liên kết, việc coi trọng những yếu tố phát triển bền vững của doanh nghiệp (văn hóa doanh nghiệp, quan hệ lao động hài hòa hạn chế tranh chấp lao động, bảo vệ môi trường...).
PV: Theo ông, doanh nhân Việt Nam cần phải làm gì để phát triển trong điều kiện mới và VCCI với vai trò của mình có những hỗ trợ gì đối với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân?
Ông Vũ Tiến Lộc: Việt Nam tham gia ngày càng nhiều vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhưng vẫn ở những phân khúc giá trị thấp. Hiện nay, vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế đang được đặt ra, theo đó trọng tâm là tổ chức lại nền kinh tế nhằm chuyển từ tính chất gia công sang sản xuất, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ở những phân khúc giá trị cao. Từ trước đến nay, trong 3 nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế, chúng ta dựa nhiều vào lao động và vốn, chiếm phần lớn lại là lao động giá rẻ và vốn của Nhà nước, còn nhân tố thứ 3 là công nghệ thì đóng góp rất ít vào tốc độ phát triển của nền kinh tế. Đã đến lúc chúng ta không quá lo lắng về tăng trưởng số lượng mà nên quan tâm nhiều hơn tới chất lượng tăng trưởng.
Các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần tái cấu trúc doanh nghiệp bám vào tái cấu trúc chung của nền kinh tế quốc dân. Đây là một quá trình được so sánh giống như thanh lọc lại “máu” doanh nghiệp từ tổ chức quản lý, quản trị, khoa học công nghệ, nhân lực, cơ cấu sản xuất... Nó không phải công việc một sớm một chiều có thể xong, nhưng là việc làm bắt buộc nếu doanh nghiệp muốn trụ vững và phát triển trong điều kiện hiện nay.
Theo tôi, gói kích thích kinh tế lần 1 đã hoàn thành nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của mình, tiếp tục dùng ngân sách để hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ lãi suất cho vay ngắn hạn, không còn phù hợp, nếu Chính phủ có gói kích thích kinh tế lần 2, nên có phần chú trọng vào hỗ trợ doanh nghiệp tái cấu trúc, cho vốn trung và dài hạn để đổi mới công nghệ và các biện pháp hỗ trợ phi tài chính khác.
Trong thời gian tới, chi phí đầu vào của doanh nghiệp sẽ tăng, do việc tăng lương, chi phí giải tỏa mặt bằng, một số nguyên, nhiên liệu thiết yếu tăng giá, cạnh tranh gay gắt từ bên ngoài..., song hành với những khó khăn đó là thuận lợi từ việc kết cấu hạ tầng ngày càng được nâng cấp, môi trường kinh doanh được cải thiện, nhất là việc cắt giảm 30% thủ tục hành chính theo chỉ đạo của Thủ tướng. Con đường phát triển của doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cả thuận và không thuận, điều này luôn là lẽ thường, vấn đề còn lại là khả năng thích ứng của doanh nghiệp, doanh nhân ra sao.
Trên cơ sở nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ doanh nhân, VCCI trong vai trò đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, tiếp tục tham mưu cho Đảng, Nhà nước góp phần giải quyết những nút thắt, điểm nghẽn trong việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là cải cách hành chính. Đẩy mạnh đào tạo trong bối cảnh chất lượng nhân lực quản trị doanh nghiệp còn yếu. VCCI cũng sẽ xây dựng và triển khai chương trình đào tạo quốc gia về doanh nhân. Hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập tiếp tục được tăng cường, bám sát vào định hướng tái cấu trúc nền kinh tế, thúc đẩy xuất khẩu chú trọng thị trường nội địa, thực hiện liên kết giữa các doanh nghiệp tạo dựng thị trường nội địa mạnh. Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững, thông qua việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, bảo vệ môi trường...
VCCI đang hoàn thiện Đề án được giao chủ trì “Phát huy vai trò của doanh nhân trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” trình Bộ Chính trị quyết định trong quý IV năm 2009. Cùng với Nghị quyết về giai cấp công nhân, nông dân, tầng lớp trí thức, sắp tới Đảng sẽ có Nghị quyết về tầng lớp doanh nhân, nhằm xây dựng lực lượng xung kích trên mặt trận kinh tế đông đảo về số lượng và vững mạnh về chất lượng, khẳng định vị thế của đất nước trên bản đồ kinh tế thế giới bằng những thương hiệu sản phẩm hàng hóa mạnh và thương hiệu của chính những doanh nhân có tầm vóc và uy tín trong khu vực và thế giới.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Mộ Đức củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng  (30/11/2009)
"Sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch phục vụ sinh hoạt và ăn uống"  (30/11/2009)
Đổi mới công tác đào tạo nguồn nhân lực nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công nhân  (30/11/2009)
Giới thiệu chính sách mới số 190  (30/11/2009)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên