COP 21 và sự tham gia của Việt Nam

Tùng Lâm
21:31, ngày 13-01-2016

TCCSĐT - Đạt được Thỏa thuận Pa-ri 2015, Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21) đã trải qua cả một tiến trình thảo luận đầy cam go, bất đồng giữa các nước tham dự - lý do khiến nhiều lần các hội nghị về biến đổi khí hậu do Liên hợp quốc tổ chức kể từ năm 1995 tới nay không đi đến kết quả. COP 21 đã thành công với những điểm khác biệt so với những hội nghị trước đó, mang đến sự thống nhất về nỗ lực chung nhằm cứu Trái đất.

COP 21: từ Nghị định thư Kyoto 1997 đến Thỏa thuận Pa-ri 2015

Nghị định thư Kyoto được biết đến là một nghị định liên quan đến Chương trình khung về biến đổi khí hậu tầm quốc tế của Liên hợp quốc (UNFCCC) với mục tiêu cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, được ký kết năm 1997. Nghị định thư Kyoto là một cam kết được tiến hành dựa trên các nguyên tắc, trong đó, những quốc gia tham gia phải chấp thuận việc cắt giảm khí CO2 và năm loại khí gây hiệu ứng nhà kính khác.

Nghị định thư Kyoto sẽ hết hiệu lực vào năm 2012, vì vậy, trước đó, Liên hợp quốc đã tổ chức các cuộc đàm phán nhằm đạt tới sự đồng thuận về văn bản thay thế nghị định này, đặt tiêu chí ràng buộc về nghĩa vụ cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, song liên tiếp không đạt được kết quả.

Tại COP 15 (Copenhagen, Đan Mạch), năm 2009, các nước công nghiệp phát triển đã cam kết bắt đầu từ năm 2020 sẽ dành 100 tỷ USD/năm để hỗ trợ các nước nghèo đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu cũng như hỗ trợ tài chính lớn hơn cho các nước này sau đó. Tuy nhiên, các bên đã không thể tiến tới ký kết một thỏa thuận quy mô toàn cầu.

COP 16 ở Cuncan (Mê-hi-cô), năm 2010, bất đồng lại tiếp tục. Hoa Kỳ, Trung Quốc và các quốc gia phát thải nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính đã kêu gọi các nước hãy dẹp qua một bên những khác biệt quan điểm, cam kết để đi đến một thỏa thuận có tính ràng buộc pháp lý, song Hội nghị Cancun chỉ có thể cứu vãn được tiến trình, nhưng chưa đi đến được giải pháp thống nhất về chống biến đổi khí hậu.

COP 17 tại Durban (Nam Phi), năm 2011, vẫn không thể đi tới một thỏa thuận ràng buộc về pháp lý đầy đủ, mạnh mẽ, công bằng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Sự hậu thuẫn của 120/194 nước vào phút chót đã cứu Hội nghị Durban trước “một bàn thua trông thấy”, nhưng thực chất đây cũng chỉ là một cam kết chính trị yếu ớt, thể hiện đúng bản chất phức tạp của vấn đề và là kết quả tất yếu của việc các nước đặt lợi ích kinh tế cao hơn ý chí chính trị. COP 17 là một trong các hội nghị nóng bỏng, gay cấn nhất trong lịch sử các cuộc thảo luận về biến đổi khí hậu toàn cầu. Sự gay cấn thể hiện rõ ngay từ ngày đầu, kéo dài suốt tiến trình thảo luận 14 ngày của hội nghị khi sự bất đồng quan điểm không chỉ thể hiện giữa hai nhóm nước phát triển, đang phát triển, mà trong chính nội bộ của hai nhóm nước này.

COP 19 tổ chức ở Warsaw (Ba Lan), năm 2013, các nước chỉ cam kết hướng tới một thỏa thuận khí hậu chung vào năm 2015, gồm các thỏa thuận sẽ cắt giảm phát thải từ mất rừng.

COP 20 ở Lima (Pê-ru), năm 2014, đã thông qua một thỏa thuận khung tối thiểu về chống biến đổi khí hậu, nhưng để lại những vấn đề hóc búa cho hội nghị kế tiếp. Mặc dù vậy, đây vẫn được coi là một tín hiệu tích cực cho việc đạt được một dự thảo thỏa thuận toàn cầu về biến đổi khí hậu sẽ được thảo luận, và thông qua tại COP 21.

Hội nghị COP 21 (Pa-ri, Pháp) diễn ra trong bối cảnh các quốc gia tăng cường nỗ lực ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, trong đó có biển đổi khí hậu. Đây là một trong những hội nghị toàn cầu lớn nhất trong năm 2015 được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm. Mục tiêu chính của COP 21 là thông qua một số khuôn khổ pháp lý toàn cầu mới về biến đổi khí hậu cho giai đoạn sau năm 2020 (gọi là Thỏa thuận Pa-ri 2015), theo đó các nước cam kết cắt giảm lượng khí thải nhằm hạn chế tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức dưới 2 độ C vào cuối thế kỷ XXI so với thời kỳ tiền công nghiệp 1850 - 1990.

Được xem là hội nghị về chống biến khí hậu có ý nghĩa quyết định, COP 21 đã kết thúc thành công khi thông qua Thỏa thuận Pa-ri. Sau gần 2 tuần đàm phán căng thẳng với nhiều cuộc thương lượng kéo dài, Thỏa thuận Pa-ri không chỉ dừng lại là một thỏa thuận, mà còn là một dấu mốc mới mở ra hy vọng cho hơn 9 tỷ người dân trên Trái đất, như Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon tuyên bố: “Thỏa thuận Pa-ri về biến đổi khí hậu là một thành công vĩ đại đối với hành tinh và người dân địa cầu. Ngày hôm nay, chúng ta cuối cùng cũng có thể nói với con cháu chúng ta rằng, chúng ta đã chung tay cho việc để lại một thế giới tốt đẹp hơn cho thế hệ mai sau”.

COP 21 - Thỏa thuận Pa-ri làm nên sự khác biệt

Như vậy, COP 21 cùng Thỏa thuận Pa-ri “lịch sử” đã mang lại thành công cho cuộc cách mạng chống biến đổi khí hậu, làm nên những sự khác biệt:

Một là, so với các Hội nghị trước đó, COP 21 thu hút sự tham gia đông nhất với 1.300 đại biểu, trong đó có 150 nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ các quốc gia và lãnh đạo các tổ chức quốc tế đại diện cho 195 nước thành viên. Đây là bước đột phá trong nỗ lực của Liên hợp quốc suốt hơn 2 thập niên qua nhằm thuyết phục các chính phủ hợp tác để giảm lượng khí thải gây ô nhiễm do con người tạo ra mà các nhà khoa học cho rằng đang khiến nhiệt độ của Trái Đất gia tăng. Hiện tượng băng tan, mực nước biển dâng cao và sa mạc hóa gia tăng có liên quan tới tình trạng biến đổi khí hậu đang đe dọa người dân trên khắp thế giới.

Hai là, COP 21 được đại biểu các nước tham dự thể hiện nhiều quyết tâm nhất cũng như chấp thuận những thỏa hiệp nhất định để đi đến kết quả cuối cùng. Trải qua 13 ngày đàm phán liên tục, với nhiều thay đổi, từ bản dự thảo đầu tiên dày hơn 50 trang, đến khi được thông qua, Thỏa thuận Pa-ri về biến đổi khí hậu còn lại 31 trang, 29 điều khoản, và sẽ thay thế Nghị định thư Kyoto từ năm 2020.

Ba là, tính linh hoạt của thỏa thuận, chính nhờ đó mà đã đáp ứng được sự khác biệt về lợi ích quốc gia của 195 nước tham gia. Bên cạnh đó, thỏa thuận cũng nêu bật một xu thế không thể đảo ngược về việc sử dụng năng lượng trên toàn cầu, đó là cần chuyển đổi từ sử dụng năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng sạch thay thế với nền kinh tế phát thải khí thấp. Điểm mấu chốt của sự thay đổi là khuyến khích các chính phủ chủ động tham gia quá trình chuyển đổi này, thay vì gây áp lực bằng một thỏa thuận không thực sự có tính ràng buộc pháp lý.

Bốn là, thỏa thuận đã giữ được những mục tiêu chính đề ra về cam kết kiểm soát mức tăng nhiệt độ trái đất, cũng như quy định trách nhiệm cụ thể trong hành động và nghĩa vụ về tài chính giữa các nước và nhóm nước khác nhau. Trong bản thỏa thuận cuối cùng, 195 quốc gia thành viên COP 21 đã nhất trí hạn chế mức tăng nhiệt độ trái đất không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền Cách mạng công nghiệp, và sẽ cố gắng đưa con số này về mức 1,5 độ C. Đây là điểm quan trọng nhất về mục tiêu cần đạt được của COP 21. Để đạt mục tiêu này, thỏa thuận cũng nêu rõ rằng, thế giới phải nhanh chóng giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính với mức nhiều nhất có thể. Tiến độ cụ thể được đặt ra là tới giữa thế kỷ XXI (khoảng sau năm 2050), thế giới phải đạt cân bằng giữa lượng khí phát thải do hoạt động của con người với khả năng hấp thụ của Trái đất (nhờ sự hấp thu của rừng và đại dương) cộng với công nghệ “thu gom khí thải”. Thỏa thuận cũng quy định, đến năm 2018, các nước phải có đánh giá về tác động toàn diện trong ngăn chặn sự tăng nhiệt toàn cầu, và đệ trình những kế hoạch cụ thể về cắt giảm khí carbon khi thỏa thuận COP 21 có hiệu lực vào năm 2020.

Năm là, về trách nhiệm của các bên, thỏa thuận đã đề cập tới việc các quốc gia phát triển phải đóng vai trò đầu tàu trong việc giảm khí thải. Trong khi các nước đang phát triển được khuyến khích nhanh chóng nỗ lực giảm sử dụng năng lượng hóa thạch và giảm dần lượng khí thải với sự hỗ trợ của các nước giàu.

Mỹ và Trung Quốc là hai nền kinh tế hàng đầu thế giới và là hai nước có lượng khí thải lớn nhất thế giới, đều có trách nhiệm phải hành động.

Sáu là, quy định về nghĩa vụ tài chính cũng là một nội dung quan trọng đạt được trong thỏa thuận. Các quốc gia phát triển sẽ cung cấp tài chính giúp các nước đang phát triển chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo, cũng như tăng cường khả năng ứng phó với các thảm họa thiên nhiên do biến đổi khí hậu gây ra, như hạn hán, lũ lụt. Cụ thể, các nước phát triển cam kết sẽ chi tối thiểu 100 tỷ USD mỗi năm cho nội dung này, tính từ năm 2020, sau đó sẽ được tăng dần lên và hai năm sẽ báo cáo một lần về mức đóng góp của mình. Thỏa thuận cũng khuyến khích sự hỗ trợ tự nguyện của các nền kinh tế mới nổi, như Trung Quốc. Về tính minh bạch, thỏa thuận quy định các quốc gia phải báo cáo về tiến trình thực thi cam kết, song không có hình thức chế tài đối với các quốc gia chưa hoàn thành mục tiêu về cắt giảm khí thải.

Bảy là, các đại biểu đã quyết định đưa vào Thỏa thuận Pa-ri một điều khoản thừa nhận “thiệt hại và mất mát” do thiên tai liên quan đến biến đổi khí hậu gây ra. Điều khoản này không bao gồm nghĩa vụ pháp lý và khoản bồi thường cho những nước bị ảnh hưởng, nhưng cũng được coi là chiến thắng đối với các quốc đảo nhỏ và những nước nghèo đang phải chịu tác động nghiêm trọng của tình trạng ấm lên toàn cầu.

Tám là, COP 21 đã trở thành một chương trình của những giải pháp. Đó là toàn bộ các sáng kiến bổ sung cho thỏa ước quốc tế, được thực hiện ở quy mô địa phương thông qua các chính phủ, các cơ quan chính quyền địa phương cũng như những tác nhân phi nhà nước nhằm đóng góp vào việc tăng cường cam kết của các Nhà nước trong việc giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu và về vấn đề tài chính. Chương trình giải pháp này sẽ dựa vào việc trao đổi kinh nghiệm, truyền đạt kiến thức và công nghệ cần thiết để hướng tới nền kinh tế các-bon thấp.

Có thể nói, thế giới đã ký kết được một thỏa thuận chung. Đây là cột mốc trong cuộc chiến chống lại những ảnh hưởng tàn khốc mà hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu mang đến cho nhân loại. COP 21 là một “thỏa thuận lịch sử”, công bằng, bền vững và có tính ràng buộc về pháp lý với việc đưa ra cơ chế đánh giá 5 năm/lần để ấn định các mục tiêu mới về giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, bắt đầu từ năm 2025.

Tuy nhiên, COP 21 còn nhiều vấn đề bỏ ngỏ. Trước hết, Thỏa thuận lịch sử này chưa đưa ra được chính xác mức giảm thải khí gây hiệu ứng nhà kính mà mỗi nước cần phải thực thi. Thay vào đó, nó tạo nên một hệ thống mà trong đó, mỗi nước tự đặt ra mục tiêu giảm thải riêng của mình - cơ chế mà Thỏa thuận này gọi là “đóng góp tự quốc gia quyết định” và sau đó, mỗi nước cần phải đưa ra kế hoạch chi tiết làm sao để đạt được mục tiêu đó. Và mức giảm thải mà mỗi nước cam kết cần phải tăng dần theo thời gian, và bắt đầu từ năm 2018, mỗi nước sẽ cần phải đệ trình một bản kế hoạch mới cho mỗi 5 năm.

Thứ hai, một khúc mắc mà thỏa thuận này không thể giải quyết được, chính là cách thức trừng phạt các quốc gia không thực hiện đúng cam kết. Giới quan sát còn cho hay, vấn đề này chưa bao giờ xuất hiện trên bàn nghị sự ở COP 21. Thay vào đó, Thỏa thuận kêu gọi thành lập một ủy ban gồm các chuyên gia để đánh giá các bước thực thi và thúc đẩy việc làm theo thỏa thuận, dù không có quyền lực để trừng phạt những bên không thực hiện đúng cam kết.

Có thể nhận thấy sau Hội nghị COP 21 vẫn còn những vấn đề đang cản trở cộng đồng quốc tế đạt được những tiến triển trong chính sách ngăn chặn biến đổi khí hậu. Quá trình quá độ sang kỷ nguyên năng lượng mới sẽ kéo dài và không đơn giản. Những tính toán về kinh tế, xã hội cũng như sự phát triển của các công nghệ khác sẽ quyết định kết quả của thời kỳ quá độ này.

Sự tham gia của Việt Nam

Nhận thức được những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đến sự phát triển bền vững ở Việt Nam cũng như trên thế giới, đã từ lâu, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm xây dựng và thực hiện các chương trình, chính sách quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam đã tham gia nhiều điều ước quốc tế quan trọng, đóng góp vào các quá trình đàm phát quốc tế về khí hậu.

Thời gian qua, các bộ, ngành, cơ quan nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ của Việt Nam, các tổ chức quốc tế và đối tác phát triển đã tích cực phối hợp chặt chẽ để hoàn thành Báo cáo giảm phát thải khí nhà kính (INDC) của Việt Nam. INDC của Việt Nam, ngày 30-9-2015, đã nêu rõ hai phần, đó là: Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, gồm các hoạt động sẽ được thực hiện bằng nguồn lực trong nước (các hoạt động vô điều kiện) và những hoạt động có thể được thực hiện nếu nhận được hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế. Thích ứng với biến đổi khí hậu, gồm các hoạt động đang được thực hiện, những thiếu hụt trong thể chế, chính sách, tài chính, nguồn nhân lực và công nghệ, các biện pháp thích ứng cho giai đoạn 2021 - 2030.

Tham gia COP 21, đoàn Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đã thể hiện trách nhiệm, khẳng định cam kết chính trị mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam đã, đang và tiếp tục chủ động, có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế chung tay nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu bằng những hành động cụ thể cả ở tầm quốc gia và quốc tế.

Một là, giai đoạn từ nay đến năm 2020, trong điều kiện khó khăn về nguồn lực nhưng Việt Nam tiếp tục tích cực triển khai chiến lược, chương trình, kế hoạch về ứng phó với biến đổi khí hậu trên nhiều lĩnh vực với các biện pháp thiết thực. Thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ trong UNFCCC và Nghị định thư Kyoto. Việt Nam sẽ đóng góp 1 triệu USD vào Quỹ Khí hậu xanh giai đoạn 2016 - 2020.

Hai là, đối với giai đoạn sau năm 2020, mặc dù là một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn, chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, Việt Nam vẫn cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế. Việt Nam sẽ xem xét định kỳ, điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế.

Về các giải pháp mà Việt Nam sẽ thực hiện, bao gồm: Trong lĩnh vực năng lượng vốn được coi là nguồn phát thải chính, các biện pháp của Việt Nam tập trung vào việc sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo. Trong giao thông, Việt Nam hướng đến việc tăng sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, giảm phương tiện cá nhân tại các thành phố lớn, chuyển đổi sử dụng các loại nhiên liệu ít phát thải như là sử dụng các loại nhiên liệu mới, xăng sinh học… Trong lĩnh vực lâm nghiệp, Việt Nam xây dựng những phương án tăng khả năng hấp thụ của rừng thông qua việc bảo tồn rừng bền vững, trồng rừng ngập mặn ở ven biển để làm tăng bể chứa các-bon; đồng thời cũng làm tăng khả năng phòng chống thiên tai khi xảy ra bão và lũ lụt ở các vùng cửa sông và ven biển.

Đối với mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam đang tích cực thực hiện Chiến lược quốc gia về phát triển bền vững 2011 - 2020, tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo đảm công bằng xã hội. Theo đó, Việt Nam hướng tới công nghiệp xanh với nguyên tắc duy trì hoạt động kinh tế hiệu quả, trên cơ sở giảm thiểu sử dụng năng lượng và tài nguyên, thông qua sử dụng năng lượng tái tạo và thực hiện hiệu quả năng lượng; giảm thiểu áp lực về môi trường, phát triển rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thay đổi thói quen tiêu dùng lãng phí.

Cùng với Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc, Việt Nam tiếp tục thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ và sự hợp tác chặt chẽ trong thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả các cam kết quốc gia của mình trong Thỏa thuận khí hậu toàn cầu./.