TCCSĐT - Hướng tới kỷ niệm 71 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22-12-1944 – 22-12-2015) và 26 năm Ngày hội Quốc phòng Toàn dân (22-12-1989 – 22-12-2015), xin giới thiệu tấm gương những người lính, những người cựu chiến binh - Anh bộ đội Cụ Hồ trong chung sức cùng nhân dân xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, giúp đỡ người dân.

Lực lượng vũ trang Kiên Giang chung sức xây dựng nông thôn mới

Thượng tá Đàm Kiến Thức, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang cho biết, thực hiện phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, những năm qua, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang tích cực triển khai nhiều biện pháp, mô hình cụ thể, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, tạo diện mạo mới trên những vùng quê nghèo.

Những năm qua, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã chủ động khảo sát địa bàn, xác định những nội dung, chương trình thực hiện chung sức xây dựng nông thôn mới cụ thể, thiết thực. Bộ Chỉ huy Quân sự Kiên Giang đưa lực lượng thường trực, dự bị động viên, dân quân tự vệ về các xã lao động giúp dân, làm đường giao thông nông thôn, thu hoạch lúa, nông sản; cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân kết hợp với công tác tuyên truyền vận động về đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho nhân dân, góp phần xây dựng đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, tinh thần vững mạnh ở cơ sở.

Để hoàn thành 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới của xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Kiên Giang đóng góp một phần công sức không nhỏ. Các đơn vị đóng quân trên địa bàn xã thường xuyên tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ kết hợp địa phương xây dựng đường nông thôn, xây cầu, làm nhà và phát hoang bụi rậm các tuyến đường…

Ông Tăng Văn Đặng, Chủ tịch UBND xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên cho biết, điểm nhấn trong chương trình chung sức xây dựng nông thôn mới của lực lượng vũ trang Kiên Giang là hướng mạnh về các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo và vùng kinh tế còn nhiều khó khăn. Hàng năm, Bộ Chỉ huy Quân sự Kiên Giang chỉ đạo các đơn vị kết hợp tốt giữa huấn luyện dã ngoại với làm công tác dân vận; đồng thời, tổ chức nhiều đợt hành quân dã ngoại về nguồn để thăm khám, cấp phát thuốc miễn phí và tặng quà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, người già neo đơn. Những việc làm này không chỉ chia sẻ phần nào khó khăn trong cuộc sống của bà con ở các vùng quê nghèo mà còn giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ biết yêu thương, chia sẻ, biết quý trọng nhân dân, lấy việc phục vụ nhân dân làm nghĩa vụ thiêng liêng cao cả.

Hiện nay, ở Kiên Giang hình ảnh bộ đội luôn gắn liền với nhân dân trong lao động sản xuất và nhiều hoạt động an sinh xã hội, văn hóa tinh thần. Đó cũng là chủ trương được Bộ Chỉ huy Quân sự Kiên Giang thực hiện xuyên suốt trong công tác dân vận nhằm tạo sự đoàn kết thống nhất và củng cố thêm niềm tin yêu của nhân dân với Đảng, Nhà nước và Quân đội; đồng thời khẳng định vai trò của lực lượng vũ trang trên mặt trận xóa đói, giảm nghèo, giảm nhẹ thiên tai; quan trọng hơn là xây dựng được thế trận lòng dân, góp phần xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc.

Thượng tá Bùi Văn Minh, Chủ nhiệm Chính trị - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang cho biết, song song với việc tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ “ba cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với nhân dân, Bộ Chỉ huy Quân sự Kiên Giang chú trọng việc giáo dục, quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ và lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên về ý nghĩa, tầm quan trọng trong công tác xây dựng nông thôn mới. Từ đó, động viên cán bộ, chiến sĩ tích cực phát huy công sức tham gia hiệu quả các tiêu chí trong chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Cựu chiến binh Tuyên Quang thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua

Hội Cựu chiến binh tỉnh Tuyên Quang có hơn 37.000 hội viên, sinh hoạt tại 220 cơ sở hội. Trong năm 2015, Hội Cựu chiến binh tỉnh Tuyên Quang đã khắc phục những khó khăn, phát huy bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, lựa chọn, đăng ký việc làm theo tấm gương của Bác; hăng hái lao động sản xuất, tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động ở địa phương.

Các cấp Hội cựu chiến binh tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp với các ngành tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước. Thực hiện hiệu quả việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mọi cán bộ, hội viên đã tích cực tham gia học tập các chuyên đề tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh về "Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu", sửa đổi lề lối làm việc và "Di chúc" của Người. Qua việc học tập và làm theo gương Bác, đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu trong hội viên trên nhiều lĩnh vực với nhiều mô hình hiệu quả.

Trong phong trào thi đua đẩy mạnh phát triển kinh tế nâng cao đời sống, giảm nghèo và làm giàu chính đáng, các cấp hội đã vận động thành lập được 32 câu lạc bộ Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi cấp xã, phường với trên 400 cựu chiến binh làm kinh tế giỏi. Hiện nay toàn hội đã có 2.787 mô hình kinh tế các cấp theo tiêu chí phân loại giai đoạn 2010-2015 của Hội; hoạt động vay vốn phát triển kinh tế thông qua tổ tiết kiệm vay vốn ở cơ sở cơ bản được duy trì tốt. Số vốn quỹ tự lập giúp nhau phát triển kinh tế của Hội đạt 17, 249 tỷ đồng. Hiện nay, tỷ lệ hộ cựu chiến binh nghèo giảm còn 3,3% giảm hơn 2% so với năm 2014; số hộ cựu chiến binh khá, giàu đạt tỷ lệ 59,6%.

Thực hiện phong trào thi đua yêu nước "Cựu chiến binh gương mẫu" gắn với với phong trào xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là ở các xã điểm. Các tổ chức hội đã tích cực tuyên truyền và vận động hội viên tham gia thực hiện các tiêu chí nông thôn mới với tinh thần gương mẫu, trách nhiệm. Trên địa bàn nông thôn, hầu hết các Ban xây dựng nông thôn mới, Ban giám sát, Ban thi công công trình nông thôn mới ở cơ sở đều có cựu chiến binh tham gia và giữ vị trí quan trọng. Các hội viên luôn đi đầu trong đóng góp tiền, công, vật liệu làm đường giao thông, đường bê tông, nhà văn hóa, tự nguyện hiến đất, tháo dỡ công trình, chặt cây giải phóng mặt bằng để mở rộng đường, nắm chỉnh đường, hoặc xây dựng các hạng mục nông thôn mới.

Phong trào đền ơn đáp nghĩa, củng cố nghĩa tình đồng đội cũng được các cấp hội quan tâm, phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước về cựu chiến binh; vận động cán bộ hội viên đóng góp ủng hộ xây dựng Nhà tình nghĩa cho các hộ cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn. Các cấp hội đã vận động quyên góp được trên 1 tỷ đồng giúp 26 hộ cựu chiến binh xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Ông Bùi Đức Thắng, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Tuyên Quang cho biết, trong thời gian tới, Hội Cựu chiến binh tỉnh Tuyên Quang tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước "Cựu chiến binh gương mẫu" gắn với các phong trào thi đua, các cuộc vận động của địa phương; đẩy mạnh thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tích cực vận động hội viên phát triển kinh tế, giảm nghèo, làm giàu chính đáng; nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm vay vốn và tăng cường khai thác các nguồn vốn vay, tiếp cận và khai thác các dự án phát triển kinh tế cho hội viên. Hội phấn mỗi năm giảm từ 4-5% hộ nghèo theo tiêu chí mới (2016 - 2020), tăng hộ có mức sống khá lên 1% so với tổng số hội viên, xoá 50% nhà tạm, dột nát; mỗi xã, phường, thị trấn củng cố và xây dựng từ 1- 2 mô hình kinh tế giỏi; huyện, thành phố từ 7-10 mô hình cựu chiến binh làm kinh tế giỏi hoặc mô hình câu lạc bộ làm kinh tế giỏi; những hội viên trong độ tuổi lao động được tư vấn hướng dẫn, đào tạo nghề để có cơ hội tìm việc làm ổn định.../.