Nhân dịp Lễ Giáng sinh 2015
Nhân dịp Lễ Giáng sinh, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã gửi thư chúc mừng đến các vị chức sắc, tu sỹ và toàn thể đồng bào Kitô hữu Việt Nam. Trong thư có đoạn: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp to lớn của đồng bào Công giáo và đồng bào Tin Lành Việt Nam trong việc gìn giữ và phát huy truyền thống yêu nước, đồng hành cùng dân tộc; thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và tích cực tham gia các hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ tin tưởng đồng bào Công giáo và đồng bào Tin Lành Việt Nam sẽ luôn phát huy truyền thống yêu nước, đồng hành cùng dân tộc, sống "Tốt đời, đẹp đạo", đoàn kết cùng nhân dân cả nước, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Đồng bào giáo dân huyện vùng sâu Gò Quao-Kiên Giang náo nức chuẩn bị đón Giáng sinh
Bà con giáo dân ở huyện Gò Quao (Kiên Giang) đang phấn khởi chờ đón Giáng sinh 2015. Nhà thờ được trang hoàng lộng lẫy, các tuyến đường, ngõ hẻm ở các khu dân cư có đông đồng bào công giáo cũng không kém phần vui tươi, rộn ràng. Cuộc sống bình yên và kinh tế phát triển nên bà con giáo dân có điều kiện chuẩn bị cho lễ Giáng sinh và đón chào năm mới chu đáo hơn.
Chuẩn bị cho lễ Noel năm nay, từ đầu tháng 12, bà con giáo dân tại giáo xứ An Bình, xã Định An, huyện Gò Quao có công góp công, có của góp của cùng chuẩn bị cho ngày lễ Giáng sinh an lành, chu đáo, thể hiện tinh thần “Kính Chúa yêu nước, đoàn kết dân tộc”. Thời gian nông nhàn, mọi người cùng tập trung ở nhà thờ dọn vệ sinh, làm cây thông Noel, trang trí hang đá để chào đón Giáng sinh. Đội văn nghệ cũng gấp rút tập luyện các tiết mục để biểu diễn vào đêm 24/12. Những người khác thì cùng ngồi lại cầu nguyện để không còn ai phải buồn phiền, lo lắng, tất cả mọi nhà được bình an, cuộc sống vật chất đầy đủ, đất nước không có thiên tai, bão lũ…
Để có đêm Giáng sinh thật vui vẻ, ấm cúng, bên cạnh những tiết mục văn nghệ, bà con giáo dân đã kỳ công chuẩn bị những biểu tượng, những cây thông cao và những hang đá mang tính huyền thoại nhằm thể hiện sự tôn kính và tấm lòng của giáo dân đối với ngày lễ trọng đại của tôn giáo mình.
Ông Nguyễn Văn Hùng, giáo dân giáo xứ An Bình, xã Định An cho biết, bà con giáo dân ở đây rất náo nức trông chờ đón mừng Giáng sinh năm nay. Năm nào cũng vậy, gần tới ngày Giáng sinh là bà con giáo dân tập trung lại nhà thờ để trang trí, mỗi người một việc để chuẩn bị cho ngày lễ thật tươm tất. Ngoài những việc như cùng nhau đón mừng Đại lễ Giáng Sinh, người dân xứ đạo nơi đây cũng tập trung làm hang đá, trang trí nhà cửa gọn gàng, trang trọng, chuẩn bị đón người thân đoàn tụ, vui chơi và đón mừng một Giáng sinh an lành. Những năm gần đây, kinh tế gia đình phát triển nên việc đón Giáng sinh cũng vui vẻ và đầm ấm hơn.
Hiện toàn huyện Gò Quao có trên 2.000 tín đồ theo đạo Thiên chúa giáo. Được sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, sự hướng dẫn trực tiếp của Mặt trận Tổ quốc các cấp và cùng với cha xứ, đồng bào giáo dân luôn sống “Tốt đời, đẹp đạo, sống phúc âm trong lòng dân tộc”. Thông qua các hình thức sinh hoạt tôn giáo, cha xứ tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào theo đạo thực hiện đoàn kết, đẩy mạnh lao động sản xuất, giảm nghèo; thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, những quy định của địa phương và 10 điều răn dạy của Chúa; tích cực tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; “gia đình công giáo mẫu mực”… Nhờ đó, bà con giáo dân nhận thức và thực hiện tốt phương châm “Kính Chúa, yêu nước”, “Sống tốt đời, đẹp đạo”, góp phần xây dựng xứ đạo bình yên và giàu mạnh.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên bà con giáo dân xây dựng cuộc sống gia đình thuận hòa, vun đắp tình làng, nghĩa xóm, từ đó cộng đồng dân cư giữa người theo đạo với người không theo đạo luôn gắn bó và đoàn kết với nhau. Ngoài ra, nhiều giáo dân còn tự nguyện tham gia ủng hộ, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo ở địa phương, như tặng quà cho người nghèo, trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học… Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự trong nhân dân cũng được đồng bào giáo dân tích cực tham gia, góp phần đem lại hạnh phúc cho gia đình, bình yên cho xóm ấp.
Để lễ Noel năm nay diễn ra trang trọng, vui tươi, đoàn kết, an toàn, tiết kiệm, giáo xứ cũng phối hợp tốt với chính quyền địa phương để đảm bảo an ninh trật tự cho buổi lễ. Tất cả cùng náo nức chào đón một mùa Giáng sinh an lành đang tới.
Làng đạo Kon Măh gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
Làng đạo Kon Măh thuộc xã Hà Tây (huyện Chư Pảh, tỉnh Gia Lai) được xem là một trong những hình mẫu về giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống của người Bahnar, đặc biệt là gìn giữ bản sắc văn hóa cồng chiêng.
Làng Kon Măh có gần 100 hộ dân với khoảng 500 nhân khẩu đều là người dân tộc Bahnar; 100% số dân trong làng theo đạo Thiên chúa. Hiện nay, kinh tế ở làng Kon Măh đã có bước phát triển đáng kể. Ngoài việc mở rộng diện tích các loại cây trồng, người dân trong làng còn được các đơn vị trồng cao su trên địa bàn tiếp nhận vào làm công nhân và có mức thu nhập ổn định trên 60 triệu đồng/ người/năm. Dù đời sống vẫn còn khó khăn nhưng người dân trong làng luôn tin tưởng và một lòng theo Đảng, luôn sống "tốt đời, đẹp đạo".
Ngoài việc tập trung lao động sản xuất, người dân làng đạo Kon Măh còn chú trọng giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc mình, không để bị mai một. Dân làng Kon Măh đã lưu giữ được 6 bộ cồng chiêng trong đó có 2 bộ chiêng cổ. Số cồng chiêng này, dân làng thường đưa ra sử dụng vào những dịp lễ hội, giao lưu và tham gia biểu diễn trong các cuộc liên hoan cồng chiêng của xã, huyện, tỉnh và đạt nhiều giải cao.
Những người chơi cồng chiêng hôm nay ở làng đạo Kon Măh chủ yếu là thanh thiếu niên, ai cũng chơi hay và múa đẹp. Người lớn tuổi trong làng có nhiệm vụ truyền dạy lại cho thế hệ trẻ bằng những "miếng đánh" truyền thống và chỉnh chiêng để âm thanh được vang xa. Kon Măh đã thành lập được 2 đội cồng chiêng và duy trì hoạt động thường xuyên, 1 đội của thanh niên và 1 đội của thiếu niên. Mỗi tháng, tất cả thanh thiếu niên trong làng tập trung dưới mái nhà rông của làng từ 1 - 2 lần để nghe già làng và những người đi trước nói về lịch sử và ý nghĩa của tiếng cồng, tiếng chiêng có từ ngàn đời trong cộng đồng dân tộc của người Bahnar và J'rai ở vùng Tây Nguyên; đồng thời tập luyện cho thế hệ trẻ biết đánh chiêng và múa xoang. Nhờ vậy, thanh thiếu niên ở làng Kon Măh ai cũng hiểu được cội nguồn của nghệ thuật cồng chiêng, hiểu được tầm quan trọng của tiếng cồng chiêng đối với đời sống cộng đồng.
Y Xô là Bí thư chi đoàn thanh niên ở làng đạo Kon Măh. Anh thường xuyên cùng già làng, trưởng thôn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động dân làng nói chung và thanh niên nói riêng sống "tốt đời, đẹp đạo" và chấp hành tốt chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước. Anh Y Xô cho biết, chi đoàn của làng có 49 đoàn viên thanh niên đều là người dân tộc Bahnar và duy trì sinh hoạt định kỳ thường xuyên mỗi tháng 1 lần. Các hoạt động do chi đoàn tổ chức và phát động đều thu hút 100% đoàn viên thanh niên nhiệt tình tham gia. Trong những năm qua, từng có một số thanh thiếu niên trong làng nghe lời bọn xấu xúi giục và đã chuyển từ đạo Thiên chúa sang theo tà đạo "Hà Mòn". Thế nhưng, giờ đây, được tuyên truyền, giải thích, họ đã tự nguyện trở lại sinh hoạt tôn giáo thuần tuý trong làng và đã xoá bỏ được tà đạo" Hà Mòn" trong cộng đồng.
Xóm đạo bình yên Long Huê
Năm 2008, ấp Long Huê xã Long Thới, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre là điểm nóng về an ninh trật tự và tệ nạn xã hội. Nhắc đến Long Huê lúc đó, nhiều người nghĩ ngay đến những tệ nạn xã hội xảy ra ở địa phương như: đá gà, đánh bạc, trộm cắp… Huyện Chợ Lách đã chọn ấp Long Huê để xây dựng mô hình điểm “dân vận khéo” về đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng “xóm đạo bình yên” của huyện. Hơn 5 năm qua, tình hình an ninh trật tự ở xóm đạo đã có nhiều cải thiện, đưa ấp Long Huê trở thành điểm sáng của tỉnh Bến Tre trong công tác “dân vận khéo”.
Ấp Long Huê có 615 hộ dân thì có tới 90% trong số đó theo đạo Công giáo, chủ yếu thuộc Họ đạo Cái Nhum - một trong những họ đạo lâu đời nhất ở miền Nam Việt Nam. Đến với xóm đạo Long Huê vào ngày giữa tháng 12, không khí Noel đã hiện diện khắp nơi. Mỗi tổ nhân dân tự quản đều thành lập điểm vui Noel riêng.
Ông Lê Thanh Hưởng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Long Thới cho biết: Giáo dân ở đây luôn chăm lo phát triển kinh tế, sống chan hòa với đồng bào lương giáo, cùng ra sức xây dựng quê hương no ấm và hạnh phúc. Trên bước chuyển mình đổi mới của quê hương, có sự đóng góp tích cực của các giáo dân. Kinh tế phát triển, đời sống từng bước nâng cao, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc là điều dễ nhận thấy ở xóm đạo, nhưng rõ nét nhất là tình hình an ninh trật tự đã có bước chuyển biến đáng kể.
Thời điểm năm 2008, ấp Long Huê là "điểm nóng" về an ninh trật tự, tệ nạn xã hội xảy. Năm 2008, có đêm ở ấp mất chục chiếc xe gắn máy, gây hoang mang cho người dân- ông Đặng Văn Chinh, Trưởng ấp Long Huê nhớ lại. Thời điểm đó số người trong độ tuổi lao động không có việc làm chiếm tỷ lệ cao dẫn đến nảy sinh tình trạng cờ bạc, đá gà, các đối tượng thanh thiếu niên tụ tập nhậu say gây mất trật tự công cộng. Thêm vào đó do ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế nên tình trạng gây mất an ninh trật tự luôn xảy ra trên địa bàn.
Năm 2009, vấn đề này đã được tháo gỡ khi mô hình dân vận khéo xây dựng “Xóm đạo bình yên” được thực hiện. Điều này khẳng định quyết tâm của Công an huyện, Đảng ủy, Khối vận, Công an xã và Chi bộ ấp Long Huê trong việc lập lại an ninh trật tự trong xóm. Đặc biệt mô hình đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của Linh mục Chánh sở Họ đạo Cái Nhum.
Ông Nguyễn Thế Thụy, Phó trưởng ban vận động ấp Long Huê chia sẻ để xóm đạo bình yên về an ninh trật tự, ban vận động luôn xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ hàng đầu, nhằm nâng cao ý thức của nhân dân. Bên cạnh đó, ban vận động phối hợp với ban quới chức họ đạo thường xuyên tuyên truyền pháp luật, vận động nhân dân chấp hành tốt chính sách, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước,…
“Mỗi tuần giảng đạo, linh mục đều dành thời gian từ 5-10 phút để dặn dò giáo dân thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, tránh xa các tệ nạn xã hội và hành vi vi phạm pháp luật. Khi phát hiện trường hợp sai phạm, linh mục trực tiếp gặp gỡ, khuyên răn đối tượng sửa chữa sai lầm, trở thành người có ích cho xã hội”- ông Thế Thụy cho biết.
Ban vận động cũng xác định, để xóm đạo bình yên dài lâu thì cần tạo công ăn việc làm cho những thanh niên không có việc làm. Tổ trồng cây, đan bội kẽm, làm kiểng lá,… ra đời góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.
Giờ đây, người dân ấp Long Huê đang tiếp tục giữ vững danh hiệu “Xóm đạo bình yên” cùng đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và phát triển kinh tế ở địa phương. Năm 2014, ấp Long Huê đã hoàn thành xong đê bao dài 3,5km. Toàn bộ kinh phí làm đê do người dân tự đóng góp. Nhờ có đê bao này mà người dân chuyển đổi được cây trồng, giờ Long Huê không còn bị ngập úng mỗi khi triều cường nên người dân đã trồng được bưởi da xanh, măng cụt, sầu riêng,.. đem lại thu nhập cao.
“Để có đê bao, góp phần phát triển kinh tế địa phương, nhiều người dân đã tự nguyện chặt bỏ vườn dừa đang thời điểm cho trái, có hộ dời nhà đi để hiến đất,… Trong số đó có hộ bà Võ Thị Liễu ở ấp Long Vinh. Tuy không phải người trong ấp Long Huê, nhưng đất vườn của bà ở ấp Long Huê, khi làm đê bao, bà Liễu đã hiến 100m2 đất- ông Trần Tấn Hải, Bí thư chi bộ ấp Long Huê cho biết.
Hơn 5 năm đi vào hoạt động, mô hình “Xóm đạo bình yên” ở Long Huê đã đem lại kết quả đáng phấn khởi. Nếu như năm 2009, tại Long Huê xảy ra 3 vụ phạm pháp hình sự, 6 vụ vi phạm trật tự an toàn xã hội... thì năm 2015, trên địa bàn xã không xảy ra bất kỳ vụ vi phạm pháp luật nào.
Hiện nay, 100% hộ dân ở ấp Long Huê có việc làm, thu nhập bình quân đạt 29 triệu đồng/người/năm, góp phần kéo giảm số hộ nghèo của ấp từ 100 hộ (năm 2010) xuống còn 27 hộ (năm 2015). Tình làng nghĩa xóm ngày càng được thắt chặt, các giáo dân có ý thức tốt trong việc tham gia giữ gìn an ninh trật tự và xây dựng đời sống văn hóa và phát triển kinh tế ở địa phương.
Sự bình yên của xóm đạo hôm nay là thành quả của một quá trình phấn đấu của chính quyền và nhân dân ấp Long Huê. Từ mô hình “xóm đạo bình yên” ở ấp Long Huê, xã Long Thới đang tiếp tục nhân rộng mô hình ra một số ấp có tỷ lệ người công giáo cao như: ấp Long Vinh, ấp Long Hòa./.
Kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam tại Lào  (20/12/2015)
Nga khẳng định Ukraine có nghĩa vụ thanh toán khoản nợ 3 tỷ USD  (19/12/2015)
Thảo luận về công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII  (19/12/2015)
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc gửi thư chúc mừng Giáng sinh 2015  (19/12/2015)
Phát huy vai trò của các tổ chức xã hội trong thực hiện chính sách về quyền trẻ em  (19/12/2015)
Bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trong tình hình mới  (19/12/2015)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay