Quảng Trị huy động các nguồn lực đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới
TCCS - Qua 5 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở Quảng Trị cho thấy, việc huy động các nguồn lực đầu tư có hiệu quả cho xây dựng nông thôn mới là động lực quan trọng tạo nên những chuyển biến tích cực trong phát triển nông nghiệp, nông thôn nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh nói chung.
Quảng Trị triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức; là tỉnh có điểm xuất phát thấp, chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, ngân sách địa phương hạn hẹp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ quyết tâm, nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, cùng với sự tham gia hưởng ứng tích cực của người dân nên chỉ sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình này, nền kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực.
Sản xuất nông nghiệp phát triển khá toàn diện và bền vững, tốc độ tăng trưởng bình quân trên 3%/năm. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng phát huy tiềm năng lợi thế của từng vùng, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích, hình thành các vùng sản xuất nông sản tập trung gắn với công nghiệp chế biến. Sản lượng lương thực có hạt hằng năm đạt và vượt kế hoạch, riêng năm 2014 đạt gần 27 vạn tấn (vượt 14,76% kế hoạch, tăng 20,4% so với năm 2010), cao hơn chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XV đề ra gần 3,5 vạn tấn. Chăn nuôi phát triển mạnh theo hình thức thâm canh bán công nghiệp và công nghiệp, nhiều gia trại, trang trại gắn với giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn và an toàn dịch bệnh được hình thành. Công tác quản lý, phát triển rừng được chú trọng, độ che phủ của rừng đạt xấp xỉ 50%; đặc biệt Quảng Trị là tỉnh dẫn đầu cả nước về phát triển trồng rừng bền vững với hơn 20.000ha diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ quốc tế FSC. Kinh tế thủy sản tiếp tục phát triển với tốc độ khá, phương thức, đối tượng nuôi ngày càng đa dạng và đang trở thành một ngành kinh tế mạnh. Bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, kết cấu hạ tầng nông thôn tiếp tục được hoàn thiện; văn hóa - xã hội có sự chuyển biến tích cực, môi trường nông thôn ngày càng được cải thiện; an sinh xã hội được bảo đảm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn cơ bản được giữ vững, đời sống vật chất, tinh thần của người dân tiếp tục được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn từ 10 triệu đồng (năm 2010) tăng lên 18 triệu đồng (năm 2014).
Tính đến tháng 6-2015 toàn tỉnh có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới (xã Vĩnh Thủy, Vĩnh Thạch, Vĩnh Kim của huyện Vĩnh Linh và xã Triệu Thành của huyện Triệu Phong); có 13 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí; 63 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí; số xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí còn 37 xã; cơ bản không còn xã dưới 5 tiêu chí (năm 2010 có 78 xã đạt mức dưới 5 tiêu chí).
Để có được những kết quả trên, những năm qua, tỉnh đề ra và triển khai thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp nhằm huy động có hiệu quả các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới. Tính đến tháng 6-2015, toàn tỉnh huy động được hơn 5.807,021 tỷ đồng đầu tư vào xây dựng nông thôn mới. Trong đó, vốn ngân sách cấp trực tiếp là 394,585 tỷ đồng; vốn lồng ghép các chương trình, dự án: 4.117,909 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp, hợp tác xã: 691,622 tỷ đồng; đóng góp của nhân dân (bằng tiền mặt, công lao động và hiện vật quy ra tiền): hơn 537,886 tỷ đồng; nguồn vốn khác: 65,019 tỷ đồng; ngoài ra hằng năm còn huy động trên 5.500 nghìn tỷ đồng nguồn vốn tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn.
Với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, nhân dân trong tỉnh tích cực, tự nguyện đóng góp tiền mặt, ngày công, tự nguyện hiến đất, hiến cây, tháo dỡ công tường rào, nhà cửa để xây dựng đường giao thông nông thôn. Đến nay, tỷ lệ đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê-tông hóa đạt 42,5%; tỷ lệ đường trục thôn, xóm, bản được cứng hóa đạt 41,8%; tỷ lệ đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện đạt 8,04%. Tổng nguồn lực huy động thực hiện kiên cố hóa giao thông nông thôn giai đoạn 2010 - 2014 đạt hơn 2.897,3 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương: 1.317,7 tỷ đồng; ngân sách địa phương: 723,5 tỷ đồng; các chương trình, dự án: 578,4 tỷ đồng; vốn xã hội hóa: 5,5 tỷ đồng; nhân dân đóng góp: 71,9 tỷ đồng; các nguồn vốn khác: 200,3 tỷ đồng.
Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định sử dụng các nguồn vốn; đặc biệt đối với nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đầu tư cho nông thôn mới, kịp thời thông báo vốn cho cả giai đoạn 2014 - 2016, tạo điều kiện cho các địa phương biết được khả năng hỗ trợ của Trung ương, chủ động được nguồn lực để sắp xếp, lựa chọn công trình ưu tiên đầu tư phù hợp với đề án xây dựng nông thôn mới của xã; đồng thời lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn. Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo ưu tiên nguồn vốn tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu cấp xã, thôn, bản trực tiếp gắn với phát triển sản xuất, đời sống hằng ngày của người dân, có tác dụng thúc đẩy sản xuất và đời sống của người dân, góp phần tăng tiêu chí nông thôn mới đạt chuẩn; ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình, như đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, kênh mương nội đồng, cải tạo đồng ruộng; việc xây dựng các công trình hạ tầng khác có mức đầu tư lớn, như trụ sở xã, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn chủ yếu sử dụng nguồn vốn khác và chỉ được phê duyệt đầu tư khi đã xác định rõ nguồn vốn.
Bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, Hội đồng nhân dân tỉnh còn ban hành Nghị quyết “Huy động các nguồn lực và quy định mức hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới đến năm 2020”; hằng năm ngân sách địa phương bố trí tối thiểu 20 tỷ đồng từ nguồn thu nội địa đầu tư trực tiếp cho xây dựng nông thôn mới; trong đó dành khoảng 18% - 20% để hỗ trợ lãi suất vốn vay phát triển sản xuất, kinh doanh, phần còn lại đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu; ngoài ra huy động thêm các nguồn vượt thu, nguồn thu từ xổ số kiến thiết và các nguồn thu khác. Nguồn ngân sách địa phương ưu tiên đầu tư cho các xã có khả năng đạt 19 tiêu chí nông thôn mới theo lộ trình hằng năm. Tất cả nội dung xây dựng nông thôn mới đều thực hiện theo cơ chế “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trên cơ sở đồ án quy hoạch và đề án nông thôn mới cấp xã đã được phê duyệt.
Xác định nguồn lực nội tại của chính người dân nông thôn, chủ thể của xây dựng nông thôn mới là yếu tố quan trọng, những năm qua, các cấp ủy, tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền địa phương trong tỉnh chú trọng đặc biệt đến công tác tuyên truyền, vận động và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Hoạt động tuyên truyền được triển khai sâu rộng với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, theo nhiều chuyên đề, hội thi, hội diễn, đối thoại, trao đổi kinh nghiệm, nhân rộng mô hình tốt, cách làm hay trong xây dựng nông thôn mới. Một số hoạt động tuyên truyền sinh động có ý nghĩa được triển khai thực hiện, như Gameshow “Vui cùng nhà nông”; Hội thi báo chí viết về nông thôn mới do Hội Nhà báo tỉnh tổ chức; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xuất bản khoảng 3.000 cuốn sách với tên gọi “Nông thôn mới Quảng Trị - đếm lại những bước đi” phát hành đến tận các chi bộ làm tài liệu sinh hoạt định kỳ. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ngày càng thu hút sự tham gia và đóng góp tích cực của người dân.
Nổi bật nhất trong huy động sức dân là phong trào hiến đất, hiến tài sản để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Tại huyện Triệu Phong có 1.252 hộ dân tự nguyện hiến trên 167.800m2 đất, trên 13.000 ngày công với tổng trị giá 1,4 tỷ đồng và gần 4.770 triệu đồng tiền mặt để xây mới và tu sửa kênh mương thủy lợi, xây dựng các công trình phục vụ dân sinh và chỉnh trang nông thôn; huyện Hải Lăng vận động nhân dân hiến 164.181m2 đất các loại và huy động được gần 25.400 ngày công để phát quang, mở rộng xây dựng đường giao thông nông thôn; ở xã Vĩnh Thạch (huyện Vĩnh Linh) người dân tự nguyện hiến 49.000m2 đất, giải tỏa 20.000m bờ rào, 2.650 cây lâu năm để xây dựng 10km đường liên thôn.
Các cấp, các ngành, các địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong tỉnh đã cụ thể hóa phong trào thi đua “Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới” bằng việc phát động các phong trào thi đua gắn với thực tế địa phương, như phát huy nội lực, hiến đất góp công xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu nông thôn theo tiêu chí nông thôn mới; xóm làng huy động nhân dân cải tạo, chỉnh trang nhà ở, cải tạo ao, vườn, cổng, ngõ, tường rào xanh, sạch, đẹp... Nhiều phong trào gắn kết trong nông thôn đã được triển khai, đem lại hiệu quả thiết thực, huy động sự tham gia đóng góp to lớn của quần chúng nhân dân trong thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới như Mặt trận Tổ quốc thực hiện cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới. Năm 2014, toàn tỉnh có 927/1.144 khu dân cư được công nhận khu dân cư văn hóa; có 136.650 gia đình được công nhận gia đình văn hóa, huy động hỗ trợ xây dựng mới 8.685 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, trị giá 89,42 tỷ đồng; phong trào “5 không 3 sạch” của Hội Phụ nữ đã huy động 100% cấp hội tham gia với nhiều mô hình được triển khai có hiệu quả; phong trào xung kích trong xây dựng nông thôn của Đoàn Thanh niên góp phần nâng cấp, sửa chữa 204km đường giao thông nông thôn, 46km đường giao thông nội đồng, 87km kênh mương thủy lợi; xây dựng 228 “con đường thanh niên xây dựng nông thôn mới”, 205 công trình “ánh sáng đường quê”; thành lập 75 đội hình thanh niên xung kích thu gom rác thải trên địa bàn; phong trào chỉnh trang nông thôn, cải tạo vườn tạp của Hội Nông dân đã vận động nhiều hội viên tự nguyện hiến đất, tài sản để chỉnh trang nông thôn...
Mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới đang đặt ra cho Quảng Trị nhiều khó khăn, thách thức. Hiện nay, các tiêu chí còn lại chủ yếu là các tiêu chí về kết cấu hạ tầng, cần nhiều nguồn lực đầu tư, tỷ lệ đạt thấp (giao thông 7/117 xã; thủy lợi là 34/117 xã; trường học có 24/117 xã; cơ sở vật chất văn hóa là 12/117 xã); đa số các tiêu chí này cần nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng để đạt chuẩn và duy trì bền vững, cũng như nâng cao chất lượng các tiêu chí.
Ðể tiếp tục huy động có hiệu quả các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới, thời gian tới, Quảng Trị tiếp tục triển khai thực hiện một số giải pháp sau:
1- Đẩy mạnh phong trào thi đua “Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” để thúc đẩy Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân và các đơn vị, địa phương cùng chung sức bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.
2- Tiếp tục phát huy tốt vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân đóng góp, dân thụ hưởng” trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.
3- Hoàn thiện môi trường đầu tư và tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư. Ban hành chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
4- Nâng cao chất lượng công tác quản lý để sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng các nguồn vốn bảo đảm đầu tư hiệu quả, đúng trọng tâm theo lộ trình đã đề ra trong Đề án xây dựng nông thôn mới.
5- Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các ngành, các cấp trong triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg, ngày 15-7-2014, của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới theo hướng sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với từng địa phương./.
Hoàn thiện chính sách an sinh xã hội phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước  (11/12/2015)
Nâng cao hiệu quả xử lý nước thải tập trung cho các đô thị  (10/12/2015)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển