Hội nghị COP 21 - “Ràng buộc, toàn cầu và tham vọng”
TCCSĐT - Được xem là hội nghị về chống biến khí hậu có ý nghĩa quyết định, Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21) chính thức khai mạc vào ngày 30-11-2015, với kỳ vọng sẽ thông qua một thỏa thuận cụ thể ngăn chặn các vấn đề biến đổi khí hậu tiêu cực, thay thế cho Nghị định thư Kyoto năm 1997. COP 21 thu hút sự quan tâm cao của mọi người dân cũng như các quốc gia trên toàn cầu với mục tiêu cao nhất là bảo vệ “hành tinh xanh”.
Hội nghị COP 21 đã đón nhận sự tham gia của lãnh đạo và đại diện của gần 200 quốc gia trên thế giới. Sự hiện diện của các nguyên thủ quốc gia là minh chứng cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ của các nước đối với các cuộc đàm phán về khí hậu, cũng như thể hiện tinh thần đoàn kết với nước Pháp sau cuộc khủng bố Paris ngày 13-11-2015. Sự kiện này được xem là cơ hội cuối cùng cho việc ra đời của một kế hoạch thực tiễn chống biến đổi khí hậu. Và một trong các mục tiêu của COP 21 là nhằm ngăn chặn nhiệt độ Trái Đất không tăng quá 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp vào cuối thế kỷ XXI.
Cam kết của các nhà lãnh đạo
Tính chất của hội nghị lần này dường như trở nên gấp rút do thế giới phải mất tới 20 năm để có thể đi tới một giải pháp cho vấn đề này. Kể từ hội nghị đầu tiên bàn về phát triển bền vững năm 1972 tại Stockholm (Swenden), các chủ đề môi trường ngày càng có sức nặng trên nghị trường thế giới. Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất năm 1992 tại Rio de Janeiro (Brazil) đặt nền móng cho ngoại giao xanh và sự ra đời của Công ước chung về chống biến đổi khí hậu. Từ năm 1995, Hội nghị COP đã quy tụ các quốc gia cùng chung tay chống biến đổi khí hậu. Hội nghị COP tạo cơ sở cho Nghị định thư Kyoto ra đời năm 1997. Văn kiện này có cam kết giảm lượng khí thải nhà kính xuống 5,2%, mức của năm 1990 và năm 2012 của 37 nước công nghiệp, nhưng không có hạn chế nào được áp đặt cho các quốc gia đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ. Năm 2009, Hội nghị tại Copenhagen (Denmark) đã thất bại trong việc đưa ra một hiệp ước toàn cầu mới mà kết thúc chỉ với một thỏa thuận không ràng buộc về việc giữ cho nhiệt độ Trái đất không tăng quá 2 độ C. Bước đột phát tại Hội nghị COP 17 tại Durban (Nam Phi) buộc các quốc gia có cam kết như Mỹ, Trung Quốc phải đưa ra một thỏa thuận có ràng buộc vào năm 2015.
Đến COP 21, thỏa thuận hướng tới giới hạn 2 độ C đối với nhiệt độ toàn cầu được kỳ vọng, bởi, 2oC là giới hạn mà cộng đồng quốc tế đặt ra đối với tình trạng nóng lên của Trái đất. Việc giữ nhiệt độ thế giới chỉ tăng 2oC so với thời kì tiền Cách mạng công nghiệp có thể giúp con người kiểm soát những tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, để duy trì mức giới hạn này, các quốc gia cần phải cắt giảm mạnh mẽ lượng khí thải nhà kính.
Ngoài mục tiêu giảm phát thải nhà kính, các nhà lãnh đạo thế giới còn muốn bảo đảm rằng, các mục tiêu môi trường được xem xét lại thường xuyên và đưa ra những biện pháp rà soát mới để tăng tính minh bạch. Không như các hội nghị trước đó, các thỏa thuận đạt được tại hội nghị lần này đều có tính ràng buộc, trong đó, quan trọng hơn cả là nguồn tiền dành cho việc ứng phó với biến đổi khí hậu mà các nước giàu đã cam kết hỗ trợ là 100 tỷ USD/năm vào Quỹ khí hậu xanh cho các nước nghèo. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, Quỹ này mới chỉ nhận được 10 tỷ USD.
Như vậy, các mục tiêu mới chỉ là những cam kết nếu không có nỗ lực và sự đồng thuận của các bên liên quan mà ở đây là vai trò quan trọng của các nhà lãnh đạo. Trước Hội nghị COP 21, nhiều nguyên thủ quốc gia đã bày tỏ quyết tâm chống biến đổi khí hậu bằng những hành động và cam kết cụ thể, thiết thực.
Mỹ, quốc gia gây ô nhiễm thứ hai thế giới, sau Trung Quốc đã cam kết sẽ cắt giảm lượng khí thải tới 28% vào năm 2030. Tổng thống Mỹ B. Obama bày tỏ lạc quan về khả năng đạt được thỏa thuận toàn cầu về chống biến đổi khí hậu. Trong một tuyên bố đăng tải trên mạng xã hội Facebook, Tổng thống B. Obama cho biết, điều làm nên sự khác biệt của COP 21 là việc hơn 180 nước tham dự hội nghị đưa ra cam kết cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nguyên nhân của tình trạng nóng lên của Trái Đất.
Cùng với Pháp, Ấn Độ công bố sẽ thành lập liên minh năng lượng mặt trời quốc tế, một nỗ lực thúc đẩy và phát triển sử dụng năng lượng mặt trời. Đồng thời cho ra mắt những dự án môi trường tham vọng.
Thủ tướng Australia M. Turnbull nhấn mạnh vai trò công nghệ trong việc chống biến đổi khí hậu: “Tôi lạc quan rằng, sự đổi mới và công nghệ có thể đóng vai trò lớn trong các cuộc thảo luận ở Paris. Giải pháp dành cho những thách thức biến đổi khí hậu phụ thuộc vào yếu tố công nghệ. Đây cũng chính là một trong những ưu tiên phát triển của Chính phủ Australia”.
Song song với phòng, chống, đó là giải quyết những hậu quả của biến đổi khí hậu, Thủ tướng Anh D. Cameron đã cam kết, London sẽ dành hơn 5 triệu bảng để hỗ trợ các quốc đảo nhỏ đối phó với biến đổi khí hậu.
Và tại Hội nghị, Tổng thống nước chủ nhà (Pháp) Francois Hollande đã kêu gọi lãnh đạo của 195 nước và vùng lãnh thổ tham dự COP 21 nỗ lực đi đến một thỏa thuận “ràng buộc, toàn cầu và tham vọng” để chống lại hiện tượng Trái Đất nóng lên.
Dự kiến, ngay tại buổi họp đầu tiên của COP 21, các đại diện Mỹ, Pháp, Ấn Độ và 17 nước khác thông báo tăng gấp đôi ngân sách 10 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển năng lượng sạch trong 5 năm tới. Tổng thống Mỹ B. Obama, Tổng thống Pháp F. Hollande, Thủ tướng Ấn Độ N. Modi sẽ công bố sáng kiến “Sứ mệnh đổi mới”. Tỷ phủ Bill Gates - đồng sáng lập tập đoàn phần mềm khổng lồ Microsoft, và lãnh đạo của một số tập đoàn lớn trên thế giới cũng sẽ đưa ra những cam kết chi hàng chục tỷ USD đầu tư phát triển công nghệ năng lượng sạch tại COP 21.
Người dân toàn cầu yêu cầu thỏa thuận chống biến đổi khí hậu
Trước ngày khai mạc chính thức Hội nghị COP 21, trên toàn thế giới đã diễn ra nhiều cuộc tuần hành cổ động và yêu cầu lãnh đạo các nước phải có những biện pháp mạnh mẽ chống hiện tượng biến đổi khí hậu.
Theo ước tính, 683.000 người đã tham gia 2.300 hoạt động tại 175 nước để kêu gọi hành động đối phó với biến đổi khí hậu. Những người biểu tình trên khắp thế giới tuyên bố không còn có “bước lùi” ngoài việc các lãnh đạo thế giới phải ký kết một thỏa thuận chống biến đổi khí hậu tại COP 21.
Australia mở màn cho các cuộc tuần hành vì môi trường, với hàng chục nghìn người xuống đường tại Melbourne “vì một thế giới sạch và công bằng”.
Khoảng 5.000 người đã tham gia biểu tình tại Brisbane, trong đó có nhiều thổ dân và cư dân các đảo ở Thái Bình Dương thường xuyên bị nước dâng do biến đổi khí hậu. Hàng nghìn người khác cũng xuống đường ở các thành phố Auckland, Wellington của New Zealand để yêu cầu các nhà lãnh đạo trên thế giới tham dự Hội nghị COP 21 đi tới một thỏa thuận toàn diện về chống biển đổi khí hậu.
Ngay tại Paris, khoảng 4.500 người dân đã nắm tay nhau tạo thành “chuỗi người” dài tới 2km, kêu gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới lắng nghe tiếng nói của họ. Thay vì tuần hành qua các đường phố, người dân ở đây đã tháo giày tập trung tại Quảng trường Cộng hòa, trong đó có giày của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon, Giáo hoàng Francis gửi đến.
Tại thủ đô London (Anh), 50.000 người tham gia tuần hành bảo vệ môi trường và khí hậu của Trái đất với sự góp mặt của nhiều diễn viên đoạt giải Oscar và các nhà thiết kế thời trang danh tiếng. Thủ đô Amsterdam (Hà Lan) cũng chứng kiến 7.000 người tham dự cuộc tuần hành, trong đó có nhiều người đã sử dụng xe đạp để cổ động cho năng lượng “xanh”.
Các cuộc tuần hành đầy màu sắc cũng được tổ chức tại Rio de Janeiro, Sao Paulo (Brazil), Bogota (Colombia), Lima (Peru). Tại thủ đô Mexico City (Mexico), khoảng 1.000 người đã mang hoa và băng-rôn tập trung về quảng trường trung tâm, giương cao biểu ngữ: “Tôi quan tâm đến hành tinh của tôi”. Còn tại New York (Mỹ), người tuần hành thậm chí đưa ra những khẩu hiệu gay gắt hơn, như “Lễ Giáng sinh đã bị hủy vì băng Bắc cực đang tan”.
Philippines, quốc gia chịu nhiều tổn thất do bão tố và thiên tai, có khoảng 3.000 người gồm tu sĩ, sinh viên, các nhà đấu tranh đã xuống đường ở Manila, kêu gọi giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Tại Tokyo, khoảng 300 người tập trung kêu gọi sử dụng năng lượng tái tạo. Tại Bangladesh, nước thường xuyên bị bão và nạn sa mạc hóa đe dọa, hơn 5.000 người tuần hành vì khí hậu ở khoảng 30 địa điểm.
COP 21: Nhiều vấn đề cần giải quyết
- Các nước nghèo cần 1.000 tỷ USD để thực hiện cam kết với Liên hợp quốc.
Theo một nghiên cứu về vấn đề biến đổi khí hậu công bố ngày 30-11-2015, 48 nước nghèo nhất trên thế giới cần có 1 nghìn tỷ USD trong khoảng từ năm 2020 đến năm 2030 để có thể thực hiện kế hoạch chống biến đổi khí hậu. Con số trên được Viện Môi trường và Phát triển Quốc tế (IIED) đóng trụ sở tại London (Anh) tính toán dựa vào kế hoạch mà các nước kém phát triển nhất thế giới (LDC) cam kết để thực hiện thỏa thuận kiềm chế tình trạng nóng lên toàn cầu của Liên hợp quốc.
Theo ước tính, mỗi năm, các nước này sẽ cần có 93 tỷ USD, bao gồm 53,8 tỷ USD cho giảm khí phát thải và 39,9 tỷ USD đối phó với các hiện tượng khí hậu cực đoan và tình trạng nước biển dâng cao. IIED cho biết, hiện các nước kém phát triển mới chỉ được tiếp cận với 1/3 quỹ khí hậu quốc tế do các nước giàu có cung cấp. Do vậy, COP 21 lần này cần đề ra một thỏa thuận công bằng và hiệu quả theo hướng ưu tiên cho đầu tư từ khu vực tài chính công quốc tế cho nhóm các nước nghèo, để giúp họ thực hiện được kế hoạch chống biến đổi khí hậu của mình và thu hút được nguồn tài chính tư cho lĩnh vực khí hậu.
Cũng trong báo cáo, IIED chỉ ra rằng, dù các nước nghèo đang rất cần nguồn lực để đấu tranh chống biến đổi khí hậu, song phần lớn tiền hỗ trợ lại được chi cho các nước có điều kiện kinh tế khá hơn. Chỉ tính riêng một số nước như Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Maroc, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ, số tiền các nước này được nhận đã ngang bằng với tổng tiền tài trợ cho toàn bộ 48 nước nghèo. Một tỷ lệ phân bố tiền không cân đối cũng được các nhà nghiên cứu chỉ ra giữa lĩnh vực đối phó với biến đổi khí hậu và hỗ trợ người dân thích ứng với các cú sốc khí hậu. Trong 11,8 tỷ USD được chi cho các nước nghèo trong năm 2013 - 2014, tới 10 tỷ USD được dành để hỗ trợ cắt giảm khí thải, và chỉ còn 1,8 tỷ USD dành cho công tác thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Ngành chăn nuôi phát thải tới 14,5% lượng khí gây hiệu ứng nhà kính.
Theo Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), có tới 14,5 % khí thải gây hiệu ứng nhà kính hiện nay đến từ ngành chăn nuôi, nhiều hơn khí thải của toàn bộ các phương tiện giao thông đường bộ trên thế giới. Các loài động vật nhai lại thải ra một khối lượng lớn khí methane, loại khí gây hại hơn gấp 20 lần khí carbon. Ngoài ra còn protoxyte azote, một loại khí gây hiệu ứng nhà kính nữa, xuất phát từ phân chuồng và phân bón đất canh tác. FAO ước tính các loại khí phát thải sẽ còn tăng nhanh khi mà mức tiệu thụ thịt và sản phẩm từ sữa tăng vọt, lần lượt là 76% và 65% từ nay đến năm 2050. Theo các chuyên gia, không khu vực nào trên thế giới tiêu thụ thịt nhiều như ở châu Á, nơi những tầng lớp trung lưu mới phát triển nhanh chóng và mức tiêu thụ thịt, cũng như sản phẩm từ thịt tăng cao hơn bao giờ hết, nhờ thu nhập cao hơn và cách thức ăn uống thay đổi.
Vấn đề tiêu thụ thịt và chăn nuôi tăng còn dẫn đến một vấn đề nghiêm trọng khác, nhiều đàn bò hơn đồng nghĩa với việc các nông trại được mở rộng, dẫn đến nạn phá rừng bừa bãi, hủy hoại các “giếng” carbon vì cây xanh có chức năng hút carbon trong không khí. Trong báo cáo công bố năm ngoái, tổ chức Chattam House ở Anh đã nêu bật việc thay đổi chế độ ăn uống là vấn đề cơ bản để nhiệt độ hành tinh không tăng quá 2 độ C. Đây là giới hạn mà cộng đồng quốc tế đã ấn định để tránh cho “hành tinh xanh” khỏi những hậu quả khó lường của hiện tượng biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, để làm cho người dân ý thức được và thay đổi chế độ ăn uống bớt thịt hoàn toàn không dễ dàng. Giám đốc Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên ở Indonesia, N. Iswarayoga cho rằng, nhiều người còn chưa thấy được mối liên hệ giữa cháy rừng và khí thải carbon, họ càng không hiểu được mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và việc ăn thịt. Theo ông, việc thay đổi cách sống và suy nghĩ sẽ phải mất rất nhiều thời gian./.
Phê duyệt Dự án Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam  (30/11/2015)
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra, chỉ đạo cứu bờ biển Cửa Đại, Hội An  (30/11/2015)
Kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Cuba  (30/11/2015)
Việt Nam thất vọng vì Hoa Kỳ triển khai giám sát cá tra và cá basa  (30/11/2015)
Hướng tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX  (30/11/2015)
Chúc mừng Quốc khánh lần thứ 40 Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào  (30/11/2015)
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay