TCCSĐT - Đó là chủ đề Hội thảo quốc tế do trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh và Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam phối hợp tổ chức vào sáng 13-11-2015. Hội thảo với mục đích xây dựng sự đồng thuận giữa lãnh đạo Phật giáo tại các nước tiểu vùng Mê Kông cùng cam kết thúc đẩy, tạo dựng ý thức về hòa bình, an ninh, môi trường và phát triển bền vững.
Tham dự Hội thảo gồm có các nhà nghiên cứu Phật giáo nước ngoài, đến từ Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Lào, Srilanca, Banglades; cùng các giảng viên, nhà khoa học, nhà quản lý về công tác tôn giáo, giới nghiên cứu Phật học trên khắp cả nước.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS, TS. Võ Văn Sen, Hiệu trưởng trường Đại học xã hội và nhân văn chi biết: Cách đây hơn 26 thế kỷ, sau sáu năm khổ hạnh và 49 ngày đêm, Đức Thích Ca Mâu Ni đã thông tỏ quy luật vô thường của vạn pháp của cuộc đời rồi Ngài đem những tư tưởng đã chứng ngộ để truyền bá với mục đích giúp con người thoát khỏi khổ đau, phiền não trong cảnh luân hồi lục đạo, đạtu đến sự an lạc, giải thoát, tự tại. Theo các chứng tích khảo cổ, các nhà nghiên cứu cho rằng Phật giáo đã được truyền đến một số nước khu vực Đông Nam Á vào đầu thế kỷ thứ III trước công nguyên, trong đó có các nước thuộc vùng sông Mê Kông, còn riêng ở Việt Nam, đạo Phật được truyền vào qua đường biển từ phương Nam truyền sang. PGS, TS. Võ Văn Sen khẳng định: Giáo lý tư tưởng nhà Phật là giáo lý khế cơ, khế thời, khế xứ và đậm tính dân chủ, nhân văn nên rất linh hoạt và dễ dàng hội nhập, hòa đồng, tạo nên những nét rất riêng của Phật giáo ở mỗi nước. Do đó, Hội thảo này là dịp để tiếp tục đi sâu nghiên cứu những tư tưởng minh triết của đạo Phật, để khẳng định Phật giáo luôn là một đạo Phật nhập thế, luôn đồng hành cùng nhân loại.

Báo cáo Đề dẫn Hội thảo, Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng kiêm Tổng Thư ký, Viện Nghiên cứu Phật Học Việt Nam cho biết: Ngoài mục đíc nghiên cứu về quá trình du nhập và phát triển của Phật giáo vùng Mê Kông, Hội thảo này còn hướng đến các hợp tác và giao lưu Phật giáo trong khu vực và trên thế giới. Chính vì thế, Hội thảo sẽ trao đổi và làm rõ nhiều vấn đề học thuật về Phật giáo vùng Mê Kông thông qua các tham luận theo các nhóm chủ đề chính là: Phật giáo vùng Mê Kông: Quá trình du nhập và phát triển; Phật giáo vùng Mê Kông: Quá trình giao lưu và hội nhập; Phật giáo vùng Mê Kông: Di sản và văn hoá; Phật giáo vùng Mê Kông: Vấn đề môi trường, bảo vệ, ứng xử môi trường trong quá trình toàn cầu hoá và phát triển bền vững.

Đánh giá về ý nghĩa của Hội thảo, Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam cho rằng: Đứng trước những thách thức, hiểm họa về môi trường tại khu vực Mê Kông, nhất là mưu đồ tham vọng độc chiếm biển đông của thế lực bên ngoài, thì sự cam kết duy trì hòa bình, an ninh không chỉ là trách nhiệm chung của các nước vùng Mê Kông mà vai trò của cộng đồng Phật giáo trong khu vực phải thể hiện đóng một vị trí hết sức quan trọng. Hòa thượng Thích Trí Quảng nhấn mạnh: Cùng với những hợp tác chặt chẽ của chính phủ các nước vùng Mê Kông, thì các Giáo hội và cộng đồng Phật giáo trong khu vực cần có sự phối hợp, gắn kết hơn để góp phần vào duy trì hòa bình, bảo vệ môi trường, giữ gìn các di sản văn hóa, phát triển bền vững trong khu vực và thế giới. Chính vì lẽ đó, sáng kiến hợp tác kinh tế giữa các nước vùng Mê Kông là một xu thế tất yếu để phát triển thịnh vượng.

Tiếp đó, để tập trung thảo luận làm rõ các chủ đề như quá trình du nhập và phát triển, các học giả đã tiếp cận từ nhiều lý thuyết về tôn giáo học, văn hoá học, lịch sử… để tái hiện lại nền văn minh vùng Mê Kông như một cầu nối giữa hai nền văn minh lớn của Châu Á là Ấn Độ và Trung Hoa. Phân tích sự chia sẻ cơ tầng văn hoá, sự tiếp biến văn hoá tạo nên sự đa dạng, phong phú của đời sống văn hoá, tôn giáo trong cộng đồng các quốc gia vùng Mê Kông; đồng thời sự du nhập, phát triển Phật giáo trong khu vực đã góp phần hình thành giá trị, bản sắc văn hoá vùng Mê Kông.

Về quá trình giao lưu và hội nhập của Phật giáo, các tham luận đi sâu nhấn mạnh điểm tương đồng, khác biệt giữa quá trình giao lưu, hội nhập của Phật giáo ở mỗi quốc gia, làm rõ vai trò của Phật giáo trong đời sống tinh thần, văn hoá đồng thời khẳng định tính thống nhất trong đa dạng của phật giáo trong tiến trình hội nhập của Phật giáo vùng Mê Kông trong giai đoạn toàn cầu hóa.

Cùng với việc khẳng định sự minh triết của Phật giáo là di sản văn hoá thấm trong dòng chảy triết học, tôn giáo phương Đông được hoà quyện với văn hóa bản địa của mỗi dân tộc. Nhiều tham luận đã phân tích sự biến đổi về văn hóa, xã hội, với những thách thức đối với văn hoá, đạo đức và tôn giáo trong thời gian qua; đồng thời đưa ra một số giải pháp cho việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hoá ở mỗi quốc gia vùng Mê Kông.

Với sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề bảo vệ, ứng xử môi trường trong quá trình toàn cầu hoá và phát triển của vùng, các nhà nghiên cứu, học giả đã chỉ rõ thực trạng ô nhiễm môi trường, những vấn nạn, hiểm họa các đập thuỷ điện trên dòng Mê Kông làm thay đổi dòng chảy, mất cân bằng sinh thái.v.v.. Theo đó, các giải pháp cũng được nêu ra với mục đích nâng cao ý thức chung và trách nhiệm mỗi quốc gia trong việc bảo vệ môi trường ở khu vực song Mê Kông, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long. Một số tham luận làm rõ vai trò của phật giáo không chỉ dẫn trích quan điểm bảo vệ môi trường của Triết học phật giáo, mà còn là một trong những cầu nối về trách nhiệm “vùng” trong việc bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững vùng Mê Kông.

Theo chương trình, Hội thảo quốc tế “Phật giáo vùng Mê Kông: Lịch sử và phát triển” sẽ diễn ra trong 02 ngày 13 và ngày 14-11-2015./.