TCCSĐT - Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XII của Đảng là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân; tổng kết, đánh giá nhiệm kỳ đã qua và bàn phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ tới. Trong quá trình đó, sự tham gia tích cực, trách nhiệm của nhân dân có ý nghĩa rất quan trọng.

Đại hội đảng bộ các cấp nói riêng, việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung trước hết là công việc của Đảng, của mỗi đảng bộ, đảng viên. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên cần phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động, tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tự xây dựng, tự chỉnh đốn mình. Tuy nhiên, là Đảng cầm quyền, công việc của Đảng liên quan đến sự phát triển của cả đất nước, dân tộc, rất cần sự tham gia, đóng góp ý kiến, hiến kế của đông đảo nhân dân.

Đại hội cũng là đợt sinh hoạt chính trị về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là chỉnh đốn Đảng về tổ chức, nhân sự, lựa chọn được những đảng viên thực sự ưu tú, có đức, có tài tham gia cấp ủy các cấp - bộ máy lãnh đạo của Đảng giữa hai kỳ đại hội; loại khỏi cơ quan lãnh đạo của Đảng những phần tử suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; cơ hội chính trị, cục bộ, bè phái; tham nhũng, quan liêu, xa dân;…

Với tinh thần tăng cường thực hành dân chủ trong Đảng và trong xã hội, để đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XII của Đảng thực sự thành công thì vai trò của nhân dân rất quan trọng và Đảng cần dựa vào dân, huy động sự tham gia của nhân dân một cách thực chất.

Đảng dựa vào dân như thế nào và nhân dân tham gia xây dựng Đảng nói chung, vào công việc đại hội đảng nói riêng như thế nào, bằng cách nào?

Trước hết, cần truyên truyền, vận động để người dân thấy rõ trách nhiệm, quyền lợi của mình, và có cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi để quần chúng nhân dân đóng góp ý kiến, giám sát, phản biện trong công tác xây dựng Đảng nói chung, cụ thể dịp này là công việc tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XII của Đảng. Nhân dân tham gia đóng góp ý kiến vào hai nội dung chính, quan trọng nhất là Báo cáo chính trị và nhân sự cấp ủy. Do cùng sống trong cộng đồng nên nhân dân cũng là những người am hiểu các vấn đề của tổ chức Đảng và đảng viên. Ở mỗi địa phương, cơ sở, nếu tổ chức đảng làm tốt việc phát huy quyền dân chủ của nhân dân thì nhân dân sẽ tích cực tham gia đóng góp xây dựng Đảng. Điều quan trọng là mỗi tổ chức, mỗi đảng viên phải thật sự cầu thị, thật thà, khiêm tốn lắng nghe, có phương pháp, có hình thức thích hợp để nhân dân dám nói và nói thật, nói đúng với tinh thần xây dựng. Để dân nói ra như lời Bác dạy, thì phải có cơ chế khuyến khích và bảo vệ quần chúng dám phê bình, đấu tranh xây dựng Đảng, bằng nhiều cách, nhiều “kênh”.

Trong dịp chuẩn bị và tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XII của Đảng, những nội dung của đại hội các cấp, nhất dự thảo Báo cáo chính trị, dự kiến nhân sự cấp ủy ở cấp nào cũng nên và cần phải được công khai, thông báo cho quần chúng nhân dân trong địa bàn cấp mình biết để tham gia ý kiến xây dựng. Tổ chức đảng phải tạo điều kiện thuận lợi, hướng dẫn cụ thể về nội dung, cách thức để người dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, có phương pháp, kế hoạch ghi nhận, tiếp thu có chọn lọc những ý kiến sát đáng của quần chúng nhân dân. Đối với những ý kiến phê bình đúng của quần chúng thì phải tiếp thu nghiêm túc và có biện pháp sửa chữa. Còn với những ý kiến không đúng hoặc chưa đúng thì phải phân tích, giải thích đầy đủ với thái độ thực sự “trọng dân”. Các tổ chức đảng, những người giữ cương vị trong cấp uỷ phải có được nhận xét của quần chúng nhân dân trong quá trình công tác thông qua hội nghị từ tổ dân phố cho đến cơ quan, đơn vị và hội nghị đó phải tiến hành công khai, minh bạch và dân chủ, để cho người dân tham gia góp ý xây dựng. Đặc biệt, nhân sự dự định cơ cấu ở cấp nào (thôn, xã, huyện, tỉnh) thì phải được nhân dân ở địa bàn cấp ấy tham gia góp ý, xây dựng. Tiểu sử của các nhân sự cấp uỷ không thể là “lý lịch trích ngang” vắn tắt chỉ có những ngày tháng năm nào lên cấp nào một cách sơ lược như cách làm trước đây mà phải chi tiết, cụ thể về quá trình công tác, về phẩm chất đạo đức, năng lực, về thu nhập, nhà đất của cả vợ (chồng), con… để nhân dân giám sát, phản biện.

Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành hai Nghị quyết về vấn đề giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cũng như sự tham gia góp ý của các tổ chức này trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, trong đó có công tác cán bộ. Vì vậy, đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XII của Đảng là dịp rất thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc, các các đoàn thể chính trị - xã hội triển khai làm tốt công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý các nội dung của đại hội, nhất là Báo cáo chính trị và công tác nhân sự. Cần thay đổi quan điểm coi công tác nhân sự trong các đại hội đảng là “công việc riêng của các tổ chức đảng”, thậm chí là công việc “bí mật” cho đến phút cuối. Như thế, người dân không có điều kiện, cơ hội trong lựa chọn, giới thiệu cho cấp uỷ đảng những người có đức, có tài được nhân dân tín nhiệm. Do vậy, một trong những việc mà các cấp uỷ đảng cần làm là trước khi đại hội diễn ra cần công khai danh sách dự kiến cấp uỷ, thậm chí là các phương án nhân sự để Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, cho tới từng người dân được biết, tham gia ý kiến, phản biện xã hội. Cấp uỷ các cấp có biện pháp phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội có thể thành lập các hội đồng phản biện xã hội đối với công tác cán bộ, trong đó có nhân sự cấp uỷ. Trong hội đồng có chủ tịch và các thành viên đại diện cho các đoàn thể chính trị - xã hội, có các thư ký hội đồng để theo dõi, ghi chép, giúp việc. Trên cơ sở danh sách nhân sự, các phương án của cấp uỷ đảng đề ra, các thành viên hội đồng lấy ý kiến quần chúng nhân dân ở nơi công tác, nơi cư trú, tập trung vào xem xét những mặt như: tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; có tham nhũng, lãng phí, kê khai không đầy đủ tài sản, tiêu cực, xa dân không và nhất là hiệu quả công tác trong thực tiễn như thế nào, có ghi dấu ấn cá nhân trong quá trình lãnh đạo, quản lý thời gian qua hay không. Hội đồng họp để nghe các thành viên phản ánh ý kiến của quần chúng nhân dân, tổ chức về từng nhân sự cấp uỷ và bỏ phiếu kín. Kết quả bỏ phiếu là một “kênh” quan trọng để cấp uỷ đảng tham khảo. Còn quyết định các phương án nhân sự vẫn do cấp uỷ quyết và chịu trách nhiệm với cấp trên và người dân về quyết định của mình. Về lâu dài, Mặt trận Tổ quốc các cấp cần thành lập hội đồng tư vấn công tác cán bộ nhằm cụ thể hoá nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo quản lý công tác cán bộ đồng thời phát huy vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác này một cách thường xuyên, nền nếp.

Chỉ có huy động, tạo điều kiện, có cơ chế để đại đa số nhân dân tham gia góp ý, phản biện, giám sát việc xây dựng Đảng nói chung, công tác chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XII của Đảng nói riêng, thì việc xây dựng Đảng nói chung, đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XII của Đảng nói riêng mới “thành công tốt đẹp” thật sự, Đảng ta mới ngày càng thật sự trong sạch, vững mạnh. Có thể nói, mức độ quan tâm, tham gia xây dựng Đảng của nhân dân là thước đo cho thành công của đại hội đảng các cấp cho tới Đại hội XII của Đảng. Phải xem nhân dân tham gia góp ý, phản biện, giám sát xây dựng cho tổ chức đảng và từng đảng viên được nhiều hay ít, chất lượng đến đâu là một tiêu chí quan trọng để đánh giá kết quả đại hội Đảng các cấp. Nếu thiếu vắng sự tham gia của nhân dân, hoặc tham gia không thực chất, một cách hình thức, chiếu lệ “gọi là có” thì nhất định không thể có sự “thành công tốt đẹp” một cách thực sự.

Cần phải dựa vào dân để xây dựng Đảng nói chung, chuẩn bị và tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XII của Đảng nói riêng bằng những cơ chế hữu hiệu thì mới có sự “thành công tốt đẹp”, Đảng ta mới ngày càng trong sạch, vững mạnh./.