TCCS - Trong những năm qua, Thủ đô Hà Nội đã phát huy ngày càng tốt hơn vai trò, vị thế là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. Quy mô, diện mạo thành phố thay đổi nhanh chóng và khởi sắc; chất lượng cuộc sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt; vị thế, uy tín và sức lan tỏa của Thủ đô ngày càng được nâng cao đối với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.

Từ sau khi Thủ đô Hà Nội được điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính (tháng 8-2008), tiếp tục phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng và đoàn kết, thống nhất; với quyết tâm đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới, Thủ đô Hà Nội đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thử thách, vận dụng sáng tạo, tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả cao các chủ trương, nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020, Luật Thủ đô và Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ thành phố, và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo ra bước chuyển biến mới, toàn diện trên các lĩnh vực hoạt động, tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển nhanh, bền vững của Thủ đô trong thời gian tới.

Thủ đô Hà Nội luôn vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng, chủ động phát huy nội lực, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tập trung cho đầu tư phát triển, kết hợp với phát huy tốt vai trò, vị thế của Thủ đô.

Trong công tác lãnh đạo, điều hành, thành phố luôn quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt phương châm: Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt; phát triển văn hóa làm nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu; quản lý đô thị và xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ thường xuyên quan trọng.

Với tư tưởng chỉ đạo “chủ động phát huy nội lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để tập trung đầu tư xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại”, trong quá trình triển khai thực hiện định hướng phát triển giai đoạn 2010 - 2015, Thành ủy Hà Nội đã lãnh đạo nghiên cứu, xây dựng cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ thành 9 chương trình công tác lớn, xác định rõ 5 nhiệm vụ chủ yếu, 2 khâu đột phá và chủ đề công tác của từng năm, để tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả.

Chủ động phát huy nội lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của kinh tế Thủ đô

Thành phố đã chỉ đạo triển khai thực hiện kịp thời, sáng tạo Luật Thủ đô. Hội đồng nhân dân thành phố đã nghiên cứu, xây dựng và ban hành 11 nghị quyết và một số quyết định, để cụ thể hóa Luật Thủ đô trên các lĩnh vực, với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt là các cơ chế, chính sách ưu đãi về đầu tư phát triển khoa học - công nghệ; đầu tư xây dựng các khu đô thị mới hiện đại, xây dựng nhà ở xã hội và hệ thống kết cấu hạ tầng; khuyến khích xã hội hóa phát triển y tế, văn hóa, giáo dục; chính sách trọng dụng nhân tài... Trong lĩnh vực phát triển kinh tế, thành phố đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, gắn với thực hiện Chương trình số 03 về “Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô tăng trưởng nhanh và bền vững” của Đảng bộ thành phố nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô. Chú trọng phát triển các ngành, lĩnh vực trình độ cao, chất lượng cao. Giải quyết hài hòa giữa mục tiêu trước mắt và lâu dài, giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, bảo đảm quốc phòng - an ninh, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Năm năm qua (2010 - 2015), kinh tế Thủ đô tiếp tục phát triển và có mức tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm bình quân 5 năm ước tăng 9,23%, gấp gần 1,6 lần mức tăng bình quân chung của cả nước. Quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2015 ước đạt trên 27,6 tỷ USD; bình quân thu nhập đầu người ước đạt 3.600 USD, tăng gấp trên 1,8 lần so với năm 2010. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng giảm nhanh, từ 17,1% (năm 2011) xuống còn khoảng 6,3% (năm 2015). Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 714,5 nghìn tỷ đồng, bình quân tăng 7,1%/năm.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, các thành phần kinh tế được khuyến khích phát triển. Việc liên kết, hợp tác kinh tế vùng và hội nhập phát triển kinh tế quốc tế được triển khai sâu rộng và đạt kết quả tích cực. Thủ đô Hà Nội thực hiện tốt vai trò là trung tâm tài chính, ngân hàng, dịch vụ chất lượng cao của khu vực phía Bắc và cả nước.

Thủ đô đặc biệt chú trọng đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, đổi mới mô hình tăng trưởng, gắn với cơ cấu lại kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô theo hướng kết hợp hiệu quả giữa phát triển chiều rộng với chiều sâu, trong đó chú trọng phát triển chiều sâu. Phát triển đồng bộ, vững chắc các loại thị trường. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên cả 3 lĩnh vực: kinh tế ngành, kinh tế vùng và các thành phần kinh tế. Đồng thời, tập trung thực hiện tốt các chỉ tiêu phát triển cơ bản của các nhóm ngành: Nhóm ngành dịch vụ tiếp tục có mức tăng trưởng cao, bình quân 5 năm ước tăng 9,97%, kim ngạch xuất khẩu tăng 8,1%, nhập khẩu tăng gần 4%, du lịch tăng bình quân 10%/năm. Nhóm ngành công nghiệp - xây dựng được phục hồi, tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, bình quân 5 năm ước tăng 9%/năm. Lĩnh vực nông nghiệp đạt kết quả tích cực, bình quân ước tăng trên 2,4%, giá trị sản xuất ước đạt 231 triệu đồng/ha, tăng gần 1,3 lần so với năm 2010. Xây dựng nông thôn mới có nhiều chuyển biến tích cực và đạt kết quả quan trọng, đã huy động bình quân khoảng 5.800 tỷ đồng/năm cho đầu tư xây dựng nông thôn mới, dự kiến đến cuối năm 2015, toàn thành phố có 166 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 43% tổng số xã, cao gấp hơn 2 lần so với cả nước (cả nước đạt 20%), kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn được chú trọng đầu tư, kinh tế nông thôn có bước phát triển khá, hệ thống chính trị ở nông thôn được củng cố, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho xây dựng, phát triển Thủ đô

Với lợi thế và đặc thù của Thủ đô, các nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội rất phong phú, đa dạng. Để khai thác có hiệu quả thế mạnh đó, thành phố đã có nhiều giải pháp và cơ chế, chính sách phù hợp, đúng đắn để thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển. Đó là nguồn lực về tài chính; nguồn lực về tài nguyên, đất đai; nguồn lực về khoa học và công nghệ; nguồn nhân lực chất lượng cao.

Về nguồn lực tài chính:

Thành phố chỉ đạo rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, đặc biệt là quy trình, thủ tục cấp phép đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa để thu hút được các nguồn vốn trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển, nhất là trong các lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các khu đô thị mới, hiện đại và các khu công nghệ cao, khuyến khích các ngành, các lĩnh vực dịch vụ trình độ cao, chất lượng cao. Huy động tối đa các nguồn vốn từ quỹ đất, từ tài sản công thuộc sở hữu nhà nước; thực hiện có hiệu quả các hình thức đầu tư BT, BOT, BTO và PPP và chương trình xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch của thành phố. Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quản lý tài chính công; rà soát lại các mục tiêu đầu tư, kịp thời điều chỉnh cơ cấu đầu tư phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo đúng định hướng phát triển; thực hiện đúng quy trình, quy chế đầu tư; bảo đảm tiến độ và chất lượng các dự án, nhất là các dự án trọng điểm của thành phố. Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, kiểm toán việc sử dụng vốn đầu tư phát triển, đặc biệt là các khoản đầu tư từ ngân sách nhà nước, xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm vi phạm.

Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu về huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực về tài chính. Trong 5 năm (2011 - 2015), tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn đạt 1 triệu 400 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 15,7%/năm, gấp gần 2 lần so với giai đoạn 2006 - 2010. Đầu tư trực tiếp nước ngoài thu hút được trên 1.080 dự án, với tổng số vốn đăng ký gần 3 tỷ USD.

Để đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực, thành phố đã có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục - thể thao, môi trường. Trên địa bàn thành phố, hiện có hàng trăm dự án đầu tư vào các lĩnh vực trên, với số vốn đăng ký khoảng gần 32 nghìn tỷ đồng. Trong đó, đã có nhiều dự án hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng có hiệu quả, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo và y tế, như Trường Phổ thông trung học Marie Curie, Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Trường Việt-Úc, Trường Mầm non tư thục Ban Mai...; các bệnh viện: Hồng Ngọc, Tràng An và rất nhiều công trình văn hóa - xã hội, chăm sóc sức khỏe cộng đồng khác.

Hà Nội là địa phương đầu tiên của cả nước triển khai thực hiện kế hoạch trung hạn vốn đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2013 - 2015, bảo đảm nguyên tắc đầu tư tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; hiệu quả sử dụng vốn cao. Thành phố đã thực hiện hiệu quả đầu tư lại theo chỉ đạo của Chính phủ, danh mục dự án và thứ tự ưu tiên đầu tư giai đoạn 2010 - 2015 và các năm tiếp theo được xác định phù hợp với các quy hoạch chung, quy hoạch tổng thể và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô đến năm 2020 và tầm nhìn chung đến 2030 và 2050. Từng bước điều chỉnh cơ cấu đầu tư theo hướng giảm dần đầu tư công; tăng cường huy động nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác để đầu tư vào các dự án phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội có khả năng thu hồi vốn; bảo đảm cân đối nguồn vốn đầu tư.

Về khai thác và sử dụng tài nguyên, đất đai:

Thành phố tập trung chỉ đạo nhiều giải pháp, nhằm nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng tài nguyên cho phát triển. Trong đó, ưu tiên các ngành, doanh nghiệp khai thác, sử dụng tài nguyên đáp ứng các yêu cầu về hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội và bảo vệ tốt môi trường. Quản lý chặt chẽ đầu tư mới, gắn với xử lý đồng bộ về môi trường, khuyến khích, hỗ trợ những ngành, doanh nghiệp có phương án khai thác, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất.

Thực hiện nhiều cơ chế, chính sách, quy định chặt chẽ, hạn chế việc sử dụng và chuyển đổi đất nông nghiệp, nhất là đất canh tác, đất trồng lúa hai vụ. Kiên quyết dừng hoặc chuyển đổi mục đích các dự án đô thị không phù hợp với quy hoạch chung của Thủ đô; thu hồi các dự án đã giao đất, nhưng không triển khai thực hiện đúng thời gian quy định; khắc phục tình trạng để hoang hóa đất đai và sử dụng đất sai mục đích hoặc lấn chiếm đất. Quản lý chặt chẽ quy trình và việc phê duyệt các dự án, khắc phục được tình trạng đầu tư tràn lan, không hiệu quả và “quy hoạch treo”, “dự án treo”... Thực hiện tốt các quy trình, quy định về thủ tục đấu giá đất, để thu hồi vốn, tập trung huy động được nhiều nguồn lực đầu tư cho xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, nhất là ở khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Về tiềm lực khoa học và công nghệ:

Thủ đô Hà Nội có hàng trăm trường đại học, cao đẳng, các học viện, trung tâm và viện nghiên cứu khoa học, Thành phố chỉ đạo các ngành chức năng nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào thực tế sản xuất, kinh doanh, khuyến khích các trường, trung tâm, viện nghiên cứu các nhà khoa học đóng góp phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ trên mọi lĩnh vực; kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu trong nước với chuyển giao công nghệ nguồn từ nước ngoài; đẩy nhanh tiến độ đầu tư đổi mới công nghệ trong tất cả các ngành, các lĩnh vực, tạo nhiều ngành công nghệ mới có hiệu quả và sức cạnh tranh cao.

Tập trung huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước để đầu tư phát triển và khai thác có hiệu quả hạ tầng khoa học và công nghệ. Triển khai thực hiện nhiều dự án về xây dựng khoa học - công nghệ, như Trung tâm Giao dịch công nghệ thường xuyên; Trung tâm Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm; Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao công nghệ và giám định công nghệ ... Từng bước hoàn thiện cơ chế tuyển chọn các tổ chức, cá nhân có năng lực thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học - công nghệ. Xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả cơ chế khuyến khích và hỗ trợ liên kết đào tạo - nghiên cứu - sản xuất, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học - công nghệ từ nguồn ngân sách nhà nước và xã hội hóa, nhằm hỗ trợ ứng dụng những thành tựu khoa học - công nghệ, tạo ra những sản phẩm mới, có giá trị, hiệu quả và chất lượng cao. Chú trọng phát triển mạng lưới thông tin khoa học - công nghệ của thành phố phục vụ tốt nhu cầu tìm hiểu về các thành tựu khoa học - kỹ thuật, hình thành thị trường công nghệ, có chính sách hỗ trợ việc mua, bán, chuyển giao công nghệ và kết quả nghiên cứu khoa học - công nghệ.

Hiện nay, Hà Nội đã triển khai 420 đề tài, dự án. Tỷ lệ đề tài, dự án được ứng dụng vào thực tiễn đạt khá cao: đối với các đề tài đạt 70% và đối với các dự án đạt 100%. Có 408 tổ chức khoa học và công nghệ được cấp giấy chứng nhận hoạt động; 57 hợp đồng chuyển giao công nghệ và hợp đồng trợ giúp kỹ thuật được cấp giấy chứng nhận đăng ký. Hà Nội là địa phương được xếp thứ nhất cả nước về chỉ số thương mại điện tử, được Bộ Thông tin và Truyền thông xếp thứ ba toàn quốc về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân.

Về phát triển, phát huy và sử dụng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao:

Những năm qua, thành phố Hà Nội đã thực hiện nhiều cơ chế, chính sách thu hút và sử dụng đội ngũ chuyên gia, trí thức đầu ngành ở các bộ, ngành Trung ương, các trường đại học, viện nghiên cứu, kể cả đội ngũ chuyên gia giỏi nước ngoài phục vụ yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô; coi trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt quan tâm đầu tư đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài. Hội đồng nhân dân thành phố đã có Nghị quyết số 14, Ủy ban nhân dân thành phố có Đề án và kế hoạch triển khai về chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô, thu hút được nhiều nhà khoa học, nhiều thủ khoa ở các trường đại học tham gia; Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 07 về quy hoạch, đào tạo và sử dụng cán bộ nữ, cán bộ trẻ và đặc biệt là trong việc triển khai Đề án số 07 về đào tạo cán bộ nguồn của thành phố đến năm 2020, Hà Nội đã đào tạo được 1.250 cán bộ nguồn khối Đảng, chính quyền, đoàn thể và 106 cán bộ dự nguồn cấp ủy của thành phố, đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ chính trị và chuẩn bị tốt nhân sự cho đại hội đảng các cấp. Hiện nay, thành phố đã xây dựng và triển khai thực hiện bốn đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực khoa học và công nghệ; xây dựng cơ chế, chính sách đào tạo, sử dụng đội ngũ trí thức, nhân lực có trình độ, tay nghề cao.

Hà Nội đã thực hiện tốt công tác xã hội hóa kết hợp với tăng tỷ lệ đầu tư ngân sách nhà nước để phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo, nhất là đào tạo nghề trình độ cao và đào tạo phục vụ xuất khẩu lao động; đã hoàn thành Trung tâm Dạy nghề quy mô lớn tại huyện Đông Anh, Trường Cao đẳng dạy nghề chất lượng cao ở xã Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm) và nhiều cơ sở dạy nghề khác. Tiếp tục thu hút, kêu gọi đầu tư xây dựng một số trường đào tạo công nhân có trình độ quốc tế. Khuyến khích các doanh nghiệp đào tạo lao động tại chỗ, đặc biệt là đào tạo lao động kỹ thuật. Tạo điều kiện về đất đai, hạ tầng, thu hút các trường đại học có uy tín và thương hiệu mạnh đầu tư vào Hà Nội. Chú trọng liên kết với các trường, trung tâm đào tạo trên địa bàn trong đào tạo lao động cho phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô; liên kết giữa doanh nghiệp với cơ sở sử dụng lao động, cơ sở đào tạo để phát triển nhân lực ngày càng chặt chẽ và có hiệu quả hơn.

Trước yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước, thành phố Hà Nội luôn nhận thức sâu sắc rằng, xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại, phát triển nhanh, bền vững vừa là mục tiêu, yêu cầu, vừa là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách xuyên suốt trong quá trình xây dựng, phát triển; đồng thời, cũng là vinh dự và trách nhiệm lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô.

Để thực hiện tốt mục tiêu phát triển quan trọng đó, Hà Nội cần tiếp tục tập trung lãnh đạo, phát huy thật tốt vai trò, trách nhiệm và nội lực của thành phố; đồng thời, tận dụng thời cơ, tranh thủ sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Trung ương; chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, đoàn thể; sự hợp tác có hiệu quả của các tỉnh, thành phố trong cả nước và chủ động hội nhập quốc tế, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, nâng cao vị thế, uy tín của Thủ đô./.