TCCSĐT - Ngày 05-10-2015, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố Báo cáo Cập nhật kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, phân tích môi trường toàn cầu đầy thách thức mà các nước trong khu vực đang phải đối mặt. Đó là, quá trình hồi phục kinh tế tại các nước thu nhập cao diễn ra chậm, thương mại toàn cầu tăng trưởng với tốc độ thấp nhất kể từ năm 2009, xu thế tăng trưởng chậm lại ở các nước đang phát triển.

Bức tranh tăng trưởng đa dạng của khu vực

Theo báo cáo, Đông Á vẫn tiếp tục là khu vực tạo động lực tăng trưởng chính cho nền kinh tế thế giới, đóng góp gần 2/5 tổng mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Xét về tổng thể, ước tính toàn khu vực sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm 2015, giảm so với mức 6,8% năm 2014.

Bức tranh tăng trưởng toàn khu vực trong năm 2015 khá đa dạng. Dự kiến, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 7%, sau đó sẽ giảm nhẹ do nền kinh tế chuyển hướng sang mô hình dựa vào tiêu dùng trong nước và dịch vụ. Các nước xuất khẩu hàng hóa, như In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a và Mông Cổ sẽ tăng trưởng chậm hơn và dự kiến thu ngân sách cũng thấp hơn do chịu tác động của giá hàng hóa thấp. Các nước nhập khẩu hàng hóa vẫn tăng trưởng ổn định, thậm chí tăng trưởng mạnh.

Ông X. Sét-ty (Sudhir Shetty), Kinh tế trưởng WB, khu vực Đông Á - Thái Bình Dương nhận định: “Dự đoán tăng trưởng khu vực Đông Á - Thái Bình Dương sẽ chậm lại do Trung Quốc đang cân đối lại nền kinh tế, và ảnh hưởng của tốc độ bình thường hóa lãi suất cơ bản tại Hoa Kỳ. Những yếu tố đó có thể gây nên những bấp bênh về tài chính trong ngắn hạn, nhưng đó là sự điều chỉnh cần thiết cho tăng trưởng bền vững trong dài hạn”.

Báo cáo dựa trên giả định rằng, nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm dần trong giai đoạn 2016 - 2017. Nếu tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại hơn nữa thì các nước trong khu vực, nhất là những nước có quan hệ thương mại, đầu tư và du lịch với nước này, sẽ bị tác động.

Báo cáo cũng cho rằng lãi suất tại Hoa Kỳ sẽ tăng dần trong vài tháng tới. Đây là điều đã được dự đoán trước và diễn ra theo lộ trình, tuy nhiên khó tránh khỏi khả năng thị trường sẽ phản ứng mạnh trước việc giảm lãi suất khiến các đồng tiền mất giá, lãi trái phiếu tăng, dòng vốn vào các nước bị suy giảm và mức thanh khoản cũng bị thắt chặt.

Trước những yếu tố bất lợi đó, Báo cáo nhấn mạnh hai vấn đề cần ưu tiên trong khu vực: quản lý kinh tế vĩ mô cẩn trọng nhằm đối phó với các vấn đề bên ngoài và trong lĩnh vực tài chính; tiếp tục cải cách theo chiều sâu, trong đó tập trung khuyến khích đầu tư tư nhân.

Ông A. Trót-xen-bớc (Axel van Trotsenburg), Phó Chủ tịch khu vực Đông Á - Thái Bình Dương (WB), nhận xét: “Tăng trưởng tại các nước đang phát triển khu vực Đông Á - Thái Bình Dương vẫn vững chắc, nhưng xu thế tăng trưởng giảm nhẹ cho thấy các nhà hoạch định chính sách trong khu vực cần tiếp tục tập trung cải cách cơ cấu nhằm tạo cơ sở cho tăng trưởng bền vững, dài hạn và bao trùm. Các biện pháp cải cách cần tập trung hoàn thiện khung pháp lý tài chính, thị trường lao động và thị trường sản phẩm, tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình. Những biện pháp như vậy sẽ tạo lòng tin cho các nhà đầu tư vào thị trường, giúp duy trì tăng trưởng bền vững và giúp người dân thoát nghèo”.

Kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng

Về Việt Nam, Báo cáo phân tích: Hoạt động kinh tế tiếp tục tăng trong năm 2015 do cầu trong nước tăng. GDP tăng 6,3% trong nửa đầu năm 2015, mức tăng nửa đầu năm cao nhất trong vòng 5 năm qua. Dự kiến tăng trưởng sẽ đạt trên 6% trong năm 2015 nhờ cầu trong nước mạnh.

Quá trình hồi phục kinh tế được thúc đẩy bởi tăng trưởng của ngành công nghiệp chế tạo và xây dựng. Cả hai khu vực này đóng góp gần một nửa GDP. Khu vực dịch vụ (chiếm gần 40% GDP) chỉ tăng 5,9% trong nửa đầu năm 2015. Thêm vào đó, đầu tư (nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)) và tiêu dùng cá nhân tăng mạnh cũng thúc đẩy tăng trưởng.

Cán cân thương mại dự kiến sẽ thâm hụt trong năm 2015 do cầu bên ngoài suy giảm, xuất khẩu tăng trưởng chậm, trong khi nhập khẩu tăng do các hoạt động kinh tế trong nước tăng.

Trong bối cảnh đồng USD tăng giá trên toàn thế giới và phải đối phó với biến động tỷ giá tại các nước bạn hàng chính của Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã giảm giá đồng Việt Nam 3 lần (vào các tháng 1, 5 và 8-2015) với tổng số 3% giá trị, nới rộng biên độ giao dịch từ +/-1% lên +/-3% tháng 8-2015, nhằm ổn định thị trường ngoại hối và duy trì năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, những tiến bộ đạt được trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế không đồng đều, nhất là trong ngành ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước.

Viễn cảnh trung hạn của Việt Nam nói chung là tích cực nhưng vẫn còn tiềm ẩn một số rủi ro. Mặc dù chính sách tiền tệ được nới lỏng, nhưng lạm phát vẫn sẽ ở mức thấp do ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài, giá năng lượng và giá lương thực thấp. Theo dự kiến, thâm hụt tài khóa sẽ được điều chỉnh nhờ các nỗ lực nhằm hạn chế tăng nợ công. Tuy nhiên, lượng kiều hối mạnh cũng sẽ góp phần hạn chế thâm hụt cán cân thanh toán, dù có kém hơn so với năm 2014.

Tỷ lệ người nghèo sẽ tiếp tục giảm. Tỷ lệ nghèo cùng cực (1,90 USD/ngày theo PPP 2011) sẽ giảm từ 2,8% năm 2012 xuống 1% năm 2017, trong khi tỷ lệ dân số sống dưới mức 3,10 USD/ngày sẽ giảm từ 12,3% năm 2012 xuống còn 6,7% năm 2017. Nền kinh tế phục hồi cùng với điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định sẽ giúp tiếp tục giảm nghèo. Tuy nhiên do nông nghiệp tăng trưởng chậm hơn nên sẽ ảnh hưởng tới thu nhập của người dân ở khu vực nông thôn, từ đó làm tăng khoảng cách thu nhập giữa nông thôn - thành thị…

Các rủi ro bên ngoài đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam gồm có kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, ẩn chứa nhiều yếu tố bất ổn. Thêm vào đó, giá gạo và nhiều nông sản giảm sẽ tác động tiêu cực đến thu nhập và tiêu dùng của người dân nông thôn.

Các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia phân tích độc lập đều nhất trí rằng, Việt Nam cần đẩy nhanh hơn nữa tốc độ cơ cấu lại nền kinh tế để có thể đạt mức tăng trưởng gần 7% trên con đường trở thành một nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Việt Nam cũng cần có một kế hoạch tốt nhằm củng cố tài khóa trung hạn được thực hiện cùng với quá trình cơ cấu lại tổng thể nhằm củng cố tài chính cho doanh nghiệp nhà nước và các ngân hàng quốc doanh. Đây chính là yếu tố quan trọng nhằm hạn chế áp lực nợ công và tăng niềm tin của khu vực tư nhân./.