Từ RIC đến BRIC: một tổ chức quốc tế có sức lan tỏa mạnh mẽ trong thế giới đương đại
Một diễn đàn gây sự chú ý và ấn tượng mạnh
Trung tuần tháng 5-2008, tại thành phố I-a-ca-te-ren-bua (Yakaterinburg) của nước Nga diễn ra cuộc gặp đầu tiên cấp Ngoại trưởng của bốn nước đồng thời là bốn nền kinh tế đang trỗi dậy mạnh mẽ gồm Bra-xin (Brazil), Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Như vậy, từ diễn đàn "tam giác chiến lược" Nga - Ấn Độ - Trung Quốc, gọi tắt là RIC, gồm ba chữ cái đầu tiên của ba nước là Nga (Russia), Ấn Độ (India) và Trung Quốc (China), nay có thêm Bra-xin, trở thành BRIC, hình thành nên một tứ giác kinh tế và chính trị cạnh tranh với Diễn đàn G-8 của các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới.
Việc lựa chọn I-a-ca-te-ren-bua là địa điểm nằm trên dãy núi U-ran trải dài xuyên qua hai lục địa châu Âu và châu Á làm nơi tổ chức diễn đàn BRIC năm 2008 thể hiện rõ sắc thái liên kết Á - Âu trong chính sách đối ngoại của nước Nga dưới thời cầm quyền của cựu Tổng thống V.Pu-tin. Nếu dựa trên dự báo của nhiều chuyên gia phân tích chính trị và kinh tế quốc tế cho rằng thế kỷ XXI là "thế kỷ của châu Á", thì định hướng Á - Âu trong chiến lược đối ngoại của các nước trong tam giác chiến lược Nga - Ấn Độ - Trung Quốc nói lên nhiều điều.
"Cha đẻ" của ý tưởng xây dựng “tam giác chiến lược Nga - Trung - Ấn” là cựu Ngoại trưởng Liên Xô và là cựu Thủ tướng Nga, ông Pri-ma-cốp (Primacov). Khi lần đầu ông Pri-ma-cốp đề xuất ý tưởng này vào năm 1998, nhiều chuyên gia nghiên cứu chính trị và không ít chính khách lúc đó đánh giá là "không thiết thực" và "không có tính khả thi". Mười năm sau, tam giác chiến lược Nga - Trung Quốc - Ấn Độ không những trở thành hiện tượng kinh tế - chính trị sống động mà còn có sức lan toả mạnh mẽ ra bên ngoài phạm vi lục địa Á - Âu, trở thành diễn đang có quy mô và tính chất toàn cầu.
Lần này, tại diễn đàn BRIC ở I-a-ca-te-ren-buôc, các nước Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Bra-xin đã ra Thông cáo chung phản đối mạnh mẽ chủ nghĩa đơn phương của các nước phương Tây và kêu gọi các quốc gia cùng góp sức xây dựng một hệ thống quan hệ quốc tế mới dân chủ hơn và đa phương hơn, tiếp tục sự hợp tác giữa các nước mở rộng với G-8 trên nguyên tắc công bằng và bình đẳng. BRIC cho rằng, sự phát triển bền vững về lâu dài của nền kinh tế thế giới cũng như các giải pháp cho những vấn đề toàn cầu cấp thiết hiện nay như xoá đói giảm nghèo và chống bệnh tật chỉ có thể thực hiện được một khi các quốc gia tính đến lợi ích của nhau trong một hệ thống quan hệ kinh tế toàn cầu công bằng.
Cũng tại Hội nghị ngoại trưởng các nước BRIC lần này, Ngoại trưởng Nga khẳng định: "Chúng tôi là những nước phát triển nhanh nhất thế giới, có nhiều lợi ích chung trong thế giới toàn cầu hóa và chia sẻ nhiều điểm tương đồng trong việc xây dựng một thế giới dân chủ, công bằng và ổn định hơn”. Còn Ngoại trưởng Bra-xin, ông Xen-lô A-mô-rim (Celso Amorim) tuyên bố: “Chúng tôi đang thay đổi trật tự thế giới hiện nay”. Ngoại trưởng của bốn nước thống nhất ghi nhận tiến bộ trong các lĩnh vực hợp tác nông nghiệp, y tế, dược phẩm, cứu trợ thảm họa và kinh tế. Sự bất đồng duy nhất trong cuộc gặp BRIC đầu tiên là Trung Quốc từ chối cam kết ủng hộ nỗ lực của Ấn Độ và Bra-xin vào ghế thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc do Nga đề xuất. Tuy nhiên, điều đó không ảnh hưởng đến quyết tâm của cả bốn nước trong việc thể chế hóa BRIC thành một diễn đàn kinh tế và chính trị. Ngoại trưởng bốn nước đã đồng ý gặp lại bên lề cuộc họp lần thứ 63 Đại hội đồng Liên hợp quốc tháng 9-2008 và gặp riêng tại Ấn Độ vào năm 2009 song song với cuôc gặp của các nước RIC.
Một động thái đáng chú ý là hai nước Bra-xin và Ấn Độ vừa là thành viên của BRIC, vừa là thành viên của Diễn đàn Đối thoại IBSA, gồm các nước Ấn Độ, Bra-xin và Nam Phi, tổ chức tại Nam Phi chỉ vài ngày trước khi diễn ra Hội nghị BRIC ở I-a-ca-te-ren-bua. Vì thế, không loại trừ khả năng, sẽ có sự hợp tác chặt chẽ giữa các diễn đàn này, trong đó Ấn Độ sẽ có vai trò đặc biệt như là sợi dây kết nối giữa họ.
Cũng tại I-a-ca-te-ren-bua, trong Thông cáo chung của RIC, lần đầu tiên đưa ra quan điểm chung của ba nước về các vấn đề quốc tế do Ấn Độ thay đổi lập trường về vấn đề Cô-xô-vô và I-ran. Về Cô-xô-vô, Ấn Độ cùng với Nga và Trung Quốc phản đối tuyên bố độc lập đơn phương và coi hành động đó là “trái với Nghị quyết 1244 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”, đồng thời kêu gọi nối lại đối thoại giữa chính quyền ở Xéc-bi và ở Cô-xô-vô. Trước khi diễn ra hội nghị BRIC ở I-a-ca-te-ren-bua, Ấn Độ chỉ tuyên bố rằng họ “đang xem xét diễn biến tình hình”. Về I-ran, Ngoại trưởng Ấn Độ, ông Mu-khây-de (Mukherjee), tuyên bố rằng, họ ủng hộ quyền sử dụng năng lượng hạt nhân vì hòa bình của I-ran, nhưng phải tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế, đồng thời khẳng định rằng các vấn đề liên quan đến chương trình hạt nhân của I-ran phải do IAEA giải quyết. Ấn Độ chủ trương dùng giải pháp chính trị và ngoại giao thông qua đối thoại để giải quyết vấn đề hạt nhân I-ran.
Một trong những thay đổi đáng kể nhất trong lập trường của Ấn Độ là vấn đề gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) gồm Nga, Trung Quốc và bốn nước Trung Á. Năm 2007, Ấn Độ tham dự SCO với vai trò là quan sát viên, tuyên bố sẽ tránh tham gia SCO về mặt quân sự, chiến lược và chính trị. Lần này, tại I-a-ca-te-ren-bua, Ngoại trưởng Ấn Độ lần đầu phát biểu quan điểm muốn được là thành viên đầy đủ của tổ chức này và cảm ơn Nga và Trung Quốc khuyến khích Ấn Độ tham gia tích cực các hoạt động của SCO.
Tương lai của BRIC
BRIC có nhiều đặc điểm chung rất đáng chú ý. Đây là những nước có dân số lớn (Trung Quốc: 1,321 tỉ người; Ấn Độ: 1,132 tỉ; Nga: 142 triệu; Bra-xin: 186,112 triệu). Tổng cộng, 4 nước BRIC chiếm tới 40% dân số thế giới, nhiều gấp 3 lần dân số các nước G-8. Các nước trong BRIC có diện tích lãnh thổ rộng, tiềm lực quân sự hùng mạnh. Ba trong bốn quốc gia trong BRIC là các cường quốc hạt nhân. Về mặt kinh tế, BRIC tập hợp các nền kinh tế đang nổi lên có thực lực và tiềm lực phát triển hùng hậu, đang cải cách mạnh mẽ và đều có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao. Về văn hoá, đó là 4 nền văn hoá lâu đời, giàu bản sắc và truyền thống.
Theo đánh giá của Tập đoàn ngân hàng lớn nhất thế giới "Goldman Sachs", nếu không có gì xảy ra ngoài dự tính của họ, sau 50 năm nữa, các nước BRIC sẽ là những nền kinh tế lớn bậc nhất thế giới. Chỉ trong vòng 4 năm kể từ lúc "Goldman Sachs" công bố kết quả nghiên cứu dự báo của họ vào năm 2003, quy mô kinh tế của các nước BRIC cộng lại tính theo GDP đều xấp xỉ các nước trong Nhóm G-6, gồm Anh, Đức, Ý, Mỹ, Nhật Bản, Pháp. Quy mô nền kinh tế của Ấn Độ sẽ vượt Nhật Bản vào năm 2032 và Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào năm 2040. Nếu năm 2003, tổng GDP tính bằng USD của BRIC bằng 15% tổng GDP của G-6, thì đến năm 2040 sẽ ngang bằng và đến năm 2050 sẽ lớn gấp rưỡi. Năm 2050, 6 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ lần lượt là Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Bờ-ra-din và Nga, trong đó có 4 nước thuộc BRIC.
Nếu xét về thu nhập GDP trên đầu người, đến năm 2050, các nước BRIC vẫn ở mức thấp hơn các nước G-6. Tuy nhiên, cùng với tăng trưởng kinh tế, tỷ giá hối đoái thực tế giữa đồng tiền của các nước BRIC so với đồng USD sẽ tăng lên. Vì vậy, trong tương lai, GDP của BRIC khi quy đổi ra USD sẽ lớn hơn đáng kể so với trường hợp giả định tỷ giá hối đoái không thay đổi. Các công trình nghiên cứu dự báo của "Goldman Sachs" cũng lưu ý về sự thay đổi tỷ giá hối đoái này.
Có thể nói, tiếp thu ý tưởng ban đầu của cựu Thủ tướng Pri-ma-cốp, nước Nga đã có sáng kiến tổ chức cuộc gặp Ngoại trưởng các nước RIC lần thứ nhất bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2002, chủ trì một cuộc họp khác của RIC tại Vơ-la-đi-vô-stốc (Vladivostok) thuộc Viễn Đông của Nga, năm 2005 và cuộc gặp cấp cao ba nước RIC bên lề Hội nghị G-8 tại Xanh Pê-tec-bua (St. Petersburg) năm 2006. Tháng 05-2008, lần đầu tiên, BRIC tổ chức cuộc gặp cấp ngoại trưởng cũng trên lãnh thổ Liên bang Nga.
Là một thành viên của G-8 hơn 10 năm qua nhưng nước Nga không có nhiều động lực để tham gia tích cực. Khi Nga giữ chức Chủ tịch G-8 năm 2006, Tổng thống V.Pu-tin đã có sáng kiến khởi động quá trình chuyển đổi từ câu lạc bộ của các nước công nghiệp phát triển và giàu có ở phương Tây thành một diễn đàn rộng rãi hơn, trong đó có những nước chủ chốt khác như các nước là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Vì thế, Bộ trưởng Tài chính, Ngoại giao, Giáo dục và Y tế của 5 nước mở rộng gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Bra-xin, Nam Phi và Mê-hi-cô đã lần đầu tiên tham dự các cuộc họp của G-8. Cựu Tổng thống Nga V.Pu-tin cũng ủng hộ việc mở rộng G-8 thành một cấu trúc mới trong các mối quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, đối thoại giữa G-8 và các nước mở rộng vẫn bị hạn chế. Thí dụ, Nhật Bản, nước chủ nhà Hội nghị cấp cao G-8 năm 2008 tại Hô-kai-đô (Hokkaido) hạn chế cuộc gặp giữa G-8 với các nước mở rộng vẻn vẹn trong một buổi sáng làm việc. Ngoại trưởng Nga La-vơ-rốp cho rằng, Tô-ky-ô đã bác bỏ những nỗ lực của Nga về việc dành cho các nước mở rộng quyền được tham dự nhiều nội dung của Hội nghị. Ông La-vơ-rốp tuyên bố tại cuộc họp của BRIC rằng Mỹ và Nhật phản đối việc mở rộng G-8.
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia chính trị - kinh tế quốc tế, các nước công nghiệp phát triển phương Tây không thể kìm hãm được tốc độ tăng trưởng và sự lan toả ảnh hưởng mạnh mẽ của BRIC. Đối với Nga, việc tham gia các diễn đàn đa phương như RIC, BRIC hay SCO dưới thời cựu Tổng thống V.Pu-tin là hướng ưu tiên trong chính sách đối ngoại, đến nay vẫn được Tổng thống kế nhiệm theo đuổi. Các cuộc họp của RIC, BRIC tại I-a-ca-te-ren-bua là diễn đàn quốc tế quan trọng đầu tiên dưới thời Tổng thống Đ.Mét-vê-đép. Trong chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Đ.Mét-vê-đép tới Ca-dắc-xtăng và Trung Quốc, hai nước đã ký Tuyên bố chung khẳng định cùng hợp tác để tăng cường các mối quan hệ trong BRIC và RIC./.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm cấp Nhà nước Vương quốc Na Uy  (05/06/2008)
Đại hội đồng Liên hợp quốc bầu chủ tịch mới  (05/06/2008)
Đại hội đồng Liên hợp quốc bầu chủ tịch mới  (05/06/2008)
Hơn 1,35 tỉ USD vốn ODA vào miền núi Bắc bộ  (05/06/2008)
Bản chất, động lực thi đua yêu nước trong tư tưởng Hồ Chí Minh  (05/06/2008)
Chủ tịch nước kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Áo  (05/06/2008)
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên