Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hội kiến Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon
Theo đặc phái viên TTXVN, vào lúc 12 giờ ngày 24-9 (giờ địa phương), chuyên cơ đưa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc đã đến sân bay quốc tế John F. Kennedy, thành phố New York, Hoa Kỳ.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
gặp Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon
Đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân tại sân bay có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh; Đại sứ, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc Nguyễn Phương Nga cùng cán bộ đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ.
Ngay sau khi đến New York, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc hội kiến Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon tại trụ sở Liên hợp quốc.
Tại cuộc hội kiến, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ vui mừng gặp lại ông Ban Ki-moon, đánh giá cao việc Tổng Thư ký Liên hợp quốc dành thời gian cho cuộc hội kiến trong bối cảnh Liên hợp quốc đang rất bận rộn cho nghị trình của kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 70 với sự tham gia của lãnh đạo hơn 160 quốc gia.
Chủ tịch nước cho biết chuyến thăm Việt Nam của ông Ban Ki-moon tháng 5 vừa qua đã để lại ấn tượng rất tốt đẹp với nhà nước và nhân dân Việt Nam, từ các đại biểu Quốc hội đến giới trẻ.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đánh giá cao việc Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 70 với rất nhiều sự kiện có ý nghĩa quan trọng. Ông Ban Ki-moon bày tỏ vinh dự được đón Chủ tịch nước cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại trụ sở Liên hợp quốc, một lần nữa nhắc lại lời cảm ơn chân thành đối với sự đón tiếp trọng thị và tình cảm mà lãnh đạo và nhân dân Việt Nam đã dành cho ông trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 5 vừa qua.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí cho rằng Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc thông qua Chương trình nghị sự sau 2015 diễn ra vào ngày 25-9 (giờ New York) có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của tất cả các nước và Liên hợp quốc trong 15 năm tới.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định từ kinh nghiệm thực hiện thành công nhiều Mục tiêu Thiên niên kỷ, Việt Nam quyết tâm đưa quan điểm phát triển bền vững trở thành định hướng thường xuyên, lâu dài.
Việt Nam đã, đang và sẽ lồng ghép các Mục tiêu Phát triển bền vững vào các chiến lược và chương trình quốc gia, trong đó con người luôn được đặt ở vị trí trung tâm.
Bên cạnh đó, do Việt Nam mới trở thành nước có thu nhập trung bình nên còn nhiều khó khăn, Chủ tịch nước đề nghị Tổng Thư ký và Liên hợp quốc hỗ trợ Việt Nam thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030.
Với chủ trương là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam cam kết đóng góp vào nỗ lực chung của nhân loại trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như sẽ có thêm các đóng góp cụ thể trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Ông Ban Ki-moon đánh giá cao sự tham gia tích cực của Việt Nam trong tiến trình xây dựng văn kiện và nghị trình của Hội nghị thượng đỉnh thông qua Chương trình nghị sự sau 2015. Ông tin tưởng rằng là một trong 8 nước thực hiện rất tốt sáng kiến “Một Liên hợp quốc” và cũng là nước thực hiện tốt các mục tiêu Thiên niên kỷ, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững giai đoạn từ nay đến 2030.
Nhân dịp này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng bày tỏ cảm ơn và đánh giá cao sự hỗ trợ tích cực của Việt Nam trong việc thúc đẩy quan hệ giữa ASEAN và Liên hợp quốc.
Liên quan đến các vấn đề khu vực mà hai bên cùng quan tâm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao quan điểm, nhận xét tích cực, khách quan của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon về vấn đề Biển Đông.
Chủ tịch nước đề nghị Tổng Thư ký Liên hợp quốc tiếp tục có tiếng nói ủng hộ và thúc đẩy việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), thúc đẩy sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon khẳng định tranh chấp ở Biển Đông cần phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và DOC, tiến tới COC.
Dự kiến, trong chương trình dự Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc từ ngày 25 đến 28-9, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ dự phiên khai mạc, phát biểu tại phiên toàn thể; gặp gỡ nguyên thủ các nước; dự đối thoại doanh nghiệp Việt - Mỹ về tác động của Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) đối với Việt Nam và quan hệ thương mại Việt Nam - Hòa Kỳ; gặp gỡ thân mật bà con Việt kiều, lưu học sinh, sinh viên, cán bộ phái đoàn và bạn bè Hoa Kỳ.
Sau khi tham dự cuộc hội kiến giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã chứng kiến Lễ ký “Thông cáo chung về thiết lập quan hệ ngoại giao giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Comoros" tại Trụ sở Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc ở New York.
Thay mặt Chính phủ Việt Nam là Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực nước CHXHCN Việt Nam tại Liên hợp quốc, và thay mặt Chính phủ Comoros là Đại sứ Mohamed Soilihi Soilih, Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Liên bang Comoros tại Liên hợp quốc.
Hai bên nhất trí trao đổi đại diện ngoại giao ở cấp Đại sứ và áp dụng Công ước Vienna 1961 về quan hệ ngoại giao trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Liên bang Comoros là quốc đảo ở phía Đông châu Phi, trên Ấn Độ Dương, với diện tích hơn 2.000 km2 và dân số gần 800.000 người.
Việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Comoros đã nâng số quốc gia mà Việt Nam có quan hệ chính thức lên 186 nước, tiếp tục thể hiện đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa của Đảng và Nhà nước ta./.
Bình Thuận: Vượt qua thách thức và chủ động đột phá để phát triển trước yêu cầu mới  (25/09/2015)
Bình Thuận: Vượt qua thách thức và chủ động đột phá để phát triển trước yêu cầu mới  (25/09/2015)
Việt-Nga đàm phán để sớm ký hiệp định thăm dò, khai thác dầu khí  (25/09/2015)
Tăng cường nội lực, phát huy ngoại lực hướng tới Cộng đồng Kinh tế ASEAN  (25/09/2015)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên