Tăng cường nội lực, phát huy ngoại lực hướng tới Cộng đồng Kinh tế ASEAN

Nguyễn Thu Phương Tạp chí Cộng sản
21:35, ngày 25-09-2015

TCCSĐT - Ngày 31-12-2015, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ hoàn tất những bước đi cuối cùng thành lập Cộng đồng ASEAN, trong đó Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) là một trong những trụ cột đầu tiên. Do vậy, ngoài việc tăng cường nỗ lực của các nền kinh tế thành viên, ASEAN tích cực thúc đẩy liên kết kinh tế với các nước đối tác nhằm hiện thực hóa và khẳng định vai trò của AEC.

Tối đa nội lực

Được kỳ vọng là sẽ thúc đẩy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của ASEAN tăng lên 4.700 tỷ USD vào năm 2020 so với 2.700 tỷ USD hiện nay(1), AEC đã và đang là mục tiêu hợp tác kinh tế cốt lõi của ASEAN, đóng vai trò xương sống trong nỗ lực liên kết ASEAN, kết nối 10 nền kinh tế thành viên thành một thị trường chung, một không gian sản xuất thống nhất. Với hơn 630 triệu người tiêu dùng, GDP đứng thứ 7 và nắm giữ lực lượng lao động lớn thứ 3 trên thế giới, ASEAN hiện nay đang là một tổ chức hợp tác toàn diện, một thực thể chính trị - kinh tế năng động, ngày càng củng cố vị trí như một trung tâm tăng trưởng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việc hình thành AEC đánh dấu mốc mới trong hành trình ASEAN, một giai đoạn quan trọng của ASEAN trong lộ trình hội nhập kinh tế khu vực.

Mặc dù hiện nay ASEAN phải đối mặt với không ít thách thức trong bối cảnh tình hình chính trị và kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp, song các nước ASEAN vẫn thể hiện quyết tâm mạnh mẽ tăng cường nội lực kinh tế quốc gia. Năm 2014, các nền kinh tế ASEAN vẫn giữ được đà tăng trưởng với mức tăng GDP thực tế 4,6%, đạt 2,57 nghìn tỷ USD, đưa thu nhập bình quân đầu người từ 3.908 USD năm 2013 lên 4.130 USD năm 2014. Khu vực dịch vụ tiếp tục là nhân tố đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế, chiếm 50,1% tổng mức GDP năm 2014. Đáng chú ý, nhóm các nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam) có tốc độ tăng trưởng GDP trung bình 6,6% trong năm 2014, cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với mức trung bình năm 2013. Như vậy, ASEAN là một trong những khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới, đóng góp GDP của ASEAN vào GDP toàn cầu là 3,3% năm 2014 so với mức 3,18% trước đó(2).

AEC được hình thành sẽ mang đến tương lai cho một khu vực kinh tế ổn định, thịnh vượng và cạnh tranh cao, nơi có sự dịch chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, di chuyển tự do hơn của các luồng vốn, phát triển kinh tế đồng đều và giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách chênh lệch về kinh tế - xã hội giữa các nước thành viên. Dự báo, ASEAN sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ bảy trên thế giới sau năm 2015 với GDP đạt khoảng 2.500 tỷ USD, và là nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới vào năm 2050(3).

Để tiến tới AEC, các nước thành viên trong những năm qua đã có nhiều nỗ lực. Đến nay, 90% trong tổng số 506 biện pháp của AEC đã được thực hiện kể từ khi Kế hoạch tổng thể AEC được chính thức hóa vào năm 2008. Cụ thể, trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, ASEAN thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại trong khu vực; theo đó, triển khai dự án thí điểm tự chứng nhận xuất xứ, xây dựng Cơ chế một cửa ASEAN, xây dựng cơ sở dữ liệu thương mại ASEAN (ATR) nhằm cung cấp đầy đủ thông tin cho doanh nghiệp. Trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, các nước ASEAN đã hoàn thành Gói cam kết dịch vụ thứ 9 thuộc Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS). Trong lĩnh vực đầu tư, việc triển khai Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA) với nhiều sáng kiến cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường công tác rà soát, minh bạch hóa khuôn khổ pháp lý về đầu tư trong ASEAN; tiến triển trong các lĩnh vực sở hữu trí tuệ, chính sách cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đối thoại công - tư.

Với quyết tâm cao, ASEAN đã đề ra nguyên tắc Lộ trình tổng thể xây dựng AEC từ năm 2016 đến năm 2025 nhằm xây dựng ASEAN trở thành một nền kinh tế thống nhất và có tính liên kết cao, bảo đảm sự phát triển năng động, sáng tạo và toàn diện, tích cực hội nhập kinh tế toàn cầu. Đây là một lộ trình hội nhập kinh tế ở mức cao trên cơ sở các kết quả hội nhập đạt được của ASEAN vào cuối năm 2015. Theo đó, ASEAN sẽ tiếp tục rà soát hướng tới xóa bỏ các rào cản còn lại đối với sự luân chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, lao động có tay nghề trong khu vực, tăng cường tạo thuận lợi cho di chuyển vốn và đầu tư để các nước ASEAN có thêm nhiều cơ hội trong việc tiếp cận đầu vào sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ. Nội dung thu hẹp khoảng cách phát triển và hỗ trợ lẫn nhau giữa các nước ASEAN trong việc xây dựng các chuỗi cung ứng và nâng cao khả năng cạnh tranh cũng là một trọng tâm trong lộ trình.

Tăng cường ngoại lực

Trong nội dung xây dựng AEC, ASEAN không chỉ chú trọng các biện pháp liên kết kinh tế nội khối mà còn tập trung vào nhóm các biện pháp thúc đẩy hội nhập kinh tế toàn cầu của ASEAN. Trong những năm gần đây, ASEAN đẩy mạnh việc nâng cấp và rà soát các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước đối tác; đồng thời, thúc đẩy đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Ngay từ Tầm nhìn 2020 được đưa ra vào năm 1997, ASEAN đã khẳng định sự liên kết mạnh mẽ hơn trong khối và trở thành cộng đồng mở nhằm hội nhập sâu rộng hơn trong khu vực và có thể đóng vai trò trục quay cho liên kết Đông Á và Thái Bình Dương. Trong số các nước đối tác, ASEAN đặc biệt quan tâm tới sự hợp tác với các nước Đông Á, những nền kinh tế lớn có ảnh hưởng địa - chính trị trong khu vực. Đặc biệt, chủ trương thành lập FTA với các nước Đông Á được các nước ASEAN ủng hộ và tích cực xúc tiến. Từ hình thức hợp tác ASEAN+1 với các nước trong khu vực châu Á, ASEAN tiến tới mô hình ASEAN+3 (Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc). Tuyên bố chung Hội nghị cấp cao ASEAN+3 (năm 1999), Sáng kiến Chiềng Mai của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính 10+3, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN+3 (năm 2000) đã đưa đến sự hợp tác triển vọng giữa ASEAN với các nước Đông Á, tăng cường hợp tác liên kết và hình thành các FTA.

Với Trung Quốc, hiện nay, ASEAN đang thúc đẩy việc hoàn tất các thủ tục pháp lý để ký kết văn kiện bổ sung nội dung thủ tục hải quan và thuận lợi hóa thương mại vào Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA). Trung Quốc và ASEAN đã hoàn thành chương về Thủ tục hải quan và hỗ trợ thương mại (CPTF) trong ACFTA. CPTF giúp đơn giản hóa và hài hòa các thủ tục hải quan, giải phóng hàng hóa nhanh chóng hơn, minh bạch và ổn định trong việc xin thủ tục hải quan giữa ASEAN và Trung Quốc. Về việc nâng cấp ACFTA, hai bên nỗ lực cải thiện tiếp cận thị trường đối với hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, đặc biệt là việc xem xét cải thiện thuế quan đối với danh sách 307 sản phẩm của ASEAN. Hiện nay, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN. Trong những năm qua, kim ngạch thương mại song phương tăng gấp ba lần, từ 113,3 tỷ USD năm 2005 lên 366,5 tỷ USD năm 2014(4). Đây chính là những thuận lợi mà qua đó, ASEAN tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) thâm nhập thị trường Trung Quốc, đồng thời tăng số lượng sản phẩm xuất khẩu.

Tăng cường mở rộng hợp tác khu vực là một trong những nội dung chủ yếu của chiến lược đối ngoại nói chung, kinh tế đối ngoại nói riêng của Nhật Bản. Chủ trương mở rộng hợp tác với các nước khu vực, đặc biệt là với ASEAN đã được Nhật Bản coi trọng từ lâu. Nhật Bản coi Đông Nam Á là khu vực chiến lược quan trọng cần được mở rộng các quan hệ một cách toàn diện cả về kinh tế, chính trị và an ninh. Đối với đối tác Đông Á không kém phần quan trọng này, ASEAN đặt mục tiêu hoàn tất văn kiện bổ sung nội dung thương mại dịch vụ, đầu tư và di chuyển thể nhân vào Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) vào cuối năm 2015. Việc thực hiện Lộ trình 2015 về hợp tác kinh tế chiến lược 10 năm ASEAN - Nhật Bản, đặc biệt trong việc thúc đẩy sự phát triển của SMEs, các ngành công nghiệp mới, hợp tác công nghệ và tiến hành các nghiên cứu nhằm giảm các hàng rào phi thuế quan trong thương mại giữa ASEAN và Nhật Bản đã được tích cực thực hiện. Đồng thời với đó là Kế hoạch hành động sau năm 2015, ASEAN mong muốn Nhật Bản hỗ trợ trong lĩnh vực phát triển các kỹ năng nghề, đặc biệt là cung cấp các khóa đào tạo tại chỗ và giúp phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ để thúc đẩy sự hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ngược lại, ASEAN cam kết tiếp tục thúc đẩy việc hài hòa hóa các thủ tục và quy định ở 10 nước thành viên để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản đến đầu tư và kinh doanh. Nhật Bản hiện là nhà đầu tư quan trọng của ASEAN, chiếm 15% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ASEAN. Năm 2014, đầu tư Nhật Bản vào ASEAN đạt hơn 20 tỷ USD (5).

Với Hàn Quốc, các nước ASEAN thúc đẩy hình thức luân phiên Nghị định thư thứ 3 sửa đổi Hiệp định Thương mại hàng hóa tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA) để bổ sung các nội dung thủ tục hải quan và thuận lợi hóa thương mại. AKFTA sẽ đơn giản hóa một số lĩnh vực, như cung cấp một chương trình giảm thuế toàn diện với các hạng mục thuế quan ưu đãi; cho phép chứng nhận nguồn gốc sử dụng con dấu và chữ ký điện tử; thúc đẩy việc xuất bản sớm những luật lệ và quy định mới liên quan tới AKFTA... Ngoài ra, hai bên xúc tiến việc cải thiện tiếp cận thị trường đối với những hàng hóa đặt trong danh mục hàng hóa nhạy cảm theo AKFTA, đồng thời tiếp tục giảm hoặc xóa bỏ các loại thuế từ 1% đến 2% của các sản phẩm nằm trong AKFTA với xấp xỉ 200 loại thuế. Từ năm 2009, việc thực hiện hơn 50 dự án hợp tác trong lĩnh vực kinh tế song phương đã giúp tăng năng lực của các nước ASEAN trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, đầu tư, đóng tàu, thủ tục hải quan, năng lượng, nông nghiệp, du lịch, môi trường. Bên cạnh đó, các ngân hàng của Hàn Quốc đi tiên phong và không ngừng mở rộng việc hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp sở tại ở các nước ASEAN. Với những kinh nghiệm đóng góp cho sự phát triển của kinh tế Hàn Quốc, các ngân hàng nước này đóng một vai trò tích cực cho sự phát triển kinh tế của các nước ASEAN.

Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ (AITIG) là FTA thứ năm của ASEAN và các nước đối tác, hoàn tất chuỗi các FTA ASEAN+1 giữa ASEAN và các nước trong khu vực Đông Á. Với Ấn Độ, việc thực hiện Hiệp định thương mại, dịch vụ và đầu tư ASEAN - Ấn Độ với Brunei, Malaysia, Myanmar, Singapore, Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ đã được đẩy mạnh; đồng thời thúc đẩy ký kết hiệp định này với các nước còn lại trong ASEAN. Ngoài ra, hai bên tạo thuận lợi và củng cố Hội đồng Kinh doanh ASEAN - Ấn Độ (AIBC).

Kể từ khi thực hiện Hiệp định thành lập Khu vực Thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA), vốn có hiệu lực từ tháng 01-2010, kim ngạch thương mại giữa ASEAN - Australia - New Zealand đã tăng từ 75,7 tỷ USD năm 2012 lên 82 tỷ USD năm 2014. AANZFTA góp phần củng cố quan hệ đối tác kinh tế chặt chẽ hơn giữa ASEAN với Australia - New Zealand (CER). Trong bối cảnh hiện nay, các bên đẩy nhanh phê chuẩn Nghị định thư thứ nhất về sửa đổi AANZFTA, tạo điều kiện cải thiện và đơn giản hóa thủ tục giảm thuế theo AANZFTA. Australia và New Zealand hỗ trợ mạnh mẽ ASEAN theo Chương trình Hỗ trợ hợp tác kinh tế AANZFTA (AECSP), theo đó, nhiều chương trình xây dựng năng lực đã được thực hiện.

Mở rộng hợp tác

Đối với các đối tác quan trọng là Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nga, ASEAN tích cực hướng tới các nội dung hợp tác có ý nghĩa vì lợi ích chung.

Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 47 (AEM 47) diễn ra vào cuối tháng 8-2015 tại Kuala Lumpur (Malaysia), các bộ trưởng kinh tế ASEAN đã có những buổi tham vấn với các nước đối tác đối thoại, như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Ấn Độ, Mỹ, Nga, Canada và EU nhằm tăng cường hợp tác kinh tế song phương, củng cố thêm cơ sở vững chắc cho sự ra đời của AEC từ việc tận dụng trao đổi lợi ích với bên ngoài, phát huy lợi thế chung của khu vực, từng bước xây dựng một nền kinh tế khu vực năng động, hội nhập cao với nền kinh tế toàn cầu. 
EU là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất của ASEAN, chiếm 21,3% trong tổng số 29,1 tỷ USD vốn FDI vào ASEAN năm 2014. EU cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai của ASEAN (sau Trung Quốc), với kim ngạch lên tới 248,2 tỷ USD, chiếm 10% tổng kim ngạch thương mại của ASEAN(6). Với EU, ASEAN là điểm đến hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp châu Âu, bởi khu vực mang lại nhiều hứa hẹn như tăng trưởng GDP dự báo sẽ tiếp tục tăng ở mức trên 5% trong vòng 5 năm tới. Bên cạnh đó, việc chính thức hình thành AEC năm 2015 báo hiệu nỗ lực của khu vực phấn đấu đóng vai trò chủ chốt trong nền kinh tế toàn cầu. ASEAN và EU đã thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư, hội nhập tài chính, kết cấu hạ tầng, tiếp cận thị trường, ngành công nghiệp ôtô, ngành thực phẩm nông nghiệp; những vấn đề quan trọng có tác động đến hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai khu vực, trong đó có hội nhập khu vực, kết nối SMEs trong chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực, và vấn đề xóa bỏ rào cản thương mại... ASEAN xúc tiến các dự án xây dựng năng lực hội nhập cho ASEAN trên cơ sở kinh nghiệm của EU.

Với Mỹ, ASEAN đẩy mạnh việc đối thoại về minh bạch hóa, bảo vệ môi trường và bảo đảm thương mại bền vững. Thương mại và đầu tư giữa ASEAN và Mỹ tăng trưởng mạnh. Mỹ là nhà đầu tư lớn thứ ba và là đối tác thương mại lớn thứ tư của ASEAN. Đầu tư của Mỹ vào ASEAN đạt 54 tỷ USD trong giai đoạn 2010 - 2014, trong khi thương mại hai chiều ASEAN - Mỹ đạt 212,4 tỷ USD, chiếm 8,4% thương mại toàn cầu của ASEAN trong năm 2014 (7). Nhiều công ty Mỹ đã thiết lập hoạt động trong khu vực và coi sự hình thành thị trường chung theo AEC là cơ hội lớn khi ASEAN bảo đảm dòng chảy thông suốt của hàng hóa và dịch vụ, cũng như sự lưu chuyển vốn, công nhân lành nghề và chuyên gia trong khu vực. Hội đồng Kinh doanh US - ASEAN (USABC) cũng góp phần tích cực kêu gọi các nước ASEAN đẩy nhanh hội nhập nhằm không chỉ thu hút nhiều hơn các tập đoàn lớn đến làm ăn mà còn thúc đẩy sự phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khu vực. Mỹ hỗ trợ ASEAN thông qua dự án của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) về “Kết nối ASEAN qua thương mại và đầu tư”, đặc biệt trong cơ chế “Một cửa ASEAN”, các lĩnh vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, thuận lợi hóa thương mại,... ASEAN và Mỹ tích cực triển khai các hoạt động theo Thỏa thuận khung về thương mại và đầu tư song phương (TIFA) và Kế hoạch công tác năm 2015 về Sáng kiến gắn kết kinh tế mở rộng (E3), tiếp tục về nguyên tắc chung về thương mại quốc tế và các nguyên tắc thương mại về công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), các nguyên tắc về tính minh bạch nhằm tăng cường mối quan hệ đầu tư và tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho cả hai bên.

Hợp tác thương mại, đầu tư giữa ASEAN - Canada được thúc đẩy với việc thực hiện Kế hoạch hành động năm 2014 - 2015 trong Tuyên bố chung ASEAN - Canada về thương mại và đầu tư (JDTI). Năm 2014, trao đổi thương mại giữa Canada và ASEAN đạt 13,2 tỷ USD, tăng 10,9% so với năm 2013. Canada là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ 7 vào ASEAN với số vốn đầu tư đạt 1,3 tỷ USD (8). ASEAN và Canada đặt mục tiêu tăng gấp đôi kim ngạch thương mại song phương trong vòng 5 năm tới, từ mức 19 tỷ CAD (tương đương 13,2 tỷ USD) hiện nay lên gần 40 tỷ CAD ( khoảng 30 tỷ USD) vào năm 2020. Kế hoạch hành động thực hiện JDTI trong 5 năm từ 2016 - 2020 được hai bên chú trọng nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế, nhất là trong phát triển SMEs ở khu vực, chia sẻ thông tin giữa mạng lưới Trách nhiệm xã hội (CSR) của Canada với các chuyên gia CSR của ASEAN, chia sẻ thông tin giữa các phái đoàn thương mại và đầu tư trong các lĩnh vực năng lượng, hàng không, nông nghiệp, dầu khí, công nghệ thông tin, hạ tầng cơ sở và công nghệ sạch.

Với Nga là các dự án hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực mà hai bên có lợi thế như dầu khí, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp và xây dựng mạng lưới thương mại ngày càng mở rộng. Nga là đối tác thương mại lớn thứ tám của ASEAN trong năm 2014 với tổng kim ngạch thương mại đạt 22,5 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2013, trong đó giá trị xuất khẩu từ ASEAN sang Nga đạt 5,4 tỷ USD, tăng 3,3% (9). Để tăng cường và làm sâu sắc thêm mối quan hệ kinh tế, hai bên thông qua Chương trình công tác hợp tác thương mại và đầu tư ASEAN - Nga sau năm 2015.

 *
*     *

Sau 48 năm hình thành và phát triển, ASEAN đang xây dựng Tầm nhìn sau năm 2015 và cam kết kiến tạo một Cộng đồng ASEAN hướng tới người dân - nơi mà mọi người có thể hưởng thụ các lợi ích từ một Cộng đồng hội nhập và kết nối hơn dựa trên sự hợp tác tăng cường với một nền tảng kinh tế vững mạnh. Các nền kinh tế ASEAN quyết tâm duy trì và đạt mức tăng trưởng ổn định, tạo khối liên kết thống nhất. Bên cạnh đó, mở rộng hợp tác sâu, rộng với các đối tác nhằm phát huy ngoại lực. Đây chính là những yếu tố quan trọng đưa đến thành công cho Hiệp hội, khẳng định vai trò của ASEAN ngày càng lớn mạnh trong khu vực và trên thế giới./.

-----------------------------------------------

(1) Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN 47 sẽ chính thức hóa AEC, http://www.vietnamplus.vn/hoi-nghi-bo-truong-kinh-te-asean-47-se-chinh-thuc-hoa-aec/337718.vnp, ngày 23-8-2015

(2) ASEAN tiếp tục tăng trưởng bất chấp kinh tế toàn cầu biến động, http://www.nhandan.com.vn/mobile/_mobile_thegioi/_mobile_asean/item/27203202.html, ngày 19-8-2015

(3) Xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN: Tấm gương cũ, diện mạo mới, http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/trao-doi---binh-luan/xay-dung-cong-dong-kinh-te-asean-tam-guong-cu-dien-mao-moi-67764.html, ngày 12-8-2015

(4) Tăng cường liên kết kinh tế giữa ASEAN với các đối tác đối thoại, http://baodongkhoi.com.vn/?act=detail&id=44369, ngày 24-8-2015

(5) Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đối thoại và tham vấn với các đối tác, http://vtv.vn/tin-tuc/bo-truong-kinh-te-asean-doi-thoai-va-tham-van-voi-cac-doi-tac-2015082315035742.htm, ngày 23-8-2015

(6) Hội nghị cấp cao Kinh doanh ASEAN-EU lần thứ 4 tại Malaysia, http://www.vietnamplus.vn/hoi-nghi-cap-cao-kinh-doanh-aseaneu-lan-thu-4-tai-malaysia/339771.vnp, ngày 23-8-2015

(7) Thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư giữa ASEAN-Mỹ, http://www.vietnamplus.vn/thuc-day-hop-tac-thuong-mai-va-dau-tu-giua-aseanmy/340001.vnp, ngày 24-8-2015

(8) ASEAN-Canada mục tiêu tăng gấp đôi kim ngạch thương mại song phương, http://www.vietnamplus.vn/aseancanada-muc-tieu-tang-gap-doi-kim-ngach-thuong-mai-song-phuong/340179.vnp, ngày 25-8-2015

(9) ASEAN-Canada đặt mục tiêu tăng kim ngạch thương mại song phương, http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/Preview/PrintPreview.aspx?co_id=30127&cn_id=730611, ngày 25-8-2015