Ngày 23-9, tại thành phố Thái Bình, Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ 19, nhiệm kỳ 2015-2020 đã khai mạc với sự tham dự của 350 đại biểu, đại diện cho gần các đảng viên trực thuộc 13 Đảng bộ huyện, thành phố và tương đương.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội; Đồng chí Trần Quốc Vượng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cùng nhiều lãnh đạo bộ, ban, ngành Trung ương dự Đại hội.

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân biểu dương những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Thái Bình đạt được trong 5 năm 2010-2015, đặc biệt là phong trào xây dựng nông thôn mới.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ những thách thức, hạn chế mà Đảng bộ tỉnh Thái Bình cần quan tâm khắc phục trong thời gian tới. Đó là, kinh tế của tỉnh phát triển chưa bền vững, còn 7/27 chỉ tiêu chưa đạt theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 18 đề ra, chất lượng tăng trưởng chưa ổn định, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển. Hệ thống kết cấu hạ tầng còn thiếu tính đồng bộ, một số dự án còn chậm triển khai.

Thái Bình chưa có giải pháp quyết liệt trong việc thực hiện ba đột phá chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 theo Đại hội 11 của Đảng đề ra; thực hiện tái cơ cấu kinh tế địa phương chưa có bước đột phá.

Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào nông nghiệp còn hạn chế, chưa phát huy được hiệu quả từ tiềm năng kinh tế biển, chưa có giải pháp cụ thể trong ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ rõ thời gian tới, tỉnh Thái Bình cần tập trung xây dựng những nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ với quyết tâm cao trong tổ chức thực hiện để tạo ra bước đột phá phát triển. Tỉnh cần chú trọng tạo liên kết vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng, hợp tác với các tỉnh trong vùng phát triển tiềm năng về kinh tế biển, du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, xuất khẩu tạo thuận lợi đưa Thái Bình phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới.

Nhiệm kỳ 2015-2020, tỉnh Thái Bình cần tập trung rà soát, bám sát các nội dung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 để xác định các nguồn lực đảm bảo cho phát triển kinh tế-xã hội, xác định các đột phá và các ngành mũi nhọn để ưu tiên phát triển.

Tỉnh cần triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với thực hiện đồng bộ nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất…; phát triển làng nghề truyền thống, phát triển nghề và làng nghề mới có giá trị, tạo việc làm cho nhiều lao động.

Thái Bình cần tiếp tục kêu gọi đầu tư, hợp tác với các doanh nghiệp có kinh nghiệm, các tập đoàn lớn trong và ngoài nước để phát triển sản xuất công nghiệp, trong đó chú trọng kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào Khu kinh tế ven biển Thái Bình. Tỉnh Thái Bình phát huy mọi lợi thế, thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đề ra, phấn đấu có ít nhất 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020.

Báo cáo chính trị do Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Phạm Văn Sinh trình bày nêu rõ nhiệm kỳ 2015-2020, tỉnh Thái Bình tiếp tục tăng cường đoàn kết thống nhất, xây dựng Đảng bộ, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đảng bộ và nhân dân Thái Bình phát huy sức mạnh đoàn kết, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, giữ vững ổn định chính trị-xã hội; huy động mọi nguồn lực phát triển kinh tế nhanh, bền vững, đẩy mạnh phát triển văn hóa-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, tạo nền tảng xây dựng tỉnh Thái Bình sớm có nền nông nghiệp, công nghiệp theo hướng hiện đại.

Thái Bình phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 8,6%/năm trở lên, huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 5 năm (2016-2020) đạt 166.500 tỷ đồng; có trên 75% số xã đạt 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, các xã còn lại đạt 15 tiêu chí trở lên.

Nhiệm kỳ tới, tỉnh Thái Bình xác định 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; tái cơ cấu nền kinh tế và các ngành, lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; củng cố, xây dựng quốc phòng an ninh vững mạnh; phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Tỉnh Thái Bình cũng xác định ba đột phá chiến lược tăng trưởng kinh tế gồm tập trung cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối giữa các trục giao thông đầu mối trong tỉnh và kết nối với các trung tâm kinh tế vùng của quốc gia, xây dựng khu vực ven biển thành trọng điểm phát triển kinh tế; phát triển nguồn nhân lực nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế.

Đại hội diễn ra đến ngày 25-9./.