Một số bài học và sự phối hợp hoạt động của các đảng cộng sản, công nhân quốc tế
TCCS - Những ngày cuối tháng 5-2015, Hội nghị quốc tế các đảng cộng sản, công nhân do Đảng Cộng sản Séc - Mô-ra-va đăng cai, đã diễn ra tại Thủ đô Pra-ha (Cộng hòa Séc). Trong bối cảnh châu Âu đang trải qua những thay đổi sâu sắc trong quá trình phục hồi kinh tế hậu khủng hoảng và đối mặt với nhiều diễn biến quốc tế mới phát sinh, các chủ đề của hội thảo tập trung bàn về phương hướng phối hợp hành động của các đảng cộng sản, công nhân; xây dựng mặt trận chống phát-xít, cũng như về hình thức và kinh nghiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời gian tới.
Tập hợp lực lượng, duy trì bản sắc, gia tăng ảnh hưởng
Sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu vào đầu những năm 90 của thế kỷ XX không chỉ tác động tiêu cực đến sự cân bằng lực lượng quốc tế mà còn để lại nhiều hệ lụy lâu dài đối với nền tảng tư tưởng của phong trào cộng sản, công nhân quốc tế, đặc biệt tại các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu. Sau sự kiện đó, các nước Đông Âu đều nhanh chóng thay đổi chế độ chính trị, mô hình phát triển, từng bước hội nhập với châu Âu ở các mức độ khác nhau. Chủ nghĩa tự do mới dần chiếm ưu thế, được chính phủ các nước Tây Âu thực thi rộng rãi. Cùng với sự nổi lên của cánh hữu, chủ nghĩa dân tộc và tư tưởng bài ngoại, chống cộng cũng nổi lên tại nhiều nước. Trong bối cảnh đó, các đảng cộng sản, công nhân ở các nước Tây Âu đều lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng về đường lối và tư tưởng; số lượng đảng viên rời bỏ đảng gia tăng, nội bộ các đảng lúng túng trong xác định đường lối và chương trình hành động, cơ sở xã hội của các đảng bị thu hẹp; khá nhiều đảng bị phân liệt, tách ra thành nhiều đảng nhỏ, trong đó một bộ phận ngả theo xu hướng xã hội dân chủ, xa rời mục tiêu và các nguyên tắc của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, phai nhạt bản sắc, thậm chí phải đổi tên đảng.
Trước những thách thức to lớn đó, cùng với việc đánh giá khách quan nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của các mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực tại Liên Xô và các nước Đông Âu, những hạn chế và tác động bất lợi của mô hình kinh tế tự do mới, cũng như của các cuộc khủng hoảng liên tiếp của chủ nghĩa tư bản trong hơn hai thập niên qua, nhiều đảng cộng sản, công nhân tại các nước Tây Âu tiếp tục kiên trì các nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, vững tin vào lý tưởng và mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội, từng bước điều chỉnh cương lĩnh, chính sách và sách lược của đảng, tăng cường liên kết với các lực lượng tiến bộ trong xã hội để tồn tại, duy trì bản sắc, gia tăng ảnh hưởng và khẳng định vị thế của mình trong đời sống xã hội. Nhiều hình thức liên kết, tập hợp lực lượng được thử nghiệm và vận dụng phù hợp với thực tế từng nước, đồng thời với việc mở rộng các hình thức hợp tác và phối hợp hành động với các đảng cộng sản, công nhân quốc tế trong phạm vi khu vực và trên thế giới. Cũng trong bối cảnh đó, những thành tựu to lớn trong cải cách mở cửa ở Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc gần 4 thập niên, trong đổi mới ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong gần 3 thập niên qua và những phát triển mới tại Cu-ba thời gian gần đây được các đảng cộng sản, công nhân quốc tế đánh giá rất cao, coi đó là các mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực sáng tạo, mang lại nhiều kinh nghiệm và bài học quý có thể tham khảo.
Từ hơn một thập niên trở lại đây, các hội nghị, hội thảo, hội nghị chuyên đề, các diễn đàn của các đảng cộng sản, công nhân, cánh tả quốc tế được một số đảng định kỳ tổ chức tại nhiều khu vực trên thế giới, trong đó đáng chú ý và thu hút được sự tham gia đông đảo là các cuộc gặp các đảng cộng sản, công nhân quốc tế do Đảng Cộng sản Hy Lạp và Đảng Lao động Bỉ đăng cai thường niên; Diễn đàn Xao Pao-lô do các đảng cộng sản, công nhân và cánh tả Mỹ La-tinh luân phiên tổ chức; Diễn đàn các đảng và một xã hội mới do Đảng Lao động Mê-hi-cô tổ chức… Việc tổ chức các hội nghị, hội thảo và diễn đàn quốc tế là hình thức phổ biến được một số đảng sử dụng để chia sẻ đánh giá về tình hình, trao đổi kinh nghiệm, phối hợp hành động trong bối cảnh thế giới có những thay đổi nhanh chóng, phức tạp, đồng thời là một trong các hình thức tập hợp lực lượng trong phong trào cộng sản, công nhân quốc tế hiện nay.
Đảng Cộng sản Séc - Mô-ra-va (KSCM) là chính đảng đối lập có ảnh hưởng quan trọng trên chính trường Séc(1) và trong phong trào cộng sản, cánh tả châu Âu(2). Mặc dù trải qua nhiều biến động chính trị và sự chống đối mạnh mẽ của các lực lượng chống cộng tại Séc, KSCM là một trong số các chính đảng có nguồn gốc từ đảng cộng sản cầm quyền trong thời kỳ còn hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu vẫn giữ nguyên tên gọi cộng sản, kiên trì chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tiếp tục khẳng định vị thế trong đời sống xã hội Séc và châu Âu. Trong bối cảnh tình hình châu Âu hiện nay, việc KSCM đăng cai hội thảo quốc tế với sự tham gia của hơn 100 đại biểu đại diện cho hơn 20 chính đảng quốc tế và nhiều tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức cơ sở của Đảng để bàn về các chủ đề có ý nghĩa thời sự và những thách thức đang đặt ra tại châu Âu là một hoạt động thiết thực, góp phần nâng cao vị thế và ảnh hưởng của Đảng trong dư luận Séc, củng cố nội bộ Đảng, qua đó tăng cường đoàn kết, phối hợp giữa các đảng tham dự và phong trào cộng sản, công nhân quốc tế nói chung.
Hướng tới tiến trình chuyển đổi
Tại Hội nghị quốc tế các đảng cộng sản, công nhân, các đại biểu đã thảo luận nhiều vấn đề lớn về bối cảnh thế giới, về chủ nghĩa tư bản và sự nổi lên của các thế lực cánh hữu, dân tộc cực đoan, về việc củng cố lực lượng của các đảng cộng sản và công nhân, về tương lai của chủ nghĩa xã hội,...
Một là, phương hướng và phối hợp hành động của các đảng cộng sản, công nhân và lực lượng cánh tả ở châu Âu. Đa số các ý kiến đều nhất trí nhận định, sau sự sụp đổ của Liên Xô, chủ nghĩa tư bản đang tổng tấn công toàn diện, thực thi bá quyền thế giới; cuộc khủng hoảng cơ cấu của chủ nghĩa tư bản nổ ra từ năm 2008 đã có tác động sâu sắc, lâu dài đến mọi mặt đời sống xã hội quốc tế, nhất là đối với các nước châu Âu và Mỹ La-tinh; tập hợp lực lượng quốc tế tiếp tục có sự điều chỉnh trong bối cảnh vai trò của Mỹ suy giảm tương đối, Nhóm các nền kinh tế lớn mới nổi - BRICS (gồm Bra-xin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi), nhất là Trung Quốc, đóng vai trò ngày càng quan trọng trên chính trường quốc tế; sức chiến đấu và cuộc đấu tranh của công nhân và nhân dân lao động, mặc dù chưa tương xứng với sự phản công của chủ nghĩa tư bản nhưng là một thực tế, có những bước tiến quan trọng, đặc biệt là tại châu Âu và Mỹ La-tinh.
Nhiều đại biểu cho rằng, chủ nghĩa tư bản mặc dù liên tục trải qua các cuộc khủng hoảng nhưng vẫn đang ở thế mạnh, có khả năng thích nghi, tự điều chỉnh để tiếp tục kéo dài sự tồn tại và phát triển. Trong khi đó, các đảng cộng sản, công nhân nhìn chung chưa phục hồi, còn lúng túng trong xác định đường lối và đang trong quá trình tập hợp lực lượng. Đảng Công nhân Hung-ga-ri tuy không lớn nhưng đã trở thành chính đảng mạnh nhất ngoài Quốc hội trên chính trường. Đảng Cộng sản Bồ Đào Nha đang nỗ lực hoạt động với nhiều hình thức, thu hút được sự ủng hộ ngày càng tăng của người dân, củng cố vị thế trên chính trường. Đảng Cộng sản Bra-xin tham gia liên minh chính phủ cánh tả, đang tiếp tục củng cố lực lượng. Một điểm đáng chú ý là đã hình thành một số đảng cánh tả, hoạt động tích cực vì lợi ích của nhân dân lao động, trong đó Đảng Cánh tả Đức mang bản chất cánh tả đa nguyên là một điển hình. Đảng Cánh tả Đức cho rằng, mục tiêu chung là vận động quần chúng chống lại sức ép ngày càng lớn về điều kiện sống và điều kiện làm việc của chủ nghĩa tự do mới hiện đang có khả năng vượt qua phạm vi quốc gia, thông qua kết hợp đấu tranh nghị trường với các hoạt động trên đường phố, tổ chức hội thảo và phối hợp với các tổ chức xã hội.
Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản hiện nay sẽ làm gia tăng nhanh chóng mâu thuẫn và căng thẳng trong xã hội, nhưng chưa đủ làm xuất hiện tình thế cách mạng. Tâm lý bất mãn đối với các bất công và bất bình đẳng trong xã hội gia tăng nhưng vẫn thiếu nhận thức chính trị đúng đắn để có thể thức tỉnh người dân, sẵn sàng cho sự thay đổi. Trên thực tế, xuất hiện tình trạng các chính phủ cánh hữu tại một số nước đưa ra các chính sách tương đồng với chính sách của các đảng cánh tả để tranh thủ cử tri, gây áp lực cạnh tranh ảnh hưởng trong xã hội và gây ngộ nhận trong một bộ phận người dân. Từ thực tế đó, các đảng cộng sản và các nghiệp đoàn có định hướng giai cấp giữ vai trò trọng yếu trong quá trình thúc đẩy sự thay đổi nhận thức, tâm lý phản kháng trong xã hội hướng tới tiến trình chuyển đổi.
Tại châu Âu, cuộc đấu tranh ở cấp độ quốc gia mang tính chất quyết định, do đó sự phối hợp giữa các lực lượng cộng sản, công nhân, cánh tả và tiến bộ tại từng nước trên cơ sở mở rộng đoàn kết xã hội là rất cần thiết. Trong phạm vi khu vực và quốc tế, có ý kiến nhấn mạnh, các đảng cộng sản, công nhân tuy đường lối và chính sách có nhiều khác biệt, hoàn toàn có thể và cần tăng cường hợp tác, trước hết trên các vấn đề thiết thực, như bảo vệ hòa bình, chống đế quốc, chống chủ nghĩa tự do mới, chống tư tưởng bài ngoại, bất bình đẳng xã hội... không chỉ tại châu Âu mà còn trên phạm vi toàn thế giới. Hầu hết các đại biểu chia sẻ sự đồng thuận rằng, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều bất trắc như hiện nay, các đảng cộng sản, công nhân cần giữ vững mục tiêu lý tưởng, củng cố đoàn kết và tăng cường phối hợp hoạt động chung ở phạm vi quốc tế; việc tăng cường trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm giữa các đảng cộng sản, công nhân ở các nước là hết sức cần thiết, cần tiến hành dưới nhiều hình thức đa đạng. Một số sáng kiến nêu ra tại Hội nghị như hình thành mạng lưới các nghị sĩ cánh tả châu Âu, đã thể hiện mong muốn khách quan của một bộ phận trong phong trào cộng sản, công nhân quốc tế, thúc đẩy hơn nữa sự chia sẻ và phối hợp hành động giữa các đảng cộng sản, công nhân tại châu Âu và thế giới.
Hai là, tính chính đáng của việc xây dựng mặt trận chống phát-xít sau chiến tranh thế giới hai. Trong bối cảnh nhân loại chuẩn bị kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai (2-9-1945 - 2-9-2015), hầu hết các đại biểu tham dự Hội nghị nêu đậm ý nghĩa lịch sử vĩ đại của chiến thắng phát-xít, khẳng định vai trò quyết định của Hồng quân Liên Xô trong việc đánh bại chủ nghĩa phát-xít, giải phóng châu Âu; đồng thời lên án mạnh mẽ âm mưu của các thế lực lợi dụng tình cảm dân tộc, một số vấn đề nhạy cảm của quá khứ, sử dụng các phương tiện truyền thông nhằm xuyên tạc và bóp méo lịch sử, đánh đồng chủ nghĩa cộng sản với chủ nghĩa phát-xít. Việc xuyên tạc, bóp méo lịch sử, một mặt, cho thấy sự thiếu nhất quán của giới cầm quyền một số quốc gia trong cuộc chiến chống lại tư tưởng phát-xít; mặt khác, thể hiện sự lo sợ của giới cầm quyền trước thực tế lực lượng cộng sản đã hy sinh to lớn trong chiến thắng phát-xít trước đây, đang kiên trì đấu tranh vì dân chủ, tự do hiện nay.
Nhiều đại biểu cho rằng, nguy cơ chiến tranh vẫn đang hiện hữu. Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực tư bản tài chính xuyên quốc gia là những lực lượng đe dọa nghiêm trọng nền hòa bình thế giới. Thậm chí có ý kiến đánh giá các lực lượng đế quốc hiếu chiến và phản động coi chủ nghĩa phát-xít và chiến tranh là lối thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay. Các đại biểu châu Âu phản đối mạnh mẽ Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhóm G7, tố cáo Mỹ lợi dụng một số vấn đề nhạy cảm trong quá khứ kích động tâm lý chống Nga nhân cuộc khủng hoảng U-crai-na hiện nay, làm suy yếu Liên minh châu Âu (EU). Đảng Cộng sản Nhật Bản cho rằng, những nơi từng bị phát-xít Nhật Bản xâm lược và trở thành thuộc địa của phương Tây sau này được cánh hữu tung hô thành “Cuộc chiến vĩ đại của Nhật Bản tại Đông Á”. Thực tế phức tạp trên đòi hỏi các đảng cộng sản, công nhân, lực lượng tiến bộ ở các nước cần tăng cường phối hợp hành động bằng mọi cách có thể, chú trọng sử dụng các mạng xã hội, để bảo vệ các giá trị lịch sử, hòa bình và xây dựng một xã hội công bằng.
Ba là, phương thức và kinh nghiệm xây dựng xã hội mới công bằng. Đa số các đại biểu nhất trí nhận định, mục tiêu chung về xây dựng chủ nghĩa xã hội là không thay đổi, nhưng không có một mô hình tổng quát chung cho tất cả các nước, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội có thể đa dạng, tùy thuộc điều kiện của từng nước và hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Nắm quyền lực chính trị là quan trọng nhưng nắm quyền lực kinh tế(3) cũng hết sức quan trọng vì chỉ có như vậy mới bảo đảm chủ nghĩa xã hội có thể vượt qua chủ nghĩa tư bản.
Các ý kiến thảo luận về chủ đề này tại Hội thảo cũng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu và sự cần thiết của việc nghiêm túc rút các bài học kinh nghiệm từ những thất bại trong quá khứ để xây dựng chủ nghĩa xã hội trong tình hình mới, trong đó có việc xác định và phát huy vai trò của khu vực tư nhân, các công ty cổ phần không thể là phương tiện để chuyển đổi chủ nghĩa tư bản thành chủ nghĩa xã hội, bảo đảm chủ nghĩa xã hội đem lại lợi ích cho đa số người dân, chống lại chủ nghĩa cơ hội; hợp tác quốc tế là rất cần thiết nhưng cần trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ. Từ việc phân tích thất bại của các đảng cộng sản tại một số nước Tây Âu trong hơn 20 năm qua, một số ý kiến chỉ rõ nguyên nhân của tình trạng đó là do các đảng thiếu lập trường kiên định và các vấn đề nguyên tắc, coi nhẹ yếu tố thành phần giai cấp, công tác tư tưởng, giáo dục chính trị đối với cán bộ, khiến chủ nghĩa cơ hội phát triển, làm cho “giai cấp công nhân bị đánh bại ngay trong nội bộ đảng”...
Trước thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội đang diễn ra sôi động, các ý kiến phát biểu tại Hội thảo đều đánh giá cao và coi thành công của Việt Nam, Trung Quốc trong đổi mới và cải cách mở cửa; của Cu-ba trong việc cập nhập hóa mô hình kinh tế hiện nay là các mô hình hiện thực, thể hiện sức sống và sự sáng tạo mạnh mẽ của chủ nghĩa xã hội ở các nước này. Thậm chí có ý kiến đánh giá thành công của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và những bài học kinh nghiệm của Việt Nam, Trung Quốc là rất cần thiết cho nhân loại. Các đại biểu nhất trí cho rằng, thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là tiến trình lâu dài, phức tạp. Có đảng coi đây là một trong những bài học quan trọng khi phân tích về thời đại. Trong đó một trong những nguyên nhân quyết định thắng lợi là thống nhất chính trị.
Tham luận về kinh nghiệm xây dựng xã hội công bằng trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam với việc xác định các mục tiêu phát triển toàn diện, vai trò quản lý, điều tiết của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, kết hợp thị trường với kế hoạch hóa vĩ mô, đa dạng hóa thành phần kinh tế với vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước đi và chính sách phát triển và về những thành tựu của 30 năm đổi mới ở Việt Nam được các đại biểu dự Hội thảo đánh giá cao.
Bốn là, về chủ nghĩa xã hội cho thế kỷ XXI. Ý tưởng về chủ nghĩa xã hội cho thế kỷ XXI được đề cập trong Văn kiện “Niềm hy vọng cho Cộng hòa Séc” đã được Đại hội VI của Đảng KSCM thông qua vào năm 2012, với ba nội dung chủ yếu: một là, nền tảng của chủ nghĩa xã hội trong thế kỷ XXI; hai là, quan hệ kinh tế xã hội chủ nghĩa trong thế kỷ XXI; ba là, những đặc điểm chính của chủ nghĩa xã hội trong thế kỷ XXI. Tư tưởng của C. Mác, Ph. Ăng-ghen và V.I. Lê-nin tiếp tục là nền tảng tư tưởng của Đảng. Nền kinh tế xã hội chủ nghĩa sẽ là nền kinh tế thị trường kế hoạch hóa (a planned market economy).
Quan hệ thị trường xã hội chủ nghĩa không phải là mục tiêu mà là công cụ. Nền kinh tế xã hội chủ nghĩa không thể vận hành mà không có các quan hệ thị trường. Công bằng xã hội không đơn giản là nhà nước cung cấp an sinh xã hội thụ động cho các cá nhân mà là sự hỗ trợ có hệ thống đối với các hoạt động xã hội của công dân. Công dân có thể tham gia trực tiếp vào quá trình ra quyết sách đối với các vấn đề chính trị cơ bản hoặc qua các hình thức dân chủ đại diện. Quyền lực chính trị, ở giai đoạn đầu của cách mạng xã hội chủ nghĩa, có thể đạt được thông qua các phương thức dân chủ tuyệt đối phổ biến trong xã hội. Tri thức khoa học, công nghệ, văn hóa, tín ngưỡng và môi trường được quan tâm toàn diện.
Ngoài ra, còn có những ý kiến khác nhau không chỉ trong nội bộ Đảng KSCM, cũng như trong nội bộ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế về mục tiêu và cách thức đi lên chủ nghĩa xã hội, văn kiện chủ nghĩa xã hội cho thế kỷ XXI do Đảng KSCM đề ra đang tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện phần nào thể hiện sự thay đổi và phát triển trong tư duy lý luận và định hướng hành động của Đảng, sự năng động và linh hoạt trong thực hiện các sách lược cần thiết trên cơ sở các nguyên tắc của chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong tình hình hiện nay.
Hội nghị quốc tế các đảng cộng sản, công nhân năm 2015 diễn ra tại Séc thực sự trở thành một diễn đàn tích cực để các đảng cộng sản, công nhân, cánh tả quốc tế cập nhật đánh giá tình hình, chia sẻ những bài học và kinh nghiệm từ thực tiễn hoạt động và trao đổi sâu sắc về sự cách thức phối hợp hành động giữa các đảng nhằm vượt qua các thách thức chung đang đặt ra./.
------------------------------------------
(1) Tại cuộc bầu cử Hạ viện năm 2013, KSCM đạt vị trí thứ ba với 14,91% số phiếu bầu, chiếm 33 ghế trong Quốc hội; giành tỷ lệ ủng hộ lớn thứ ba trong cuộc thăm dò dư luận đầu tháng 3-2015. Đảng hoạt động mạnh tại các thành phố công nghiệp và ở nông thôn, với trên 56.000 đảng viên (năm 2012), lớn nhất trong các chính đảng tại Séc
(2) KSCM là thành viên của Khối Cánh tả châu Âu Thống nhất - Cánh tả Xanh Bắc Âu trong Nghị viện châu Âu, hiện là quan sát viên của Đảng Cánh tả châu Âu
(3) Tại Nam Phi, tư bản nước ngoài khống chế nguồn vốn đầu tư, kiểm soát hầu hết các lĩnh vực kinh tế chủ chốt, nên tuy nắm quyền lực chính trị, đảng chính trị trong nước có ảnh hưởng rất hạn chế
Một số khuyến nghị về xây dựng Luật Tiếp cận thông tin  (17/09/2015)
Phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc góp ý vào dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng  (17/09/2015)
Nỗ lực phấn đấu đưa Nghệ An trở thành tỉnh kiểu mẫu như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh  (17/09/2015)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII: Kết thúc việc thí điểm để chính thức thực hiện chế định Thừa phát lại  (17/09/2015)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên