Thà chịu khổ chứ không chịu hèn

Phan Lang
22:24, ngày 10-07-2015

TCCSĐT - Trong cuộc trưng cầu dân ý tổ chức ngày 05-7 vừa qua, cử tri Hy Lạp đã thể hiện rõ thái độ ủng hộ chính phủ của họ và bác bỏ những điều kiện áp đặt của Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho việc được tiếp tục cứu trợ tài chính nhằm dần thoát khỏi khủng hoảng tài chính và nợ công.

Họ đã quyết định như thế trong nhận thức đầy đủ về tác động, hậu quả và hệ luỵ của việc đứng về phía chính phủ của họ chứ không phải ngả về phe EU, ECB và IMF. Họ đã lựa chọn thà tương lai khó khăn và bất định chứ không chấp nhận để cho EU, ECB và IMF muốn làm gì thì làm với họ.

Với tỷ lệ hơn 61% phiếu bầu và mức độ cử tri tham gia trưng cầu dân ý rất cao (hơn 60% trong khi chỉ cần 40% thì cuộc trưng cầu dân ý đã có giá trị hiệu lực pháp lý), cử tri Hy Lạp đã phát đi thông điệp là nếu thực sự muốn giúp Hy Lạp thoát khỏi khủng hoảng tài chính và nợ công thì cả EU, ECB và IMF phải thay đổi cách thức quan hệ với Hy Lạp cùng với những điều kiện đặt ra cho Hy Lạp để nước này được tiếp tục cứu trợ tài chính. Còn nếu không thì có nghĩa là EU, ECB và IMF đã quyết định phó mặc Hy Lạp tự xoay xở với kịch bản không thể loại trừ, thậm chí còn nhiều khả năng sẽ xảy ra là Hy Lạp ra khỏi Khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và EU.

Cử tri Hy Lạp đã giúp cho chính phủ hiện tại ở Hy Lạp với Thủ tướng Alexis Tsipras có được vị thế cao hơn và sự hậu thuẫn chính trị bền vững hơn trong quan hệ với EU, ECB và IMF nói chung, trong đàm phán với 3 đối tác này về cứu trợ tài chính cho Hy Lạp nói riêng. Có thể nói EU, ECB và IMF đã thua đậm trong cuộc cân não vừa qua với chính phủ thuộc cánh tả ở Hy Lạp. Ông A.Tsipras đã chơi canh bạc được ăn cả, ngã về không với khẩu hiệu “thà Hy Lạp chịu khổ chứ không chịu hèn” trước các chủ nợ. Và Chính phủ của ông đã thắng.

Nếu việc không trả được nợ khi đến hạn phải trả được coi là vỡ nợ thì Hy Lạp đã bị vỡ nợ từ trước cuộc trưng cầu dân ý này. Trên thực tế, Hy Lạp hiện chưa đến mức như thế và cả sau cuộc trưng cầu dân ý vừa rồi cũng vậy. ECB vẫn tiếp tục hỗ trợ tài chính để duy trì hoạt động của hệ thống ngân hàng ở Hy Lạp. EU đang thương thảo trong nội bộ để quyết định chính sách đối với Hy Lạp trong bối cảnh tình hình mới. Nếu không được bên ngoài tiếp tục cứu trợ tài chính thì việc Hy Lạp ra khỏi Nhóm Eurozone và EU là kịch bản không thể tránh khỏi với rất nhiều tác động tai hại tới EU và đồng ơ-rô, tới ECB và IMF.

Chưa kể tới việc, Hy Lạp còn có nguy cơ hỗn loạn về tài chính và tiền tệ, bất ổn xã hội và kinh tế suy thoái trầm trọng. Khi ấy, tình thế sẽ trở nên rất bất lợi đối với chính phủ Hy Lạp và chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý vừa rồi mất hết tác dụng. Để tránh kịch bản tồi tệ nhất này đối với cả hai phía, chính phủ Hy Lạp đã nhanh chóng đề nghị EU, ECB và IMF nối lại đàm phán, đương nhiên với tương quan vị thế đã thay đổi cơ bản so với trước. Yêu cầu mấu chốt của phía chính phủ Hy Lạp đối với EU, ECB và IMF là xoá nợ cho Hy Lạp, nhiều hay ít là chủ đề nội dung được đàm phán.

Phía EU, ECB và IMF cũng sẽ phải điều chỉnh thái độ và điều kiện đối với Hy Lạp bởi họ không thể làm ngơ trước sự thể hiện thái độ rõ ràng của cử tri Hy Lạp trong cuộc trưng cầu dân ý vừa qua. Nếu không tiếp tục cứu trợ tài chính cho Hy Lạp, cả EU, ECB và IMF sẽ bị coi là đối địch với người dân Hy Lạp chứ không phải với chính phủ Hy Lạp nữa. Họ sẽ phải chấp nhận từ bỏ mức độ áp đặt và tăng mức độ thoả hiệp trong những điều kiện đặt ra cho Hy Lạp để tới đây được cứu trợ tài chính, thể hiện chủ ý hợp tác giúp đỡ chứ không còn như trước đây. Phán quyết của cử tri Hy Lạp trong cuộc trưng cầu dân ý vừa qua vì thế buộc cả phe thắng lẫn phía thua đều phải điều chỉnh lại quan điểm chính sách./.