Hội thảo “Nhận thức chú giải học về triết học kinh điển trong thời đại ngày nay”

Tin, ảnh: Thúy Ngọc Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam
22:14, ngày 08-07-2015

TCCSĐT - Sáng ngày 08-7-2015, tại Học viện Chính trị khu vực III, thành phố Đà Nẵng đã diễn ra phiên khai mạc Hội thảo “Nhận thức chú giải học về triết học kinh điển trong thời đại ngày nay” do Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với Đại học Phụ Nhân Đài Loan và Hội triết học Giá trị thế giới tổ chức.

Tham dự Hội thảo có 15 học giả thế giới đến từ 8 nước: Anh, Mỹ, Úc, Ấn Độ, Đài Loan, Philippines, Lào, Slovakia và 40 học giả trong nước. Tại phiên khai mạc, PGS,TS. Phạm Văn Đức, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; PGS,TS. Nguyễn Văn Lý, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III; GS. Hu Yeping, Giám đốc điều hành Hội đồng nghiên cứu Triết học và Giá trị; GS,TS. Trần Văn Đoàn, Viện Hàn lâm Công giáo Đài Loan; GS,TS. Vưu Hoàng Kiệt, Trưởng Khoa Triết học, Đại học Phụ Nhân Đài Loan đã có bài phát biểu chào mừng Hội thảo. Đại diện của các đơn vị tổ chức Hội thảo nhấn mạnh tới tầm quan trọng của Chú giải học trong nghiên cứu triết học cơ bản, và coi đây là một trong những công việc quan trọng cho việc đạt tới một nhận thức chung trong đa dạng cho triết học thế giới bắt nguồn từ việc “thấu hiểu đúng đắn” về di sản tư tưởng triết học trong quá khứ.

Hội thảo có 50 báo cáo tham luận được gửi tới và 20 báo cáo được trình bày trong Hội thảo. Chủ đề của Hội thảo tập trung vào “vấn đề nhận thức mang tính chú giải học” về các trào lưu triết học kinh điển của cả phương Đông và phương Tây. Việc nghiên cứu một cách sâu sắc và đầy đủ về trào lưu chú giải học triết học là một trong các công việc quan trọng nhất, nhằm hướng tới mục tiêu tìm ra được cách nhìn nhận đúng đắn về những trào lưu tư tưởng trong quá khứ. Bản thân chú giải học cũng là một trào lưu tư tưởng và có tham vọng trở thành phương pháp luận phổ quát của mọi khoa học nhân văn, trong đó có triết học. Những vấn đề này sẽ được nêu ra và luận bàn trong hai ngày hội thảo.

Mục đích của Hội thảo là tìm ra phương thức để thấu hiểu một cách đúng đắn các tư tưởng triết học cổ điển và từ đó tiến hành nghiên cứu, xem xét vai trò của chúng trong thời kỳ hiện đại. Các báo cáo trong Hội thảo tập trung xoay quanh các vấn đề: Phương pháp luận nào cần sử dụng để đạt được sự “thấu hiểu đúng đắn” về tư tưởng triết học trong quá khứ. Bên cạnh đó, việc xem xét các vấn đề chú giải học cụ thể cũng được các học giả rất quan tâm: Các tư tưởng và trào lưu trong quá khứ có thể đưa ra những phương thức nào để soi rọi các vấn đề hiện đại; chúng đã có những chuyển biến gì khi bước vào thời hiện đại; các trào lưu triết học phương Đông truyền thống còn và có thể đóng vai trò gì trong đời sống xã hội cũng như trong đời sống tư tưởng hiện thời; chúng được xem xét trong tương quan với các trào lưu triết học phương Tây thế nào, …

“Trả lời được các vấn đề trên có nghĩa là đã khiến quá khứ được sống trong hiện tại một cách đúng đắn nhất, để hướng đến một tương lai bền vững” như Báo cáo Đề dẫn của PGS,TS. Nguyễn Tài Đông, Phó Viện trưởng Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nhấn mạnh./.