TCCSĐT - Sau khi kết quả cuộc trưng cầu ý dân cho thấy đa số người dân Hy Lạp nói “Không” với các biện pháp kinh tế khắc khổ do các chủ nợ quốc tế đưa ra, một số nước và tổ chức tài chính đã bày tỏ quan điểm trái chiều về vấn đề này.

Hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Quốc lần thứ 17

 

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker (trái), Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (giữa) tại Hội nghị Thượng đỉnh EU - Trung Quốc ngày 29-6-2015. Ảnh: EU Audiovisual/TTXVN


Ngày 29-6-2015, tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) -Trung Quốc lần thứ 17, diễn ra ở Thủ đô Brussels của Bỉ, EU và Trung Quốc đã ký tuyên bố về hàng loạt các biện pháp chung nhằm ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác nhằm phát triển một nền kinh tế hiệu quả, đồng thời duy trì mức tăng trưởng mạnh mẽ mà trong đó Trung Quốc đưa ra một chuỗi các sáng kiến, nhằm hạn chế sự tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Bên cạnh quyết định tăng cường đối thoại chính trị, hợp tác thực tế về quá trình chuyển tiếp nhằm tạo dựng một xã hội xanh, hai bên còn ký kết một số thỏa thuận thiết lập quan hệ đối tác về ít phát thải khí carbon giữa các thành phố của Trung Quốc và EU; nhất trí thúc đẩy đối thoại hợp tác về chính sách đối nội gắn với biến đổi khí hậu, cũng như tăng cường hợp tác trong nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ liên quan tới vấn đề này.

Báo động chiến lược “thanh lọc văn hóa” của Hồi giáo thánh chiến

 

Các công trình kiến trúc La Mã tại thành phố Palmyra ở Syria đứng trước nguy cơ bị xóa sổ sau khi IS nắm quyền kiểm soát thành phố này. Ảnh: rte.ie/TTXVN

Trước các hành động phá hủy nhiều di tích văn hóa được xếp hạng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trong thời gian gần đây, ngày 01-7-2015, Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã kêu gọi một chiến dịch chống lại sự “thanh lọc văn hóa” của nhóm cực đoan này. Theo Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova, những công trình văn hóa hàng nghìn năm tuổi của nhân loại bị phá hủy không phải là hậu quả “bên lề” của các cuộc giao tranh, mà là một phần trong kế hoạch khuếch trương thanh thế được IS thực hiện một cách có hệ thống. Chiến lược của chúng chính là phá hủy những bản sắc của nhân loại thông qua việc xóa bỏ các di tích văn hóa.

Bà Irina Bokova cho rằng việc sử dụng các biện pháp mạnh tay chưa đủ để đánh bại chủ nghĩa cực đoan mà cần có những biện pháp mềm dẻo hơn, đồng thời nhấn mạnh vai trò của văn hóa trong công cuộc đấu tranh chống tư tưởng cực đoan. Trước nguy cơ các khu di tích văn hóa bị IS xóa sổ, UNESCO mới đây cũng đã phát động một chiến dịch mang tên “Di sản Đoàn kết” với mục đích bảo vệ các khu di tích trước mối đe đọa tấn công của các tay súng thánh chiến, đồng thời chống lại chiến dịch tuyên truyền phá hoại của nhóm cực đoan.

Khóa 29 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thông qua nhiều nghị quyết quan trọng

 

Khóa họp Hội đồng Nhân quyền lần thứ 29 đã thông qua nhiều nghị quyết về các vấn đề có tác động trực tiếp, nhiều chiều đến việc thụ hưởng đầy đủ các quyền và tự do cơ bản của con người. Ảnh: un.org

Trong hai ngày 02 và 03-7-2015, tại Trụ sở Liên hợp quốc, Geneva, Thụy Sỹ, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã tiến hành các phiên thảo luận cuối cùng, thông qua 25 nghị quyết cùng 1 Tuyên bố của Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền tại khóa họp thường kỳ lần thứ 29.

Sau ba tuần thương lượng, 19 dự thảo nghị quyết đã được các nước thành viên Hội đồng Nhân quyền thông qua bằng đồng thuận liên quan đến nhiều vấn đề được cộng đồng quốc tế quan tâm cao và có tác động trực tiếp, nhiều chiều đến việc thụ hưởng đầy đủ các quyền và tự do cơ bản của con người, như khủng bố, biến đổi khí hậu; tham nhũng; tính độc lập của công tố, thẩm phán và luật sư, đoàn kết quốc tế; các quyền và biện pháp bảo vệ quyền của những nhóm người dễ bị tổn thương;… Tại khóa họp 29 lần này chỉ có 7 nghị quyết phải thông qua bằng bỏ phiếu với 15 lần bỏ phiếu. Các nghị quyết phải bỏ phiếu chủ yếu là về tình hình nhân quyền tại một nước cụ thể (Myanmar, Belarus, Ukraine) hoặc những vấn đề còn tranh cãi (các hình thái gia đình hiện đại, bạo hành gia đình, tác động của những quy định cho phép dân thường sở hữu và sử dụng vũ khí với quyền con người, tình hình vi phạm nhân quyền tại lành thổ Palestine bị chiếm đóng,…).

Quan điểm trái chiều về “cuộc khủng hoảng hậu trưng cầu ý dân Hy Lạp”

 

Tổng thống Pháp François Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố tiếp tục các cuộc thương lượng với Hy Lạp nhằm tìm kiếm giải pháp cho “cuộc khủng hoảng hậu trưng cầu ý dân”. Ảnh: The Irish Times

“Cánh cửa đã lại mở cho các cuộc thương lượng tiếp theo” là tuyên bố được Tổng thống Pháp François Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel đưa ra sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo vào chiều tối ngày 06-7-2015 tại Paris. Tuyên bố này cho thấy nỗ lực của lãnh đạo hai nước được coi là đầu tàu dẫn dắt toàn bộ châu Âu trong việc tìm kiếm một giải pháp nhằm giải quyết “cuộc khủng hoảng hậu trưng cầu ý dân Hy Lạp”. Tuy nhiên, ông François Hollande cũng lưu ý “giờ là lúc Chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras cần phải đưa ra những đề xuất nghiêm túc, đáng tin và mong muốn ở lại Eurozone cần được thể hiện bởi một kế hoạch có tính dài hạn”. Cùng ngày, sau khi kết quả cuộc trưng cầu ý dân cho thấy đa số người dân Hy Lạp nói “Không” với các biện pháp kinh tế khắc khổ do các chủ nợ quốc tế đưa ra, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde khẳng định thể chế tài chính này sẽ hỗ trợ Hy Lạp trong trường hợp được yêu cầu.

Trong khi đó, cũng trong ngày 06-7, Thủ tướng Cộng hòa Séc Bohuslav Sobotka cho rằng quyết định của người Hy Lạp sẽ không mang lại điều gì tốt đẹp cho nước này cũng như toàn châu Âu. Theo ông Bohuslav Sobotka, “không thể giữ Hy Lạp ở lại trong Eurozone trái với ý nguyện của người dân nước này”./.