Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn và những vấn đề đặt ra trong giai đoạn hiện nay
TCCSĐT - Các vấn đề về nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân luôn chiếm vị trí quan trọng trong các chương trình nghị sự của Đảng và Nhà nước ta. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ngày càng được nhận thức sâu sắc hơn và Đảng ta đã đề ra những chủ trương, định hướng cũng như ban hành hệ thống chính sách kịp thời, phù hợp từng giai đoạn phát triển của đất nước.
Khái quát quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn thời gian qua
Nông nghiệp phát triển với nhịp độ khá cao theo hướng tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản đều tăng nhanh. Trong gần 30 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam đạt được mức tăng trưởng nhanh và ổn định trong một thời gian dài, các ngành trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản đều có tốc độ phát triển đáng kể. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 1986 đạt 65,1 nghìn tỷ đồng, năm 2005 đạt 182 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 2,8 lần và đến năm 2014 khoảng 830 nghìn tỷ đồng, trong đó: nông nghiệp đạt 617,5 nghìn tỷ đồng; lâm nghiệp đạt 23,9 nghìn tỷ đồng; thủy sản đạt 188,6 nghìn tỷ đồng. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2014 đạt mức tăng 5,98% so với năm 2013, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,49%, đóng góp 0,61% tăng trưởng. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đã có bước tiến vượt bậc. Năm 1986, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản chỉ đạt 400 triệu USD, đến năm 2007 đã đạt tới 12 tỷ USD, năm 2014 đạt 30,86 tỷ USD. Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao như: gạo, cà-phê, cao-su, hạt điều, hồ tiêu, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản... tăng nhanh và đứng nhóm hàng đầu thế giới.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá lớn, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường. Các liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản phát triển đa dạng phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng và địa phương. Trong đó, nhiều mô hình đã thành công như mô hình cánh đồng mẫu lớn; mô hình chuỗi sản xuất, thương mại, chế biến và phân phối sản phẩm khép kín; mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác kiểu mới; mô hình doanh nghiệp công nghệ cao trong nông nghiệp; các tổ chức hợp tác theo quy mô cộng đồng làng, xã dưới hình thức hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, công ty cổ phần… Sự ra đời và phát triển của các mô hình tổ chức sản xuất mới trong nông nghiệp rất phong phú, đa dạng, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng, miền, điều kiện sản xuất đặc thù của mỗi loại sản phẩm. Những thành công bước đầu từ các mô hình tổ chức sản xuất mới trong nông nghiệp đang mở ra tương lai cho sự phát triển của nền nông nghiệp nước nhà. Nông dân và doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo cho chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp thông qua các liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. Việc liên kết thành những tổ chức nông dân sản xuất - tiêu thụ cho phép hình thành vùng nông sản ổn định, bền vững, xây dựng thương hiệu nông sản đáp ứng yêu cầu thị trường trong thời kỳ hội nhập. Quan hệ sản xuất được xây dựng ngày càng phù hợp, huy động được sự đóng góp của các thành phần kinh tế vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt hiện có đến 24.000 trang trại được đăng ký chứng nhận theo tiêu chí mới(1).
Đến thời điểm cuối năm 2014, cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn đã có bước chuyển dịch tích cực theo hướng đẩy mạnh sản xuất các loại nông sản có nhu cầu thị trường và có giá trị kinh tế cao. Đối với ngành trồng trọt, năm 2014, sản xuất lúa được mùa cả 3 vụ trên phạm vi cả nước, sản lượng đạt 45 triệu tấn, tăng gần 1 triệu tấn so với năm 2013; sản lượng ngô đạt 5,45 triệu tấn, tăng thêm được 250 nghìn tấn; sản lượng sắn tăng 6,3%... Chăn nuôi khởi sắc, sản lượng các sản phẩm chính đều tăng (thịt hơi các loại tăng 2,7%, sữa tăng 15,6%, trứng tăng 3,8%), trong khi giá cả luôn ở mức khá cao. Xuất hiện ngày càng nhiều cơ sở, trang trại chăn nuôi kiểu công nghiệp, áp dụng công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến, hiệu quả cao. Ngành thủy sản được đặc biệt quan tâm, giá trị sản xuất năm 2014 tăng 6,8% so với năm 2013. Khai thác thủy sản có chuyển biến mới theo hướng đẩy mạnh khai thác xa bờ, áp dụng kỹ thuật và thiết bị tiên tiến để nâng cao giá trị, chất lượng và hiệu quả khai thác. Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đã khắc phục khá thành công những khó khăn về dịch bệnh. Sản lượng nuôi trồng thuỷ sản năm 2014 đạt 3.413 nghìn tấn, tăng 6,1% so với năm trước. Đối với ngành lâm nghiệp, tiếp tục đẩy mạnh khoanh nuôi tái sinh và trồng rừng. Nhờ vậy độ che phủ rừng đạt 41,5%, giá trị sản lượng tăng 7,1%. Đồng thời, đã có bước chuyển động mới theo hướng phát triển rừng trồng cây gỗ lớn. Công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản tiếp tục phát triển, nhiều doanh nghiệp đã đứng vững, duy trì và mở rộng sản xuất; xuất hiện nhiều cơ sở mới, trong đó một số cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản bằng công nghệ cao. Cả nước hiện có 2.790 làng nghề, trong đó có 240 làng nghề truyền thống, đang giải quyết việc làm cho khoảng 11 triệu lao động, bao gồm cả lao động thường xuyên và lao động không thường xuyên.
Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ vào các khâu sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nông sản hàng hoá trên thị trường. Nhiều công trình thủy lợi đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Hệ thống đê điều, đường giao thông, kết cấu hạ tầng nghề cá… đều được củng cố. Những năm qua, số lượng chợ xây mới, cải tạo, nâng cấp tiếp tục tăng với sự đa dạng về loại hình và cấp độ chợ, giá trị hàng hóa dịch vụ qua hệ thống chợ ngày càng tăng, góp phần không nhỏ vào việc tiêu thụ nông sản hàng hóa, đẩy mạnh sản xuất và phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân.
Ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp ngày càng phổ biến theo hướng sử dụng giống mới, công nghệ sinh học, phương thức canh tác tiên tiến. Đặc biệt, bên cạnh việc cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp như tưới nước, tuốt và làm sạch nông sản, chế biến thức ăn chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản… các khâu sơ chế, bảo quản nông, lâm, thủy sản sau thu hoạch cũng được ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, giúp kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm mà vẫn giữ được giá trị dinh dưỡng.
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở nông thôn. Đời sống nông dân và bộ mặt kinh tế nông thôn có thay đổi lớn. Từ một nước thường xuyên thiếu đói, hằng năm phải nhập khẩu hàng triệu tấn lương thực, đến nay Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba trên thế giới (sau Ấn Độ và Thái Lan). Thu nhập và đời sống người dân ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn giảm bình quân 1,8% /năm; trình độ văn hoá, khoa học, kỹ thuật của nông dân được nâng lên rõ rệt. Công tác chăm sóc sức khoẻ, khám, chữa bệnh, phổ cập giáo dục, văn hoá, thông tin, thể thao cũng được quan tâm và đẩy mạnh hơn. Hệ thống chính trị ở nông thôn được tăng cường; vị thế giai cấp nông dân được nâng cao; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Chương trình xây dựng nông thôn mới đã triển khai thực hiện với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự hưởng ứng và tham gia tích cực của người dân và đã đạt được những kết quả bước đầu khả quan. Bộ mặt nông thôn ở nhiều nơi được đổi mới, văn minh hơn, kết cấu hạ tầng thiết yếu được nâng cấp. Với sự cố gắng của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, đến tháng 01-2015 đã có 785 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 8,8% tổng số xã trên toàn quốc), là một khích lệ lớn đối với phong trào xây dựng nông thôn mới.
Những khó khăn, hạn chế
- Một số văn bản pháp luật chậm được ban hành, sửa đổi, bổ sung nên chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành nông nghiệp. Các chính sách để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn… chưa đồng bộ, chưa đầy đủ.
- Cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn ở nhiều nơi chuyển dịch chậm; ngành, nghề, dịch vụ nông thôn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng… Cơ cấu lao động nông thôn cơ bản vẫn là thuần nông.
- Năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của một số nông sản phẩm còn thấp. Việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, kinh phí đầu tư cho khoa học, công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn hạn chế.
- Nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn chưa đáp ứng được nhu cầu. Chất lượng quy hoạch chưa thực sự hợp lý, thiếu sự liên kết, thống nhất giữa các loại quy hoạch, chưa gắn kết chặt chẽ với nguồn lực thực hiện.
- Việc phát triển các thành phần kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế. Doanh nghiệp tư nhân là nhân tố quan trọng trong phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn nhưng quy mô còn nhỏ, chủ yếu là hoạt động dịch vụ và chỉ phát triển mạnh ở ven đô thị hoặc nơi có kết cấu hạ tầng tương đối phát triển.
- Việc triển khai thực hiện mô hình Cánh đồng mẫu lớn, mô hình Chuỗi sản xuất, thương mại, chế biến và phân phối sản phẩm khép kín, mô hình nông dân góp cổ phần với doanh nghiệp bằng giá trị quyền sử dụng đất, mô hình các hợp tác xã, tổ hợp tác kiểu mới, mô hình liên kết theo hợp đồng; mô hình doanh nghiệp công nghệ cao trong nông nghiệp mặc dù được đánh giá là nhân tố mới, tuy nhiên còn nhiều vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện như: mối liên kết giữa doanh nghiệp và người dân cần có tính pháp lý chặt chẽ hơn. Nhận thức về tích tụ, tập trung ruộng đất chưa được làm rõ; chưa có cơ chế, chính sách cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp hình thành, đào tạo và duy trì đội ngũ cán bộ kỹ thuật; sự manh mún, nhỏ lẻ của sản xuất nông nghiệp; sản phẩm làm ra chất lượng thấp, giá thành cao, khó cạnh tranh; các hợp tác xã, tổ hợp tác gặp khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách của Nhà nước, nhất là chính sách ưu đãi về tín dụng, đầu tư kết cấu hạ tầng, ưu đãi đất đai...; sự vào cuộc của chính quyền địa phương ở một số nơi chưa quyết liệt, còn lúng túng, việc chuyển đổi sản xuất hàng hóa quy mô lớn còn gặp nhiều khó khăn cả đầu vào lẫn khâu tiêu thụ; khả năng nhân rộng mô hình hạn chế do khó khăn về vốn, kỹ thuật, nguồn nhân lực,...
Để đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn nhanh hơn, bền vững hơn
Về chính sách nông nghiệp - nông dân - nông thôn, trên cơ sở Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 7 khóa X, cần tiếp tục nhận thức đầy đủ về các nghị quyết có liên quan như Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 5 khóa IX về kinh tế hợp tác, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI về đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế. Cần bám sát các nội dung trong Kết luận của Bộ Chính trị và Đề án tái cơ cấu nền kinh tế, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp để tập trung thực hiện. Kết luận số 97-KL/TW, ngày 09-5-2014 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương lần thứ 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã nêu rõ nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mục tiêu của quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn là không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn trên cơ sở công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; coi phát triển sản xuất nông nghiệp là then chốt, xây dựng nông thôn mới là căn bản, nông dân giữ vai trò chủ thể trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở tái cơ cấu ngành, cơ cấu sản phẩm gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Nâng cao vai trò làm chủ của người nông dân; chú trọng xây dựng và phát triển giai cấp nông dân.
Cơ cấu lại ngành nông nghiệp là một hợp phần của cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế quốc dân, theo đó cần bảo đảm chất lượng tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp vừa phải theo cơ chế thị trường vừa phải bảo đảm các mục tiêu cơ bản về phúc lợi cho nông dân và người tiêu dùng, chuyển mạnh từ phát triển theo chiều rộng lấy số lượng làm mục tiêu phấn đấu sang nâng cao chất lượng, hiệu quả thể hiện bằng giá trị, lợi nhuận, đồng thời chú trọng đáp ứng các yêu cầu xã hội.
Kiên trì thực hiện các mục tiêu của Chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại, cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới đòi hỏi sự lãnh đạo toàn diện của Đảng và sự quản lý của Nhà nước đối với hợp tác xã. Theo Kết luận số 56-KL/TW, ngày 21-02-2013 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, trong đó nêu rõ một trong những giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết trong thời gian tiếp theo là tổ chức triển khai có hiệu quả Luật Hợp tác xã năm 2012, hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể.
Giai đoạn tới cần tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:
- Tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực nông nghiệp: Sửa đổi, bổ sung Luật Thủy sản theo hướng hoàn thiện các quy định về quy hoạch nuôi trồng thủy sản; bổ sung quy định đối với cơ sở sơ chế nguyên liệu thủy sản; quy định về sự liên kết dọc giữa các nhà sản xuất nguyên liệu, chế biến, xuất khẩu thủy sản nhằm truy xuất nguồn gốc bảo đảm quyền lợi cho các bên liên quan; quy định về nhập khẩu nguyên liệu thủy sản, về quản lý chất lượng đối với hàng hoá thủy sản nhập khẩu. Nghiên cứu ban hành Luật Thủy lợi để thay thế cho Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Bổ sung các quy định mới để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động và phát triển doanh nghiệp khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; nâng cao công tác quản lý nhà nước trong khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đặc biệt trong khâu kiểm soát nước, chống lấn chiếm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Tiến hành tổng kết chính sách thí điểm bảo hiểm nông nghiệp nhằm sớm ban hành Luật Bảo hiểm nông nghiệp để bảo hiểm các hoạt động đầu tư, sản xuất nông nghiệp của nông dân.
- Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch sản xuất: Tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản) trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng, miền. Rà soát, kiểm soát chặt chẽ quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, đất quy hoạch cho các mặt hàng nông sản chiến lược, mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đất cho chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn sản xuất với chế biến và thị trường. Phát triển sản xuất với quy mô hợp lý các loại nông sản hàng hoá xuất khẩu có lợi thế, nông sản thay thế nhập khẩu. Nghiên cứu, phát triển chăn nuôi theo hướng chăn nuôi công nghiệp và bán công nghiệp; phát triển thức ăn chăn nuôi với quy mô lớn để phục vụ nhu cầu chăn nuôi trong nước. Tổ chức liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở, hộ gia đình chăn nuôi và các cơ sở chế biến.
- Về hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và phát triển thị trường: Cơ cấu lại thị trường nội địa, phát triển hệ thống bán buôn, bán lẻ; chú trọng hơn nữa vào phát triển thị trường vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số theo hướng khuyến khích phát triển doanh nghiệp xã hội, bảo đảm lợi ích người sản xuất trực tiếp. Đối với thị trường xuất khẩu, duy trì thị trường truyền thống, phát triển thị trường mới, chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành để tăng sức cạnh tranh. Điều tra, khảo sát, nghiên cứu thị trường tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy, hải sản để nắm bắt thị hiếu tiêu dùng, cơ cấu sản phẩm, giá cả, tập quán buôn bán của các thị trường. Xây dựng đội ngũ chuyên gia có năng lực về phân tích, nghiên cứu, dự báo thị trường để tham mưu, đề xuất chính sách hiệu quả. Nâng cao vai trò của các hiệp hội ngành hàng trong việc cung cấp thông tin, thống nhất thực hiện các chiến lược phát triển sản xuất, liên kết trong kinh doanh, đàm phán ký kết hợp đồng.
- Về ứng dụng khoa học công nghệ: Ðẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, nhất là việc nghiên cứu và chuyển giao khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản; ứng dụng công nghệ sinh học và xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao; nâng cao khả năng phòng ngừa và khắc phục dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi… Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp và hợp tác xã đầu tư phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản…
- Về phát triển các mô hình liên kết: Tiến hành tổng kết, đổi mới và xây dựng các mô hình kinh tế, hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn. Có chính sách khuyến khích phát triển các mối liên kết giữa hộ nông dân với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức khoa học, hiệp hội ngành hàng và thị trường tiêu thụ sản phẩm để hỗ trợ kinh tế hộ phát triển theo hướng gia trại, trang trại có quy mô phù hợp, sản xuất hàng hoá lớn. Hình thành các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh hiện đại và chuyên nghiệp, phát triển các loại hình kinh tế hợp tác, liên kết dọc sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, liên kết nông nghiệp với công nghiệp và kinh tế đô thị.
- Về phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn: Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, mở rộng diện tích tưới cho rau màu, cây công nghiệp, cấp thoát nước chủ động cho diện tích nuôi trồng thủy sản, làm muối; bảo đảm giao thông thông suốt 4 mùa tới hầu hết các xã và cơ bản có đường ô-tô tới các thôn, bản; xây dựng cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền và hạ tầng nghề cá; cấp điện sinh hoạt cho hầu hết dân cư, các cơ sở công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn; bảo đảm cơ bản điều kiện học tập, chữa bệnh, sinh hoạt văn hoá, thể dục, thể thao ở hầu hết các vùng nông thôn tiến gần tới mức các đô thị trung bình. Nâng cao năng lực phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, hoàn chỉnh hệ thống đê sông, đê biển và rừng phòng hộ ven biển, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, cụm dân cư đáp ứng yêu cầu phòng, chống bão, lũ, ngăn mặn và chống nước biển dâng; tạo điều kiện sống an toàn cho nhân dân đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung và các vùng thường xuyên bị bão, lũ, thiên tai; chủ động triển khai các biện pháp thích ứng và đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.
- Về chính sách hỗ trợ tài chính: Đa dạng hóa các nguồn vốn để tiếp tục đầu tư phát triển mạnh hơn kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn. Ưu tiên nâng cấp và xây dựng mới các hệ thống thủy lợi đồng bộ, đi đôi với đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý để bảo đảm an toàn về nước. Củng cố hệ thống hồ đập, kè ven sông, ven biển; nâng cấp các hệ thống cảnh báo, chủ động phòng, chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường nước. Tiếp tục đầu tư phát triển giao thông nông thôn, bảo đảm các xã đều có đường ô-tô tới khu trung tâm, từng bước phát triển đường ô-tô tới thôn bản; bảo đảm dân cư nông thôn có điện sinh hoạt và được sử dụng nước sạch. Có chính sách cho doanh nghiệp tham gia mô hình liên kết doanh nghiệp - nông dân được vay vốn trung, dài hạn với lãi suất ưu đãi để triển khai thực hiện mô hình liên kết. Nghiên cứu thành lập quỹ hỗ trợ nông dân trong sản xuất và công nghệ sau thu hoạch (trước mắt là sản phẩm lúa gạo) để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất và giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch.
- Về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực: Có chế độ, chính sách đãi ngộ, thu hút các nhà khoa học trong lĩnh vực công nghệ cao làm việc trong ngành nông nghiệp, đội ngũ cán bộ trẻ có năng lực, trình độ đến công tác ở nông thôn; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là lực lượng cán bộ trực tiếp thực hiện ở cơ sở. Tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từng địa phương, từng vùng và sát với nhu cầu, gắn với giải quyết việc làm. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, nhất là cho vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn./.
----------------------------------------------
(1) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Báo cáo Chuyên đề 1: “Thực trạng và giải pháp về quy mô, mô hình sản xuất nông nghiệp Việt Nam” gửi kèm Công văn số 10458/BNN-KH phục vụ phiên họp giải trình “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của hàng nông, lâm, thủy, hải sản Việt Nam” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức ngày 31-12-2014 tại Hà Nội.
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 22 đến ngày 28-6-2015  (29/06/2015)
Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 6-2015  (29/06/2015)
Mỗi giàn khoan phải là cột mốc chủ quyền đất nước  (28/06/2015)
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: Sân bay Phú Quốc không phải thứ để bán!  (28/06/2015)
Tình hình tài chính của Hy Lạp trong thế “ngàn cân treo sợi tóc”  (28/06/2015)
Lễ kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam  (28/06/2015)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên