TCCSĐT - Đó là chủ đề của Hội thảo khoa học do trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Viện Konrad Adenauer Stiftung (Đức) tổ chức ngày 10-6-2015, tại Hà Nội. Hội thảo là một trong những hoạt động thiết thực kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Mở đầu Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông Lưu Đình Phúc dẫn ra một số câu chuyện “giật gân” trên báo mạng trong thời gian qua để cho thấy một tình trạng đáng báo động về xu hướng làm báo lá cải, làm ảnh hưởng đến tính nhân văn của báo chí khiến độc giả mất niềm tin vào báo chí. Báo chí phản ánh đời sống xã hội, đồng nghĩa với việc con người là trung tâm của sự phản ánh. Nội dung đạo đức của người làm báo không phải là những điều trừu tượng mà là sự hiển hiện trong đời sống, và với nhà báo đó còn là lương tâm và trách nhiệm xã hội.

Theo ông Lưu Đình Phúc, thông tin báo chí đăng tải cần bảo đảm tính khách quan, trung thực, bảo đảm tính tuyên truyền với các giá trị chân - thiện - mỹ, nâng cao nhận thức cho người đọc, người xem. Khi công chúng không còn tin vào báo chí, vai trò định hướng dư luận xã hội của báo chí sẽ không đạt hiệu quả như mong muốn. Trên cơ sở những quy tắc nghề nghiệp, các nhà báo cần có những chuẩn mực đạo đức, bao hàm trong đó là trách nhiệm xã hội. Tổng biên tập, phó tổng biên tập, người phụ trách các ban chuyên môn cần phát huy vai trò trách nhiệm của mình; phóng viên, biên tập viên khi được tuyển dụng vào cơ quan báo chí cần được đào tạo và đào tạo lại về những quy tắc, chuẩn mực báo chí…

Chia sẻ tại Hội thảo, nhà báo Hữu Thọ, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương cho biết, nói về đạo đức báo chí là nói đến việc liên quan đến đời sống sinh hoạt tinh thần của con người. Cần có những quy ước, quy định về đạo đức trong hoạt động nghề nghiệp, nhằm bảo đảm loại trừ những nguyên nhân khách quan khiến nhà báo thiếu những thông tin trung thực, hai là tránh những nguyên nhân tạo nên những mâu thuẫn sắc tộc. Về trách nhiệm xã hội, tâm lý của con người muốn nghe thông tin nhiều chiều. Tuy nhiên, trong mạng xã hội, thật giả, xấu tốt lẫn lộn, cái giả nhiều hơn cái thật, dẫn đến “xô đẩy” niềm tin của giới trẻ, không những vậy còn ảnh hưởng tới cả những người đã “vào sinh ra tử”, nên cần hết sức cảnh giác. Tuy nhiên, mạng xã hội là một sự tiến bộ của văn minh nhân loại, cần cố gắng chọn lọc, “sống chung” với nó, phải có bản lĩnh, thái độ đối với sự hỗn độn hiện nay.

Nhà báo Lê Duy Truyền, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam đánh giá: thực tiễn cho thấy, kỷ nguyên số đã dẫn đến sự bùng nổ của truyền thông xã hội - một phương thức thông tin có phạm vi ảnh hưởng gần như không giới hạn về thời gian và không gian. Mạng xã hội đã tận dụng được những tiến bộ của công nghệ hiện đại để tạo ra sức hấp dẫn ngày càng tăng. Điều đó tạo ra không ít thách thức, đó là: bùng nổ thông tin trên truyền thông xã hội; bùng nổ về số lượng người sử dụng truyền thông xã hội; áp lực về thông tin phản biện kịp thời và thông tin chỉnh hướng dư luận; áp lực về cạnh tranh trong kinh tế báo chí (thu hút quảng cáo, trao đổi, bán thông tin…).

Ông Lê Duy Truyền cho rằng, báo chí chính thống cần ứng xử với truyền thông xã hội như một công cụ trong quá trình phát triển của báo chí đương đại. Đối với hoạt động của Thông tấn xã Việt Nam, cần đa dạng hóa nguồn tin; tăng cường sự hiện diện của phóng viên tại nhiều nước và vùng lãnh thổ; tìm kiếm thông tin từ những trang báo phản ánh sự thật. Và trong thời đại bùng nổ thông tin trên mạng như hiện nay, phương châm, khẩu hiệu truyền thống của Thông tấn xã Việt Nam là “nhanh - đúng - trúng - hay” có lẽ nên thay đổi thành “đúng - nhanh - trúng - hay”.

Chiều cùng ngày, các đại biểu, nhà quản lý, nhà báo tập trung thảo luận về các giải pháp nhằm nâng cao trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp của nhà báo. Đó là việc: cần làm chủ “không gian in-tơ-nét, không lan truyền tin đồn”, chuyên nghiệp hóa cách thức thu thập và xử lý thông tin, cần “nắn dòng” thông tin sai lệch, thông tin cần có liều lượng nhất định và cần tỉnh táo trước những thông tin thiếu thiện chí; vấn đề tự giáo dục, tự hoàn thiện đạo đức nghề nghiệp của nhà báo; để tạo niềm tin cho công chúng bằng cách lấy sự thật và lợi ích của bạn đọc, đội ngũ làm báo phải biết chấp nhận dấn thân, thậm chí chấp nhận nguy hiểm…/.