TCCSĐT- Ngày 10-6-2015, tại thành phố Cần Thơ, Ủy ban Dân tộc chủ trì tổ chức Hội thảo “Tham vấn xây dựng chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020” khu vực các tỉnh, thành phía Nam. Đồng chí Sơn Phước Hoan, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, chủ trì hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Sơn Phước Hoan, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, nhấn mạnh: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành và lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Nhờ vậy, diện mạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã có những thay đổi căn bản, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; đời sống của đồng bào các dân tộc không ngừng được cải thiện; quốc phòng - an ninh được đảm bảo.

Tuy nhiên, cho đến nay, vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn là vùng khó khăn nhất cả nước. Tỷ lệ đói nghèo cao gấp nhiều lần mức bình quân chung, trình độ dân trí thấp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ổn định về an ninh chính trị. Hệ thống chính sách hiện hành vẫn còn có những hạn chế nhất định; nguồn lực đầu tư còn dàn trải chưa đáp ứng được nhu cầu, hầu hết các chính sách hết hiệu lực khi chưa đạt mục tiêu đề ra. Vì thế, việc tham vấn, lấy ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các nhà khoa học, các chuyên gia nhằm hoàn thiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt để triển khai thực hiện được xem là một “cú hích”, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Việc triển khai thực hiện tốt chính sách này sẽ góp phần ổn định dân cư ở những địa bàn khó khăn, vành đai biên giới; giúp đồng bào các dân tộc cơ bản thoát nghèo, tiến tới giảm nghèo bền vững, giảm nghèo đa chiều; đảm bảo quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Tại Hội thảo sau khi nghe đại diện Vụ Chính sách Dân tộc - Ủy ban Dân tộc trình bày dự thảo Tờ trình, Đề án “Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020”, các đại biểu đã tập trung thảo luận và cơ bản thống nhất những nội dung lớn của dự thảo chính sách để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cụ thể:

Mục tiêu chung:

Tập trung giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc nhất về đời sống và sản xuất, cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống cho hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số, góp phần giảm nghèo bền vững, giảm dần chênh lệch trong phát triển giữa vùng dân tộc thiểu số và miền núi với các vùng khác trong cả nước.

Mục tiêu cụ thể:

- Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi từ 3,5-4%/năm; đời sống hộ nghèo được cải thiện rõ rệt, từng bước được nâng cao.

- Giải quyết đất sản xuất, tạo việc làm cho 80% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo thiếu đất sản xuất, cơ bản giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho hộ dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở địa bàn khó khăn.

- Bố trí, sắp xếp dân cư nhằn ổn định đời sống, phát triển sản xuất cho các hộ còn du canh du cư, di cư tự do thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

- Tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận tốt hơn với nguồn vốn tín dụng ưu đãi.

Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 sẽ tập trung vào 3 nội dung lớn:

Một là,
hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn và hộ dân tộc thiểu số nghèo.

Hai là, bố trí sắp xếp, ổn định dân cư vùng khó khăn.

Ba là,
hỗ trợ tín dụng.

Để đảm bảo thực hiện tốt chính sách, các đại biểu dự hội thảo đề xuất Chính phủ nên phân cấp mạnh cho các địa phương nhằm tạo tính chủ động cho các cấp chính quyền trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời, tạo cơ chế, điều kiện tăng cường sự tham gia, hưởng ứng cửa người dân, của các tổ chức chính trị xã hội; đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ cho cán bộ thực hiện chính sách, nhất là ở cơ sở; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả việc thực hiện chính sách để đảm bảo thực hiện đúng đối tượng, đúng nội dung và đúng tiến độ đề ra./.