Tập trung nguồn lực khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững đất nước

Nguyễn Minh Quang Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
18:27, ngày 29-05-2015

TCCS - Trong những năm gần đây, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu có diễn biến phức tạp, tác động nhiều mặt tới đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Nhiều chỉ tiêu quan trọng về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu được đưa vào chiến lược 10 năm và kế hoạch 5 năm về phát triển kinh tế - xã hội. Tại Nghị quyết số 13/2011/QH13, Quốc hội đã quyết nghị danh mục 16 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 - 2015, trong đó có Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, và Chương trình Mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường. Quyết nghị này thể hiện sự quan tâm của Quốc hội trong việc ưu tiên tập trung nguồn lực nhằm giải quyết những vấn đề nóng về môi trường cũng như ứng phó với những mối hiểm họa của biến đổi khí hậu ở nước ta.

Thực hiện Nghị quyết về Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 03-6-2013 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI), Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường và Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu. Mặc dù việc bố trí nguồn lực để thực hiện các chương trình chưa đáp ứng được yêu cầu, còn những tồn tại về cơ chế quản lý và tổ chức thực hiện, song qua 02 năm thực hiện bước đầu đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, giải quyết được một số “điểm nóng” ô nhiễm môi trường, chuẩn bị các điều kiện, cơ sở ban đầu cần thiết để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn so với dự báo ở nước ta.

Chương trình Mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường

Chương trình được phê duyệt với 03 mục tiêu chính: 1- Khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các làng nghề bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng; 2- Cải thiện và phục hồi môi trường tại một số khu vực bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu; 3- Thu gom, xử lý nước thải từ các đô thị loại II thuộc ba lưu vực sông Nhuệ - Đáy, sông Cầu và hệ thống sông Đồng Nai. Đây là 03 vấn đề môi trường lớn, không tập trung giải quyết sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cuộc sống của người dân.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến tháng 7-2014 cả nước có trên 3.355 làng nghề, trong đó có 1.318 làng nghề được công nhận, tập trung nhiều nhất ở miền Bắc, chiếm tới 67,3% (khu vực đồng bằng sông Hồng chiếm khoảng 50%, chủ yếu ở Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định...); ở miền Trung tỷ lệ đó là 20,5%, chủ yếu ở Quảng Nam, Thừa Thiên Huế...; ở miền Nam: 12,2%, chủ yếu ở Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ... Nhiều làng nghề sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Trong số các làng nghề đó, có 47 làng nghề được đánh giá là gây ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng. Đây là các địa điểm được Chương trình Mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường lựa chọn để đầu tư xử lý, giải quyết.

Hiện nay, trên phạm vi cả nước có trên 1.150 điểm ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu, chủ yếu là các kho thuốc chứa hóa chất bảo vệ thực vật nguy hại đã bị cấm sử dụng ở Việt Nam và trên thế giới. Các kho thuốc này theo thời gian đã bị hư hỏng, phát tán hóa chất nguy hại ra môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước mặt, nước ngầm với phạm vi phát tán ngày càng lớn, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của người dân khu vực xung quanh. Chương trình Mục tiêu quốc gia lựa chọn 100 điểm môi trường bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng để thực hiện các dự án khắc phục, cải tạo và phục hồi môi trường.

Nguồn nước trên các lưu vực sông Cầu, sông Nhuệ - Đáy và hệ thống sông Đồng Nai ngày càng bị ô nhiễm do nước thải từ các khu công nghiệp, đô thị trong lưu vực. Nước thải công nghiệp đã và đang được các khu công nghiệp đầu tư xử lý, trong khi đó, hầu hết nước thải từ các đô thị chưa qua xử lý xả thẳng ra nguồn nước lưu vực sông, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhất là vào mùa khô, ảnh hưởng đến người dân trên một khu vực rộng lớn vùng hạ lưu. Ô nhiễm nguồn nước trên các lưu vực sông này đã kéo dài trong nhiều năm và diễn biến ngày càng phức tạp, gây nhiều hệ lụy về sức khỏe, bệnh tật và nhiều vấn đề khác trong vùng. Chương trình thực hiện các dự án đầu tư thu gom, xử lý nước thải từ các đô thị loại II - các đô thị phổ biến trên các lưu vực, đang xả nước thải trực tiếp ra nguồn nước sông Cầu, sông Nhuệ - Đáy và hệ thống sông Đồng Nai.

Đó là những vấn đề môi trường bức xúc nếu chậm giải quyết sẽ để lại hậu quả khó lường, nhiều trường hợp gây ra những hệ lụy xấu về dịch bệnh, sức khỏe của người dân và nhiều vấn đề phức tạp khác.

Tuy nhiên, sau khi Chương trình Mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường được phê duyệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường với trách nhiệm là cơ quan quản lý Chương trình đã cùng với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện. Việc chỉ đạo thực hiện Chương trình được lồng ghép vào việc chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia chung của các tỉnh, thành phố. Các văn bản hướng dẫn về tiêu chí, định mức phân bổ vốn; chế độ quản lý, sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước; hệ thống chỉ số theo dõi, giám sát và đánh giá thực hiện Chương trình đã được ban hành. Việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường đã đạt được một số kết quả, cụ thể:

- Về khắc phục ô nhiễm tại các làng nghề, trong khuôn khổ Chương trình Mục tiêu quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Chương trình đã triển khai các dự án tại 11/47 làng nghề ở 09 địa phương (Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Thái Bình, Ninh Bình, Thừa Thiên Huế, Hải Phòng, Nam Định và Bến Tre), trong đó tập trung xây dựng hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý nước thải ở các làng nghề, như giấy Phong Khê (Bắc Ninh), dệt nhuộm Nha Xá (Hà Nam), Phương La (Thái Bình), rượu làng Vân (Bắc Giang)... Hiện nay có 02 dự án làng nghề ở Thừa Thiên Huế đã cơ bản hoàn thành, 09 dự án ở các địa phương khác đang triển khai và dự kiến hoàn thành trong năm 2015.

- Về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại một số khu vực bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu, Chương trình đã hỗ trợ xây dựng và ban hành Thông tư quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng xử lý hóa chất bảo vệ thực vật, chất hữu cơ khó phân hủy tồn lưu theo mục đích sử dụng đất; đã triển khai 21/100 dự án ở 07 địa phương (Bắc Giang, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị). Trong số đó có 18 dự án đã hoàn thành trong năm 2014, còn lại 03 dự án được hỗ trợ năm 2015 đang tổ chức triển khai. Bên cạnh đó, Quỹ Môi trường toàn cầu thông qua dự án về tăng cường năng lực nhằm loại bỏ hóa chất bảo vệ thực vật POP(1) tồn lưu tại Việt Nam cũng đã hỗ trợ xử lý 09 điểm hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu tại các tỉnh Thái Nguyên, Nghệ An và Hà Tĩnh...

- Về thu gom, xử lý nước thải từ các đô thị loại II trở lên thuộc 03 lưu vực sông Cầu, sông Nhuệ - sông Đáy và hệ thống sông Đồng Nai, Chương trình đã hỗ trợ triển khai 02 dự án ở Thái Nguyên và Đồng Nai. Dự án tại Thái Nguyên đã hoàn thành 74% khối lượng công việc và sẽ hoàn thành trong năm 2015; riêng dự án thu gom, xử lý nước thải ở thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) mới khởi công xây dựng từ đầu năm 2014.

Các kết quả bước đầu của việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường đã góp phần xử lý một số vấn đề môi trường bức xúc tại các làng nghề, khắc phục ô nhiễm do hóa chất thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu ở một số địa phương và thu gom, xử lý nước thải từ các đô thị loại II trên lưu vực sông Cầu, sông Nhuệ - sông Đáy và hệ thống sông Đồng Nai.

Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu đang trực tiếp tác động nhiều mặt lên đời sống kinh tế - xã hội, môi trường ở nước ta. Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy, biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn so với dự báo và cảnh báo về việc Việt Nam là một trong số những nước chịu nhiều rủi ro trước tác động của biến đổi khí hậu. Đảng và Nhà nước ta chủ trương tiến hành các giải pháp đồng bộ và kịp thời để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Việc chuẩn bị các điều kiện, cơ sở ban đầu cho việc ứng phó cả về trước mắt và lâu dài, cả về thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu sẽ có ý nghĩa rất quan trọng để từng bước hình thành thế chủ động ứng phó trước những diễn biến nhanh, ngày càng phức tạp và khó lường của biến đổi khí hậu. Nước ta nằm ở vùng nhiệt đới gió mùa, trải dài trên nhiều vĩ tuyến, bờ biển dài, nhiều khu vực trũng sâu (đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng) dễ bị triều cường và xâm nhập mặn. Địa hình dốc ra biển, trên 60% lượng nước mặt bị chi phối bởi nguồn nước từ các lưu vực sông xuất phát từ bên ngoài lãnh thổ. Việc đánh giá đúng, đầy đủ các tác động của biến đổi khí hậu có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc lựa chọn các giải pháp ứng phó phù hợp và hiệu quả.

Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu được phê duyệt với 03 mục tiêu: 1- Đánh giá mức độ biến đổi khí hậu và nước biển dâng; 2- Xây dựng và triển khai các kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu; 3- Nâng cao năng lực, truyền thông và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình. Như vậy, Chương trình tập trung xây dựng, hình thành nên các điều kiện, cơ sở ban đầu để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu ở nước ta trong thời gian tới.

Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu có nhiệm vụ chỉ đạo thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu. Ban Chỉ đạo Chương trình và cơ quan chuyên trách quản lý Chương trình đã được thành lập ở một số địa phương. Hệ thống chỉ tiêu theo dõi, giám sát và đánh giá việc thực hiện Chương trình cũng đã được ban hành. Sau hơn 02 năm triển khai thực hiện, về cơ bản đã đạt các mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu mà Chương trình đề ra, cụ thể:

- Về đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố năm 2009 và cập nhật năm 2012 làm định hướng để các bộ, ngành, địa phương đánh giá tác động và xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, điều chỉnh các quy hoạch phát triển. Kịch bản đang tiếp tục được cập nhật để công bố vào cuối năm 2015. Bên cạnh đó, nhiệm vụ đánh giá địa động lực(2) hiện đại để hoàn thiện kịch bản biến đổi khí hậu và đề xuất giải pháp thích ứng ở đồng bằng sông Cửu Long cũng đã được triển khai, dự kiến cuối năm 2015 sẽ được hoàn thành.

- Về tạo lập hệ thống cơ sở dữ liệu về biến đổi khí hậu, nước biển dâng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai Dự án Xây dựng mô hình số độ cao(3) với độ chính xác cao ở khu vực đồng bằng và ven biển phục vụ nghiên cứu, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Hiện nay, đã hoàn thành việc xây dựng mô hình số độ cao với độ chính xác cao ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ và tỉnh Quảng Ninh, các tỉnh ven biển Trung Bộ và Đông Nam Bộ và khu vực các tỉnh Nam Bộ. Ngoài ra cũng đã hoàn thành nhiệm vụ về xác định tính chất, mức độ, xu hướng biến đổi lượng mưa do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tại một số vùng khô hạn ở Việt Nam và đề xuất giải pháp thích ứng; về xây dựng các bản đồ ngập lụt theo các kịch bản nước biển dâng và đánh giá ảnh hưởng của nước biển dâng có tính đến tác động cực đoan của các yếu tố khí tượng thủy văn(4), khí tượng thủy văn biển do biến đổi khí hậu đến phát triển kinh tế - xã hội ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long.

- Về xây dựng và triển khai các kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, trong khuôn khổ Chương trình Mục tiêu quốc gia, Kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2020 đã được xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đến nay, đã có 10/10 bộ và 62/63 địa phương ban hành kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Một số bộ, ngành, địa phương đã chủ động nghiên cứu việc lồng ghép ứng phó với biến đổi khí hậu vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các bộ, ngành, địa phương đã tập trung nghiên cứu, thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên cấp bách nhằm chủ động ứng phó, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đến lĩnh vực của mình, địa phương mình. Một số mô hình thí điểm ứng phó với biến đổi khí hậu trong các lĩnh vực ưu tiên đã được các bộ, ngành và địa phương nghiên cứu xây dựng, triển khai, như mô hình nhà đa năng tránh bão, lũ ở Quảng Nam; kè, kênh thủy lợi kết hợp đường giao thông nông thôn; mô hình xử lý nước mặn thành nước ngọt ở Bến Tre; trồng rừng ngập mặn ven biển, trồng rừng phòng hộ đầu nguồn kết hợp các giải pháp sinh kế cho người dân ở Thái Bình, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Ninh Thuận, Trà Vinh... Những dự án thí điểm này đã mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng và nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao của người dân và chính quyền các địa phương.

- Về tăng cường hợp tác quốc tế, Ban Công tác đàm phán của Việt Nam về biến đổi khí hậu đã được thành lập nhằm giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan trong đàm phán quốc tế về biến đổi khí hậu trên cơ sở bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của quốc gia, huy động các nguồn lực quốc tế hỗ trợ cho ứng phó với biến đổi khí hậu và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Việt Nam đã và đang tích cực thực hiện các nghĩa vụ của nước thành viên Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Nghị định thư Ky-ô-tô; đóng vai trò ngày càng tích cực và có trách nhiệm tại các diễn đàn, hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu. Thông qua đàm phán hợp tác quốc tế, Việt Nam đã huy động nhiều nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu. Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC) là ví dụ điển hình về tăng cường hợp tác quốc tế thời gian qua trong lĩnh vực này.

- Về nâng cao nhận thức của cộng đồng về biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan truyền thông đại chúng để tăng thời lượng, nội dung truyền thông về biến đổi khí hậu. Bộ Thông tin và Truyền thông hằng năm cũng đã triển khai sản xuất các phóng sự, phim tài liệu về biến đổi khí hậu phát trên sóng truyền hình và các báo, đài ở Trung ương. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai xây dựng chương trình biên soạn tài liệu lồng ghép các nội dung biến đổi khí hậu vào các môn học của các cấp. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng xây dựng giáo trình biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh phục vụ cho công tác đào tạo, tập huấn cán bộ quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương. Hai tỉnh thí điểm là Quảng Nam và Bến Tre đã thường xuyên đổi mới các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu, như triển khai các lớp đào tạo tuyên truyền viên, phát hành sổ tay, tờ rơi, sách và kịch bản tuyên truyền; tổ chức các buổi tập huấn, nói chuyện, cuộc thi, sân khấu hóa về biến đổi khí hậu, mở các chuyên mục trên báo, đài, phát sóng các phim tài liệu về biến đổi khí hậu... để thông tin rộng rãi nhằm nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu cho người dân địa phương.

Một số vấn đề đặt ra và hướng giải quyết trong thời gian tới

Một là, giảm số lượng chương trình, tập trung vào các mục tiêu chính để nâng cao hiệu quả đầu tư của các chương trình mục tiêu quốc gia. Quốc hội đã thảo luận, đánh giá kết quả 03 năm (2011 - 2013) thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 - 2015 với việc khẳng định những kết quả tích cực mà các chương trình mang lại. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình này, cần thu hẹp mục tiêu của các chương trình để tập trung nguồn vốn đầu tư, tránh dàn trải dẫn đến kém hiệu quả. Đây là những vấn đề mà các chương trình mục tiêu quốc gia triển khai trong nhiều giai đoạn đã gặp phải và cũng đã được nhìn nhận ở Chương trình Mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường và Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu. Mục tiêu, nhiệm vụ của các chương trình mục tiêu quốc gia quá lớn cả về nội dung và không gian thực hiện nên khó bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện theo kế hoạch. Thực tế vẫn còn phổ biến tình trạng ỷ lại, trông chờ vào nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, thiếu chủ động trong việc huy động các nguồn vốn khác từ các nhà tài trợ, từ xã hội hóa… Phần lớn các dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường được triển khai trên địa bàn các tỉnh, thành phố có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, việc huy động nguồn lực của các địa phương và từ các nguồn vốn khác rất hạn chế. Việc chưa có các cơ chế phù hợp để huy động các nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cũng là bất cập lớn nên các dự án chủ yếu vẫn trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước. Một số địa phương sử dụng không đúng mục đích nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia cũng làm cho các chương trình này không đạt được mục tiêu đề ra. Trong bối cảnh đó, chủ trương giảm bớt các chương trình mục tiêu quốc gia và thu hẹp các mục tiêu, nhiệm vụ để tập trung đầu tư thực hiện dứt điểm từng mục tiêu là cần thiết.

Hai là, đổi mới cơ chế quản lý, điều hành để thúc đẩy việc triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch và nâng cao hiệu quả đầu tư của các chương trình mục tiêu quốc gia. Qua thực tiễn triển khai các chương trình cho thấy, việc phân công trách nhiệm giữa các cơ quan Trung ương, phân cấp giữa Trung ương và địa phương về chỉ đạo, quản lý các chương trình này còn nhiều điểm bất hợp lý, chồng chéo. Từ đó dẫn đến những bất cập trong việc chỉ đạo, điều hành, phê duyệt, giám sát việc thực hiện và đánh giá kết quả đạt được. Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc rút gọn các chương trình mục tiêu quốc gia và hạn chế số lượng mục tiêu của từng chương trình là giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của các chương trình này. Hướng cải cách này có thể phát triển thêm một bước, tiến tới cả nước chỉ có 01 chương trình mục tiêu quốc gia với nhiều nhóm mục tiêu khác nhau với cơ chế tổ chức thực hiện chỉ có 01 ban chỉ đạo ở Trung ương, các ban quản lý ở các bộ, ngành và 01 tiểu ban chỉ đạo, 01 tiểu ban quản lý ở các địa phương. Theo đó, ban chỉ đạo ở Trung ương sẽ chỉ đạo toàn diện việc thực hiện các nhóm mục tiêu quốc gia, qua đó sẽ giảm được sự chồng chéo, trùng lắp và tạo cơ hội kết hợp nguồn lực trong việc thực hiện các nhóm mục tiêu với nhau. Cơ chế này sẽ góp phần thực hiện tốt việc lồng ghép các mục tiêu quan trọng của các chương trình mục tiêu quốc gia, tạo tính thống nhất, đồng bộ.

Ba là, thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020 đối với các chương trình mục tiêu quốc gia. Tại Chỉ thị số 23/CT-TTg, ngày 05-8-2014, về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị trong giai đoạn 2016 - 2020 chỉ thực hiện 02 Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và về xây dựng nông thôn mới. Như vậy, Chương trình Mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường và Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ không được thực hiện trong giai đoạn tiếp theo. Đây là thách thức lớn đối với các chương trình mục tiêu quốc gia vừa mới được phê duyệt thực hiện trong thời gian gần đây. Đối với Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, tổng số vốn bố trí đến hết năm 2015 dự kiến đạt hơn 77% nên hầu hết các dự án có thể kết thúc trong năm 2015. Với Chương trình Mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường, tổng số vốn đến hết năm 2015 do ngân sách trung ương cấp chỉ đạt 19,4%, do ngân sách địa phương cấp chỉ đạt 8,4%. Hầu hết các dự án mới triển khai, thậm chí có dự án vừa được phê duyệt, nên các dự án này cần phải tiếp tục thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020. Theo Chỉ thị số 23/CT-TTg, một số dự án có mục tiêu phù hợp có thể phối hợp trong 02 Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và về xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, nhiều dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường không thể kết hợp với các Chương trình Mục tiêu quốc gia này. Như đã phân tích ở trên, Chương trình Mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tập trung giải quyết những điểm môi trường bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng, việc chậm giải quyết sẽ để lại hậu quả khó lường, trong nhiều trường hợp sẽ gây ra những hệ lụy về dịch bệnh, sức khỏe của người dân và nhiều vấn đề nan giải khác. Vì vậy, cần phải tìm một giải pháp hợp lý, khả thi và bền vững cho việc thực hiện các mục tiêu của Chương trình Mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tiếp tục thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia dưới hình thức chương trình mục tiêu khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường với các mục tiêu, nhiệm vụ mà Chương trình Mục tiêu quốc gia đã đặt ra. Tương tự, hướng xử lý đối với Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, cần tập trung nguồn lực ứng phó với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long, khu vực chịu nhiều tác động bất lợi nhất từ biến đổi khí hậu.

                                              *
                                           *    *

Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường đang nổi lên là những vấn đề lớn mà nước ta đang phải đối mặt. Các Chương trình Mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường và về ứng phó với biến đổi khí hậu đã xác định những mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách phải sớm tổ chức thực hiện nhằm hạn chế tối đa các tác động bất lợi đến phát triển kinh tế - xã hội và sức khỏe của nhân dân. Qua hơn 02 năm triển khai thực hiện, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn về nguồn vốn, những bất cập trong cơ chế quản lý và điều hành, các chương trình này đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần từng bước loại bỏ các điểm ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng; chuẩn bị điều kiện, cơ sở ban đầu để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh Quốc hội và Chính phủ chủ trương đổi mới cơ chế thực hiện, quản lý và điều hành các chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng thu gọn số lượng chương trình và giảm bớt các mục tiêu để nâng cao hiệu quả của các chương trình này thì Chương trình Mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường và về ứng phó với biến đổi khí hậu cũng cần được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình và chủ trương mới theo hướng kết hợp giữa các mục tiêu của các chương trình này với các Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và về xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, cần tìm một lối ra hợp lý, khả thi và bền vững cho việc thực hiện các mục tiêu khác của Chương trình Mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu bảo đảm các mục tiêu này được thực hiện góp phần phát triển bền vững đất nước./.

----------------------------------------------

(1) Chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (gọi tắt là POP) là hóa chất độc hại, tồn tại bền vững trong môi trường, có khả năng phát tán rộng, tích lũy sinh học trong các hệ sinh thái trên cạn và dưới nước ở gần và cả những nơi rất xa nguồn phát thải chúng, gây tác hại nghiêm trọng cho sức khỏe con người và môi trường

(2) Địa động lực là động lực của Trái đất

(3) Mô hình số độ cao (Digital Elevation Model - DEM) biểu thị bằng số về sự biến thiên liên tục độ cao của địa hình trên một vùng không gian

(4) Khí tượng (hay Khí tượng học, Meteorology có nguồn gốc từ tiếng Hy-Lạp “μετεωρΟλόγια”, có nghĩa là “khoa học về các hiện tượng khí quyển”) là khoa học nghiên cứu các quá trình và các hiện tượng của khí quyển, các hiện tượng thời tiết và khí hậu. Thủy văn (hay Thủy văn học, Hydrology có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp “Yδρoλoγια” có nghĩa là khoa học về nước) là khoa học nghiên cứu về tính chất, sự chuyển động và phân bố của nước (thể lỏng và thể rắn) trên toàn bộ Trái đất