TCCSĐT - Đề án Kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển ở tỉnh Thừa Thiên Huế (Đề án 52) được triển khai từ nửa cuối năm 2009 theo lộ trình chung của cả nước đã đạt được kết quả bước đầu. Nhưng thực sự các khâu công tác quan trọng được thực hiện và đem lại hiệu quả rõ rệt là từ đầu năm 2010 mà trước hết là việc nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý Đề án.
 
Những vấn đề đặt ra từ đặc điểm, đặc thù riêng của tỉnh được nhận diện. Vì vậy, ngay từ đầu năm, Ban quản lý Đề án 52 của tỉnh đã tổ chức hội nghị và hội thảo về Đề án với các đơn vị vùng biển, đảo và ven biển được triển khai. Khâu kiểm tra, giám sát, đánh giá tại các huyện, xã, phường, thị trấn (35 lượt) đã giúp thu thập thông tin khá chuẩn xác trên địa bàn 7 huyện triển khai Đề án. Các cuộc điều tra, khảo sát được xây dựng đề cương trước, chủ động đặt ra các yêu cầu, nội dung cần thực hiện giúp cho thu thập thông tin liên quan đến sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình tại cơ sở nhanh và chính xác.

Nguồn ngân sách được trung ương hỗ trợ thực hiện Đề án 52 được báo cáo đầy đủ, minh bạch và được phân bổ sớm cho các địa phương, cơ sở vùng biển, ven biển, đầm phá, vạn đò, cửa sông căn cứ theo các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch, các hoạt động cụ thể của chương trình.

Từ khi triển khai Đề án đến nay, đã thành lập được 7 đội lưu động y tế - kế hoạch hóa gia đình gồm 54 cán bộ là hạt nhân hoạt động tại địa bàn các xã, cụm xã. Tỉnh đã tổ chức tập huấn, đào tạo chuyên môn kỹ thuật cho 271 cán bộ, cộng tác viên. Lực lượng này trong năm đã thực hiện 220 lượt truyền thông, tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em- kế hoạch hóa gia đình lưu động ở các điểm dân cư cố định và nơi biến động như các vùng đầm, phá; tổ chức tư vấn được 14.000 lượt, khám phụ khoa cho 15.750 lượt phụ nữ và điều trị bệnh cho 9.166 lượt phụ nữ mắc bệnh. Đặc biệt, tỉnh đã xây dựng mô hình phối hợp với quân - dân y cung cấp dịch vụ được hơn 100 lượt, góp phần mở rộng và nâng cao việc chăm sóc bà mẹ trẻ em - kế hoạch hóa gia đình. Để có được một “cơ cấu dân số vàng” một cách bền vững thì một loạt biện pháp cần được tiến hành đồng bộ, kiên trì với sự tham gia tích cực của nhiều lực lượng xã hội, trong đó đội ngũ những người làm chuyên môn về dân số kế hoạch hóa gia đình là người đi trước để vừa làm tư vấn, cung cấp dịch vụ và tham gia can thiệp bằng các kỹ năng chuyên môn. Thừa Thiên Huế trong năm 2010 đã chú trọng khâu nâng cao chất lượng dân số từ khi sinh thông qua việc tư vấn cho các bà mẹ mang thai, phát hiện và điều trị cho các bà mẹ mang thai trong bối cảnh có nguy cơ cao như có bệnh tiền sử, có con dị tật, dị dạng, nhiễm chất độc da cao dioxin… Các đội Y tế - kế hoạch hóa gia đình trong khôn khổ của Chương trình thực hiện Đề án cũng đã tích cực tư vấn, trao đổi và xét nghiệm, chẩn đoán và can thiệp chữa cho nhóm đối tượng có chồng đang trong độ tuổi sinh đẻ và mở rộng ra nhóm phụ nữ tuổi vị thành niên. Chương trình đã tư vấn 2.160 lượt cho các bà mẹ mang thai, trong đó phát hiện và điều trị được 108 bà mẹ mang thai có các yếu tố nguy cơ cao và cung cấp gói đẻ sạch cho 42 bà mẹ mang thai. Về chống bệnh nhiễm khuẩn đường sinh dục, bệnh lây truyền qua đường tình dục, phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn, phá thai an toàn,đã tư vấn cho 322 phụ nữ từ 15-49 tuổi, làm xét nghiệm 1000 ca, làm phiến đồ âm đạo 400 ca và khám phụ khoa 4.050 lượt phụ nữ có chồng và điều trị cho 2.400 lượt phụ nữ mắc các bệnh phụ khoa thông thường.

Thừa Thiên Huế có 7/9 đơn vị cấp huyện, thành phố thuộc tỉnh được thụ hưởng Chương trình của Đề án 52. Là tỉnh miền Trung có những đặc điểm khá riêng biệt. Mật độ dân cư cao ( trên 329 người/km2); cư dân chủ yếu gắn với nghề biển, sống ven biển và trên sông nước độ ổn định không cao, nhiều vùng đầm phá, nhiều làng vạn đò tách biệt, nhu cầu sinh con trai vẫn rất lớn; tỷ số giới tính khi sinh 116 bé trai/100 bé gái, tổng tỷ suất sinh 2,5, tỷ suất sinh thô 16%, trong khi số người áp dụng biện pháp tránh thai chỉ đạt 69,7%; thành phố Huế lại là thành phố du lịch, di sản văn hóa thế giới…nên dân cư di chuyển nhiều, khó kiểm soát. Đội ngũ người làm công tác dân số lại chưa ổn định, chỉ mới có 40/120 cán bộ dân số được biên chế, số còn lại đang cần sự hỗ trợ tích cực hơn từ phía cơ quan quản lý Nhà nước… Bức tranh dân số vừa nêu đã nói lên những thách thức trong công tác kiểm soát nâng cao chất lượng dân số và phát triển nguồn nhân lực trong tương lai. Đề án Kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển của Chính phủ được áp dụng là một thuận lợi rất cơ bản, đã có kết quả bước đầu nhưng cần phải tiếp tục thực hiện sâu sát, hiệu quả và quyết liệt hơn, nhất là tại vùng biển, ven biển, đầm phá và vạn đò./.