TCCSĐT - Ngày 13-4-2015, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố Báo cáo cập nhật kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, theo đó tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2015 của các quốc gia đang phát triển ở khu vực này được dự báo sẽ giảm nhẹ trong bối cảnh giá dầu giảm và kinh tế tiếp tục phục hồi tại các nước phát triển.

Tăng trưởng và những thách thức đối với tăng trưởng kinh tế của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương

Các nền kinh tế đang phát triển khu vực Đông Á được dự báo tăng trưởng 6,7% trong năm 2015 và 2016, giảm nhẹ so với tốc độ 6,9% trong năm 2014. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc dự kiến sẽ chậm lại ở mức khoảng 7% trong hai năm tới so với tốc độ tăng trưởng 7,4% trong năm 2014. Dự kiến tăng trưởng ở các nền kinh tế đang phát triển còn lại của khu vực Đông Á tăng thêm nửa điểm phần trăm, đạt 5,1% vào năm 2015, chủ yếu do cầu nội địa ở các nền kinh tế Đông Nam Á lớn - nhờ vào tâm lý lạc quan của người tiêu dùng và giá dầu giảm. Một vài nền kinh tế nhỏ hơn, đặc biệt là những nước chuyên xuất khẩu hàng hóa thô, như Mông Cổ, sẽ có tốc độ tăng trưởng thấp hơn.

Phó Chủ tịch phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của WB, A. trót-xen-bớc (Axel van Trotsenburg), nhận xét, mặc dù tăng trưởng chậm lại đôi chút ở Đông Á, nhưng khu vực này vẫn đóng góp một phần ba tăng trưởng toàn cầu, gấp hai lần so với tổng mức đóng góp của tất cả các khu vực đang phát triển khác cộng lại. Giá dầu giảm sẽ kích thích cầu nội địa ở phần lớn các quốc gia trong khu vực và đem lại cho các nhà hoạch định chính sách cơ hội có một không hai để thúc đẩy các cải cách tài khóa, giúp tăng thu ngân sách và tái định hướng chi tiêu công theo hướng tập trung vào kết cấu hạ tầng và các chi tiêu khác để nâng cao năng lực sản xuất. Những cải cách này có thể sẽ cải thiện năng lực cạnh tranh của khu vực Đông Á, giúp khu vực này duy trì vị thế là động cơ tăng trưởng kinh tế của thế giới.

Tuy nhiên, những khó khăn mà nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt sẽ tiếp tục tạo ra những rủi ro đối với các nền kinh tế đã hội nhập toàn cầu của khu vực Đông Á. Sự phục hồi kinh tế ở các quốc gia thu nhập cao vẫn còn chậm và không đồng đều; sự suy thoái ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu và Nhật Bản sẽ làm suy yếu thương mại toàn cầu. Việc lãi suất tại Mỹ tăng và đồng đô-la Mỹ lên giá, cùng với các định hướng chính sách tiền tệ rất khác nhau giữa các nền kinh tế phát triển, có thể sẽ làm tăng chi phí đi vay, tạo ra biến động tài chính và giảm dòng vốn chảy vào Đông Á. Việc đồng đô-la Mỹ tiếp tục mạnh lên so với các đồng tiền chủ chốt khác có thể gây tổn hại đến những nền kinh tế trong khu vực có mức độ đô-la hóa cao.

Kinh tế trưởng khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của WB, S. Sét-ti (Sudhir Shetty), cho biết, khu vực Đông Á - Thái Bình Dương đã tăng trưởng tốt trong thời gian qua, bất chấp sự phục hồi thiếu ổn định trên toàn cầu từ sau cuộc khủng hoảng tài chính, tuy nhiên khu vực này vẫn đối mặt với nhiều rủi ro, cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn. Để khắc phục hạn chế này, vấn đề mấu chốt là cải thiện chính sách tài khóa. Với giá dầu xuống thấp, các quốc gia - dù là xuất khẩu hay nhập khẩu dầu - đều nên cải cách cơ chế định giá năng lượng của mình để có được những chính sách tài khóa bền vững và công bằng hơn.

Theo Báo cáo, ở đa số các nền kinh tế Đông Á có quy mô lớn hơn, các nỗ lực cải thiện thu ngân sách và tái cấu trúc chi ngân sách có thể giúp khắc phục sự thiếu hụt trong đầu tư kết cấu hạ tầng và tạo nguồn kinh phí cho các chương trình bảo hiểm và an sinh xã hội, vốn là những nội dung chịu nhiều áp lực do tốc độ già hóa dân số nhanh trong khu vực.

Báo cáo nhấn mạnh, việc giá dầu giảm tạo ra cơ hội cho các chính phủ trong việc cắt giảm trợ giá nhiên liệu và tăng thuế năng lượng. Ở phần lớn các nước trong khu vực, trợ giá nhiên liệu và các miễn giảm thuế liên quan đã gây khó khăn cho tài chính công và làm suy yếu cán cân vãng lai. Một số quốc gia, như In-đô-nê-xi-a và Ma-lai-xi-a, gần đây đã tiến hành cắt giảm trợ giá nhiên liệu. Ông X. Sét-ty cho rằng, đà cắt giảm trợ giá nhiên liệu này phải tiếp tục được duy trì và mở rộng, ngay cả nếu giá dầu bắt đầu phục hồi.

Trong thời gian tới, tăng trưởng toàn cầu dự kiến sẽ tăng nhẹ, từ mức 2,5% giai đoạn 2012 - 2014 lên 3,1% giai đoạn 2015 - 2017. Tăng trưởng ở các nền kinh tế thu nhập cao sẽ tiếp tục tăng từ 1,7% năm 2014 lên mức trung bình 2,2% giai đoạn 2015 - 2017. Sự hồi phục dần dần của các nền kinh tế thu nhập cao, cùng với xu hướng suy giảm giá nhiên liệu kéo dài, sẽ giúp các nền kinh tế đang phát triển khu vực Đông Á - Thái Bình Dương duy trì kết quả tăng trưởng. Tăng trưởng của toàn khu vực sẽ giảm nhẹ trong năm 2015 từ 6,9% xuống 6,7% và sau đó sẽ ổn định. Ở các nước đang phát triển khu vực Đông Á - Thái Bình Dương (trừ Trung Quốc), tốc độ tăng trưởng sẽ tăng thêm nửa điểm phần trăm năm 2015 và tăng thêm 0,3 điểm phần trăm vào năm 2017, chủ yếu được dẫn dắt bởi các nền kinh tế lớn của ASEAN. Tại Trung Quốc, tăng trưởng sẽ tiếp tục giảm tốc từ 7,1% năm 2015 xuống còn 6,9% năm 2017, phản ánh sự dần chuyển dịch sang định hướng tăng trưởng bền vững hơn. Ở những nước đang phát triển còn lại của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, tăng trưởng kinh tế sẽ khởi sắc, phản ánh sự hồi phục trong cả đầu tư lẫn tiêu dùng, một phần nhờ vào giá nhiên liệu giảm, bất chấp việc tăng trưởng xuất khẩu sẽ bị kìm hãm bởi xu hướng tỷ giá thực gia tăng đang diễn ra hiện nay. Giá nhiên liệu thấp sẽ đem lại lợi ích cho khu vực Đông Á - Thái Bình Dương nói chung, nhưng tác động ở mỗi quốc gia là rất khác nhau, tùy thuộc vào quy mô nhập khẩu nhiên liệu ròng, cường độ sử dụng năng lượng trong sản xuất và tỷ trọng của dầu và khí đốt trong tổng tiêu thụ năng lượng. Cam-pu-chia, Lào, Phi-lip-pin, Thái Lan và các đảo quốc Thái Bình Dương là những nước sẽ hưởng lợi đáng kể. Ngược lại, Ma-lai-xi-a và Pa-pua Niu Ghi-nê sẽ gánh chịu những tổn thất nhỏ về GDP. Ở In-đô-nê-xi-a, tác động ròng sẽ phụ thuộc vào việc giá than và khí đốt xuất khẩu sẽ biến động như thế nào theo giá dầu.

Kinh tế Việt Nam khởi sắc trở lại

Sau một số khó khăn hồi giữa năm 2014, kinh tế Việt Nam đã khởi sắc trở lại và tăng trưởng cuối năm đã vượt mức kỳ vọng. Cốt lõi của sự khởi sắc này là các chỉ số kinh tế vĩ mô cơ bản đã được cải thiện. Tỷ lệ nghèo tiếp tục giảm đáng kể, tới một mức độ mà nghèo cùng cực hầu như đã được xóa bỏ. Tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam làm giảm đáng kể tình trạng nghèo và đem lại sự thịnh vượng chung. Bất bình đẳng được tính bằng hệ số Gini đã tăng nhẹ trong giai đoạn đầu thập niên 90 của thế kỷ XX cho đến năm 2004, sau đó ổn định và giảm nhẹ trong những năm 2010 - 2012.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang phải đối diện với một số thách thức. Đó là, mặc dù tăng trưởng đã được cải thiện, kinh tế Việt Nam vẫn phát triển dưới mức tiềm năng do sự chậm trễ trong những cải cách cơ cấu và sự bất trắc trên toàn cầu. Hơn nữa, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều câu hỏi quan trọng, như làm thế nào để kiềm chế mức nợ công đang tăng lên, và làm thế nào để bảo đảm một môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong nước.

WB dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 6% trong năm 2015, tăng 0,5 điểm phần trăm so với mức dự báo hồi tháng 10-2014. Con số 6% dự báo của WB vẫn thấp hơn một chút so với mục tiêu tăng trưởng 6,2% do Chính phủ đặt ra trong năm nay. Trong 2 năm 2016 và 2017, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng được WB điều chỉnh tăng lên mức 6,2% và 6,5%.

WB cho rằng, lạm phát trong năm 2015 của Việt Nam được dự báo sẽ ở mức vừa phải do giá lương thực và nhiên liệu toàn cầu ở mức thấp và cầu tư nhân trong nước phục hồi. Xuất khẩu tăng mạnh và kiều hối ổn định là yếu tố giúp cán cân vãng lai tiếp tục thặng dư, mặc dù quy mô thặng dư sẽ giảm do kinh tế khởi sắc kéo theo nhập khẩu gia tăng. WB khuyến nghị: “Thâm hụt tài khóa sẽ giảm xuống 4% GDP vào năm 2017 cho thấy sự cần thiết phải tiến hành củng cố tài khóa trong trung hạn và đồng thời phải có một kế hoạch đáng tin cậy nhằm củng cố tình hình tài chính của các doanh nghiệp nhà nước và các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước để bảo đảm tính bền vững của nợ công”.

Theo WB, yếu tố thuận lợi là các hiệp định thương mại đang đàm phán có thể đem lại cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam vươn ra các thị trường bên ngoài rộng hơn và giàu có hơn. Những cải cách trong nước, bao gồm việc củng cố tài khóa trung hạn, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và những nỗ lực đổi mới khu vực ngân hàng, doanh nghiệp với quyết tâm cao hơn, rõ ràng hơn, sẽ phát những tín hiệu quan trọng tới nhà đầu tư trong nước và quốc tế và đặt nền móng cho tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong tương lai./.