Kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: Nhiều hoạt động ý nghĩa
Nặng lòng với quá khứ, trách nhiệm với tương lai
Ẩn sâu trong con người ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông là sự nhiệt thành với đồng đội, nặng lòng với quá khứ và trách nhiệm với tương lai.
Quê Nghệ An, vào chiến trường miền Đông Nam Bộ từ năm 1968, thời gian tham gia quân ngũ của ông trọn vẹn từ năm 1968 đến khi đất nước hoàn toàn giải phóng, năm 1975 . Ông Hợp cho rằng mình may mắn khi có mặt ở Sài Gòn trong giờ phút chiến thắng lịch sử của cả dân tộc. Cảm giác hòa chung trong dòng người mừng chiến thắng với ông khi đó không thể tả hết thành lời.
Đến nay đã tròn 40 năm đất nước hòa bình, thống nhất nhưng ông luôn nâng niu, gìn giữ những kỷ vật của một thời khói lửa. Bức ảnh đen trắng chụp cùng đồng đội ở chiến trường Tây Ninh (8 người nay chỉ còn 2) đã xỉn màu và xuất hiện cả những vết ố vẫn được ông treo trang trọng tại phòng làm việc tại Hội truyền thông số Việt Nam . “Tiểu đoàn của tôi đi B có 516 người, kết thúc chiến tranh tìm được nhau còn 51 người, đến giờ phút này còn lại 27 người”. Giọng ông trầm hẳn khi tưởng nhớ những đồng đội đã khuất và càng trở nên tư lự hơn khi nhắc đến những người đồng đội đang sống, chật vật đối mặt với muôn nẻo khó khăn đời thường để mưu sinh, lo lắng cho gia đình, vợ con...
Ông luôn trân trọng những năm tháng sống, chiến đấu cùng đồng đội trong kháng chiến chống Mỹ. Với riêng ông, những người lính bộ đội Cụ Hồ là thế hệ “vàng” của Quân đội nhân dân Việt Nam với 5 cái nhất: chiến đấu gian khổ, hy sinh ác liệt nhất; tình người đẹp nhất; tình cảm quốc tế trong sáng nhất; trách nhiệm với nhân dân và Tổ quốc là cao nhất và hưởng thụ thấp nhất. Cũng vì suy nghĩ này, từ khi về hưu, ông Lê Doãn Hợp cùng Ban liên lạc bạn chiến đấu Sư đoàn 5 thường tổ chức gặp mặt các đồng đội đi B còn sống và kêu gọi ủng hộ, giúp đỡ các gia đình đồng đội còn khó khăn. Ba năm qua, Ban liên lạc đã quyên góp, xây dựng được 36 ngôi nhà tình nghĩa cho các gia đình có đồng đội đã hy sinh... Càng làm, ông càng thấy như mình đuối sức bởi còn quá nhiều những gia đình đồng đội nghèo khó cần giúp đỡ. Với ông, thêm một gia đình đồng đội đỡ khổ là mình có thêm một niềm vui, thế nên ông càng thêm gắng sức. Hiện 3 đối tượng được ông cùng đồng đội trong Ban liên lạc ưu tiên làm nhà tặng trước là: Đồng đội đã hy sinh có cha mẹ quá nghèo, đồng đội đang sống nhưng có con bị ảnh hưởng chất độc da cam và thương bệnh binh nặng.
Ngoài làm từ thiện, ông Lê Doãn Hợp còn làm việc ở Hội Truyền thông số Việt Nam và dành thời gian viết sách. Hiện ông là chủ biên bộ sách “Ký ức người lính”, là tác giả của hai cuốn “100 điều đúc rút từ thực tiễn” và “Tháng năm còn mãi”. Những ấn phẩm này mới xuất bản nhưng được nhiều độc giả đón đọc.
Là người rất thích đọc sách, nhất là sách lịch sử, văn hóa, sách viết về các cuộc chiến tranh, cựu Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho rằng, sau 40 năm, Việt Nam chưa có được những tác phẩm khái quát toàn bộ cuộc kháng chiến trường kỳ của cả dân tộc. “Những chiến công, kỳ tích vẻ vang của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cứ lặng lẽ cùng những nhân chứng lịch sử đi vào lòng đất. Bộ sách “Ký ức người lính” ra đời để những giá trị tư liệu vô giá của dân tộc không bị chôn vùi vĩnh viễn” - ông Hợp chia sẻ về ý tưởng hình thành bộ sách tâm huyết của mình.
Để thực hiện ý tưởng đó, từ năm 2006, khi đang là Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin, ông đã có đề xuất phát động một cuộc thi viết, nói và kể lại những mẩu chuyện sâu sắc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nghỉ hưu, ông lao vào làm bộ sách “Ký ức người lính” với suy nghĩ “làm cho những người đã khuất, cho những người có công và cho cả thế hệ mai sau”. Thời điểm đó, ông đi lại như con thoi để kết nối các cơ quan có liên quan, vận động những đơn vị, cá nhân quan tâm ủng hộ. Sau hơn 2 năm, đã có 2 tập của bộ sách "Ký ức người lính", mỗi tập gần 600 trang, được xuất bản. Cuốn sách thứ 3 dự kiến ra mắt bạn đọc dịp 30-4 này. “Phấn đấu mỗi năm hai tập, tối thiểu là 1 tập. Chúng tôi làm theo cách lấy ngắn nuôi dài, hy vọng bộ sách sẽ có vài ba chục tập được xuất bản ”- ông Hợp hào hứng.
Thời làm Bộ trưởng, ông từng đi nhiều nơi, đến nhiều nước. Ở mỗi nước, ông đều nhận thấy sự ngưỡng mộ, trân trọng của bạn bè quốc tế đối với đại diện đến từ Việt Nam. Ông cho rằng đó là hào quang của dân tộc, hào quang của những người đã khuất và ông tự hào về điều đó.
Tự hào về quá khứ, ông Lê Doãn Hợp cũng băn khoăn vì thế hệ trẻ ngày nay dường như chưa thực sự quan tâm đúng mức đến truyền thống, giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc mà cha ông ngàn đời xây dựng, bồi đắp. Ông dẫn lời nhà văn Nguyễn Huy Tưởng: “Những ai không quan tâm đến lịch sử, truyền thống, văn hóa của dân tộc thì chẳng khác gì một con trâu cày ruộng nào cũng được và cày với ai cũng được”. Sau nhiều trăn trở, ông quyết định dành nhiều thời gian đến các trường đại học, các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp truyền thông số để nói chuyện với những người trẻ tuổi, tương lai của đất nước. Ông bảo đấy là việc cần thiết phải làm để truyền lửa cho thế hệ trẻ, giúp họ làm nghề tốt hơn, làm chủ bản thân và đóng góp cho đất nước hiệu quả hơn.
Tái hiện lại Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử
Chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 04-4 tại Công viên 23-9 (quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình Hội quân “Em là chiến sỹ nhỏ thành phố Bác Hồ” năm 2015 với sự tham gia của hàng ngàn thiếu nhi đến từ 24 quận, huyện trên địa bàn thành phố.
Chương trình diễn ra với nhiều nội dung hấp dẫn dành cho các bạn nhỏ như sân khấu hóa tái hiện chiến thắng lịch sử của Chiến dịch Hồ Chí Minh tiến đến giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và những đóng góp của đội viên, thiếu nhi thành phố trong chiến thắng vĩ đại của cả dân tộc; diễu hành tái hiện các lực lượng binh chủng; biểu diễn đội hình trống kèn tập thể của thiếu nhi, đội viên thành phố; Hội thi nghi thức Đội, Liên hoan Tiếng kèn Đội ta; Liên hoan Nhịp điệu Măng non...
Bên cạnh đó, các bạn nhỏ cũng được tham gia các trò chơi tìm hiểu lịch sử, truyền thống đấu tranh cách mạng và chiến thắng vẻ vang của dân tộc Việt Nam; ký tên lưu niệm tại khu vực tuyên truyền ủng hộ bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam và ủng hộ vào quỹ tiết kiệm “Heo đất tặng bạn;” giao lưu hát các ca khúc cách mạng truyền thống; làm sản phẩm, viết thư thăm hỏi các cô chú cựu chiến binh, các chú bộ đội nhân dịp 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Các hoạt động sôi nổi tại chương trình nhằm giáo dục lịch sử, truyền thống đấu tranh của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là chiến thắng lịch sử vĩ đại của dân tộc, đã khơi dậy và tăng cường tình yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam trong đội viên, thiếu nhi thành phố.
Đồng thời, chương trình cũng tạo môi trường thể hiện tính tự quản của tổ chức Đội, giúp các em có dịp giao lưu, học hỏi và trao đổi các kinh nghiệm trong học tập, tổ chức phong trào, hoạt động công tác Đội, góp phần xây dựng tổ chức Đội phát triển bền vững và có sức lan tỏa tích cực trong xã hội./.
Chủ tịch Quốc hội Lào kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Việt Nam  (04/04/2015)
Hội Luật gia Việt Nam kỷ niệm 60 năm thành lập  (04/04/2015)
Thủy điện Sơn La đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì  (04/04/2015)
Hoàn thiện dự thảo Đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VII  (04/04/2015)
Thư cảm ơn Việt Nam của Ban Tổ chức Đại hội đồng IPU-132  (04/04/2015)
Sơn La cần mạnh dạn xã hội hóa đầu tư  (04/04/2015)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên