Khởi công nhiều công trình giao thông quan trọng

NĐ tổng hợp
23:13, ngày 18-01-2015
TCCSĐT - Trong hai ngày cuối tuần, trên cả nước đã tiến hành động thổ, khởi công nhiều công trình hạ tầng giao thông quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Động thổ xây dựng nút giao Trung Hòa-Đại lộ Thăng Long

Sáng ngày 18-01, liên danh nhà thầu Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kỹ thuật và xây dựng HANSHIN đã tổ chức lễ động thổ gói thầu số 4 xây dựng nút giao Trung Hòa thuộc tiểu dự án xây dựng hoàn thành nút giao Trung Hòa, dự án xây dựng đường vành đai 3, giai đoạn 2 đoạn Mai Dịch-Bắc Linh Đàm.

Theo ông Vũ Xuân Hòa, Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long (đại diện chủ đầu tư dự án), kinh phí mở rộng xây dựng hoàn chỉnh nút giao Trung Hòa lấy từ nguồn vốn dư còn lại của dự án xây dựng giai đoạn 2 đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch-Bắc hồ Linh Đàm (với khoản vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam).

Tổng mức đầu tư của dự án là 1.087 tỷ đồng trong đó giá trị gói thầu xây lắp là 689,5 tỷ đồng.

Nút giao Trung Hòa nằm tại điểm đầu Đại lộ Thăng Long, là nút giao cắt giữa đường vành đai 3 với Đại lộ Thăng Long, đường Trần Duy Hưng thuộc phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

Phạm vi dự án theo hướng Đại lộ Thăng Long-đường Trần Duy Hưng từ km3+382,03 đến km 1+328,15 (ngã tư Trần Duy Hưng-Hoàng Minh Giám) theo lý trình Đại lộ Thăng Long. Theo hướng đường Phạm Hùng-Khuất Duy Tiến từ km 22+905,380 đến km 23+634,16 (vị trí kết thúc đường nhánh dẫn lên xuống cầu cạn), theo lý trình đường vành đai 3.

Quy mô dự án bao gồm xây dựng 2 hầm chui thông theo 2 chiều giao thông, hướng Đại lộ Thăng Long-đường Trần Duy Hưng-Hoàng Minh Giám. Mỗi hầm có 3 làn xe cơ giới rộng 3,5m/làn. Chiều dài phần hầm kín, hầm hở và đường dẫn vào hầm khoảng 691,8m (trong đó hầm kín dài 120m, hầm hở dài 488m, đường dẫn vào hầm dài 83,8m).

Kết cấu móng hầm được sử dụng bao gồm: kết cấu móng cọc khoan nhồi, kết cấu móng cọc bê tông cốt thép, kết cấu móng nông được gia cố nền bằng cọc đất gia cố xi măng thi công theo công nghệ khoan phụt cao áp.

Theo đánh giá, đây là đầu mối giao thông quan trọng nhất của Đại lộ Thăng Long nối với đường vành đai 3 và đường Trần Duy Hưng, nút giao có tính chất kết nối giữa Trung tâm thủ đô Hà Nội với khu vực phía Tây của thành phố và qua các nút giao có các dòng xe từ các tuyến giao thông trục chính phía Đông Bắc như Hà Nội-Hải Phòng, Hà Nội-Lạng Sơn đi qua đường Vành đai 3 lên khu công nghệ cao Hòa Lạc, đi Hòa Bình và ngược lại.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết, đây là nút giao quan trọng nối Đại lộ Thăng Long với đường Trần Duy Hưng. Trong nhiều năm qua, nhân dân thủ đô và Chính phủ đã ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của Bộ Giao thông Vận tải xây dựng hệ thống hạ tầng thủ đô khang trang hiện đại như hiện nay.

Do xây dựng nút giao này gần các công trình trọng điểm, Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng cũng cho biết thêm, Bộ Giao thông Vận tải đã cho xây dựng cầu vượt thép tại nút giao Hoàng Minh Giám-Trần Duy Hưng đồng thời xén giải phân cách đường Trần Duy Hưng, tăng chiều rộng mặt cắt đường để đảm bảo thi công nút giao này.

Phát biểu tại lễ động thổ, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, dự án đường vành đai 3 giai đoạn 2 đã được đưa vào khai thác và góp phần trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm ùn tắc giao thông.

Từ nguồn vốn dư của dự án, để xây dựng các dự án khác, được sự đồng ý của Chính phủ, đã xây dựng nút giao Quốc lộ 5, nút giao hầm chui Thanh Xuân và tiếp tục xây dựng hầm chui nút giao Trung Hòa.

Trong quá trình xây dựng nút giao phức tạp, để đảm bảo tiến độ, chất lượng, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng yêu cầu quận Cầu Giấy và Công an thành phố Hà Nội phân luồng tuyến an toàn. Sau Tết âm lịch, nút giao sẽ được thi công.

“Liên danh nhà thầu Cienco 4 và HANSHIN phối hợp với chính quyền địa phương có dự án đi qua để đảm bảo an toàn lao động tận dụng thời tiết để rút ngắn thời gian thi công xuống còn 13-14 tháng (so với tiến độ 18 tháng đề ra) nhằm tiết kiệm chi phí,” Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nói.

Khởi công xây dựng sân bay Phan Thiết theo hình thức BOT

Ngày 18-01, Bộ Quốc phòng phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận tổ chức khởi công xây dựng sân bay Phan Thiết tại xã Thiện Nghiệp (thành phố Phan Thiết, Bình Thuận) theo hình thức BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) đầu tiên trong cả nước.

Sân bay Phan Thiết có tổng diện tích trong hai giai đoạn xây dựng là 543ha, có chức năng phục vụ bay taxi, bay hàng không chung, bay phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn…

Giai đoạn một - từ nay đến năm 2020, dự án sẽ được xây dựng trên diện tích 360ha, với một đường cất cánh dài 2.400m, một ga hành khách khoảng 5.000m2, công suất 300 hành khách/giờ cao điểm, tương đương với 500.000 khách mỗi năm và 10.000 tấn hàng hóa/năm. Trong giai đoạn định hướng đến năm 2030, ước tính đạt 1 triệu lượt khách và khoảng 50.000 tấn hàng hóa/năm.

Với chi phí đầu tư ước tính khoảng 5.600 tỷ đồng, Sân bay Phan Thiết sẽ là sân bay lưỡng dụng, kết hợp phát triển kinh tế với an ninh, quốc phòng và sẽ là sân bay dân dụng cấp 4C và sân bay quân sự cấp một. Đến năm 2020, sân bay sẽ khai thác máy bay ATR 72, F70 và tương đương. Định hướng đến năm 2030 sẽ khai thác máy bay A320, A321 và tương đương.

Phát biểu tại lễ khởi công, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết Sân bay Phan Thiết có ý nghĩa đặt biệt quan trọng trong phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng. Việc đầu tư xây dựng sân bay Phan Thiết được thực hiện theo hình thức BOT. Đây cũng là sân bay đầu tiên trong cả nước thực hiện mô hình này; phù hợp với kế hoạch tái cơ cấu đầu tư công của cả nước và là bước đột phá trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực giao thông vận tải và hàng không.

Phó Thủ tướng đánh giá cao sự nỗ lực, tích cực, quyết tâm của các bộ, ngành Trung ương, nhà đầu tư và tỉnh Bình Thuận trong việc hoàn thành khởi công sân bay Phan Thiết. Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tỉnh Bình Thuận và các bộ, ngành liên quan đảm bảo tiến độ xây dựng và hoàn thành sân bay theo đúng thời hạn đã đề ra.

Ông Lê Tiến Phương, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận, cho biết Bình Thuận có vị trí địa lý thuận lợi, có điều kiện phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, việc thiếu sân bay và đường giao thông không thuận lợi đã phần nào hạn chế sự phát triển của tỉnh trong thời gian qua. Khi sân bay Phan Thiết hoàn thành sẽ là điều kiện để Bình Thuận tạo bước đột phá về phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. giao thông thuận lợi sẽ tạo điều kiện các nhà đầu tư cũng như du khách đến Phan Thiết nhiều hơn.

Theo đánh giá, khi đưa vào sử dụng, sân bay Phan Thiết sẽ nối các chuyến bay từ Phan Thiết đi Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Buôn Ma Thuột, Phú Quốc, Đà Nẵng... Hành khách đến Phan Thiết chỉ trong khoản thời gian ngắn thay vì phải mất nhiều thời gian đi bằng đường bộ như hiện nay.

Dự kiến, sân bay Phan Thiết sẽ hoàn thành vào năm 2017.

Đầu tư 500 tỷ đồng nâng cấp sân bay Phù Cát ở Bình Định

Ngày 17-01, tại Cảng hàng không Phù Cát (huyện Phù Cát, Bình Định), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cùng Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định khởi công dự án “Xây dựng, mở rộng khu hàng không dân dụng - Cảng hàng không Phù Cát” với tổng kinh phí 500 tỷ đồng từ quỹ đầu tư phát triển của ACV.

Dự án “Xây dựng, mở rộng khu hàng không dân dụng - Cảng hàng không Phù Cát” thực hiện xây mới nhà ga hành khách và mở rộng sân đậu máy bay.

Nhà ga hành khách được xây dựng mới 2 tầng, tầng trệt nhà ga phục vụ có năng lực phục vụ 600 hành khách đi và đến trong cùng thời điểm, công suất 1,5 triệu hành khách/năm, có khả năng mở rộng, nâng công suất lên 2,4 triệu hành khách/năm.

Tầng này được chia các khu vực gồm sảnh chính, khu làm thủ tục hàng không, khu phân loại hành lý, quầy vé, khu kiểm tra an ninh, phòng VIP, khu băng chuyền.

Tầng trên được sử dụng làm phòng chờ ra máy bay, phòng khách hạng thương gia và dịch vụ thương mại.

Khu vực bãi đỗ máy bay cũng được nâng lên 7 vị trí đỗ thay vì 4 như hiện nay cho các loại máy bay Airbus A321-200, Boeing 737 và tương đương.

Hệ thống chiếu sáng dành cho bay đêm cũng sẽ được bổ sung đảm bảo phục vụ các chuyến bay đêm. Trong thời gian thi công, các vị trí đỗ hiện nay vẫn được khai thác bình thường.

Dự kiến, khu vực bãi đỗ máy bay được mở rộng hoàn thành trong năm 2015. Riêng khu nhà ga sẽ được đưa vào khai thác trước Tết Nguyên đán 2016.

Cảng hàng không Phù Cát có diện tích 1.018ha, có một đường cất, hạ cánh kích thước 3.048m x 45m, đạt cấp 4C theo mã chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Cảng được khai thác dân dụng từ tháng 9-1984.

Hiện tại Vietnam Airlines và Vietjet Air đang khai thác đường bay khứ hồi Bình Định-Hà Nội và Bình Định-Thành phố Hồ Chí Minh với tần suất 4 chuyến/ngày.

Ngày 01-02 tới, Jestar Pacific sẽ khai thác đường bay Bình Định-Thành phố Hồ Chí Minh thêm 1 chuyến/ngày.

Nhiều năm gần đây, lượng hành khách thông qua Cảng hàng không Phù Cát tăng mạnh. Riêng năm 2014, hành khách thông qua cảng đạt trên 427.000 lượt, tăng 46,7%; sản lượng hàng hóa, hành lý đạt 1.340 tấn, tăng 58,7%, phục vụ 2.998 lượt chuyến cất, hạ cánh thương mại.

Theo dự báo, thời gian tới, tăng trưởng kinh tế của Bình Định sẽ đạt mức cao, nhu cầu đi và đến bằng được hàng không của hành khách sẽ tiếp tục tăng. Do đó, việc mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Phù Cát là thiết yếu nhằm đảm bảo phục vụ hành khách an toàn và hiệu quả hơn./.