Theo số liệu thống kê của Ngân hàng trung ương Nga, dòng vốn chảy khỏi Xứ sở Bạch dương trong năm 2014 đã tăng lên mức kỷ lục 151,5 tỷ USD, cao gần gấp ba lần con số 61 tỷ USD của năm 2013, trước những tác động bất lợi từ lệnh cấm vận kinh tế của phương Tây và niềm tin của giới đầu tư "bay hơi" khi giá dầu tuột dốc không phanh.

Dòng vốn chảy khỏi Nga có xu hướng "nhanh dần đều" theo từng quý trong năm 2014 và tăng lên 72,9 tỷ USD trong quý 4-2014. Trong thời gian qua, Ngân hàng trung ương Nga đã phải tăng lãi suất sáu lần, lên 17%, nhằm hạn chế tình trạng này cũng như ngăn đà mất giá của đồng ruble.

Trước đó, người đứng đầu cơ quan đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Nga Bikas Joshi cho rằng giai đoạn dao động mạnh của đồng ruble của Nga đang sắp chấm dứt, các biện pháp hỗ trợ đồng nội tệ của chính phủ đã bắt đầu có hiệu quả.

Ông Johsi cho rằng các biện pháp của Chính phủ Nga hỗ trợ đồng ruble gồm tăng lãi suất cơ bản, hỗ trợ hệ thống ngân hàng và cung cấp khả năng thanh khoản ngoại tệ cho thị trường đang và sẽ tiếp tục hỗ trợ đồng nội tệ của đất nước.

Giai đoạn từ tháng 11-2014 đến 01-2015 do ảnh hưởng của giá dầu thế giới và các biện pháp trừng phạt của phương Tây, đồng ruble đã mất giá 51% so với đồng USD, xuống còn 1 USD = 65 ruble. Cùng thời gian đó, giá dầu thế giới cũng giảm 40% xuống còn 49 USD/thùng.

Tại cuộc họp về chính sách xã hội ngày 16-01, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev yêu cầu chính phủ cần tăng hiệu quả chi tiêu ngân sách cũng như các quyết định quản lý.

Ông Medvedev cho rằng chính phủ cần xem xét các biện pháp và đề xuất cụ thể trong việc thực hiện các chương trình xã hội, giáo dục, y tế và lao động để thực hiện yêu cầu này./.