TCCSĐT - Sau gần 5 năm triển khai Đề án 52 tại một số huyện vùng biển đảo và ven biển, công tác kiểm soát dân số đã góp phần duy trì giảm mức sinh một cách hợp lý, đảm bảo khoảng cách giữa các lần sinh của phụ nữ trong tuổi sinh đẻ, tăng tỷ lệ áp dụng các biện pháp tránh thai, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình nói riêng và sức khỏe của nhân dân nói chung.
Huyện Cần Giờ (thành phố Hồ Chí Minh), ngày 08-9-2010, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 3943/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Kiểm soát Dân số các vùng biển, đảo và ven biển giai đoạn 2010-2020” triển khai tại huyện. Sau gần 5 năm triển khai, Đề án đã góp phần ổn định quy mô, nâng cao chất lượng dân số vùng biển, ven biển, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình (SKSS/KHHGĐ), góp phần đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe SKSS/KHHGĐ nói riêng và sức khỏe của nhân dân nói chung.

Tính đến nay, có trên 13.825 lượt người được tư vấn về chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em/kế hoạch hóa gia đình, trên 31.998 lượt người được khám phụ khoa và 8.875 người được phát hiện mắc bệnh và đã được điều trị phụ khoa. Đồng thời, lập danh sách phụ nữ đang mang thai, phân loại và tổ chức khám thai cho 6.110 lượt bà mẹ mang thai; tư vấn về các nguy cơ cao cho 4.739 lượt bà mẹ mang thai. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, kế hoạch hóa gia đình và sức khỏe sinh sản đã được các ngành, các cấp quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp và mở rộng đến tận các ấp, khu phố trên địa bàn các xã, thị trấn. Đến cuối năm 2013, toàn huyện có 01 bệnh viện, 01 Trung tâm Y tế dự phòng, 07 trạm y tế ở các xã, thị trấn (trong đó có 6/7 đạt chuẩn quốc gia) và 01 Phòng khám đa khoa khu vực An Nghĩa. Trang thiết bị cơ bản đảm bảo phục vụ việc khám chữa bệnh cho người dân gồm 10 máy siêu âm, 01 máy soi cổ tử cung, 2 máy đo tim thai. Sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Y tế, sự phối hợp của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể thành phố, huyện Cần Giờ và Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn đã tích cực triển khai thực hiện các hoạt động của Đề án 52.

Tại huyện Đông Hòa (tỉnh Phú Yên), qua 5 năm triển khai thực hiện Đề án 52 đã góp phần duy trì giảm mức sinh một cách hợp lý, đảm bảo khoảng cách giữa các lần sinh của phụ nữ trong tuổi sinh đẻ, tăng tỷ lệ áp dụng các biện pháp tránh thai. Qua 6 tháng đầu năm 2014, huyện Đông Hòa đã tổ chức triển khai truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đợt 1/2014 cho 10 xã, thị trấn và 2 khu công nghiệp. Cùng với sự vào cuộc của những đơn vị liên quan, sự đóng góp của Bộ đội Biên phòng có vai trò quan trọng mang lại kết quả chung của địa phương. Bộ đội Biên phòng tại cảng biển Vũng Rô đã trực tiếp vào cuộc, tham gia các chiến dịch tuyên truyền vận động làm thay đổi nhận thức, cung cấp các dịch vụ cho người dân. Ở các xã đảo, làng chài, nhiều nam giới không chịu thực hiện các biện pháp tránh thai, nhiều gia đình vẫn muốn sinh bằng được con trai…; nhưng với sự vận động của bộ đội biên phòng, nhiều người dân đã nghe và thực hiện theo.

Huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam) có 8/17 xã trong vùng thực hiện Đề án 52, gồm: Tam Hải, Tam Quang, Tam Giang, Tam Hòa, Tam Tiến, Tam Anh Nam, Tam Anh Bắc, Tam Nghĩa. Dân số của 8 xã này 79.322 người, chiếm hơn 50% dân số cả huyện. Qua 5 năm thực hiện (2009 - 2014), công tác DS - KHHGĐ tại Núi Thành có sự chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao kiến thức, hành vi về chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho người dân, tạo sự chuyển biến trong kiểm soát dân số vùng biển. Thành công của Đề án là giảm tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên ở một số xã; cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại và số người được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, SKSS cao hơn những năm trước. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, duy trì thường xuyên chế độ giao ban, trực báo, hội nghị từng quý để đánh giá tình hình và triển khai nhiệm vụ. Các thành viên Ban chỉ đạo phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng và tích cực trong các đợt truyền thông tại cơ sở; Trung tâm làm tốt công tác kiểm tra, giám sát từng nội dung, kế hoạch chuyên ngành, cung cấp đủ cơ số thuốc thiết yếu, hậu cần phương tiện tránh thai cho cơ sở...

Huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên Huế), sau nhiều năm liền thực hiện, công tác dân số tại đã thu được nhiều kết quả khá, chỉ tiêu KHHGĐ tại 16 xã, thị trấn được triển khai Đề án đều vượt kế hoạch. Năm 2013, tỷ lệ sử dụng biện pháp triệt sản với 55/49 trường hợp, đạt 112,24%, bao cao su đạt 105,70%, thuốc tiêm 87,88%, thuốc uống đạt 99,87%, thuốc cấy đạt 94,44%. Đề án sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh cũng được triển khai tại 100% xã, thị trấn của huyện với 120 đợt, thu hút 1.756 lượt người; huyện cũng tổ chức 40 buổi nói chuyện chuyên đề tại cộng đồng về lợi ích của sàng lọc trước sinh, sơ sinh với 1.586 người tham dự. Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ các xã đã phối hợp với Trung tâm DS - KHHGĐ duy trì hoạt động của 14 câu lạc bộ (CLB) phụ nữ không sinh con thứ 3. CLB đã tổ chức 14 buổi hội thảo chia sẻ kiến thức kỹ năng tuyên truyền về hậu quả của việc mất cân bằng giới tính khi sinh cho các hội viên, duy trì 42 buổi sinh hoạt; 28 buổi nói chuyện chuyên đề với sự tham gia của 2.620 lượt người. Năm qua, tỷ số giới tính khi sinh dao động ở mức 107 nam/100 nữ.

Tại huyện Cát Hải (tỉnh Hải Phòng), hiện có 11/12 xã, thị trấn có phương tiện làm nghề khai thác và dịch vụ thủy sản. Sản lượng đánh bắt thủy sản bình quân trên 3.300 tấn/năm. Đề án 52 đã được triển khai tới 10 xã và 2 thị trấn của huyện với các hoạt động tuyên truyền, giám sát, kết hợp khám, tư vấn phát thuốc cho ngư dân… Năm qua, Trung tâm đã khám thai và tư vấn mang thai cho 607 phụ nữ với 1.230 lượt khám, 575 người được tiêm phòng uốn ván tại các cơ sở y tế; đã phát hiện 10 trường hợp mang thai bất thường, phải theo dõi thường xuyên. Trung tâm DS - KHHGĐ cũng phối hợp Trung tâm Y tế huyện tổ chức đội lưu động tư vấn, khám và điều trị bệnh lây truyền qua đường tình dục cho chị em trong tuổi sinh đẻ. Chiến dịch truyền thông lồng ghép tại các địa điểm dịch vụ quy định tại Trạm y tế, 925 phụ nữ đã được khám và 308 người đã được điều trị. Cùng với hoạt động đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm còn phối hợp với Đồn Biên phòng Cát Bà và Ban DS - KHHGĐ thị trấn Cát Bà, rà soát số lượng các hộ gia đình sinh sống trên các bè nổi, vịnh Lan Hạ, Bến Bèo, cảng cá, kết hợp với truyền thông tư vấn làm mẹ an toàn cho bà mẹ mang thai và cung cấp dịch vụ KHHGĐ cho các cặp vợ chồng trong tuổi sinh đẻ. Toàn huyện có 29.781 người, trong đó 4.044 người được áp dụng biện pháp tránh thai; tại các thị trấn Cát Bà, Cát Hải và xã Phù Long… đông người tham gia nhất. Điểm nổi bật của kết quả tuyên truyền là tình hình dân số được duy trì ở mức ổn định, nhiều người đã bỏ được tâm lý sinh con thứ ba. Do sinh ít con nên nhiều gia đình có điều kiện chăm sóc con chu đáo hơn, từ việc đi học đến dinh dưỡng...

Huyện Nghi Lộc (tỉnh Nghệ An) có 7 xã vùng biển và ven biển (gồm Nghi Yên, Nghi Tiến, Nghi Thiết, Nghi Quang, Nghi Xuân, Nghi Thái, Nghi Thọ), với dân số 49.167 người, chiếm 24,5% dân số toàn huyện. Trong đó, 13.804 phụ nữ 15 - 49 tuổi, 7.852 phụ nữ có chồng đang trong tuổi sinh đẻ. Trong 5 năm, đội ngũ cán bộ làm công tác dân số của huyện, cán bộ dân số, y tế các xã đã tổ chức tư vấn về chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho trên 18.900 lượt hộ với trên 60.500 lượt người tham gia; trong đó, 5.425 bà mẹ mang thai đã được tư vấn SKSS, được khám sức khỏe và siêu âm sàng lọc trước khi sinh; 32.778 lượt phụ nữ trong tuổi sinh đẻ được khám phụ khoa. Tỷ lệ phụ nữ có thai được khám đủ bình quân 3 lần đạt 80,5%, tỷ lệ phụ nữ sinh đẻ được tiêm phòng văcxin uốn ván và chăm sóc sức khỏe sau sinh đạt 100%. Khi chưa thực hiện Đề án, tỷ lệ các cặp vợ chồng chấp nhận các biện pháp tránh thai ở các xã vùng biển và ven biển Nghi Lộc còn thấp. Nay đã có gần 66% cặp vợ chồng chấp nhận thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại; mức sinh bình quân hằng năm giảm còn 20‰, gần tương đương tỷ lệ chung toàn huyện; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn 19,4%, thấp hơn 1,2% so với tỷ lệ chung toàn huyện. Tỷ lệ giới tính khi sinh còn 89 nam/100 nữ (năm 2008 tỷ lệ là 143 nam/100 nữ).

Tại huyện Hải Hậu
(tỉnh Nam Định), qua gần 4 năm thực hiện Đề án 52 đã ghi nhận những thành công đáng kể trong việc nâng cao sức khỏe, cải thiện đời sống người dân. Từ năm 2009, Đề án 52 được triển khai thực hiện tại 6 xã, thị trấn ven biển huyện Hải Hậu gồm: Hải Đông, Hải Lý, Hải Chính, Hải Triều, Hải Hòa và thị trấn Thịnh Long. Trong khuôn khổ Đề án, Trạm Y tế 6 xã, thị trấn ven biển khám thai định kỳ cho hơn 3.000 lượt phụ nữ; điều tra, phân loại, lập danh sách 640 phụ nữ mang thai có nguy cơ cao để theo dõi, góp phần tích cực quản lý thai nghén tại địa phương. Công tác tuyên truyền và tư vấn cho nam, nữ vị thành niên, thanh niên trên được đẩy mạnh, tập trung vào việc trang bị những kiến thức cơ bản về tâm sinh lý, tình dục lành mạnh, an toàn, chăm sóc SKSS, phòng tránh bệnh lây truyền qua đường tình dục; những tháng đầu năm 2013 đã tổ chức được 1 buổi tư vấn cho hơn 100 vị thành niên, thanh niên tại xã Hải Hòa.

Nhìn chung, Đề án 52 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực về công tác dân số tại huyện thuộc vùng biển, đảo và ven biển trên địa bàn cả nước. Số người tự nguyện thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại ngày càng tăng. Mức sinh giảm và chất lượng dân số được cải thiện đáng kể, đảm bảo việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em/kế hoạch hóa gia đình tại các địa phương. Kết quả này đã ghi nhận sự nỗ lực của các Chi hội, Trung tâm DS – KHHGĐ trên địa bàn các huyện trong quá trình thực hiện Đề án. Ngoài việc thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao chất lượng dân số, các đơn vị còn tổ chức ký hợp đồng với Đài phát thanh huyện hằng tuần để mở chuyên mục tuyên truyền về Đề án; Đồng thời, phối hợp với đài truyền thanh các xã, thị trấn thường xuyên thông tin công tác dân số./.