TCCSĐT - Đó là chủ đề Hội thảo khoa học do Viện Nghiên cứu Chiến lược chính sách công nghiệp thuộc Bộ Công Thương phối hợp với Trường Đại học Nguyễn Tất Thành và Công ty cổ phần Tri thức Doanh nghiệp quốc tế tổ chức vào sáng 26-12-2014 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Báo cáo đề dẫn Hội thảo, TS. Dương Đình Giám, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Chiến lược chính sách công nghiệp cho biết: Rào cản kỹ thuật trong thương mại (tiếng Anh là Technical Barriers To Trade - viết tắt là TBT) đã trở thành thuật ngữ chính thức trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) từ năm 1980. Mục đích của Hiệp định TBT là thúc đẩy Hiệp định chung về thương mại và thuế quan (GATT), thừa nhận tầm quan trọng của tiêu chuẩn quốc tế và các hệ thống quốc tế về đánh giá sự phù hợp (hợp chuẩn) trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất và kinh doanh thương mại; bảo đảm các tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật và các quy trình đánh giá sự phù hợp không gây ra các trở ngại cho thương mại quốc tế; đồng thời không ngăn cản các nước áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo đảm chất lượng hàng xuất khẩu, bảo vệ sức khỏe, an toàn cuộc sống của con người, động thực vật, bảo vệ môi trường, chống gian lận thương mại, bảo đảm an ninh quốc gia.

Gia nhập WTO đầu năm 2007, Việt Nam đã tiến hành một số nghiên cứu, chủ yếu nhằm đánh giá thực thi TBT với sự giúp đỡ của các dự án hỗ trợ kỹ thuật, tập trung cụ thể vào tác động của TBT đối với một số lĩnh vực như dệt may, thủy sản... Thực tiễn cho thấy, ở nước ta khái niệm TBT và những thách thức cũng như cơ hội đi cùng cho đến nay vẫn còn khá mơ hồ đối với nhiều đối tượng bị nó tác động; việc vượt qua TBT chủ yếu mang tính tác nghiệp và đối phó tức thời, không có các nghiên cứu được đầu tư thích đáng để đề xuất các chính sách dài hạn trong việc tăng cường quản lý nhà nước liên quan đến TBT cũng như trong hỗ trợ các doanh nghiệp và bảo vệ người tiêu dùng, lợi ích quốc gia.

TS. Dương Đình Giám nhấn mạnh, những nội dung của Hội thảo này có thể cung cấp thông tin bổ ích cho các nhà hoạch định chính sách về những biện pháp hữu hiệu ứng phó với hàng rào kỹ thuật trong thương mại để nhanh chóng theo kịp quá trình tiêu chuẩn hoá tiên tiến trên thế giới, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, tránh được những tổn thất không đáng có trong bối cảnh hội nhập kinh tế và khoa học và công nghệ sâu rộng hiện nay.

Tiếp đó, các tham luận và ý kiến của đại biểu đã tập trung phân tích, làm rõ, nêu bật những thành tựu đạt được, khó khăn, thách thức và chia sẻ kinh nghiệm đối với việc thực thi các TBT thời gian qua của nước ta.

Các đại biểu cho rằng, các rào cản kỹ thuật TBT rất cần thiết và hợp lý, vì nó nhằm bảo vệ những lợi ích quan trọng, bao gồm: sức khỏe của người tiêu dùng, môi trường, an ninh, an sinh xã hội. Trong bối cảnh toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế về kinh tế, khoa học và công nghệ ngày càng sâu rộng, vai trò tiêu chuẩn hoá nói chung và hàng rào kỹ thuật trong thương mại nói riêng ngày càng trở thành điểm nóng, thu hút quan tâm của chính phủ các nước đang phát triển có kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá ngày càng gia tăng.

Theo ThS. Nguyễn Cảnh Dũng, Trưởng phòng Quản lý Khoa học và Hợp tác quốc tế thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược chính sách công nghiệp thì, những hình thức rào cản dễ nhận thấy nhất, đó là các tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật; an toàn vệ sinh thực phẩm; yêu cầu về nhãn mác; các quy định về môi trường... Cùng phân tích về lĩnh vực này, ông Lê Quốc Bảo, nguyên Giám đốc Văn phòng TBT Việt Nam cho rằng, muốn vượt qua những rào cản trên, các doanh nghiệp nước ta phải tìm ra phương pháp khi sản xuất hàng hóa phải đạt được tiêu chuẩn do các nước đề ra, bởi thế các doanh nghiệp phải phát triển theo hướng bền vững.

Với nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này, TS. Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản cho biết, các quy định luật pháp tại EU, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… đều có những yêu cầu rất chặt chẽ về kiểm soát chất lượng an toàn vệ sinh và truy xuất nguồn gốc hàng hóa, vì vậy đây là những rào cản lớn cho các doanh nghiệp nước ta khi tiếp cận, xuất khẩu hàng hóa. Theo đó, TS. Nguyễn Thị Hồng Minh chia sẻ: Kinh nghiệm cho thấy, chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần phải đi trước một bước, chú trọng việc cập nhật thông tin, ban hành tiêu chuẩn, hướng dẫn, hỗ trợ đào tạo; có sự hợp tác chặt chẽ với các hiệp hội và doanh nghiệp; đồng thời chúng ta phải công nhận tiêu chuẩn quốc tế để ban hành tiêu chuẩn tương đương; phân rõ nhiệm vụ các bên (chính phủ/các bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp và từng doanh nghiệp).

Nhiều ý kiến nhận định rằng, xu thế chung của thương mại quốc tế là hàng hóa có thể tự do đi lại và sẽ có thuế nhập khẩu bằng 0. Cạnh tranh quốc tế của hàng hoá, thực chất là cạnh tranh về tiềm lực khoa học - công nghệ và năng lực quản lý, vì thế biện pháp ứng phó với hàng rào kỹ thuật trong thương mại đồng thời cũng là biện pháp thúc đẩy tiến bộ khoa học - công nghệ và nâng cao trình độ quản lý. Theo đó, các doanh nghiệp ứng phó với hàng rào kỹ thuật trong thương mại, trên thực tế là doanh nghiệp đi tìm sinh tồn, tìm sự phát triển trong cạnh tranh./.