Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 01 đến ngày 07-12-2014

Hồng Ngọc tổng hợp
21:36, ngày 09-12-2014
TCCSĐT - Ký kết Quy chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô của 4 bộ, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Ngân hàng nhà nước; quy định về luân chuyển công chức ngành Thanh tra; khai trương Cổng Thông tin điện tử Bộ Giao thông vận tải;… là những tin chủ yếu tuần qua.

Bốn bộ phối hợp điều hành kinh tế vĩ mô

Sáng 01-12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các Phó Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đã chứng kiến ký kết Quy chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô của 4 bộ, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Ngân hàng nhà nước.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thiện Đề cương và xây dựng dự thảo Đề án “Cải cách thể chế và tăng cường phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô giai đoạn 2011-2020”; lấy ý kiến của các bộ, cơ quan liên quan và các nhà khoa học.

Ngày 06-08-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1317/QĐ-TTg phê duyệt Đề án cải cách cơ chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô, trong đó giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện Quy chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô. Sau nhiều lần trao đổi, hoàn thiện, bản Quy chế đã được 4 cơ quan thống nhất nội dung và đi đến ký kết.

Quy chế là căn cứ quan trọng để các bộ, cơ quan phối hợp triển khai các nhiệm vụ đã được giao tại Quyết định số 1317/QĐ-TTg trong việc quản lý và điều hành các lĩnh vực tài khóa, tiền tệ, tín dụng, đầu tư, thương mại và giá cả.

Doanh nghiệp được chủ động về con dấu

Trả lời câu hỏi về quy định con dấu của doanh nghiệp trong Luật Doanh nghiệp mới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết: Trên thế giới, người ta bỏ con dấu gần hết rồi. Bây giờ ở các nước, điều quan trọng là chữ ký, bởi chữ ký của người có thẩm quyền mới là quyết định. Tuy nhiên, tại Việt Nam và một số ít nước bây giờ vẫn có quy định rất chặt chẽ về con dấu. Thậm chí, người ta không quan tâm tới chữ ký nhiều mà chỉ nhìn con dấu mà cho đó là tính pháp lý. Đây là điều cần phải thay đổi. Ngoài ra, thủ tục xin cấp con dấu, khắc dấu cũng tiêu tốn nhiều chi phí, thời gian của doanh nghiệp và con dấu cũng gây ra nhiều phiền toái khác.

Chúng ta mong muốn sửa đổi theo hướng là bỏ con dấu đó đi. Tuy nhiên, trong điều kiện thực tế của Việt Nam thì ngay lập tức chưa thể bỏ được vì trình độ quản lý còn hạn chế và nhiều vấn đề liên quan khác.

Trong Luật lần này, doanh nghiệp sẽ được quyết định nội dung cũng như là hình thức con dấu. Họ được tự chủ trong việc quyết định và tự chịu trách nhiệm với con dấu của mình. Hơn nữa, chúng ta vẫn tiếp tục thúc đẩy mạnh việc sử dụng chữ ký sẽ mang tính pháp lý, nhất là chữ ký điện tử. Như vậy, từng bước tiến tới có thể loại bỏ con dấu.

Khi ký kết hợp đồng với đối tác, doanh nghiệp phải tìm hiểu về tính pháp lý của đối tác và những quy định về con dấu của họ đã đăng ký. Doanh nghiệp phải tìm hiểu về vấn đề này tại các cơ quan quản lý hay qua những công bố trên mạng internet. Trách nhiệm của doanh nghiệp là phải tìm hiểu, kiểm tra trước khi ký kết.

Đưa cơ chế tham vấn Hải quan - Doanh nghiệp vào thực chất

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh cho biết, Tổng cục Hải quan sẽ thiết lập cơ chế tham vấn để đưa công tác tham vấn trở thành nhiệm vụ thường xuyên của cơ quan hải quan các cấp (Tổng cục-Cục-Chi cục). Các cấp có trách nhiệm tổng hợp, phân tích thông tin báo cáo nội dung tham vấn kịp thời lên cấp trên.

Ông Vũ Ngọc Anh cũng cho biết, trong năm 2015, Luật Hải quan sửa đổi bổ sung sẽ có hiệu lực. Để nâng cao khả năng tham vấn giữa Hải quan - Doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan sẽ ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn Luật đầy đủ, tổ chức tập huấn tốt để bản thân doanh nghiệp cũng như các cơ quan hải quan nắm vững những quy định trong Luật Hải quan sửa đổi. Tổ chức lại bộ máy hoạt động của cơ quan hải quan các cấp, phù hợp với yêu cầu của Luật và đáp ứng tốt nhất yêu cầu của doanh nghiệp.

Đồng thời, cơ quan hải quan cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành kiến nghị sửa đổi, bổ sung những quy định ở các luật khác cho đồng bộ với Luật Hải quan sửa đổi mới.

Bộ Giao thông vận tải khai trương Cổng Thông tin điện tử

Sáng 03-12, Bộ Giao thông vận tải chính thức khai trương Cổng TTĐT Bộ Giao thông vận tải tại địa chỉ http://mt.gov.vn. Cổng TTĐT Bộ Giao thông vận tải có trên 20 chuyên trang, chuyên mục, tiện ích và tích hợp các trang thông tin chuyên ngành, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, các dịch vụ công trực tuyến…

Đây là một diễn đàn đăng tải đầy đủ các video, hình ảnh, bài phỏng vấn, phát ngôn chính thức của lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải. Ngược lại, người dân và doanh nghiệp cũng có thể bày tỏ ý kiến, quan điểm, kiến nghị của mình trong lĩnh vực giao thông vận tải với Bộ chủ quản.

Bên cạnh đó, chuyên trang “Thủ tục hành chính” sẽ bao gồm bộ cơ sở dữ liệu về thủ tục hành chính của Chính phủ về lĩnh vực giao thông vận tải được tích hợp và đăng tải đầy đủ lên Cổng. Việc tích hợp sẽ thực hiện tự động, giúp người dân, doanh nghiệp có thể tra cứu, tìm kiếm đầy đủ, kịp thời, chính xác các quy trình, các bước thực hiện thủ tục hành chính với thời gian nhanh nhất.

Phát biểu tại lễ khai trương, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng nhấn mạnh Cổng TTĐT Bộ Giao thông vận tải phải xây dựng được những chuyên mục, chuyên trang hấp dẫn, nội dung phong phú, tăng cường dịch vụ công trực tuyến. Đặc biệt, lãnh đạo của Bộ phải trực tiếp giao lưu trực tuyến với người dân và doanh nghiệp về những vấn đề nóng. “Mặc dù năm 2013, Bộ Giao thông vận tải đứng đầu về chỉ số cải cách hành chính, tuy nhiên điểm của người dân đánh giá lại thấp hơn điểm của các cơ quan quản lý nhà nước. Như vậy, rõ ràng chúng ta chưa thực sự đem lại sự hài lòng cho người dân, bao gồm cả những việc chúng ta làm chưa tốt và những việc ta làm tốt nhưng tuyên truyền "không đến nơi đến chốn" nên trở thành sự bức xúc của người dân. Mục tiêu của chúng ta là vì sự hài lòng hơn của người dân và doanh nghiệp”, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói.

Tám vị trí công tác thanh tra phải định kỳ chuyển đổi

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông tư số 10/2014/TT-TTCP quy định chi tiết danh mục vị trí công tác thanh tra của công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan thanh tra nhà nước phải định kỳ chuyển đổi nhằm chủ động phòng ngừa tham nhũng.

8 vị trí công tác thanh tra của công chức trong các cơ quan thanh tra nhà nước phải định kỳ chuyển đổi gồm: 1- Thanh tra hành chính; 2- Thanh tra chuyên ngành; 3- Giải quyết khiếu nại, tố cáo; 4- Thanh tra phòng, chống tham nhũng; 5- Tiếp công dân; 6- Xử lý đơn khiếu nại, tố cáo; 7- Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra; 8 - Quản lý theo địa bàn, lĩnh vực, đối tượng chuyên quản được phân công về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác là 5 năm (đủ 60 tháng) đối với công chức làm việc tại các vị trí công tác thanh tra trên, tăng 2 năm so với quy định trước tại Thông tư số 1680/2009/TT-TTCP.

Thông tư cũng nêu rõ, việc luân chuyển công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được thực hiện theo quy định về luân chuyển cán bộ, công chức. Bên cạnh đó, không áp dụng quy định chuyển đổi vị trí công tác theo định kỳ của Thông tư này để điều động công chức ra khỏi cơ quan thanh tra nhà nước.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15-01-2015 và thay thế Thông tư số 1680/2009/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ./.