Sớm đầu tư cho thanh niên: Vì tương lai mỗi quốc gia
Lãng phí tiềm năng
Theo thống kê của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), trên thế giới hiện có 1,8 tỷ người độ tuổi 10 - 24, chiếm ¼ dân số, bao gồm cả vị thành niên 10 - 19 tuổi và thanh niên 15 - 24 tuổi. Tuy nhiên, hàng triệu thanh thiếu niên đang chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống vì bị phân biệt đối xử về giới, bị tàn tật và là nạn nhân của những hình thức cách ly xã hội khác.
Hiện, có tới 69 triệu vị thành niên ở độ tuổi trung học cơ sở không được đi học. Khu vực hạ Xa-ha-ra châu Phi, Tây và Nam Á có tỷ lệ học sinh bỏ học sớm cao nhất. Những học sinh đi học cũng không nhận được sự giáo dục chất lượng cao. Có tới 250 triệu trẻ em ở độ tuổi tiểu học chưa biết đọc, biết viết dù đã học đến lớp 4. Đây không những là sự lãng phí tiềm năng mà còn là lãng phí đầu tư. Ở những nước ít phát triển nhất, ¼ nam thanh niên 15 - 24 tuổi và 1/3 nữ thanh niên 14 - 24 tuổi không biết chữ. Tỷ lệ các em gái không được tiếp cận với giáo dục không chỉ cao hơn ở bậc trung học cơ sở so với bậc tiểu học mà còn tăng dần từ bậc trung học cơ sở lên trung học phổ thông. Nhiều trẻ em gái tuổi vị thành niên vẫn bị buộc thôi học để lấy chồng.
Mỗi năm, trên thế giới có hơn 15 triệu em gái sinh con trong độ tuổi 15 - 19. Trong 10 trường hợp vị thành niên có thai sẽ có 9 em thuộc trường hợp tảo hôn hay kết hôn sớm. 14% trên tổng số các trường hợp nạo phá thai không an toàn ở các nước thu nhập thấp và trung bình thuộc về những phụ nữ 15 - 19 tuổi. Mỗi năm, khoảng 2,5 triệu trẻ vị thành niên thực hiện nạo phá thai không an toàn. Có tới 65% phụ nữ mắc chứng rò sản khoa ngay từ độ tuổi vị thành niên, gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong cuộc sống.
Việt Nam không ngoại lệ
Việt Nam đã có những tiến bộ trong việc thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs) và ban hành rất nhiều chính sách, luật pháp cho thanh niên. Tuy nhiên, theo UNFPA, 1/3 thanh thiếu niên Việt Nam (chủ yếu là người di cư và dân tộc vẫn gặp các rào cản khi tiếp cận thông tin và dịch vụ sức khỏe sinh sản. Một số khu vực dân tộc thiểu số, phần lớn các bà mẹ (90%) sinh con tại nhà mà không có sự hỗ trợ của cán bộ y tế. Số trường hợp có thai ngoài ý muốn, nạo phá thai không an toàn còn khá cao, cao nhất là nhóm thanh niên chưa kết hôn. Mức độ hiểu biết hạn chế của những đối tượng này sẽ gây ảnh hưởng tới tình hình dân số.
Tại Việt Nam, theo bác sĩ Nguyễn Đức Vinh, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, năm 2011, tỷ lệ có con trong nhóm dân số vị thành niên là 46/1.000 người. Tỷ lệ này cao hơn ở các nhóm dân số có trình độ học vấn thấp, mức sống thấp, các nhóm dân tộc thiểu số.
Tỷ lệ vị thành niên có thai trên tổng số người có thai trong các năm từ 2010 đến 2012 tăng dần đều, năm 2010 là 2,9%, năm 2011 là 3,1% và năm 2012 là 3,2%.
Tương tự, tỷ lệ vị thành niên phá thai trên tổng số ca phá thai trong giai đoạn này cũng tăng dần, từ 2,2% năm 2010 lên 2,4% năm 2011, năm 2012 có sự giảm nhẹ với tỷ lệ là 2,3%. Tỷ lệ này cao hơn ở các thành phố lớn.
Cụ thể, tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, tỷ lệ phá thai vị thành niên chiếm khoảng 5% tổng số ca phá thai. Tại 3 cơ sở y tế ở Thành phố Hồ Chí Minh (gồm Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương, Trung tâm chăm sóc sức khoẻ sinh sản), tỷ lệ này là 5,81%.
Đầu tư vào sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục
Theo UNFPA, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục và quyền là vấn đề cốt lõi của sự chuyển đổi từ thanh niên trở thành người trưởng thành. Đầu tư vào sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục là điều bắt buộc. UNFPA mong muốn, Việt Nam sẽ phân bổ thêm ngân sách quốc gia cho việc xây dựng và thực hiện các chính sách, các chương trình sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục cho thanh niên.
Trong khuôn khổ Chương trình UNFPA giai đoạn 2012 - 2016, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và các cơ quan khác sẵn sàng hợp tác với Chính phủ Việt Nam để giải quyết những khó khăn, thách thức với những đối tượng này.
Cũng theo UNFPA, để thu hút sự tham gia đầy đủ và có ý nghĩa của thanh niên, cần xây dựng năng lực, phát triển kỹ năng, cũng như gây dựng mối quan hệ đối tác bền vững của các bên liên quan. Tuy nhiên, sự tham gia của nhóm đối tượng này cần phải đồng nhất, cả thành phố và nông thôn, vùng đồng bào dân tộc. Bên cạnh đó, cũng cần thiết phải xây dựng quan hệ đối tác đa ngành để bảo đảm sự tham gia của thanh niên, cần tìm ra các cách thức để đưa tiếng nói của thanh niên, đặc biệt nhóm thanh niên dễ bị tổn thương nhất vào các thảo luận về chính sách dành cho thanh niên.
Nhiều ý kiến của các chuyên gia trong nước cũng đồng tình, giải pháp cần quan tâm trong thời gian tới là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục trong thanh niên, vị thành niên. Những nội dung này nếu được đưa vào chương trình giáo dục chính thống trong hệ thống các trường trung học phổ thông sẽ phát huy nhiều hiệu quả hơn nữa. Tăng cường nguồn lực để cung cấp đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục đến các đối tượng có nhu cầu một cách kịp thời. Đây cũng là một trong những phương pháp đầu tư hiệu quả cho đối tượng này./.
Việt Nam ủng hộ hòa bình và phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên  (05/12/2014)
Việt Nam hoan nghênh Hạ viện Hoa Kỳ thông qua nghị quyết về Biển Đông  (05/12/2014)
Thủ đô sẽ vượt khó khăn, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2015  (05/12/2014)
ASEAN và UNICEF ký hiệp định khung về hợp tác  (05/12/2014)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên