Hiệu quả Chương trình giảm nghèo - tăng hộ khá ở Thành phố Hồ Chí Minh
TCCSĐT - Chương trình xóa đói giảm nghèo do Thành phố Hồ Chí Minh khởi xướng từ những năm 90, sau đó lan rộng ra cả nước và nay chương trình giảm nghèo - tăng hộ khá đã trở thành chủ trương đúng đắn của Thành phố Hồ Chí Minh, phù hợp với tiến trình phát triển nhanh, bền vững của đất nước.
Qua gần 6 năm thực hiện Chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá giai đoạn 3 (2009 - 2015), hơn 130.000 hộ nghèo của Thành phố Hồ Chí Minh đã có thu nhập trên 12 triệu đồng/người/năm; đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được cải thiện. Đến cuối năm 2013, Thành phố Hồ Chí Minh cơ bản hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo theo chuẩn 12 triệu đồng/người/năm, về đích trước 2 năm so với kế hoạch đề ra. Đây là thành quả quan trọng, thể hiện sự kiên trì, nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong suốt thời gian dài, đồng thời là bước tiến mạnh mẽ, vững chắc trong chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá của Thành phố, làm cơ sở để Thành phố giảm nghèo nhanh, bền vững.
Kết quả của sự nỗ lực đồng bộ và tăng cường nguồn lực đầu tư
Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành, Thành phố Hồ Chí Minh xác định việc giảm nghèo, tăng hộ khá là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu, xem đây là chính sách xã hội trọng điểm trong suốt quá trình phát triển, từ đó ưu tiên nguồn lực đầu tư ngay trong từng chương trình, kế hoạch. Nhìn lại năm 2013 - một năm phấn đấu quyết liệt cho công tác giảm nghèo, ngay từ đầu năm, các ngành và các địa phương tiến hành rà soát, phân loại hộ nghèo, cận nghèo để có biện pháp hỗ trợ thích hợp như dạy nghề, hướng nghiệp, hỗ trợ vốn, giải quyết việc làm... Nhiều nguồn lực vay vốn ưu đãi và quỹ tín dụng sẵn sàng hỗ trợ người nghèo vay vốn tạo việc làm, vươn lên thoát nghèo hiệu quả. Theo đó, Quỹ giảm nghèo của Thành phố đang quản lý hơn 252,735 tỷ đồng đã hỗ trợ vốn cho 31.976 hộ nghèo; Quỹ tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố cho hơn 50 nghìn lượt hộ nghèo vay vốn với số tiền hơn 800 tỷ đồng. Cùng với những chính sách hỗ trợ về vốn, các cấp, các ngành đã phối hợp chặt chẽ để hướng dẫn các hộ nghèo sau khi được vay vốn cách phát triển kinh tế, tăng thu nhập ổn định và lâu dài. Ngoài ra, bằng cách thành lập các tổ tự quản tại các bến xe, tàu và tổ chức đội xe xích lô du lịch tại các quận trung tâm, giải quyết công ăn việc làm cho gần 3.000 lao động thuộc diện nghèo.
Không chỉ chăm lo ổn định cuộc sống, việc làm, Thành phố Hồ Chí Minh còn chăm lo về sức khỏe, học hành, nhà ở... cho người dân. Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân Thành phố, trong năm 2013 đã duyệt và cấp 94.706 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo và cận nghèo, miễn, giảm học phí cho 9.648 học sinh từ mẫu giáo đến Trung học phổ thông và 1.066 sinh viên từ cao đẳng đến đại học.
Hỗ trợ học nghề và nâng cao trình độ học vấn
Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 38.690 hộ nghèo (chiếm 2,1% tổng số hộ dân trên địa bàn). Thực hiện chương trình giảm nghèo, nhiều quận đã đưa ra những giải pháp phù hợp với đặc điểm địa bàn dân cư. Điển hình có Quận 6 với 14/14 phường không còn hộ nghèo (dưới 12 triệu đồng/năm). Được như vậy là nhờ Quận 6 đã áp dụng hỗ trợ “cần câu” thay vì tặng “con cá”, nghĩa là tập trung hỗ trợ học nghề và nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn cho các hộ nghèo để họ có thể tự tạo việc làm.
Theo ông Ngô Thành Luông, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 6, trung bình mỗi năm quận đã giúp hơn 1.000 hộ dân nâng cao thu nhập và thoát nghèo, hỗ trợ dạy nghề miễn phí với kinh phí 15 tỷ đồng cho gần 9.000 lao động nghèo, qua đó gần 6.500 người có việc làm, thu nhập ổn định. Để theo dõi và quản lý chương trình chặt chẽ, sát sao, Thành phố quy định mỗi phường, xã sẽ có bộ phận phụ trách kinh tế để tư vấn, hướng dẫn cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo từng công việc, dự án cụ thể để có thu nhập ổn định và lâu dài; hỗ trợ tìm việc, hướng nghiệp cho từng thành viên của các hộ nghèo.
Sau thành công của Quận 6, Quận 5 trở thành quận thứ hai của Thành phố Hồ Chí Minh hoàn thành mục tiêu giảm nghèo, tăng hộ khá. Lãnh đạo quận xác định để giảm nghèo bền vững phải triển khai thực hiện nhiều giải pháp đa dạng như: hỗ trợ vốn tín dụng, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và thực hiện các chương trình an sinh xã hội. Từ đó, quận đã chỉ đạo tất cả các phường khảo sát, phân loại nắm chắc mức sống, điều kiện sống, tình trạng lao động việc làm của hộ nghèo trên địa bàn quận để có biện pháp hỗ trợ cụ thể, thiết thực. Theo đó, quỹ xóa đói, giảm nghèo của quận đã hỗ trợ vốn cho 1.766 lượt hộ nghèo vay với tổng số tiền hơn 18 tỷ đồng. Quỹ việc làm quốc gia trợ vốn cho 280 hộ với số tiền hơn 5 tỷ đồng, giải quyết được 400 lao động có việc làm. Quỹ hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi đã giải ngân cho 190 hộ vay với số tiền 3 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 350 lao động. Quỹ cho hộ nghèo vay của Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân cho 636 hộ nghèo với số tiền hơn 13,708 tỷ đồng...
Như vậy, tính chung toàn Thành phố, bước đầu đã hoàn thành tiến độ giảm nghèo giai đoạn 3 trước hai năm so với kế hoạch. Nhiệm vụ đặt ra cho Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới cần có sự thống nhất cao và thực hiện đồng bộ các giải pháp can thiệp chính sách trên các lĩnh vực tạo việc làm và bảo trợ xã hội, nhà ở và dạy nghề, các dịch vụ giáo dục và y tế... để giảm nghèo bền vững.
Triển khai thực hiện mô hình giảm nghèo đa chiều
Giảm nghèo đa chiều là một cách tiếp cận mới đang được nhiều nước áp dụng. Mới đây, Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) đã chọn Thành phố Hồ Chí Minh là nơi thí điểm tổ chức mô hình giảm nghèo đa chiều. Theo đó, tình trạng nghèo được xây dựng với nhiều chiều dựa theo thu nhập, giáo dục, y tế, tiếp cận hệ thống an sinh xã hội, chất lượng và diện tích nhà ở, dịch vụ nhà ở, tham gia các hoạt động xã hội, an toàn xã hội.
Từ năm 2014, Thành phố sẽ áp dụng chuẩn nghèo mới cho chương trình “Giảm nghèo, tăng hộ khá” với mức chuẩn nghèo dự kiến sẽ được nâng lên 16 triệu đồng/người/năm. Tất cả các chính sách của Thành phố tập trung dành cho hộ nghèo và cận nghèo như y tế, giáo dục, giới thiệu việc làm, học nghề, cho vay vốn, nâng cấp nhà cửa... tiếp tục được thực hiện trong giai đoạn 2014 - 2015 và những năm sau đó. Trong hai năm 2014 - 2015, Ủy ban nhân dân Thành phố dự kiến sẽ huy động hơn 7.000 tỷ đồng, phấn đấu đạt tốc độ giảm nghèo bình quân mỗi năm khoảng 2,5% cho mục tiêu giảm hộ nghèo còn dưới 3% vào năm 2015.
Phương án giảm nghèo đa chiều sẽ là một giải pháp hữu hiệu cho công tác giảm nghèo bền vững và tăng nhanh hộ khá. Bởi những người nghèo không chỉ thu nhập bình quân thấp mà còn thiếu hụt ít nhất một trong những nhu cầu xã hội như giáo dục, y tế, an sinh xã hội, nhà ở, dịch vụ cơ bản tại nơi ở, lương thực thực phẩm... Với góc tiếp cận đa chiều như vậy, giải pháp cho vấn đề này đòi hỏi cần phải có sự nhất quán cao và bổ sung lẫn nhau giữa các biện pháp can thiệp chính sách, ở các lĩnh vực như tạo việc làm, bảo trợ xã hội, nhà ở và dạy nghề, các dịch vụ giáo dục và y tế...
Để triển khai mô hình giảm nghèo đa chiều hiệu quả, trước mắt trong hai năm 2014 - 2015, Thành phố Hồ Chí Minh chọn các Quận 6, 11, Tân Phú và huyện Bình Chánh làm thí điểm. Đây là 4 quận, huyện đầu tiên của Thành phố cũng như của cả nước được lựa chọn để thực hiện giảm nghèo đa chiều. Công tác giảm nghèo đa chiều tại 4 quận, huyện trên sẽ được đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng trên toàn địa bàn Thành phố từ năm 2016.
Chưa bền vững, còn phải quyết liệt hơn nữa
Bên cạnh những mặt đạt được, công tác giảm nghèo trên địa bàn Thành phố vẫn còn một số khó khăn như: hiệu quả giảm nghèo chưa thật sự ổn định, bền vững, nguy cơ tái nghèo cao. Một thực tế cho thấy, tốc độ giảm nghèo nhanh một phần do tác động khách quan bởi yếu tố trượt giá cao, đẩy thu nhập của người nghèo tăng lên. Mức 12 triệu đồng hiện nay chỉ bằng 7,2 triệu đồng vào năm 2009. Vì thế, dù các hộ thoát nghèo nhưng thực tế chất lượng cuộc sống chưa có nhiều chuyển biến. Đặc biệt, trong số hộ cận nghèo của Thành phố, có đến 80% số hộ có thu nhập từ 12 - 14 triệu đồng/người/năm, thu nhập chỉ cao hơn chuẩn nghèo hiện nay một chút nên nguy cơ tái nghèo cao.
Một con số đáng lưu ý, với 21.000 hộ nghèo và 110.000 hộ cận nghèo, nghĩa là Thành phố có khoảng 131.000 hộ (tương đương 7,2% tổng số hộ dân Thành phố) vẫn còn khó khăn trong thời buổi “bão giá”. So với hơn 152.000 hộ nghèo (8,4%) vào năm 2009 thì sau 5 năm, Thành phố chỉ thực sự giảm nghèo an toàn được… hơn 1% tổng số hộ dân.
Giai đoạn 2014 - 2015, Thành phố sẽ áp dụng chuẩn nghèo mới với 16 triệu đồng/người/năm và Thành phố lại có khoảng 130.000 hộ nghèo. Với tổng số hộ khó khăn chỉ thấp hơn năm 2009 một chút như thế, cho thấy đa số người vừa thoát nghèo sẽ rất dễ tiếp tục quay lại diện nghèo.
Trong khi đó, một bộ phận người nghèo không hết nghèo mà chỉ… dịch chuyển từ nơi này sang nơi khác. Tại Quận 6, khoảng 800 hộ nghèo (trong tổng gần 4.500 hộ nghèo) sang tái định cư ở quận, huyện khác, đã “giúp” Quận 6 giảm bớt số lượng hộ nghèo. 265 hộ nghèo ở quận Bình Thạnh dịch chuyển đi nơi khác, đời sống ra sao, địa phương không nắm được.
Giải pháp, kiến nghị hiện thực hóa giảm nghèo đa chiều
Tình hình tăng dân số cơ học ở Thành phố đang phát sinh một bộ phận người nghèo nhập cư nhưng chương trình giảm nghèo Thành phố chưa có điều kiện theo dõi quản lý và hỗ trợ trực tiếp, do chỗ ở không ổn định. Theo Cục Thống kê Thành phố, người tạm trú chi ít cho giáo dục và y tế nhưng lại tốn một phần lớn tiền cho việc thuê nhà ở và hơn 62% đang phải sống trong những căn nhà chật chội. Đáng chú ý, người không hộ khẩu có khoảng cách lớn trong việc tham gia các tổ chức chính trị - xã hội và hoạt động xã hội. Điều này cho thấy, họ chưa được hòa nhập với cộng đồng xung quanh hoặc chưa được chú ý nhiều trong các hoạt động xã hội.
Theo Ban Chỉ đạo Chương trình Giảm nghèo, tăng hộ khá Thành phố Hồ Chí Minh, người nghèo tạm trú (KT3) từ 6 tháng trở lên theo quy định sẽ được đưa vào danh sách chăm lo của chương trình giảm nghèo. Tuy nhiên, thực tế các quận, huyện cho biết, gần như không có hoặc rất ít người diện KT3 được thụ hưởng các chính sách. Vì thế, trong Chương trình giảm nghèo đa chiều, điểm nổi bật là Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có các chính sách bao phủ cả diện tạm trú và người lao động ở khu vực không chính thức, nhằm bảo đảm sự tiếp cận các dịch vụ cơ bản bình đẳng giữa các nhóm dân cư, góp phần giảm nghèo bền vững./.
Một vài suy nghĩ về cuộc lấy phiếu tín nhiệm lần thứ hai của Quốc hội  (05/12/2014)
Giáo dục truyền thống trong quân đội đáp ứng nhiệm vụ cách mạng hiện nay  (05/12/2014)
Giáo dục truyền thống trong quân đội đáp ứng nhiệm vụ cách mạng hiện nay  (05/12/2014)
Việt Nam đăng cai Hội nghị hợp tác thanh niên Việt Nam - Lào - Campuchia  (05/12/2014)
Việt Nam luôn ghi nhớ đóng góp của các cựu chiến binh Xô Viết  (04/12/2014)
Việt Nam luôn ghi nhớ đóng góp của các cựu chiến binh Xô Viết  (04/12/2014)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay