TCCSĐT - Ngày 27-11-2014, tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ), Hội đồng WTO đã đạt được gói ba quyết định phá vỡ thế bế tắc.

Báo động nạn buôn bán trẻ em gia tăng trên toàn cầu

Ngày 24-11-2014, trong báo cáo mới nhất về nạn buôn người trên toàn thế giới trong năm 2014, Văn phòng Liên hợp quốc về phòng, chống tội phạm và ma túy (UNODC) cho biết ở một số khu vực như châu Phi và Trung Đông, tình trạng buôn người đã trở thành vấn nạn lớn khi trẻ em chiếm tới 62% trong số các nạn nhân, chủ yếu là các bé gái. Trong khi đó, buôn bán người cho lao động cưỡng bức, làm việc trong các ngành gia công và xây dựng, dệt may, cũng tăng đáng kể trong 5 năm qua. Khoảng 35% số nạn nhân của buôn bán cho lao động cưỡng bức là phụ nữ. Cũng theo tổ chức trên, trên thế giới có khoảng 510 đường dây buôn bán người và ít nhất 152 quốc gia có nạn nhân rơi vào tay các nhóm tội phạm buôn người.

Theo ông I-u-ri Phê-đô-tốp (Yury Fedotov), Giám đốc điều hành UNODC, các số liệu được thống kê trong báo cáo mới chỉ là những trường hợp được đưa ra ánh sáng và do đó chỉ phản ánh một phần thực tế. Trước thực trạng này, ông I. Phê-đô-tốp nhấn mạnh mỗi quốc gia cần phải áp dụng Công ước Liên hợp quốc chống tội phạm có tổ chức xuyên biên giới và nghị định thư, cam kết thực hiện đầy đủ các điều khoản của công ước.

Cải thiện chính sách và đa dạng hóa cấu trúc kinh tế - giải pháp thoát nghèo cho các nước kém phát triển nhất

Ngày 27-11-2014, Liên hợp quốc đã hối thúc các quốc gia kém phát triển nhất thế giới (LCDs) thực hiện những cải cách lớn trong chính sách nhằm cải thiện và đa dạng hóa cấu trúc kinh tế. Trong báo cáo hằng năm của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), Liên hợp quốc nhận định trong những năm qua, các nước kém phát triển đã giành được thành tựu về kinh tế - xã hội nhờ vào việc tăng giá xuất khẩu cũng như các nguồn viện trợ từ bên ngoài. Tuy nhiên, báo cáo của UNCTAD nêu bật thực trạng tỷ lệ nghèo tại các nước này vẫn ở mức cao khi gần một nửa dân số của LCDs vẫn sống trong cảnh bần cùng và khoảng 30% người dân bị suy dinh dưỡng. Việc tiếp cận với các nhu cầu thiết yếu trong đời sống cũng khó khăn đối với người dân ở những nước này khi gần 30% dân số không được sử dụng nước sạch và 70% dân số không tiếp cận được các cơ sở vệ sinh.

Ngoài ra, báo cáo cũng nhận định các nước LCDs, đặc biệt những nước ở châu Phi, không có sự đầu tư phù hợp cho các lĩnh vực thu hút nhiều nhân công như chế tạo và công nghệ cũng như không chú trọng hiện đại hóa lĩnh vực nông nghiệp, khiến tỷ lệ thất nghiệp và nghèo đói cao.

Trước thực tế này, báo cáo hối thúc các nước LCDs cần triển khai các biện pháp cải tổ cấu trúc kinh tế, đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực thu hút lao động như sản xuất và chế tạo quy mô lớn, hiện đại hóa nông nghiệp và đa dạng hóa kinh tế nông thôn. Báo cáo cũng viện dẫn kinh nghiệm cải cách kinh tế của 4 quốc gia đang phát triển là Việt Nam, Trung Quốc, Chi-lê và Mô-ri-ti-ú để các quốc gia LCDs có thể học hỏi hướng tới đạt được các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs).

WTO phá vỡ thế bế tắc trong triển khai Thỏa thuận Ba-li

Ngày 27-11-2014, tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ), Hội đồng WTO đã đạt được gói ba quyết định phá vỡ thế bế tắc. Thứ nhất, đưa Thỏa thuận tạo thuận lợi cho thương mại (TFA) có hiệu lực ngay sau khi được ít nhất 2/3 trong tổng số 160 nước thành viên WTO phê chuẩn, theo đó, các nước thành viên WTO sẽ cắt giảm các rào cản hành chính trong thông quan hàng hóa. Thứ hai, WTO sẽ không áp dụng biện pháp trừng phạt khi các nước trợ giá hàng nông nghiệp bổ sung để xây dựng và tăng dự trữ lương thực quốc gia. Đây chính là bất đồng chủ chốt khiến TFA bị trì hoãn triển khai theo kế hoạch vào tháng 7-2014, mặc dù đã được thông qua từ tháng 12-2013 tại Hội nghị bộ trưởng WTO ở Ba-li (In-đô-nê-xi-a). Tại Giơ-ne-vơ, đại diện các thành viên WTO cũng nhất trí sẽ nỗ lực tìm ra giải pháp lâu dài cho vấn đề này từ nay cho đến tháng 12-2015. Quyết định thứ ba bật đèn xanh cho việc nối lại công tác soạn thảo Chương trình giải quyết các vấn đề tồn đọng của Chương trình nghị sự Đô-ha trước tháng 7-2015.

Gói quyết định ngày 27-11 tại Giơ-ne-vơ về thực hiện Thỏa thuận Ba-li mở ra triển vọng khai thông Vòng đàm phán Đô-ha về tự do hóa thương mại toàn cầu, giúp hạ thấp đáng kể các chi phí hải quan. Theo đánh giá của giới phân tích, thực hiện Thỏa thuận Ba-li có thể giúp thu nhập của thế giới tăng thêm 1.000 tỷ USD và tạo ra khoảng 21 triệu việc làm, trong đó 18 triệu việc làm ở các nước đang phát triển.

Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 15

Ngày 30-11-2014, Hội nghị cấp cao các nước có sử dụng tiếng Pháp lần thứ 15 tại Đa-ca (Xê-nê-gan) đã kết thúc với việc thông qua Tuyên bố Đa-ca và nhiều nghị quyết quan trọng. Với chủ đề “Phụ nữ và thanh niên trong Cộng đồng Pháp ngữ: động lực của hòa bình, chủ thể của phát triển”, trong hai ngày làm việc, các nhà lãnh đạo tập trung thảo luận các biện pháp nhằm ngăn ngừa và giải quyết các cuộc khủng hoảng, xung đột trong không gian Pháp ngữ; đồng thời, tăng cường vai trò của phụ nữ và thanh niên trong mọi mặt của đời sống xã hội. Các nhà lãnh đạo cũng cam kết tiếp tục thúc đẩy vai trò và vị thế của Cộng đồng Pháp ngữ trên trường quốc tế, tăng cường sự đóng góp của Cộng đồng vào những vấn đề quan tâm chung của cộng đồng quốc tế, như chống khủng bố, biến đổi khí hậu, dịch bệnh Ê-bô-la. Một điểm mới nổi lên tại Hội nghị cấp cao lần này là các nhà lãnh đạo chủ trương thúc đẩy hợp tác kinh tế trong không gian Pháp ngữ.

Kết thúc hội nghị, các vị đứng đầu Nhà nước và Chính phủ các nước thành viên đã thông qua nhiều văn bản quan trọng mang tính định hướng cho các hoạt động của Cộng đồng Pháp ngữ trong thời gian tới, từ các lĩnh vực hòa bình, an ninh, đa dạng ngôn ngữ và văn hóa, giáo dục, đến hợp tác kinh tế, phát triển bền vững, như Tuyên bố Đa-ca, Khung chiến lược hợp tác Pháp ngữ giai đoạn 2015 - 2022, Chiến lược thanh niên Pháp ngữ. Đặc biệt, Hội nghị đã thông qua Chiến lược kinh tế Pháp ngữ, tạo cơ sở cho các hoạt động thúc đẩy hợp tác kinh tế trong không gian Pháp ngữ thời gian tới. Hội nghị cũng đã thông qua 9 nghị quyết về tình hình khủng hoảng, xung đột ở một số nước và khu vực, chống khủng bố, giáo dục và đào tạo, đa dạng văn hóa, du lịch, y tế, dịch bệnh Ê-bô-la./.